Pháp luật có vai trò như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đối với Việt Nam

TTCT - Cùng với làn sóng toàn cầu hóa và các định chế như WTO, nhiều người cho rằng vai trò nhà nước đã khác trước.

Tuy nhiên, khác như thế nào thì tùy quan điểm của từng người bởi người ủng hộ toàn cầu hóa sẽ nhìn nhận vai trò của nhà nước khác với người chống đối toàn cầu hóa - người trước sẽ chọn và nhấn mạnh những vai trò nào họ cho là có lợi cho quá trình này, thậm chí sẽ thích thú trước nhận định “nhà nước quốc gia sẽ mất đi năng lực điều hành”; người sau sẽ muốn nhà nước “mạnh hơn” theo nghĩa, nói một cách cực đoan, là “thành trì cuối cùng bảo vệ bản sắc dân tộc và lợi ích dân tộc”.

Để có cái nhìn tương đối khách quan, có lẽ nên từ một xuất phát điểm: toàn cầu hóa là một quá trình phát triển (cho đến nay là) không cưỡng lại được, vừa có thể đem lại sự tăng trưởng kinh tế, sự phồn vinh cho nhiều nơi, nhiều người nhưng lại vừa gây ra những xáo động to lớn trong lối sống của nhiều người khác. Vì thế, vấn đề là làm sao nhà nước đóng một vai trò có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội mà toàn cầu hóa đem lại, đồng thời hạn chế mặt trái của nó.

Vai trò của nhà nước đang bị thu hẹp?

Đúng là toàn cầu hóa với những định chế như WTO đã hạn chế năng lực điều hành của nhà nước, không chỉ trong quan hệ với bên ngoài mà còn ở các chính sách trong nước. Hầu hết các đạo luật chúng ta thông qua trong những năm gần đây là nhằm sửa đổi cách điều hành đất nước phù hợp với thông lệ quốc tế - tức là theo khuôn mẫu chung, không được quyền có ngoại lệ.

Bản báo cáo của Ban công tác WTO về việc VN gia nhập WTO liệt kê rất rõ, rất chi tiết các cam kết của VN mà nhìn ở một góc độ nào đó, là sự thu hẹp việc can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh. Ví dụ, sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, VN bắt đầu yêu cầu doanh nghiệp phải bán doanh thu bằng ngoại tệ cho nhà nước từ năm 1998 nhưng sau đó phải hạ dần tỉ lệ này xuống, còn 50% năm 1999, 40% năm 2001, 30% năm 2002 và còn 0% kể từ năm 2003. Trong đàm phán, đã có nước nhắc lại chuyện này và yêu cầu VN cam kết không làm trái với các qui định của WTO và IMF. Đấy, các nhà đàm phán các nước, xuất phát từ lợi ích của dòng chảy tài chính tự do của các công ty đã thu hẹp khả năng chống đỡ của nhà nước, từng phát huy tác dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Thậm chí, có những cam kết mà để thực hiện phải sửa đổi nhiều luật lệ. Ví dụ điều 52 và 104 của Luật doanh nghiệp qui định một số vấn đề quan trọng có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp chỉ được phép thông qua khi có số phiếu đại diện ít nhất là 65% hoặc 75% của các bên góp vốn. Một số thành viên WTO cho rằng qui định như thế có thể vô hiệu hóa quyền của bên góp vốn đa số trong liên doanh khi họ chỉ chiếm 60% chẳng hạn. VN đã phải cam kết cho phép các bên tham gia liên doanh được thỏa thuận vấn đề này trong điều lệ công ty chứ không cần áp dụng Luật doanh nghiệp và điều này sẽ có giá trị pháp lý, tức Quốc hội sẽ phải công nhận giá trị pháp lý của các cam kết WTO cao hơn luật hoặc phải sửa luật.

Có hàng loạt ví dụ nóng hổi như thế từ việc VN gia nhập WTO. Nhưng nên nhớ hiện tượng thu hẹp vai trò nhà nước trong điều hành kinh tế không chỉ xảy ra ở những nước chuyển đổi như VN mà còn ở các nước phát triển.

Trong một bài báo mang tựa đề “Có ai lèo lái nền kinh tế này được không?” đăng trên tờ BusinessWeek ra ngày 9-11-2006, tác giả khẳng định: “Toàn cầu hóa đã chế ngự khả năng kiểm soát nền kinh tế của Washington” vì các biện pháp tài chính của nhà nước dường như không còn hiệu quả. Như chúng ta đã biết từ 2004 đến nay, Mỹ đã 17 lần nâng lãi suất ngắn hạn, tổng cộng trên bốn điểm phần trăm nhưng cho đến nay trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn có lãi suất 4,6%, chẳng khác gì hồi năm 2004!

Nâng lãi suất là để thắt chặt nguồn cung tiền trong nước nhưng bù lại tiền của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào nên hóa ra mọi chính sách của nhà nước không có tác dụng gì cả. Đấy là vì hiện nay, dòng tài chính nước ngoài chiếm đến 32% vốn đầu tư ở nước Mỹ so với chỉ chừng 7% vào năm 1995. Như vậy tác động lên thị trường tài chính Mỹ nay đâu chỉ còn là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mà còn là các trung tâm tài chính ở Bắc Kinh, London hay Mexico.

Mở rộng vai trò nhà nước

Bất kể những điều vừa trình bày ở trên, chúng ta luôn nghe những lời kêu gọi nhà nước phải làm điều này, nhà nước phải thực hiện điều kia. Không phải những người đưa ra những lời kêu gọi này không hiểu thực tế của toàn cầu hóa nhưng họ muốn nhà nước hoạt động mạnh ở những khía cạnh khác với khía cạnh chúng ta đã phân tích.

Có lẽ tốt nhất là xem người dân ở các nước phát triển muốn nhà nước họ làm điều gì. Trong một bài viết gần đây, Lawrence H. Summers, cựu hiệu trưởng Đại học Harvard, cho rằng toàn cầu hóa đã làm người giàu càng giàu thêm và giúp những người nghèo ở các nước đang phát triển nâng cao mức sống một cách đáng kể.

Tuy nhiên, theo ông, đại đa số người dân trung bình ở các nước lại thấy toàn cầu hóa đang bỏ rơi họ đằng sau, thu nhập giảm sút, công ăn việc làm ngày càng khó giữ hơn và chất lượng cuộc sống ngày càng thấp hơn. Điều đáng chú ý hơn là ông kêu gọi Chính phủ Mỹ phải có vai trò tích cực hơn trong việc chia đều miếng bánh toàn cầu hóa cho mọi người, kể cả những người không có lợi thế cạnh tranh trong toàn cầu hóa bằng các chương trình tương tự chương trình Marshall thời hậu chiến.

Cây bút nổi tiếng Thomas Friedman - tác giả của các cuốn sách ủng hộ hết lòng toàn cầu hóa như Chiếc Lexus và cây ôliu hay Thế giới phẳng - cũng phải thừa nhận trên bài viết đăng trên tờ New York Times ngày 10-11-2006 rằng việc trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đang tác động mạnh lên nước Mỹ hơn cả cuộc chiến ở Iraq.

Ông thừa nhận việc Đảng Dân chủ ở Mỹ quay lại nắm Quốc hội Mỹ sẽ có tác động lớn đến chính sách của nước Mỹ liên quan đến toàn cầu hóa và tiên đoán các chính khách từ Đảng Dân chủ sẽ có nhiều va chạm với Trung Quốc để bảo vệ công ăn việc làm ở Mỹ - tức là giảm bớt toàn cầu hóa và quay về chủ nghĩa bảo hộ. Chính ông cũng đặt ra vấn đề: liệu trong tình hình đó, nước Mỹ sẽ hoặc đổ hết mọi khó khăn của người dân Mỹ lên Trung Quốc hay xem đây là một thách thức tương tự lúc Liên Xô phóng con tàu Sputnik lên vũ trụ để có thể đề ra hàng loạt biện pháp cải thiện cuộc sống người dân.

Như vậy cả hai tác giả đều mặc nhiên thừa nhận một vai trò quan trọng của nhà nước: không phải người dân nào cũng có những kỹ năng hay công cụ cần thiết để tận dụng toàn cầu hóa cho nên vai trò của nhà nước là trang bị cho họ những kỹ năng hay công cụ này. Toàn cầu hóa bỏ qua một số lĩnh vực thiết yếu cho cuộc sống như y tế, hưu trí, giáo dục, vì thế vai trò của nhà nước trong các lĩnh vực này càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Và ở Việt Nam?

Với đặc điểm vẫn đang còn trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tham gia ngày càng sâu vào quá trình toàn cầu hóa, vai trò của nhà nước ở VN khác nhiều so với vai trò của nhà nước ở những nước phát triển. Nếu thừa nhận vế thứ nhất rằng toàn cầu hóa là một tất yếu khách quan, mà nước ta không thể không tham gia thì đầu tiên vai trò của nhà nước là phải làm sao để quá trình này đem lại lợi ích nhiều nhất cho người dân trong nước. Còn quá nhiều việc phải làm để sao cho bộ máy nhà nước vận hành theo đúng thông lệ quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho VN tham gia toàn cầu hóa.

Người dân nước ta khi nghĩ đến nhà nước thường nảy sinh suy nghĩ “đối phó” trước tiên. Từ chuyện hành chính, thuế má, đến các mối quan hệ giữa nhà nước và công dân theo kiểu thân quen, tất cả toát lên một thực tế nhà nước chưa phải là chỗ dựa cho người dân để định hình cách hành xử của mình. Mục đích phải đạt là chuyển tâm lý này sang thành một thái độ “tuân thủ” - tức ai cũng phải làm theo những qui định chung, mang tính bình đẳng để nhà nước trở thành một công cụ cho người dân trong điều chỉnh quan hệ với nhau. Đấy chính là quá trình xây dựng một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự ở VN.

Tiến thêm một nấc nữa là vai trò nhà nước trong cạnh tranh. Cạnh tranh đâu chỉ diễn ra ở mức độ doanh nghiệp mà còn giữa các nhà nước trong việc định ra chiến lược phát triển phù hợp với lợi thế cạnh tranh của một nước.

Toàn cầu hóa là một quá trình phức tạp, một mình người dân hay doanh nghiệp khó lòng tìm được cho mình con đường đi phù hợp nhất trong một thế giới đầy biến động. Nhà nước trong vai trò đồng hành với doanh nghiệp có thể vươn ảnh hưởng của mình ra bên ngoài để “mặc cả” cho được những miếng bánh ngon nhất của toàn cầu hóa. Một chiến lược đúng đắn sẽ đem lại công ăn việc làm cho nhiều người trong khi một chiến lược sai lầm có thể biến một bộ phận dân cư thành cỗ máy làm tiền cho các công ty đa quốc gia.

Bài học loại này có rất nhiều từ chính sách thu hút công nghệ cao của Malaysia, thu hút dịch vụ cao của Singapore đến thất bại của Mexico trong hợp tác thương mại song phương với Mỹ... Các lý thuyết kinh tế cũng đang theo hướng này.

Thuận lợi của nhà nước ở VN là không bị chi phối nhiều bởi các cuộc tranh cử mà trong nhiều trường hợp các chính khách hành động để chiều theo ý muốn ngắn hạn của người dân, bỏ lỡ cơ hội dài hạn của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, để chính sách của mình chịu tác động bởi những yếu tố khác như lợi ích cục bộ của từng địa phương, từng tổng công ty nhà nước thì không bao giờ chúng ta có thể chấm dứt hiện tượng đầu tư dàn trải, lãng phí - là môi trường tốt cho tham nhũng phát triển.

Cuối cùng, vai trò nhà nước là thấy cái được và cái không được của toàn cầu hóa để không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá. Đây là mâu thuẫn khó giải quyết vì không cạnh tranh với nước khác thì không tận dụng được quá trình toàn cầu hóa, còn làm theo sẽ trả giá bằng môi trường, bằng sự xáo động cuộc sống nông thôn.

Ở đây, trước mắt, vai trò của nhà nước là làm sao hóa giải sự mất quân bình trong phân phối lợi ích của toàn cầu hóa. Những chính sách phúc lợi, an sinh xã hội, chính sách giáo dục, y tế đúng đắn đòi hỏi nhà nước phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể và để làm được điều này, vai trò của nhà nước là làm sao bảo đảm tiếng nói của người nông dân, người dân nghèo được phản ánh trong chính sách và, đối với những lợi ích chung của toàn dân nhưng khó thấy cụ thể như vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đất nước càng phải là trách nhiệm của nhà nước.

NGUYỄN VẠN PHÚ