Cách nấu bánh canh chả cua Huế

Huế có ti tỉ món ngon liên quan đến bánh canh, thế nhưng Bánh canh cua lại là một trong những món ăn được mọi người yêu thích bậc nhất. ‘Hoa hậu’ trong từng tô Bánh canh cua chính là viên chả cua với nguyên liệu cầu kì hơn cả là điều giúp cho món ăn bình dị này nhận được nhiều sự yêu mến của mọi người khắp chốn xa gần. Hôm nay hãy cùng theo chân MIA.vn khám phá một tô Bánh canh cua có gì đặc biệt mà ai cũng thích nhé.

Bánh canh nói chung hay Bánh canh cua nói riêng là món ăn thường được người dân Huế lựa chọn vào bữa sáng hoặc vào những bữa tối muộn. Những tô Bánh canh cua khi dọn ra cho thực khách vẫn còn nghi ngút khói cùng hương thơm quyến rũ đã thật sự là ‘thỏi nam châm’ níu giữ biết bao trái tim của thực khách trong hành trình khám phá Huế mộng mơ. 

Xem thêm: Cơm hến - Từ món ăn nhà nghèo đến tinh hoa ẩm thực xứ Huế

Rong ruổi khắp mọi nẻo đường xa gần tại cố đô vào một ngày nắng đẹp, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp vô vàn những nơi bán món Bánh canh cua hấp dẫn này, từ cửa hiệu lớn với ánh đèn sáng rực hoặc chỉ giản đơn là những gánh hàng rong cùng những ghế xúp ngồi ăn vội bát bánh canh bên vệ đường. Dường như trọn vẹn phong thái bình dị, giản đơn của người dân Huế từ biết bao đời nay đã gói gọn lại bằng một tô Bánh canh cua với màu đỏ au hấp dẫn. Mọi người còn hay đùa vui với nhau rằng, có khi ngồi xì xụp húp vội miếng nước lèo, lùa nhanh vài đũa bánh ấy vậy mà ngon hơn cả những khi được ngồi chễm chệ trên ghế sắt và thưởng thức một bát bánh canh dưới ánh đèn điện rực rỡ. Thế đó, Huế bình dị thì chúng ta đã biết từ lâu, nhưng bình dị đến trong cả cách thưởng thức món ăn thì ắt hẳn chưa ai cũng có dịp nhìn thấy.

Khác với những món bánh canh khác được bày bán phổ biến khắp nơi, một bát Bánh canh cua xứ Huế đúng điệu phải được sử dụng sợi bánh canh được làm từ bột gạo. Người đầu bếp sẽ chọn lọc những hạt gạo to nhất, ngon nhất để làm. 

Gạo sau khi được xay thành bộ sẽ được nhồi cùng nước ấm để tạo thành khối bột dẻo. Kế đó, người đầu bếp sẽ mang bột đi cán thành những lớp mỏng trước khi xắt thành những sợi nhỏ, có độ dài khoảng chừng từ 10 đến 12 cm và dày khoảng 1 cm. Nhờ cách làm thủ công này nên sợi bánh canh trong tô Bánh canh cua tại Huế luôn rất mềm, có mùi thơm dễ chịu của bột gạo và không đọng lại cái hậu chua chua khi ăn như những sợi bánh canh làm từ các loại bột công nghiệp khác.

Điều làm nên sự đặc biệt của những tô Bánh canh cua được bày bán rộng khắp những con đường lớn hoặc những hẻm nhỏ nơi cố đô yên bình chính là nước dùng. Không giống như Bún bò huế, nước dùng bánh canh có vị ngọt thanh vừa phải nhưng vẫn mang đến trọn vẹn sắc hương vị cho người thưởng thức. 

Để có thể nấu được một nồi nước dùng đúng chuẩn xứ Huế nhất, người đầu bếp sẽ lựa những con cua tươi ngon vừa cập bếp, sau đó mang đi ninh trong vòng 2 tiếng để lấy nước ngọt. Phần nước luộc cua sẽ được họ gia giảm thêm các loại gia vị, cốt để tăng thêm hương vị hấp dẫn cho nồi nước lèo vốn dĩ đã rất ngon rồi. Khi nước dùng đã có được hương vị vừa vặn và trọn vẹn nhất, người đầu bếp sẽ cho sợi bánh canh vào nồi để nấu trực tiếp. Họ cũng sẽ thêm xíu bột gạo vào nước dùng để tạo độ sệt đặc trưng cho những tô Bánh canh cua. 

Khi bột chín, họ sẽ tiếp tục viên chả cua thành những viên tròn có kích thước vừa phải, sau đó thả vào nồi nước dùng. Những viên chả cua này được xem là ‘linh hồn’ của một tô bánh canh cua xứ Huế với mùi thơm đặc trưng cùng độ dai vừa phải trong từng thớ chả. 

Sở dĩ ví von những viên chả cua này là ‘linh hồn’ của tô Bánh canh cua là bởi vì chính cái hương vị béo ngọt, bùi bùi của thịt cua quết nhuyễn cùng giò sống, tôm và da heo, nêm nếm thêm tí gia vị và cả tiêu hột để dậy mùi hơn. Đặc biệt hơn, khác với những viên chả cua trong tô Bún bò huế, chả cua trong Bánh canh cua có phần cầu kì hơn cả. Bởi thế nên người bán luôn trộn nhiều các nguyên liệu và gia vị với nhau, cốt để viên chả có được độ ngon, thơm và đậm đà nhất.

Sau khi có người gọi món, người đầu bếp sẽ khéo léo múc những sợi bánh canh bột gạo vào to bằng một chiếc muôi ‘siêu to khổng lồ’. Với chiếc muôi này, họ chỉ cần lướt nhanh một vòng quanh nồi là đã có thể múc được trọn vẹn nào sợi bánh, nước dùng, chả cua và cả trứng cút nữa. Nghe thì có vẻ đơn giản thế thôi, nhưng mà chỉ những ai có tay nghề thoăn thoắt và nhiều năm kinh nghiệm buôn bán mới có thể múc được nhanh và uyển chuyển đến thế. Bởi nếu múc không kéo thì những sợi bánh canh dài sẽ bị rơi trở lại vào nồi, họ chỉ có thể lấy được mỗi nước dùng mà thôi. Nhưng bởi vì thả trực tiếp sợi bánh canh vào nồi nước dùng nên nếu khuấy quá nhiều lần thì sẽ khiến bánh canh bị nát, không còn ngon miệng và hấp dẫn nữa.

Chính đôi bàn tay thoăn thoắt ấy sau khi đã múc được một tô Bánh canh cua đầy ụ với đa dạng các loại nguyên liệu ăn kèm, họ sẽ tiếp tục rải lên tô bánh canh những miếng tóp mỡ giòn rụm, thêm tí ớt màu, hành, ngò và rắc thêm tí tiêu để món ăn trở nên đậm đà và hấp dẫn hơn cả. 

Với tốc độ nhanh nhẹn như thế nên khi đến tay thực khách, tô Bánh canh cua vẫn còn nóng hổi và bốc khói nghi ngút, khiến người ăn sẽ càng thêm đói bụng hơn mà thôi. Ngay từ thìa đầu tiên, bạn đã có thể cảm nhận được trọn vẹn cái vị ngọt thanh của nước dùng, vị dai dai của miếng chả cua và chút mềm của những sợi bánh canh bột gạo thủ công, hòa cùng mùi thơm của hành ngò mang đến những trải nghiệm đặc sản Huế cực kỳ hấp dẫn và đáng nhớ.

Một sự thật mà ai cũng biết đó chính là người Huế ăn cay rất siêu. Điều này có thể giải thích là do vào những ngày mùa đông, nhiệt độ tại Huế thật sự khắc nghiệt với cái lạnh căm căm nên họ thường ăn thật nhiều ớt để độ nóng có thể xua đi cái lạnh phần nào. Bởi thế nên nếu đến Huế, bạn đừng ngạc nhiên khi bất kì món ăn nào họ cũng dọn kèm với một hũ ớt ngâm siêu cay hấp dẫn nha. Chính cảm giác vừa thích thú lại đôi lúc phải dừng lại hít hà, xuýt xoa khi cắn trúng miếng ớt sẽ khiến bạn có được những phút giây thưởng thức Bánh canh cua thú vị hơn đó. À mà thi thoảng ở các quán Bánh canh cua, họ còn thường dọn kèm với bánh mì nữa. Điều này được hình thành do nếp sống khốn khó của người dân lao động tại Huế, thường thì họ sẽ chấm bánh mì với nước dùng để ăn cho chắc bụng và no lâu hơn.

Không khó để bạn có thể tìm thấy những hàng quán bán Bánh canh cua trên khắp mọi nẻo đường tại thành phố của sông Hương núi Ngự thanh bình này. Tuy đa dạng và hấp dẫn với nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng giá của một tô Bánh canh cua rất rẻ, dao động từ 10.000 VNĐ đến 20.000 VNĐ mà thôi. Nếu muốn thưởng thức một tô Bánh canh cua ngon đúng chuẩn, tham khảo ngay list dưới đây của MIA. vn nha.

Quán Bánh canh cua O Bướm, dưới chân cầu Gia Hội, thành phố Huế

Quán Bánh canh cua đường Nguyễn Khuyến, đối diện Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế

Bánh canh đường Phạm Hồng Thái, thành phố Huế

Một bát Bánh canh cua nóng hổi với vị ngọt thanh của nước dùng, chút dai dai của chả cua và cay nồng của ớt ngâm chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ trong hành trình về xứ Huế sông Hương núi Ngự. Nếu có dịp đến đây, nhất định phải thưởng thức Bánh canh cua bạn nhé!