Đừng mắc kẹt ở mức trung bình năm 2024

Mơ hồ làm việc, không có kế hoạch gia tăng giá trị bản thân, sau mốc 32 tuổi sẽ rất khó đột biến thu nhập.

Tôi có một đồng nghiệp năm nay 34 tuổi, một vợ hai con, lương hàng tháng theo như chia sẻ rơi vào khoảng hơn 14 triệu đồng. Sáng nào ngồi uống cà phê chung, tôi cũng thấy anh mua hai tờ vé số cầu may.

Anh chia sẻ, ở tuổi này, lương ở công ty đã tăng đến mức "hết nấc", anh ôm mộng chơi vé số với hy vọng "nếu trúng hai tờ, cuộc đời sẽ sang trang khác". Lâu ngày, tôi thấy anh xẻ đôi hy vọng, khi thay vì mua hai tờ cùng số nếu trúng được gấp đôi tiền thưởng, anh chỉ mua mỗi số một tờ với lời giải thích: Rải đều thì xác suất trúng cũng tăng lên, có nghĩa là gấp đôi niềm hy vọng.

Cũng may, anh lấy vợ thành phố, nhà ba mẹ vợ khá rộng rãi, dành hẳn một tầng cho vợ chồng con gái ở nên không phải lo về chuyện chỗ ở.

Trường hợp khác, cậu em tôi quen năm nay 27 tuổi, đi làm đã 5 năm. Mức lương từ 7 triệu tăng lên 13 triệu, nhưng không thể tăng thêm được nữa đã vô cùng lo lắng. Qua tìm hiểu, cậu ấy đang đi học thêm văn bằng hai ngôn ngữ vào buổi tối với dự định ban ngày làm chính thức công việc chuyên môn lâu nay, ban đêm sẽ xin đi dạy trung tâm để có hai nguồn thu nhập ổn định.

Người xưa đúc kết "Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc". So với thời thế hiện nay và đọc nhiều bài chia sẻ các cặp vợ chồng trẻ hỏi cách chi tiêu, vun vén khi nguồn thu nhập gia đình trên dưới hai mươi triệu đồng mỗi tháng, tôi thấy 10 năm đầu tiên đi làm, kể từ lúc tốt nghiệp đại học 22 tuổi, sẽ quyết định cuộc sống của bạn thế nào.

Sau 32 tuổi, không còn nghi ngờ gì nữa, người thăng tiến sẽ thăng tiến, người thu nhập cao sẽ tăng thêm, còn người rơi vào bẫy thu nhập trung bình - tức mức lương văn phòng trên dưới 15 triệu một tháng, sẽ khó có cơ hội đột phá. Tệ hơn, thường nhóm này cũng rơi vào cảnh mất việc, bị sa thải ở tuổi trung niên.

Dĩ nhiên, cũng có người đột phá thu nhập, chất lượng cuộc sống tăng lên, nhưng chỉ là số ít. Phần còn lại, sau mốc này đều đã quen với nhịp sống trước giờ, cảm thấy không còn động lực để tiến lên. Thêm vào đó, khoảng cách 10 năm cũng là chừng ấy lứa sinh viên mới ra trường và tham gia thị trường lao động, liệu có cạnh tranh nổi nếu chúng ta sống mơ hồ ngay từ những năm tháng đầu tiên đi làm?

Bạn là sinh viên nhưng đang kẹt lại trong quá trình tìm hiểu và xây dựng đường hướng tương lai. Bạn chưa biết mình sẽ làm gì sau khi ra trường. Bạn đang đi làm nhưng không biết sẽ tiếp tục phát triển sự nghiệp như thế nào. Bạn đang thất nghiệp và không biết phải làm gì tiếp theo. Bạn là một người bố, người mẹ vừa trải qua một khoảng thời gian dài ở nhà chăm con và cảm thấy bị kẹt lại trong chính ngôi nhà của mình.

Dù bạn đang ở trong tình trạng nào thì bài viết này cũng có thể dành cho bạn. Bởi vì giống như bạn, mình đã từng bị kẹt, kẹt rất lâu và rất nhiều lần trong đời. Trong bài viết này mình chia sẻ lại bốn điều mà bạn có thể làm để tự giải thoát bản thân.

1. Chấp nhận thay đổi là việc cần thiết

Mình không biết rõ bạn là ai và tình huống mà bạn đang bị kẹt lại cụ thể là như thế nào, nhưng mình có thể chắc chắn 100%, thậm chí là 200%, rằng điều đầu tiên bạn cần phải làm là thay đổi.

Bạn có thể cứ chịu đựng sự khó chịu, sự ngột ngạt để chờ đợi một ai đó đến và cứu bạn. Nhưng làm sao để biết chắc được bạn sẽ cần phải chờ đợi bao lâu và người đó có bao giờ đến hay không?

Nếu bạn muốn có kết quả khác thì phải hành động khác đi những gì bạn đang làm trong hiện tại.

2. Hành động “khủng”

Trong cuốn sách Sell or Be Sold, tác giả Grant Cardone có đề cập đến một khái niệm mà mình thấy rất thú vị. Đó là massive action, tạm dịch là hành động “khủng” – nghĩa là bạn dồn lực hướng đến một mục tiêu nào đó trong một khoảng thời gian nhất định. Nói cụ thể hơn là nếu bạn muốn đạt được một điều gì đó trong tương lai, chẳng hạn như thành công, thì hãy làm gấp 10 lần những gì mà bạn nghĩ là mình có thể làm trong hiện tại.

Tại sao quy luật nhân cấp 10 này có thể đảm bảo cho sự thành công của bạn? Vì nếu bạn đã vô cùng nỗ lực thì dù không đi được đến cái đích cuối cùng mà mình mong muốn thì trong hành trình đó, bạn cũng đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp khác rồi. Nó giống như ý người ta hay nói: hãy bạn nhắm mục tiêu tới Mặt Trăng, vì nếu lỡ có rơi thì cũng sẽ rơi giữa các vì sao.

Với mình, khi làm một dự án mới mà loay hoay một thời gian chưa nhìn thấy được triển vọng của nó, thay vì vội bỏ cuộc, mình sẽ thử đầu tư gấp 10 lần so với thời điểm bắt đầu đó để xem xét tiềm năng thực tế của dự án, cũng như khả năng của bản thân.

Đừng mắc kẹt ở mức trung bình năm 2024
Nguồn: Chi Nguyễn

Vào thời điểm kênh YouTube The Present Writer được lập ra, mình không phải là người đầu tiên trong giới học thuật làm nội dung giáo dục bằng tiếng Việt. Có vài người bạn của mình cũng đã thử làm trước cả mình. Khi trao đổi với họ mình cảm nhận được rằng họ rất tâm huyết với ngành giáo dục và thực sự đầu tư cho phần nội dung. Thế nhưng tụi mình cũng thẳng thắn chia sẻ với nhau rằng phần hình ảnh sáng tạo hay khả năng kể chuyện, kết nối với khán giả thường là thử thách lớn nhất.

Mình rất muốn giải quyết được nó nhưng thật sự băn khoăn vì thời điểm đó con mình còn rất nhỏ. Mình cũng vừa mới bắt đầu đi làm lại trong đúng đợt COVID nên không thể chi quá lớn cho công việc cá nhân như thế. Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng mình vẫn quyết định đầu tư máy quay, ống kính, đèn studio, sau đó thử nghiệm nhiều góc máy và dành hàng trăm tiếng đồng hồ để xem video của các YouTuber khác trong cùng chủ đề, cũng như video hướng dẫn quay phim.

Đến lúc chia sẻ video đầu tiên làm ra với các bạn khác, mình nhận được góp ý về phần nội dung, rằng nên tập trung vào cái cốt lõi để ai thấy phù hợp thì ở lại xem, chứ không nhất thiết phải quá quay dựng quá đẹp. Nếu mình cứ vừa quay, vừa dựng, vừa tự edit, rồi phát hành thì về lâu về dài, mình có thể duy trì được chất lượng đều đặn như vậy nổi không? Sự đầu tư như thế là quá lớn – Các bạn khuyên mình nên suy nghĩ lại.

Nhưng với mình thì sự đầu tư đó chưa thực sự lớn. Nó chưa đạt được mức gấp 10 lần như triết lý của tác giả Grant Cardone chia sẻ, nhưng ít nhất khi đã làm gì đó, mình luôn cố làm trong khả năng tốt nhất của mình.

Mình còn nhớ khi làm video đầu tiên, vì không có nhiều đèn, mình đã ngồi cạnh một chiếc cửa sổ và quay vào đúng 9h sáng để có ánh sáng tự nhiên tốt nhất. Khi đã đăng lên video thì có bạn nói rằng phần âm thanh có tạp âm giống tiếng gió. Xem xét lại thì mình phát hiện tiếng gió đó là tiếng hơi thở của mình phả vào microphone. Sau đó mình đã lập tức đi mua một chiếc tấm chắn gió rất rẻ thôi, chỉ vài đô la. Tức là bất kỳ khi nào mình cảm thấy rằng mình có thể làm tốt hơn và làm tốt nhất trong điều kiện của bản thân thì mình sẽ làm, chứ không nghĩ rằng phần then chốt mình đã tốt rồi thì không cần quan tâm đến những cái khác nữa.

Đến hiện tại những người bạn làm YouTube mà mình nhắc đến bên trên đa phần không còn làm nữa. Phần vì họ quá bận, phần vì kênh không thể phát triển thêm. Tức là sau 2, 3 năm làm, các bạn ấy vẫn duy trì được chất lượng nội dung, nhưng không cải thiện thêm được những phần khác. Họ (chọn) không hành động “khủng” để có kết quả bứt phá..

3. Phát triển bản thân (thay vì cứ cố gắng triển sự nghiệp)

Ít khi nào việc phát triển sự nghiệp hay tăng thu nhập lại xảy ra nhanh hơn tốc độ bạn phát triển bản thân, trừ khi bạn trúng số độc đắc – bạn có thể có số tiền lớn trong tay mà gần như không phải cố gắng tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm gì.

Thế nhưng, thực tế là tỷ lệ người trúng số độc đắc rất thấp, và có nhiều người thậm chí còn sống khổ sở hơn sau khi trúng số, Vì nếu bạn chưa sẵn sàng để có thể quản lý một số tiền lớn, hoặc một khối lượng công việc lớn và phức tạp thì khó có thể thực sự đón lấy và tận dụng được những cơ hội đưa sự nghiệp, cuộc đời của mình lên tầm mới.

Ngoài ra, việc thay đổi công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Với mỗi người, sự nghiệp thường bị chi phối bởi các yếu tố cuộc sống khác nhau. Chẳng hạn, với một người có gia đình và con còn nhỏ như mình, việc mình đổi việc hay nghỉ việc thực sự là một hành động cần nhiều cân nhắc.

Thế nên, nếu bạn đang cảm thấy mắc kẹt trong công việc, và cũng không thể thay đổi ngay được hoàn cảnh xung quanh mình thì trước tiên hãy thử tập trung vào phát triển bản thân, bằng cách đọc sách, tham gia khóa học, nói chuyện với những người có nhiều kiến thức, kinh nghiệm hơn.

4. Tạo ra sự nghiệp của riêng mình

Đây có lẽ là lời khuyên khó nhất, nhưng với mình nó là lời khuyên ý nghĩa nhất và có thể có tác dụng lâu dài nhất dành cho bạn.

Nếu bạn đang bị kẹt lại trong công việc làm thuê, làm công sở, bạn đang là học sinh, sinh viên và loay hoay không biết con đường sắp tới mình làm việc ở đâu, thì tại sao không tạo ra thế giới của riêng mình?

Khi mình làm thuê cho ai đó, sự nghiệp của mình phải phụ thuộc vào họ để mang cho mình cơ hội thăng tiến chẳng hạn thì mình sẽ không bao giờ biết giá trị thật của mình là gì. Mình không biết đồng tiền mình kiếm được có tương xứng với cái giá trị mà mình mang lại cho công ty hay không. Mình thậm chí cũng khó mà nắm chắc được tương lai của mình sẽ như thế nào. Nhưng khi bạn tự tạo thế giới riêng cho mình và luôn hành động “khủng” để có kết quả lớn thì không có gì phải sợ cả.

Nói như vậy, mình không có ý bảo bạn phải dừng ngay công việc công sở của mình. Bản thân mình cũng đang đi làm ở một trường đại học, tức là mình cũng nhận lương bình thường thôi. Thế nhưng mình có một sự nghiệp thứ hai, và mình là chủ “doanh nghiệp” ấy.

Mình vẫn còn nhớ ý tưởng lập doanh nghiệp đến với mình lần đầu tiên là khi đang đọc cuốn sách Cha Giàu Cha Nghèo của tác giả Robert Kiyosaki. Ông có nói một ý mà mình thấy rất thú vị. Mọi người thường nghĩ rằng lập ra một công ty là phải giỏi khủng khiếp lắm. Thế nhưng, thực tế mở doanh nghiệp chỉ là ký một tờ giấy pháp nhân để mình có thể làm những việc mình muốn một cách hợp pháp.

Nó cũng là thực tế mà mình đã trải qua. Sau lần xuất bản thứ nhất của cuốn sách Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản, mình muốn tự bán sách ở trên Shopee và Tiki, không thông qua nhà sách để tối ưu chi phí, cũng như đưa sách của mình đến tay bạn đọc với giá thấp nhất. Cả hai sàn giao dịch đó đều yêu cầu mình phải có giấy chứng nhận kinh doanh thì mình mới bán được.

Thế nhưng đó cũng không phải là một đòi hỏi gì quá to lớn. Mình đã đăng ký và nhận được giấy phép kinh doanh chỉ trong vòng một tuần và bắt đầu sự nghiệp riêng của mình! Khi mình có sự nghiệp riêng, không ai có thể khiến mình mắc kẹt, ngoại trừ bản thân mình.

Kết

Nhìn lại hành trình đã qua, mình rất cảm ơn bản thân đã hành động chứ không chỉ ngồi im chịu đựng sự ngột ngạt. Nếu có hành động liên tục, mình sẽ luôn có được những thay đổi đáng kể.

Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm những ý tưởng mới để thoát ra khỏi vòng an toàn hay những vòng lặp kìm kẹp bạn. Trong tương lai, ở giai đoạn nào mà bạn gặp khó khăn, bạn có thể đọc lại bài viết để có thêm động lực để thoát ra khỏi nó!