Trồng các biện pháp đã nêu biện pháp nào là quan trọng nhất vì sao

TỪ CHIẾN LƯỢC “TRỒNG NGƯỜI” TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH SUY NGHĨ VỀ VAI TRÒ CỦA NHÀ GIÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

                                                                                         Đoàn Nam Chung

“Vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. Thật vậy, để xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh hùng cường chúng ta cần có những con người xã hội chủ nghĩa “Vừa hồng, vừa chuyên” nói rộng ra đó thực chất chính là hai mặt đức và tài trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chăm lo, bồi dưỡng cho thế hệ sau được Hồ Chí Minh xác định là “chiến lược” chứ không phải là “sách lược” tạm thời. Việt Nam sẽ không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội nếu không có được chiến lược giáo dục - đào tạo, phát triển con người toàn diện trong đó nhà giáo đóng vai trò chủ đạo.

1. Chiến lược “trồng người” trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh chẳng những là một chính trị gia tài ba mà còn là một nhà văn hóa lớn, nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn mong muốn biến khát vọng và chủ trương của các thế hệ cha anh về “khai dân trí” thành hiện thực. Vì vậy, sau cách mạng Tháng Tám Hồ Chí Minh xác định “chống giặc dốt” là nhiệm vụ quan trọng trong sáu nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ. Với tinh thần “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Và với mục tiêu của chiến lược “trồng người” lúc bấy giờ là “dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”.

http://www.tuyenquang.gov.vn/Data/Upload/images/bho.jpg

Cho nên, thực hiện chiến lược “trồng người” theo Hồ Chí Minh gồm những nội dung sau:

Một là, phải đào tạo được những người có đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có ý thức làm chủ, có tinh thần tập thể, có tư tưởng mình vì mọi người, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không tham ô, tham những, lãng phí, quan liêu.

Hai là, phải đào tạo ra những con người có đạo đức và lối sống xã hội chủ nghĩa: trung với nước, hiếu với dân, thương yêu con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Có tinh thần quốc tế trong sáng, có lối sống lành mạnh, trong sáng.

Ba là, phải đào tạo ra những người có tác phong xã hội chủ nghĩa: có ý chí học hỏi, cầu tiến bộ, làm việc có kế hoạch, có biện pháp, có quyết tâm, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất, chất lượng hiệu quả lao động: lao động quên mình, không sợ khó, không sợ khổ, làm việc vì lợi ích của xã hội, tập thể và bản thân mình.

 "Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được. Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp”. Đó là những con người phải nhạy bén với cái mới, biết vận dụng nó vào thực tế công tác để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả “phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị”.

Bốn là, đào tạo ra những người có năng lực để làm chủ: bản thân, gia đình và công việc mình đảm nhiệm, có đủ sức khỏe và tư cách tham gia làm chủ nhà nước và xã hội, thực hiện có kết quả quyền công dân: phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học - công nghệ, chuyên môn nghiệp vụ để làm chủ.

Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu trong giáo dục đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau cần hướng người được giáo dục tránh xa ba sự ham muốn đó là ham muốn về tiền tài, danh vọng và quyền lực, Người còn cho rằng "phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị, chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”.

Trên cơ sở đóa, Hồ Chí Minh đưa ra biện pháp thực hiện chiến lược “trồng người”. Đó là:

Thứ nhất, giáo phải hướng đến mục tiêu đào tạo ra những công dân có ích cho xã hội, phải làm cho người học phát triển hoàn toàn những năng lực có sẵn trong bản thân.

Thứ hai, nội dung giáo dục phải hướng đến con người phát triển toàn diện cả “đức” lẫn “tài” cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Người nói: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Con người được giáo dục toàn diện theo Hồ Chí Minh, đó là con người phải có đạo đức cách mạng, có lý tưởng sống, có quan hệ đúng mực với mọi người xung quanh, có kỹ năng sống, có tri thức, có sức khỏe… Đó là con người phát triển toàn diện trên các mặt: văn - đức - thể - mỹ. Đây là những nội dung giáo dục hết sức căn bản, gắn bó chặt chẽ, làm nền tảng cho sự phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Thứ ba, trong giáo dục, vai trò của người thầy là truyền thụ kiến thức, hướng dẫn cách học cho người học. Những người thầy giáo, cô giáo được Hồ Chí Minh ví như những chiến sĩ xung kích trên mặt trận giáo dục. Vì vậy, để hoàn thành tốt những nhiệm vụ vẻ vang ấy, theo Hồ Chí Minh, mỗi thầy cô giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của người giáo viên. Người nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”, về đạo đức thì người giáo viên: “Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc" nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”, và đặc biệt người giáo viên phải luôn yêu trò, yêu nghề: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình”, “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình”. Với việc xây dựng đội ngũ giáo viên như vậy sẽ là một nhân tố quan trọng quyết định sự thành công trong chiến lược “trồng người”. Với một nền giáo dục mới, gắn mục tiêu đào đạo với việc phát huy năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người, với nội dung giáo dục toàn diện, phương pháp học tập tích cực, Hồ Chí Minh tin rằng sớm muộn gì các em học sinh - những chủ nhân tương lai của nước nhà, sẽ đưa Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”. Yêu thương, quý trọng con người, thấy được sức mạnh tiềm ẩn to lớn trong con người, Hồ Chí Minh không chỉ đề ra chiến lược “trồng người” nhằm chăm lo, bồi dưỡng, để con người có điều kiện phát triển toàn diện, phát huy hết sức mạnh về vật chất và tinh thần của mình vào thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng xã hội mới, mà Người còn chỉ ra các biện pháp để thực hiện thành công chiến lược đó. Trong các biện pháp mà người đưa ra thì giáo dục - đào tạo là biện pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công chiến lược “trồng người”. Thực hiện chiến lược “trồng người” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một chiến lược để hướng đến “lợi ích kép”, đó là “nhằm tiến đến mục tiêu xây dựng đất nước, kết hợp với việc giải phóng và phát triển con người”.

2. Vai trò của nhà giáo ở Việt Nam hiện nay

Trong suốt cuộc đấu tranh trường kỳ giữ nước và dựng nước, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy, Bác Hồ đã nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh húng vô danh”.Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “ Nghề dạy học là một nghề cao quí... nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo... vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII khẳng định đội ngũ giáo viên giữ vai trò quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh. Vai trò của nhà giáo ở  Việt Nam trong thời đại ngày nay được thể hiện một cách cụ thể ở những nội dung sau:

- Nhà giáo là những người làm công tác giáo dục và đào tạo các thế hệ học sinh, sinh viên tương lai của dân tộc, của đất nước.

Nelson Mandela “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”. Thật vậy, trong quá trình giáo dục - đào tạo nhà giáo là những người trực tiếp giáo dục đào tạo thế hệ sau theo đúng mục đích giáo dục. Họ có trách nhiệm truyền đạt cho thế hệ sau hệ thống tri thức khoa học, và kỹ năng, kỹ xảo lao động nghề nghiệp, truyền bá những lý tưởng và đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, đào luyện thế hệ sau thành những lớp người có ích cho đất nước. Nền văn hoá của nhân loại và dân tộc chỉ được bảo tồn và phát triển thông qua sự lĩnh hội và sáng tạo của thế hệ trẻ. Muốn cho sự lĩnh hội đó được đầy đủ, chính xác, muốn cho nền văn hoá đó biến thành những cơ sở trọng yếu để xây dựng nhân cách cho người học thì bản thân họ phải được rèn luyện theo phương thức đặc biệt - phương thức giáo dục nhà trường thông qua vai trò người thầy (nhà giáo).

- Nhà giáo là những người có nhiệm vụ tìm hiểu người học và môi trường giáo dục để hình thành phương pháp dạy học và giáo dục phù hợp. Nhà giáo phải là những người biết phải biết sử dụng các phương pháp thu thập, xử lý thông tin trong việc tìm hiểu người học (về thể chất, tâm lý, đạo đức, quan hệ xã hội, khả năng học tập,v.v..), để sử dụng kết quả tìm hiểu đó nhằm phân loại và lập hồ sơ cá nhân học sinh; biết sử dụng các phương pháp thu thập, xử lý thông tin trong việc tìm hiểu đặc điểm và tình hình hoạt động của tập thể lớp và sử dụng kết quả tìm hiểu đó để xây dựng một tập thể đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đồng thời, phải sử dụng các phương pháp thu thập, xử lý thông tin trong việc tìm hiểu môi trường nhà trường và môi trường gia đình, sử dụng kết quả tìm hiểu đó vào quá trình giáo dục, dạy học nhằm đạt được mục đích đề ra.

- Nhà giáo là những người có năng lực dạy học môn học trong chương trình giáo dục để phối kết hợp với nhà trường (cơ sở giáo dục) lập kế hoạch dạy học; từng bước thực hiện kế hoạch bài học: vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học hợp lý theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo ở học sinh - sinh viên, thực hiện phân hóa, cá nhân hóa và rèn luyện kỹ năng học tập cho các em; sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông.  Cùng với việc triển khai bài giảng khoa học, người giáo viên phải có kiến thức, kỹ năng về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng và công khai, khích lệ học sinh vươn lên đạt thành tích tốt hơn; biết xây dựng hồ sơ dạy học một cách khoa học và sử dụng có hiệu quả vào quá trình dạy học học sinh. Đồng thời, Nhà giáo là những người phải có năng lực giáo dục nhằm phát triển toàn diện nhân cách học sinh, biết thực hiện giáo dục qua giảng dạy môn học, gắn nội dung dạy học với thực tiễn cuộc sống; biết tổ chức và phát triển tập thể lớp trở thành một tập thể lành mạnh, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, có phương pháp và kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, biết giáo dục học sinh, sinh viên cá biệt trong tập thể lớp, biến những học sinh, sinh viên cá biệt cá biệt thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

Song song với việc truyền đạt tri thức, nhà giáo còn là những chuyên gia giáo dục đạo đức nhân cách cho người học bằng chính đạo đức và nhân cách của mình, nên học phải là những người có phẩm chất chính trị tốt, thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ công dân và có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh làm tấm gương cho người học noi theo. Bên cạnh đó, nhà giáo cần có tinh thần tận tụy, có trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục và tâm huyết với nghề. Điều này thể hiện qua ý thức học tập và rèn luyện không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn và hoàn thiện nhân cách nhà giáo; có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm của nhà giáo, để đáp ứng những đòi hỏi của quá trình giáo dục.

Ngày nay, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, vai trò của nhà giáo nói chung có sự thay đổi không đơn thuần là người truyền thụ kiến thức, mà là người hỗ trợ hướng dẫn tìm chọn và xử lý thông tin: “ Phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ”. Song, vị trí của nhà giáo hoặc là không đổi, hoặc là được nâng cao hơn so với trước đây, nếu nhà giáo thoả mãn được những đòi hỏi của thời đại mới.

3. Một số gợi ý nhằm phát huy vai trò của nhà giáo hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ nhà giáo trong xã hội mới, coi họ là lớp người vẻ vang của đất nước, vì nếu “ không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Từ đó Hồ Chí Minh chỉ rõ: vấn đề then chốt, quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh… hay như cố tổng bí thư Lê Duẩn nhận xét: “Đảng và nhân dân ta giao phó việc dạy dỗ con em mình cho các giáo viên, cũng là phó thác cho họ sứ mệnh đào tạo thế hệ tương lai cho cả dân tộc ta”.  Song để phát huy được vai trò của nhà giáo trong giai đoạn hiện nay, cần:

- Có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình”. Đây là những quan điểm đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về giáo dục, đào tạo. Rất tiếc, lâu nay chúng ta quán triệt và thực hiện tinh thần này chưa thực sự tốt. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích thực sự đối với đội ngũ nhà giáo thông qua chế độ đãi ngộ xứng đáng. Bời, nghề giáo là một nghề đòi hỏi rất cao, không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn về đạo đức, tư cách, sự đầu tư thời gian, công sức. Lao động sư phạm là lao động đặc biệt, vừa là lao động khoa học vừa là lao động nghệ thuật.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý; bố trí, sắp xếp sử dụng hợp lý; đánh giá có hiệu quả, thực chất đội nhà giáo. 

Đây là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ, giúp cho cơ quan quản lý đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giáo viên, là cơ sở để xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và có kế hoạch bố trí, sử dụng cho phù hợp. Muốn vậy, các cấp ủy, ban giám hiệu, các trường cần thường xuyên giáo dục, động viên mỗi giáo viên phát huy tinh thần tự quản, tự tu dưỡng rèn luyện bản thân cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, khả năng phát triển nghề nghiệp, năng lực sư phạm, năng lực quản lý, tác phong công tác, đề cao lòng tự tôn nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội, sự kỳ vọng của người học.

- Nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng về mọi mặt cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp. Trong điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, đội ngũ giáo viên cơ bản đã đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày một nâng lên, song việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng về mọi mặt cho đội ngũ là giải pháp căn bản trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên hướng tới mục tiêu đạt chuẩn nghề nghiệp vẫn là một yêu cầu cấp bách. Quá trình triển khai thực hiện giải pháp không thể tách rời giữa hai khâu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên với tự đào tạo, tự bồi dưỡng của từng giáo viên, trong đó tự đào tạo, tự bồi dưỡng có vai trò quyết định, vì chất lượng đội ngũ giáo viên chính là thương hiệu, bộ mặt của mỗi nhà trường, của cả ngành giáo dục.

- Đổi mới, sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm và nâng cao chất lượng tuyển sinh vào ngành sư phạm, đẩy mạnh truyền thông về xây dựng đội ngũ giáo viên…

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1997), Văn kiện Hội nghị lần thứ 2, BCHTW khoá 8, NXBGD Chính trị quốc gia, HN.