Tại sao cần tổ chức hoạt động đền on đáp nghĩa ở Hưng Yên

(Dân sinh) - Trong những ngày tháng 7 lịch sử, hòa chung không khí tri ân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) của cả nước, tỉnh Hưng Yên cũng đang sôi nổi tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, giúp đỡ các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, trở thành một nét đẹp trong đời sống xã hội như: Phong trào phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sỹ, xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây mới và sửa chữa nhà tình nghĩa... Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa cử thiêng liêng cao đẹp của dân tộc ta nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ và những người đã cống hiến hy sinh một phần xương máu của mình để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tại sao cần tổ chức hoạt động đền on đáp nghĩa ở Hưng Yên

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thanh ở xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên.

Thống kê hiện nay, tỉnh Hưng Yên đang chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 23.102 người có công với tổng kinh phí khoảng 43,5 tỷ đồng/tháng, trong đó có 14.242 người có công, 8.860 thân nhân của người có công, bao gồm 26 lão thành cách mạng và 20 cán bộ tiền khởi nghĩa; 5 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; 38 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 6.197 thương binh; 4.389 bệnh binh; 4.407 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 456 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.

Bên cạnh việc quan tâm đến đời sống của thương binh, bệnh binh và các gia đình chính sách, tỉnh tập trung giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh cho các lão thành cách mạng, liệt sĩ, thương binh, nạn nhân nhiễm chất độc hóa học, thanh niên xung phong; xét miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên là con thương binh, bệnh binh; thực hiện các chính sách ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, đào tạo nghề... 

Nhờ đó đến nay, 100% số gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến suốt đời; 100% xã, phường làm tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa". Các chính sách ưu đãi của tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều thương, bệnh binh vươn lên thoát nghèo trở thành những tấm gương trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Thiết thực kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch tổ chức với nhiều hoạt động kỷ niệm ý nghĩa, thiết thực. Tỉnh xác định đây là dịp để tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng, thông qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. 

Đồng thời, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực trong xã hội chăm sóc người có công với cách mạng. UBND tỉnh cũng yêu cầu, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ phải được tổ chức trang trọng, hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích, tránh phô trương hình thức, lãng phí và gắn chặt với việc thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19.

Theo đó, các nội dung kỷ niệm được tỉnh Hưng Yên tập trung thực hiện bao gồm: Tuyên truyền việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Tuyên truyền các tấm gương điển hình, những tấm lòng nhân ái, đạo đức nhân văn trong việc chăm lo, giúp đỡ gia đình người có công, gia đình chính sách và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; những tấm gương người có công làm kinh tế giỏi, gương mẫu trong gia đình và xã hội; thông tin về kết quả thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, các huyện/thị xã/thành phố; đi sâu phổ biến chính sách mới của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020, giải đáp chế độ chính sách về lĩnh vực người có công với cách mạng.

Cùng với đó, tập trung tổ chức triển khai thực hiên Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020. Tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, đúng đối tượng theo quy định hiện hành. Rà soát, giải quyết và thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, giải quyết kịp thời hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực người có công đúng quy định. Giải quyết cơ bản các đơn thư đề nghị, kiến nghị về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tổ chức các Đoàn lãnh đạo tỉnh đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia và các di tích lịch sử cách mạng. 

Trong công tác thăm hỏi, tặng quà, trong dịp kỷ niệm 27/7 năm nay, tỉnh Hưng Yên tổ chức 05 đoàn Lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng quà đại diện các gia đình người có công tiêu biểu; UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, thực hiện công tác thăm, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình liệt sĩ. Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện công tác thăm tặng quà tại các Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công. Ngoài phần quà của Chủ tịch nước, tỉnh cũng trích ngân sách địa phương tặng mức quà đối với người có công và gia đình liệt sĩ: 800.000 đồng/suất, gồm 500.000 đồng tiền mặt và 01 suất quà trị giá 300.000 đồng; mức quà Lãnh đạo tỉnh đến thăm tặng đại diện gia đình người có công (22 gia đình): 1.500.000 đồng/suất, gồm 1.000.000 đồng tiền mặt và 01 suất quà trị giá 500.000 đồng; mức quà tặng các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công trong và ngoài tỉnh (4 trung tâm): Tặng tiền mặt 3.000.000 đồng/trung tâm.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức các hoạt động tôn tạo, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ; tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại tất cả các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phát động phong trào ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh. Đối với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa, căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa bàn, tuyên truyền vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" bằng nhiều hình thức như: tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; giúp đỡ ngày công trong lao động sản xuất cũng như đời sống người có công với cách mạng.

Trên cơ sở đó, tỉnh Hưng Yên phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương, trong đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là đầu mối tham mưu, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương, đơn vị có nhiệm vụ: Tập trung triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020. Phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phương án phân bổ kinh phí Trung ương ủy quyền hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa mộ, nghĩa trang liệt sĩ năm 2021.

Xây dựng kế hoạch tặng quà cho người có công; tổ chức chương trình để lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà đại diện gia đình người có công đảm bảo chu đáo, kịp thời. Hướng dẫn các địa phương tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước và tỉnh đối với người có công theo quy định. Tiếp tục rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công với cách mạng theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách người có công. Tập trung triển khai công tác số hóa hồ sơ người có công với cách mạng. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm những vi phạm trong thực hiện chính sách người có công...

Với niềm tự hào về truyền thống quê hương cách mạng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công với nước, những người đã chiến đấu, hy sinh hoặc mang trên mình thương tật suốt đời vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ tích cực thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, quan tâm chăm sóc và tạo điều kiện thuận lợi nhất để gia đình chính sách có điều kiện nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống. Đồng thời khơi dậy và nhân lên những việc làm thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc.

KHÁNH VÂN

Bằng nhiều hoạt động thiết thực, phong phú, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, như: Hỗ trợ người có công (NCC) với cách mạng và thân nhân NCC về nhà ở; hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất; tạo việc làm tăng thu nhập, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC và thân nhân NCC trên toàn huyện...

Ông Hứa Đức Hùng, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (TBXH) huyện cho biết: Định Hóa là địa phương giàu truyền thống cách mạng, trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quóc và làm nhiệm vụ quốc tế, huyện có hàng nghìn người tham gia phục vụ trong quân đội và thanh niên xung phong. Toàn huyện có hơn 1.500 NCC đang hưởng trợ cấp, trong đó có 3 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 400 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 374 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…

Công tác NCC ở huyện luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân. NCC và thân nhân NCC cũng có tinh thần khắc phục khó khăn về kinh tế, sức khỏe, tích cực tham gia các phong trào. Không chỉ vươn lên thoát nghèo, nhiều gia đình trở thành hộ làm kinh tế giỏi, đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, xứng đáng với truyền thống gia đình cách mạng.

Để thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc NCC và thân nhân NCC, Định Hóa thường xuyên quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản, kế hoạch chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Các chế độ chính sách ưu đãi NCC được thực hiện hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, đúng quy định của Nhà nước.

Đặc biệt, thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác chăm sóc NCC trên địa bàn ngày càng được nâng cao.

Trong 4 năm gần đây, Định Hóa đã tổ chức thăm, tặng quà cho gần 15.500 lượt NCC và thân nhân NCC, với tổng số tiền gần 5,3 tỷ đồng; hơn 1.300 gia đình NCC được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng; 18 gia đình NCC được hỗ trợ về nhà ở từ các nguồn hỗ trợ khác, với tổng kinh phí 815 triệu đồng.

Cũng trong giai đoạn này, Định Hóa xây dựng, tu bổ, tôn tạo 5 công trình liệt sĩ với tổng kinh phí hơn 15,5 tỷ đồng.

Trên toàn huyện hiện có 26 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó 1 nghĩa trang liệt sĩ và 1 đài tưởng niệm cấp huyện; 24 đài tưởng niệm cấp xã. Vào các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7) hằng năm, ngoài tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên NCC và thân nhân NCC, chính quyền và nhân dân địa phương còn có các hoạt động vệ sinh môi trường nghĩa trang, đài tưởng niệm, tổ chức lễ cầu siêu, lễ tri ân, lễ viếng những người con ưu tú của quê hương.

Cùng quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhiều con em NCC đang theo học tại cơ sở giáo dục, đào tạo được hỗ trợ học bổng; không phải đóng góp xây dựng và học phí. Nhiều con em NCC được ưu tiên trong tuyển sinh đào tạo, học nghề.

Tại các xã, thị trấn, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm, ưu tiên, tạo điều kiện cho NCC, thân nhân NCC tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế cho NCC, thân nhân NCC.

Trong sản xuất hàng hóa hướng đến nhu cầu thị trường, NCC, thân nhân NCC tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, từng bước hình thành vùng hàng hóa. Về vốn đầu tư, nhiều hộ NCC, thân nhân NCC được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Chính vì thế mà những năm gần đây, NCC, thân nhân NCC có điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” của cán bộ, nhân dân huyện Định Hóa xuất phát từ trái tim chân thành, thương yêu, chia sẻ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố vững chắc niềm tin của NCC, thân nhân NCC vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.