Học viện Kỹ thuật Quân sự liên kết nước ngoài

Sinh năm 1982 trong một gia đình trí thức ở Thọ Xuân-Thanh Hóa, có bố là giảng viên Học viện Lục quân (nay đã nghỉ hưu), ngay từ nhỏ Thiếu tá, PGS.TS Trịnh Lê Hùng (giảng viên Bộ môn Trắc địa Bản đồ, Học viện Kỹ thuật Quân sự-KTQS) đã được đón nhận một nền giáo dục tốt từ gia đình.

Lên cấp 3, anh thi đỗ vào lớp Chuyên Toán - Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa). Mặc dù phải đi học xa nhà hơn 40km nhưng nhờ sự ủng hộ của gia đình, anh luôn có nhiều động lực để phấn đấu và đạt nhiều thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Năm 2000, mặc dù thi đỗ cùng lúc 2 trường đại học lớn nhưng với mong muốn được tiếp bước cha, quyết tâm đi theo con đường binh nghiệp, Trịnh Lê Hùng lựa chọn Học viện Kỹ thuật Quân sự để đầu quân. Sau năm học đầu tiên, với thành tích học tập tốt, anh là một trong 14 gương mặt được lựa chọn đi du học tại Liên bang Nga đợt đầu tiên. Gần 10 năm miệt mài học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, Trịnh Lê Hùng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ – chuyên ngành Bản đồ - Viễn thám - GIS tại Đại học Tổng hợp Trắc địa và Bản đồ Moscow. Về nước năm 2012, anh được giữ lại làm giảng viên tại Bộ môn Trắc địa Bản đồ - Viện Kỹ thuật Công trình đặc biệt (KTCTĐB). Trịnh Lê Hùng cũng có em trai từng tốt nghiệp á khoa Trường đại học Kinh tế Quốc dân với số điểm tổng kết trên 9,0 và có rất nhiều lời mời về làm việc nhưng đã lựa chọn cống hiến cho Quân đội theo lời mời của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội. Đây có lẽ do truyền thống của gia đình, sự truyền lửa của người cha cho hai anh em.

Học viện Kỹ thuật Quân sự liên kết nước ngoài

PGS.TS Trịnh Lê Hùng (mặc quân phục) trong buổi
báo cáo cấp liên ngành Khoa học Trái đất – Mỏ năm 2016.

Năm 2016, mặc dù nhận bằng Tiến sĩ và về Học viện công tác chỉ hơn 4 năm nhưng những thành tích mà Trịnh Lê Hùng đạt được thực sự làm cho các đồng nghiệp cảm thấy đầy tự hào khi được công tác cùng với anh. Ngoài là tác giả của hai giáo trình đào tạo đại học “Cơ sở viễn thám” và “Ứng dụng viễn thám trong nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường”, còn có hơn 50 bài báo trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó có 6 bài báo trong danh mục ISI, Scopus. Ngoài ra, anh còn là chủ nhiệm hai đề tài cấp cơ sở đã bảo vệ với kết quả xuất sắc, tham gia ba đề tài cấp Bộ và một đề tài cấp Nhà nước, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học nhiều năm được Học viện khen thưởng. Bản thân anh cũng nhiều năm được Thủ trưởng Học viện khen thưởng vì đã có nhiều thành tích trong hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

Vừa làm công tác giảng dạy vừa là giáo viên chủ nhiệm, Trịnh Lê Hùng luôn tích cực, chủ động học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước, từ đó tìm ra những phương pháp dạy phù hợp nhằm nâng cao tính hấp dẫn của bài giảng. Trịnh Lê Hùng cho rằng: “Nếu chỉ nghe giảng viên giảng bài, sinh viên sẽ thiếu những kỹ năng cần thiết khi tiếp cận và giải quyết một công việc thực tế”. Chính suy nghĩ đó mà liên tiếp trong 4 năm vừa qua, anh đã hướng dẫn gần 15 đề tài cho học viên, sinh viên nghiên cứu khoa học. Với người thầy giáo trẻ này, được hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm học tập và nghiên cứu của mình với sinh viên là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người làm công tác giảng dạy.

Bên cạnh đó, Trịnh Lê Hùng còn tích cực tham gia hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài quân đội như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Đại học Mỏ-Địa chất, Đại học Sư phạm Hà Nội,…

Học viện Kỹ thuật Quân sự liên kết nước ngoài

 Thiếu tá, PGS.TS Trịnh Lê Hùng cùng vợ và 2 con

Năm 2016 có lẽ là năm thành công nhất đối với thầy giáo trẻ Trịnh Lê Hùng khi được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn Chức danh Phó Giáo sư – Ngành Khoa học Trái đất khi mới 34 tuổi. Anh cũng là người trẻ tuổi nhất của Học viện trong 50 năm xây dựng và trưởng thành đạt được học hàm này, đồng thời là Phó giáo sư trẻ nhất toàn quân năm 2016. Các công trình nghiên cứu của anh tập trung vào giải quyết vấn đề ứng dụng phương pháp viễn thám và GIS trong xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý phục vụ cho lĩnh vực Địa hình quân sự, cũng như trong nghiên cứu và giám sát tài nguyên môi trường.

Hiện nay, Học viện KTQS đang phấn đấu trở thành Trường đại học nghiên cứu và cần nhiều hơn nữa những chuyên gia đầu ngành. Vì vậy, việc phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, giảng viên… có thể phát huy hết khả năng, năng lực khoa học của mình là rất cần thiết, qua đó góp phần khẳng định được vị thế của Học viện trong nước và quốc tế. Với Bộ môn Trắc địa Bản đồ, công tác đào tạo chuyên ngành Địa Tin học - đây là ngành khoa học sử dụng, phát triển trên cơ sở hạ tầng của khoa học thông tin và tin học vào giải quyết các vấn đề về khoa học Trái đất -một chuyên ngành còn non trẻ với gần 10 năm thành lập, rất cần những nhà giáo, nhà khoa học tiên phong như PGS.TS Trịnh Lê Hùng. Điều này càng cho thấy việc Học viện lựa chọn Thiếu tá, PGS.TS Trịnh Lê Hùng ở lại để xây dựng và phát triển chuyên ngành Địa tin học là hoàn toàn đúng đắn. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự đam mê nghiên cứu khoa học, chắc chắn PGS.TS Trịnh Lê Hùng sẽ còn có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của Bộ môn Trắc địa Bản đồ nói riêng, Học viện KTQS và Nhà nước nói chung.

Chặng đường trước mắt vẫn còn nhiều mục tiêu mới đang chờ người thầy giáo trẻ chinh phục, nhưng nhìn khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười tươi của Thiếu tá, PGS.TS Trịnh Lê Hùng và đặc biệt là ánh mắt của anh, dường như thấy được niềm đam mê khoa học ẩn sâu bên trong, thấy được tấm lòng của một tri thức trẻ muốn góp phần nhỏ bé cống hiến cho quê hương, đất nước.