Cá ngát thường sống ở đầu

Đặc điểm: Cá Ngát (Plotosus canius) là một trong những loài cá bản sứ có giá trị cao, thịt cá thơm ngon kích cỡ lớn và có nhiều giá trị dinh dưỡng. Cá Ngát có khả năng sinh sống trên sông rạch nước lợ và cả những vùng nước ngọt.

Cá Ngát  thuộc họ cá da trơn với đuôi kéo dài giống như đuôi lươn. Đuôi của chúng nhọn hoặc tròn tù. Phần lớn có 4 râu, không có vây béo. Phần đuôi được tạo ra từ sự kết hợp của vây lưng thứ hai, vây đuôi và vây hậu môn để tạo ra một vây liên tục duy nhất.

Một số loài trong họ cá Ngát có nọc độc từ gai, khi bị đâm có thể gây ra những vết thương nguy hiểm cho con người. Chúng là các loài cá ăn đáy và thường sử dụng râu để phát hiện thức ăn. Cá Ngát có tập tính làm hang, hang cá Ngát thường rất sâu và có từ 2 đến 8 nghách. Trong mỗi hang thường có một cặp cá. Hang thường được đào ở ven bờ cách mặt nước lúc thủy triều xuống khoảng 30 cm.

Hiện nay, ngoài thị trường giá bán cá ngát từ 40.000 - 60.000 đ/kg cá thịt tùy thời điểm mùa vụ. Do vậy, cá Ngát được xem là đối tượng nuôi mới rất có triển vọng trong tương lai. Và những thành công về nhân giống đã mở ra triển vọng lớn cho nghề nuôi thủy sản ở các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong điều kiện nguồn lợi cá tự nhiên đang suy giảm do đánh bắt quá mức.

2. Sinh sản:

Mùa vụ sinh sản chính của cá Ngát là từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Cá Ngát trong tự nhiên sinh sản một lần trong năm tập trung sinh sản vào mùa mưa nhưng mùa vụ sinh sản của cá có thể kéo dài đến đầu năm sau. Cá Ngát bố mẹ có thể cho sinh sản với kích cỡ trung bình 1-1,5kg. Bãi đẻ của cá Ngát là ở vùng cửa sông, sau khi đẻ xong một phần cá con bơi ngược lên vùng nước ngọt sinh sống. Môi trường sống của cá Ngát có nồng độ muối từ 0 - 20% , pH dao động từ 6 - 7; Oxy hòa tan từ 5- 8 ppm; độ trong từ 15 - 30cm. Cá ngát sống trong nước ngọt lớn nhanh hơn cá ngát sống tại vùng nước lợ.

3. Tính ăn:

Của cá thay đổi theo kích thước cơ thể. Lúc còn nhỏ (1-3 ngày tuổi) cá dinh dưỡng chủ yếu bằng noãn hoàng, khi cá hấp thu hết chuyển sang ăn thức ăn bên ngoài nhưng chủ yếu là động vật phù du cỡ nhỏ. Ở giai đoạn cá con thức ăn gồm: giáp xác nhỏ, rotifer, phytoplankton,… Số ngày tuổi càng tăng thì tỉ lệ giáp xác nhỏ càng giảm trong khi giáp xác lớn càng tăng. Ngoài ra cá cũng có thể ăn thức ăn đáy như giun ít tơ, ấu trùng Chironomus. Cá Ngát là loài ăn tạp thiên về động vật với phổ thức ăn rộng.

4. Kỹ thuật nuôi:

Ao nuôi cá Ngát nên gần sông để dễ thay nước, ao nuôi cá Ngát cần được gia cố kỹ để tránh cá làm hang; dùng chà cây hoặc ống nhựa làm nơi trú ẩn cho cá.

Mật độ thả cá nuôi khoảng 5con/ m2. Thức ăn cho cá ngát là tép, cá vụn, hến sông, ốc bươu vàng…; cho cá ăn bằng cách rãi đều khắp ao và thường xuyên kiểm tra thức ăn bằng sàn ăn. Cá ăn mạnh về đêm, nên cho cá ăn 2 lần/ngày; cử cho ăn vào chiều tối gấp đôi cử cho ăn ban ngày. Cho cá ăn khi nước lớn (thủy triều cao), hạn chế cho ăn khi nước kém. Thời gian nuôi tùy thuộc vào kích cỡ cá thu hoạch nhưng thường kéo dài hơn 1 năm. Mùa vụ bắt đầu nuôi từ tháng 6-8, cá tăng trọng nhanh khi thức ăn được cung cấp đầy đủ và thường xuyên.

Cá Ngát nuôi sau 12 tháng đạt trọng lượng từ 1,5- 2 kg, hệ số  FCR= 4-5. Sau 2 năm, cá đạt từ 3,5- 4kg. Thu hoạch: cá Ngát thường được thu tỉa bằng cách đặt bẫy khi đủ kích thước hoặc tháo cạn bắt hết một lần, vận chuyển sống khi đem bán.

TP- Gần 80 tuổi, hơn 50 năm xuôi ngược trên sông Mê Kông, khúc sông nào ông cũng đã từng có mặt với cái nghề đặc biệt là lặn bắt cá ngát bằng tay. Ông là Hồ Văn Năm, thường được gọi là “Năm rái cá”.

Cá ngát thường sống ở đầu
Ông Hồ Văn Năm với cái vợt bắt cá ngát - Ảnh: Tùng Huyên

Lần theo con đường đất ngoằn ngoèo có hàng dừa nghiêng nghiêng bóng mát của ấp Thanh Sơn, xã Thanh Tân (Mỏ Cày, Bến Tre), tôi tìm nhà ông Hồ Văn Năm, người nổi tiếng về bắt cá ngát trên sông nửa thế kỷ nay.

Dáng người to khoẻ, cái cười thật hào sảng, ông kể về cơ duyên đưa ông đến với nghề bắt cá ngát bằng tay: “Lúc mới mười tám đôi mươi, tôi làm nghề chài lưới. Thời đó, cá tôm còn nhiều. Ban đầu, tôi chài lưới như người ta thôi, vùng vẫy ở sông Hàm Luông, xung quanh cù lao Minh, cù lao Bảo đổ ra biển Thạnh Phú.

Một lần lặn xuống gỡ lưới, tôi tình cờ bắt gặp hang cá ngát. Không biết làm sao bắt, tôi bèn đem chài lưới phủ bên trên, chọc cây vào hang rượt đuổi, một số phóng ra theo các ngách. Tiếc quá, tôi đưa tay chộp không ngờ đụng ngạnh cá, đau nhức đến phát sốt mất mấy ngày. Từ đó tôi đâm ra để ý đến con cá ngát”.

Một lần, bên ly rượu đế với bạn nhậu, lai rai vui chuyện ông bày tỏ sự tiếc nuối: “Cá ngát ở cửa sông nhiều quá trời mà không biết làm sao bắt được. Không bắt được nhưng đụng tay vào là dễ bị đâm phát bệnh“. Ông Đỗ Tùng, một người bạn có biệt tài săn cá ngát cười xòa, nói: “Bị đâm đau vậy chứ muốn bắt cá ngát lại phải dùng tay. Tuy nhiên, không thể chộp cá trong nước mà phải đón ở cửa hang”. Ông Đỗ Tùng nói rõ hơn là phải làm những cái vợt bịt kín các miệng hang rồi hãy gây tiếng động xua đuổi cho cá trong các ngách hang vọt ra, chui vào vợt.

Ông Năm nghe theo, làm những cái vợt lưới có miệng tròn đường kính khoảng 0,5m, rồi bóp lại nhỏ dần để thắt túm ở đuôi, dài 1,2 - 1,5 mét. Con cá ngát rất khôn, chúng đào một hang để ở, nhưng có 2 hoặc 3 ngách để tránh kẻ thù, mỗi khi có động, nó thập thò trước cửa ngách rồi phóng ra như tên bắn tẩu thoát.

Nắm được đặc tính trên, ông Năm lặn tìm được hang liền nhẹ nhàng dùng vợt lưới bịt các miệng hang, ngách. Sau đó dùng cây sắt xăm, đâm lia lịa vào các ngách phía trên, hai chân động loạn xạ vào miệng ngách. Vậy là cá ngát ở trong hang hoảng loạn vọt chạy và nhảy luôn vào vợt.

Dụng cụ chỉ là những cái vợt đơn giản ấy, với tài lặn tìm hang cá ngát trên những dòng sông rộng mênh mông, một mình một thuyền trải qua hơn nửa thế kỷ, trọn đời ông Năm gắn bó với cái nghề chưa mấy ai bắt chước được. Những người quen biết vì thế gọi ông là “Năm rái cá”.

Ông Năm chìa đôi bàn tay đầy vết thẹo cắt, đâm cho tôi xem rồi bảo: “Bị cá ngát đâm đấy. Đâm nhiều riết mà tôi quên đau luôn”. Tôi sờ vào bàn tay ông, thoáng rùng mình khi tưởng tượng những vết đâm nhức nhối đến phát sốt trong cuộc đời ông.

Ông nói: “Bây giờ cá ngát nhỏ đâm tui chẳng hề hấn gì, chỉ sợ con lớn đâm thôi”. Để cho ngạnh cá ngát đâm không còn gây cảm giác đau thì đã phải trải qua những cơn đau nhức tới tận cùng, nỗi đau cũng đã thành chai sạn như chai sạn trên bàn tay ông. Quả là nghề gì cũng có cái giá của nó, nghề hạ bạc trên sông Mê Kông hùng vĩ để bắt loài cá ngát thơm ngon có giá thật ghê gớm.

50 năm làm nghề và hàng trăm tấn cá

Cá ngát thường sống ở đầu
Cá ngát khổng lồ trên sông MêKông

Cá ngát có nhiều nhất tại sông Hậu. Ông kể, có ngày ông bắt được gần 50 kg cá ngát. Ông từng bắt được con cá ngát nặng 30 ký, vòng thân cỡ 3 tấc, bán con cá mua được cả chỉ vàng.

Theo kinh nghiệm của ông, bãi cá ngát thường nằm sau một cái “cấp”, nghĩa là một bờ đất sâu hoắm mà phía dưới là bãi bùn chạy dài dài, độ sâu chừng 4- 6 sải tay.

Nơi đó chắc chắn là có nhiều hang cá ngát. Vì hang cá ngát ở sâu như thế nên muốn bắt chúng phải chọn lúc con nước kém. Mà nước kém thì khi ban ngày khi ban đêm nên nghề của ông không tính đêm ngày.

Vui miệng ông hồ hởi: “Nghề này, vui nhất là bắt nhiều cá ngát. Đau nhất bị là cá ngát đâm. Nhưng phát ớn nhất là lặn bắt cá, khi trồi lên gặp xác chết trôi sông, sợ khiếp vía, bỏ mấy ngày không dám ra sông”.

“Cá ngát có hai loại, sống ở nước mặn và nước ngọt”, ông Năm kể. Con cá ngát sống ở nước mặn miệng lớn nhưng đầu dẹp, da màu vàng. Còn con cá ngát sống ở nước ngọt, mình trơn bóng, da đen mun, đầu tròn hơn cá nước mặn. T

hịt cá ngát rất ngon có giá cao. Nhưng, trứng cá ngát mới là thứ có giá trị cao nhất trong con cá ngát. Con cá ngát 6 - 7 ký thì bọc trứng nặng cả ký. Trứng cá ngát to bằng hạt tiêu, kết thành chùm mà đem nghiền với thịt heo và gia vị làm chả, ăn có mùi béo ngậy, rất ngon và bổ. Mùa cá đẻ trong tháng 9 - 10 - 11, một ổ cá ngát có thể nở từ 500 - 700 con cá con.

Ông đưa tôi lên chiếc ghe máy D9 chạy ra sông biểu diễn màn lặn. Thật không thể ngờ ông già gần 80 tuổi mà nhảy ùm xuống nước như con rái cá, lặn cả phút ở độ sâu 5- 6 sải tay.

Trung bình mỗi ngày ông lặn 4 giờ nên có thể thấy một phần khá lớn cuộc đời của ông là ở trong lòng sông Mê Kông. Ông nhẩm tính một ngày bình quân ông bắt được 7 ký cá ngát, một năm lặn bắt 300 ngày, và nhân cho hơn 50 năm, số lượng cá ngát ở sông Mê Kông ông bắt được là hàng trăm tấn.

Nhờ săn cá ngát mà ông tậu được mấy công đất, nuôi 11 đứa con. Hiện nay 9 người con đã có gia đình. Mặc dù ông Năm thường dẫn con cái đi săn bắt cá ngát nhưng chỉ có anh Hồ Văn Thành 41 tuổi là người đam mê và nối nghiệp của ông.

Các con của ông thấy ông tuổi già khuyên ông giải nghệ, ông thấy sức khoẻ của mình cũng đã kém nhưng sông nước đã thành máu thịt trong ông, thỉnh thoảng nhớ sông, nhớ vàm, ông lại đi một vài ngày.

Ngồi chống tay ngẫm nghĩ phận người sống đời hạ bạc và phận cá ngát, ông Năm nói: “Năm tháng bồng bềnh theo con nước mưu sinh từ nguồn thủy sản do thiên nhiên hào phóng ban tặng, nghề hạ bạc đã nghĩ ra nhiều cách bắt cá từ thô sơ đến hiện đại. Con cá trong thiên nhiên cũng đã đến hồi cạn kiệt. Ước chi các nhà khoa học nghiên cứu cho cá ngát sinh đẻ như cá tra, cá ba sa và có thể nuôi thì hay quá”.

Thử nghiệm thành công sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá ngát

Khoa Thủy sản - ĐH Cần Thơ đã thử nghiệm cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá ngát con thành công. Cá ngát bố mẹ cho sinh sản có kích cỡ trung bình 1-1,5kg. Trứng cá sau khi thụ tinh có đường kính trung bình 6,5mm. Ấu trùng mới nở có chiều dài trung bình 10 mm. Sau 1 tuần ương, ấu trùng đạt 15,5 mm, sau 2 tuần ương đạt 21,1 mm và sau 3 tuần ương đạt trung bình 35,5 mm.

Cá ngát (Plotosus canius) là loài cá đặc sản ở vùng ĐBSCL, kích cỡ lớn và thịt ngon. Cá sống chủ yếu ở môi trường nước lợ nhưng cũng phân bố rộng ở vùng nước ngọt. Hiện nay, nguồn lợi cá tự nhiên ngày càng suy giảm nghiêm trọng do việc khai thác quá mức. Thành công bước đầu này mở ra triển vọng rất lớn để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện qui trình sản xuất giống nhân tạo và phát triển nghề nuôi cá ngát trong thời gian tới.