Làm thế nào để duy trì các quy tắc trong lớp học cho trẻ em

Nội dung bài viết

  • Hãy cung cấp thông tin cho trẻ về nơi mà con sắp đến

  • Xây dựng thời gian biểu hợp lý cho trẻ

  • Chú ý đến việc giúp trẻ diễn đạt mong muốn của mình

  • Cùng trẻ chuẩn bị những vật dụng cần thiết để đến trường.

Điều kiện tiên quyết để trẻ đi học hòa nhập thành công (kể cả ở bậc học mẫu giáo) là hiểu và tuân theo nội qui lớp học, chứ không phải là biết đọc biết viết trước. Rất nhiều bé đã đi học vô cùng chật vật dù đã thuộc trước cả quyển sách giáo khoa. Việc học các kiến thức tĩnh và có qui luật rõ ràng như chữ, số, các phép tính... thực ra là rất dễ dàng với trẻ tự kỷ. Nhưng các phép tắc qui định lại là thứ luôn khó hiểu. Video của A365 cho thấy cô giáo dạy trẻ cách lắng nghe trong lớp và cách hiểu tuần tự các việc sẽ làm trong một buổi học. Phương pháp dạy là dùng tranh kể một câu chuyện xã hội (bé ngồi ngoan trong lớp như thế nào, mắt nhìn cô, tai lắng nghe, tay đặt xuôi xuống...), và giới thiệu cho trẻ thời khóa biểu trong ngày, mô tả những việc mà cả nhóm sẽ lần lượt làm trong buổi học ngày hôm đó. Video này chỉ là một gợi ý tham khảo. Các cha mẹ nên căn cứ vào nề nếp cụ thể của cái trường con dự định theo học để thiết kế một loạt các bài hướng dẫn cho con. Hồi Khoai lần đầu đi học mẫu giáo, con chạy sục sạo khắp các lớp chứ không chịu ngồi yên ở lớp mình. Mẹ phải xin phép trường cho chụp ảnh tất cả các lớp và về giải thích với con, đây là lớp của các em bé, đây là lớp của các anh chị lớn, và đây là lớp của con, có các bạn a, b, c bên hàng xóm, cùng tuổi. Chương trình học mỗi ngày thì nhờ cô thông báo trước với Khoai. Có như thế cậu ta mới không vọt ra sân xông bừa vào bất cứ lớp nào đang tập thể dục để được tập, vì đây là môn học yêu thích nhất của cậu. Khi chuẩn bị vào lớp 1, Khoai có học qua một lớp "tiền tiểu học". Lớp này không chú trọng dạy kiến thức mà chủ yếu là nền nếp của buổi học thật sự. Đây là những bước dần dần khép cậu ấy vào kỷ luật học đường. Cô giáo cũng là một giáo viên tiểu học, và phong cách của cô là phổ biến trong các trường tiểu học bây giờ. Trích nhật ký những ngày tiền tiểu học đầy lạ lẫm và lủng củng của cậu ấy nhé: "... Hàng ngày, mình vẫn cắp balo đến trường mầm non, vì còn một năm nữa mới lấy được cái bằng tốt nghiệp mẫu giáo. Nhưng thứ 7, CN, mẹ cho mình đi học ở một lớp "gà" để chuẩn bị vào tiểu học. Mấy buổi học đầu, cô giáo tỏ ra dễ dãi như cô mầm non. Mình thích ngồi học thì ngồi, thích chạy ra ngoài thì kiếm cớ chạy ra. Mình thích chí lắm. Thấy ai cũng có cặp sách, hộp bút, mình cũng đòi sắm cho đủ. Nhưng đến lớp thì mình lục tung bút với tẩy ra nghịch rồi vứt mỗi thứ một nơi, lúc về nhà chỉ mang mỗi cái hộp bút không về. Sau một hồi mẹ ngầy ngà, mình cũng hiểu ra là mình phải quản lý đồ dùng của mình. Buổi học sau, trước khi về, mình quát cả lớp: bút của Khoai đâu? Đưa ra đây! Đến buổi học thứ 5 thì mình mới biết cô giáo này rất hách, không thể lơ mơ được. Mình không được chạy loăng quoăng nữa, chỉ được nghỉ vào giờ ra chơi thôi. Phản đối cũng chẳng ích gì, cô có cái thước rất to, và cô không hề vừa giơ thước vừa cười như mẹ. Mình ăn hai cái nhẹ vào mông rồi đấy. Đau thì không đau, nhưng có lẽ phải khuất phục thôi chứ biết làm thế nào? Cô gọi mình đọc bài. OK, mình đọc được, nhưng mình không đồng ý cái cách cô cứ chỉ lung tung từ chữ này nhảy sang chữ khác trên bảng. Tính mình là cái gì cũng phải tuân theo thứ tự, cô phải chỉ chữ A rồi đến chữ B, không thể thích chỉ vào chữ nào thì chỉ thế được. Vậy là mình thắc mắc, mình bảo cô phải chỉ lần lượt, nếu không để mình tự chỉ. Mình rút thước của mình ra định chạy lên, thì bỗng "chát" một phát giật hết cả nẩy, cô đập thước vào bàn, nói rõ ràng là cô chỉ chữ nào con phải đọc chữ ấy. Không được, mình nhất mực là phản đối đấy. Nhưng cô hỏi luôn cả lớp: Bạn Khoai như thế có được không? Cả lớp đồng thanh "Kh..ô..ng". Đáng ghét, mắc gì đến bọn nó chứ. Nhưng làm thế nào được, không đọc là cô không cho về. Mẹ đứng ngoài sợ nem nép, chẳng tỏ thái độ bênh vực gì. Thôi thì mình đành phải đọc vậy, nhưng mình cứ để mặt mày xưng xỉa lên cho biết tay. Tuy nhiên mình vẫn thích đến lớp này lắm, sáng ngủ dậy là mình đề nghị đến lớp này thôi. Mẹ bảo hôm nay không phải thứ 7, hôm nay thứ 2 rồi, mình phải đi mẫu giáo. Nhưng mà ô la la, đã xé lịch đâu, hôm nay vẫn còn là thứ 7 kìa. Mẹ quay lại nhìn, nói ừ nhỉ, rồi phũ phàng xé soạt một cái. Thôi rồi, thế là chẳng cãi được gì. Bó tay. Đi mẫu giáo vậy."


Page 2

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh điều này, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ là dạy trẻ rất nhiều rất nhiều thứ, mà ở trẻ con bình thường, chúng tự học được. Con người là một sinh vật sống tập thể, chứ không phải loài đơn độc. Trẻ con bình thường sinh ra đã biết tự học hỏi rất nhanh, nhờ khả năng giao tiếp, kết nối bẩm sinh. Trẻ tự kỷ mất khả năng đó, nên những tháng đầu đời thì có vẻ cũng vẫn ổn, nhưng từ 1 tuổi trở đi, mọi khiếm khuyết và trở ngại sẽ rõ dần. Trách nhiệm của cha mẹ với con, là dạy con những gì con khó mà tự mình học được. Nhưng trong quá trình dạy con, nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta rất dễ sa vào lỗi dạy không toàn diện. Chúng ta chú trọng vào một số thứ mà chúng ta cho là quan trọng thôi. Ví dụ như kỹ năng học đường. Vì lo ngại con khó khăn khi vào lớp 1, chúng ta hối hả dạy con nói, hát, đọc thơ, nhận mặt chữ, số, tăng vốn từ, thậm chí viết và cộng trừ nữa. Nhưng rất nhiều gia đình không chú trọng các kỹ năng có thể giúp con dễ dàng tham gia trong một tập thể, ví dụ như: đợi đến lượt mình, chia sẻ đồ chơi đồ dùng với bạn, biết tương tác và chơi luân phiên, biết nghe theo chỉ dẫn khi cô không nói trực tiếp với mình mà nói với cả nhóm... Thiếu những điều này con sẽ thất bại khi đi học hòa nhập, dù con biết đọc biết viết và biết giải toán đi chăng nữa. Việc dạy các kỹ năng tham gia xã hội thực sự cần rất linh hoạt và cài cắm vào các hoạt động chơi và sinh hoạt bình thường trong gia đinh, sau đó phát triển dần ra chỗ công cộng. Ví dụ bạn có dạy con đi siêu thị khi con 3 tuổi không? Tôi đã dạy Khoai lúc nó chưa nói được mấy và còn tăng động kinh khủng. Vì con rất thích ra ngoài và thích đi siêu thị, nên con sẽ phải nghe thôi. Đầu tiên là phải hai người kèm Khoai, tôi và bác giúp việc, kèm cậu ấy thật kỹ, mới đi siêu thị một cách an toàn được. Sau đó đi hai mẹ con. Cuối cùng, lúc khoảng 7 tuổi, là đi một mình. Nhiệm vụ đầu tiên của cậu ta là được cầm túi cho mẹ. Rồi tiếp đến là ra lấy vé xe, trả vé xe cho mẹ. Lúc mua hàng, cậu ta được lấy mỗi lần đúng một thứ từ trên giá xuống để xem, xem xong phải đặt lên mới được lôi thứ khác xuống. Có một số khu vực cậu ta bị cấm vào (khu đồ thủy tinh). Nếu cậu ta chạy thục mạng trong siêu thị thì việc mua sắm sẽ kết thúc rất nhanh. Nếu tử tế thì muốn ở bao lâu cũng được... Rất khó khăn đấy nhưng khi người ta quá thích chỗ đẹp như thế thì dần dần cũng biết giữ lịch sự thôi. Chỉ cần bạn nhẹ nhàng, cương quyết, chỉ dẫn và làm mẫu đầy đủ. Khi đã lớn hơn, đã có thâm niên đi mua sắm, cậu ta đã biết tự đi một mình, biết xếp hàng chờ tính tiền, khi thiếu tiền cũng biết trình bày với người bán là "mẹ trả" (ý là ghi nợ) Tất cả những điều này đều cần thiết và để chuẩn bị cho việc đi học hòa nhập. Con phải biết chờ đợi, xếp hàng, tuân theo những qui định chung, và không làm phiền người khác. Các bạn đọc thêm phần thông tin chung trong A365 nhé


Page 3

Trang Chủ :: Tham gia các hoạt động xã hội :: Dạy trẻ biết chờ đợi

1. Dành nhiều thời gian cho gia đình

2. Dạy trẻ cùng nhau ăn uống

3. Dạy trẻ nội quy trong lớp học

4. Thông tin chung

5. Dạy trẻ biết chờ đợi

Clip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ biết chờ đợi:

Giới thiệu:

Đợi là một kỹ năng rất trừu tượng với trẻ tự kỷ, đặc biệt là với trẻ tự kỷ nhỏ, do trẻ không có khái niệm thời gian. Bạn phải làm trẻ hiểu rằng trẻ không thể có được bất cứ điều gì trẻ muốn ngay lập tức. Dạy cho trẻ khái niệm chờ đợi sẽ khuyến khích các hành vi tích cực ở nhà và trên lớp, nơi có rất nhiều trẻ em khác xung quanh cũng cần sự chú ý của giáo viên.

Cách dạy trẻ đợi:

Bước 1: Bắt đầu với tình huống có kiểm soát

  • Khi trẻ chỉ trỏ hoặc yêu cầu món đồ chơi trẻ muốn, cha mẹ nói “Đợi” và đếm to tới 5. Nếu trẻ đợi ngoan, cho phép trẻ có đồ chơi. Nếu trẻ cố với lấy đồ chơi và khóc, bắt đầu đếm lại từ 1. Khi trẻ đã quen và đợi được đến 5 rồi, bạn có thể tăng thời gian lên đến 10.
  • Các bước tiếp theo sẽ là giơ tay lên, nói với con rằng con phải đợi. Bạn có thể gật đầu, hoặc giơ ngón tay lên, và bạn đếm thầm trong đầu. Những lần tiếp theo bạn tăng thời gian chờ lên 10 giây mỗi lần, tùy thuộc vào phản ứng của con.
  • Khi con của bạn đã chờ đợi được đến 1 phút, bạn nên bắt đầu sử dụng dụng cụ hẹn giờ. Yêu cầu trẻ “đợi”, và sau đó đặt giờ. Khi chuông rung lên, bạn có thể cho trẻ thứ trẻ muốn. Bạn có thể dùng kiểu đồng hồ riêng để hẹn giờ.

Bước 2: Áp dụng dụng cụ hẹn giờ vào các tình huống tự nhiên hơn

  • Để dụng cụ hẹn giờ vào nơi dễ nhìn nhưng phải ngoài tầm với của trẻ. Sử dụng dụng cụ hẹn giờ khi bạn cần trả lời điện thoại hoặc chuẩn bị bữa ăn cho trẻ.
  • Trẻ có thể có 1 cái “ghế đợi” hoặc 1 chỗ riêng để trẻ học cách đợi.
  • Tiếp tục luyện tập đợi với dụng cụ hẹn giờ và từ từ tăng khoảng thời gian đợi.

Bước 3: Hướng dẫn trẻ chơi hoặc tham gia các hoạt động có ý nghĩa trong lúc chờ đợi

  • Một số trẻ có thể rất khó ngồi yên và đợi được một thời gian dài.
  • Sẽ tốt hơn nếu cho trẻ thực hiện các hoạt động thích hợp để kéo dài thời gian trẻ đợi. Bạn nên xem thêm phần dạy trẻ chơi một mình ở mục chơi và học.
  • Ví dụ, nếu trẻ đói và muốn đồ ăn ngay lập tức, bạn có thể nói “Đợi”, đặt hẹn giờ 5 phút, và đưa trẻ bút chì màu để trẻ vẽ trong khi bạn chuẩn bị đồ ăn cho trẻ, hoặc một cách tự nhiên hơn, có thể rủ con cùng chế biến món ăn đó (như nấu mỳ), và nấu xong thì bảo con là mỳ đang nóng, mình đợi một chút, và hẹn giờ một phút. Trong thời gian chờ có thể cùng con chơi hoặc trò chuyện, ví dụ như hít hà món mỳ, rồi chạm nhẹ tay vào bát mỳ và giải thích mỳ nóng, mình nên chờ nếu không sẽ bị bỏng.

Bước 4: Đối phó với các hành vi không phù hợp

  • Bạn nên ghi nhận và khen ngợi khi trẻ biết chờ đợi.
  • Cha mẹ có thể lờ đi khi trẻ lên cơn giận dữ và có hành vi không thích hợp, miễn là bố trí để trẻ ở chỗ an toàn không thể tự làm hại bản thân. Đợi đến khi trẻ bình tĩnh thì góp ý cho trẻ về hành vi không hay đó. Điều này sẽ giúp trẻ tự điều tiết và giảm thực hiện hành vi tiêu cực.
  • Nếu trẻ có các biểu hiện tiêu cực như khóc hoặc thể hiện các hành vi thách thức, cha mẹ nên kiên trì quan sát thêm vài ngày hoặc vài tuần, cân nhắc xem liệu thời gian yêu cầu trẻ chờ đợi có vượt quá khả năng hiện tại của trẻ không. Nếu có thì hãy giảm bớt xuống ở mức trẻ có thể hợp tác, rồi từ từ tăng dần lên khi trẻ đã hiểu như thế nào là chờ đợi, cần chờ đợi trong bao lâu và trong những hoàn cảnh nào.

Nguồn tài liệu:

Special learning [Internet]. Teaching young children to wait.

Dixon, M. R., Rehfeldt, R. A., & Randich, L. (2003). Enhancing tolerance to delayed reinforcers: The role of intervening activities. Journal of applied behavior analysis, 36(2), 263-266.

Gokey, K. M., Wilder, D. A., Welch, T., Collier, A., & Mathisen, D. (2013). Fading a concurrent activity during self‐control training for children with autism. Journal of applied behavior analysis, 46(4), 827-831.

Những thứ trừu tượng như là "chờ đợi" thật khó khăn với trẻ tự kỷ. Đa phần các con chỉ muốn giật ngay lấy thứ mình muốn hoặc làm ngay những gì mình thích. Nhưng nếu không biết chờ đợi theo lệnh, hoặc đợi cho đến lúc được cho phép làm gì đó, thì trẻ sẽ rất khó hòa nhập khi tham gia các hoạt động xã hội. Đơn giản như việc đi học, trẻ không biết chờ đợi sẽ không thể ngồi dự cho hết một buổi khai trường. Trong Video dạy trẻ biết cách chờ đợi của A365, các bạn sẽ thấy cô giáo dạy bước đầu tiên: đếm đến 3 rồi mới được làm điều mình thích. Trẻ được chơi một món đồ chơi, nhưng phải đợi cô đếm đến 3 rồi mới được bắt đầu. Lúc đầu cô đếm to, nhưng sau đó chỉ giơ từng ngón tay lên rồi đếm thầm thôi. Ở mức độ bắt đầu như thế này, bé chỉ chờ được đến 3, quá ngưỡng ấy sẽ khóc đòi hoặc mất tập trung không muốn chơi nữa. Nhưng khi đã được huấn luyện tốt rồi, bé có thể đợi lâu hơn, bố mẹ có thể tăng số đếm đến 10. Tuy nhiên cần cố gắng đưa ra các tình huống chờ đợi hợp lý chứ không phải cái gì cũng "làm khó dễ" bắt bé phải đợi. Khi bé hiểu biết hơn rồi có thể dùng đồng hồ bấm giờ, khi đến giờ hẹn, chuông reo, trẻ được làm điều trẻ muốn. Ở mức độ cao hơn, dạy trẻ làm gì đó trong lúc phải chờ đợi, ví dụ trong khi chờ đợi chuẩn bị bữa ăn, trẻ sẽ chơi tô màu hoặc vẽ. Giao cho một nhiệm vụ gì đó cần làm sẽ giúp trẻ cảm thấy đi qua được thời gian chờ đợi dễ dàng hơn. Khoai khi đến tuổi đi học đã tạm gọi là biết vâng lời và chờ đợi. Nhưng một buổi lễ khai trường dài dằng dặc các loại phát biểu diễn văn, trong tình trạng khá nóng bức ở sân trường, cũng là một thử thách. Rất may cô giáo biết cách xử lý. Đoạn trích nhật ký dưới đây là khai trường đầu tiên của anh ta: "...Hôm nay khai giảng năm học mới! Trường đang sửa, nên sân rất chật hẹp. Không có màn các lính mới lớp 1 xếp hàng đi từ cổng trường đi vào trong tiếng nhạc và tiếng hoan hô như mọi năm. Số anh em nhà Khoai đen thật. Năm anh Ngô vào lớp 1, trời mưa đúng ngày khai giảng, nên các lớp đành đứng lố nhố trong hành lang, hướng ra ngoài sân trường để nghe các loại diễn văn văn nghệ. Còn năm nay là đến lượt Khoai tớ, trường đang xây lại một dãy lớp, nên chật chội, cả trường đành ngồi kín trên sân và các hành lang, cứ như cá mòi xếp lớp đóng hộp, để dự lễ khai trường. Trời không nắng, nhưng oi oi thế nào ấy. Cả đàn học sinh phải dậy sớm hơn mọi khi, 6h đã phải dậy rồi, nên ngồi ngáp lấy ngáp để. Đồng phục bằng chất vải khá bí, nên mồ hôi cứ toát ra. Các cô mặc áo dài, cũng bức sốt lắm. Mẹ chạy qua chạy lại chụp ảnh, quay phim, mãi chả nịnh được đứa nào cười. Các phụ huynh khác thì thi nhau bưng hoa bó to bó nhỏ vào tặng cô, tặng trường, mà bó hoa bây giờ thì bó nào cũng "năm trăm xôi, năm nghìn lá", giấy bó nhiều hơn hoa, cồng kềnh vĩ đại. Chật càng thêm chật, nóng càng thêm nóng! Cô nhờ mẹ ra ngoài cổng trường hỏi mua vài cái quạt giấy. Gớm, kinh tế thị trường nhanh nhạy thật, quạt giấy được phục vụ ngay, niềm nở nhiệt tình, với cái giá cắt cổ luôn! Thế là các cô (áo dài đồng phục màu đỏ sẫm) phe phẩy quạt múa lên múa xuống dọc hàng các trò, trông cũng hay đáo để. Sao trên sân khấu không dạo nhạc bài "Quạt giấy" cho vui nhỉ. Lễ lạt, diễn văn, đủ cả. Đang dở dang, thì thấy tiếng khóc ré lên ở giữa sân, đấy chính là ...tớ! Tớ khóc toáng lên, tay chỉ vào thằng bên cạnh. Thằng kia mặt hằm hằm, gân cổ lên cãi :"mày đánh tao trước". Tớ cóc nhớ chiến sự xảy ra như thế nào, tớ thấy đau thì tớ khóc, thế thôi, thằng kia lấy cán cờ đánh tớ, còn cờ của tớ thì ...đã phi vào người nó từ bao giờ rồi! Cô lật đật chạy đến, suỵt suỵt. Cô đưa ngay tớ bó hoa cô đang cầm, bảo giữ hộ cô. Tớ ôm bó hoa mà lảo đảo suýt ngã vì bó hoa quá to, con bé đứng sau bật cười, thế là tớ cũng ...cười! Thằng kia bị cô nhắc nhở, mang cái mặt bất mãn của kẻ đen đủi phải ngồi cạnh một đứa dở hơi (tớ cá là nó đang nghĩ vậy). Vì tớ bận giữ hoa cho cô nên tớ cảm thấy tớ rất quan trọng, tớ yên ổn đến cuối không làm ồn gì nữa. Lớp bên cạnh, cũng có một cậu chàng chốc một lại nhổm lên đòi...về, cô lại đến ủn ngồi xuống ghế (không biết có họ hàng nhà VIP không?) Xong, kết thúc lễ khai trường! Tuy vậy, cũng vẫn vui."


6. Dạy trẻ chia sẻ và theo lượt

7. Dạy trẻ chơi với người khác