Đánh giá kết quả xạ phẫu

: đánh giá kết quả xạ phẫu u màng não vùng nền sọ bằng dao gamma quay (Rotating Gamma Knife, RGK) tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2014 đến năm 2016. Đối tượng nghiên cứu: 41 bệnh nhân u màng não nền sọ được xạ phẫu bằng dao Gamma quay. Phương pháp nghiên cứu: tiến cứu. Kết quả: Tuổi trung bình: 49,3± 13,5 tuổi, tuổi thấp nhất: 23 tuổi, cao nhất là 75 tuổi; tỷ lệ nữ/nam là 1,4/1. Vị trí u vùng xoang hang chiếm 46,3 %; u vùng cánh xương bướm là 12,2 %, còn lại là các vị trí khác.Trước xạ phẫu: triệu chứng đau đầu là 90,2 %, các triệu chứng khác như mờ mắt, nôn, động kinh. Kích thước dọc và ngang khối u trung bình lần lượt là:29,8±9,8 mmvà 21,6±7,6mm. Liều xạ phẫu trung bình (liều 50% tại rìa khối u) là 13,6Gy ± 1,5 (10- 16Gy). Sau xạ phẫu 3 tháng, hầu hết các triệu chứng cơ năng được kiểm soát 90,2%, tỷ lệ đáp ứng khối u là 91,9%. Sau 6 tháng kích thước trung bình hhối u (dọc và ngang) giảm lần lượt là: 27,7±10,7mm và 19,4±6,3mm, và giảm dần sau 12 tháng, 18 tháng. Xạ phẫu có thể thực hiện được với khối u ở mọi vị trí, đặc biệtkhối u nằm ở vùng nền sọ và không thể phẫu thuật được.Sau xạ phẫu các bệnh nhân đều an toàn và không có trường hợp nào có biến chứng nặng hoặc tử vong. Kết luận: Xạ phẫu bằng dao Gamma quay đối với u màng não nền sọ là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả làm giảm các triệu chứng cơ năng, thực thể và kích thước u theo thời gian, có thể áp dụng khi mà các phương pháp khác không thể thực hiện đươc.

Từ khoá: U màng não nền sọ; Xạ phẫu ; Dao gamma quay.

ABSTRACT

RADIOSURGERY BY ROTATING GAMMA KNIFE FOR TREATMENT OF SKULL BASE MENINGIOMA

Nguyen Thanh Hung1, Mai Trong Khoa2, Tran Dinh Ha1, Pham Cam Phuong1,

Vu Hong Thang3

1Bach Mai Hospital, 2Hanoi Medical University, 3K Hospital.

Objective:evaluate the results of Skull base meningioma radiosurgery using gamma knife rotation (RGK) at the Nuclear Medicine and Oncology center -Bach Mai Hospital from 2014 to 2016. Subjects: 41Skull base meningioma patients were treated by RGK. Method: prospective study. Results: The mean age was 49,3 ± 13,5 , the youngest was 23 years old, the oldest was 75 years old; the women/men rate was 1.4/1. The positions accounted for 46,3 % cavernous sinus region; sphenoid wing area was 12,2% and the rest were other positions. The symptoms before treatment were: 90,2% headache and other such as blurred vision, vomiting, seizures…The vertical and horizontal average size tumor were 29,8 ± 9,8mm and 21,6 ± 7,6mm, respectively. The average radiosurgery dose (50% dose in the tumor margin) was 13,6Gy ± 1,5 (10- 16Gy). Almost patients were responded after 3 months treatment, most of the functional symptoms were 90,2% controlled, response rate of tumor was 91,9%. After 6 months treatment tumor size was decreased to 27,7±10,7mm and 19,4±6,3mm(vertical and horizontal) and tumor size was being reduced by 12 and 18 months . Radiosurgery can be done with tumors in all positions; especially the tumor located in the base of the skull and cannot have surgery. In 23 skull base meningiomas patients were treated and monitored closely during and after radiosurgery were safe and that no cases of serious complications or death. Conclusion: Rotating Gamma knife radiosurgery is a safe treatment method, and efficiently, reducing the functional symptoms, physical and tumor size over time.

Key words:Skull base meningioma;Radiosurgery, Rotating gamma knife

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

U màng não (UMN: Meningioma) là một loại u não nguyên phát thường gặp có nguồn gốc từ tế bào màng nhện của màng não, nhiều nghiên cứu cho thấy UMN nội sọ chiếm tỷ lệ khoảng 24-33% các khối u não nguyên phát và có tỷ lệ mắc 6/ 100.000 người mỗi năm. Tỷ lệ sống sót toàn bộ 5 năm đến 10 năm cho tất cả các u màng não là 82% và 64% tương ứng, nhưng tiên lượng kém đối với UMN ác tính.

U màng não vùng nền sọ (Skull base meningioma) chiếm 40% tổng số UMN nội sọ. Chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là chụp cộng hưởng từ. Điều trị UMN nền sọ bao gồm phẫu thuật, xạ trị và xạ phẫu, trong đó phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu. Mặc dù hơn 90% bệnh lý UMN nội sọ có thể mô bệnh học là lành tính, tuy nhiên bệnh dễ tái phát nếu phẫu thuật cắt bỏ không hoàn toàn hoặc hoàn toàn, đặc biệt UMN vị trí nền sọ. Đặc điểm u vị trí này liên quan nhiều đến dây thần kinh thị giác, giao thoa thị giác, xoang tĩnh mạch, động mạch cảnh trong, xương đá, các dây thần kinh sọ não như dây III, IV, V, VI…nên việc phẫu thuật triệt để thường khó khăn, tỷ lệ biến chứng thần kinh cao. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp điều trị ít xâm lấn như xạ trị, xạ phẫu để điều trị bổ trợ cũng như thay thế phương pháp điều trị phẫu thuật là rất cần thiết. Hiện nay, xạ phẫu bằng dao gamma quay là một trong những kỹ thuật hiên đại được lựa chọn để điều trị các khối u và một số bệnh lý sọ não vì tính ưu việt vượt trội của kỹ thuật này. Trên thế giới mới chỉ có Hoa Kỳ và một số rất ít nước trong đó có Việt Nam đã ứng dụng thành công xạ phẫu bằng dao gamma quay. Cho đến nay ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào sử dụng xạ phẫu bằng dao gamma quay để điều trị UMN nền sọ. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu để tài này nhằm mục tiêu: “Đánh giá kết quả điều trị u màng não nền sọ bằng dao gamma quay”.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu: gồm 41 bệnh nhân được chẩn đoán xác định UMN nền sọ dựa vào các tiêu chuẩn trên phim chụp CT, MRI sọ não (u ngấm thuốc mạnh, đồng nhất, bờ rõ, dấu hiệu đuôi màng cứng…), hoặc mô bệnh học sau phẫu thuật u màng não có chỉ định xạ phẫu bằng dao gamma quay tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2016.

Phương pháp nghiên cứu: mô tả tiến cứu.

Tất cả bệnh nhân được làm các xét nghiệm đánh giá toàn thân và tại chỗ, chụp CT thường quy, chụp MRI sọ não, chụp DSA não, chụp MRI phổ sọ não…

Được xạ phẫu theo quy trình thống nhất và theo dõi mẫu nghiên cứu cho từng loại bệnh. Khám lại định kỳ đánh giá các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng sau xạ phẫu 1, 3, 6, 12, 18 tháng… Đánh giá sự thay đổi hình ảnh của khối u theo tiêu chuẩn RECIST.

Thiết bị sử dụng:Hệ thống dao gamma quay (RGK: Rotating Gamma Knife) của Hoa Kỳ, với hệ thống Collimator quay, hệ thống định vị tự động(hệ thống APS: Automatic Positioning System).Hệ thống máy chụp MRI 1,5Tmô phỏng có độ phân giải cao.

Xử lý số liệu: kết quả nghiên cứu được xử lý theo chương trình SPSS 17.0.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 1: Phân bố tuổi và giới tính

Nhóm tuổi

Số bệnh nhân

Tỷ lệ %

< 20

0

0,0

20 - < 30

5

12,2

30 - < 40

4

9,8

40 -< 50

12

29,3

50 -< 60

11

26,8

\> 60

9

22,0

Nam

14

34.1

Nữ

27

65,9

Tổng

41

100

Nhận xét: Tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 40-50 tuổi với tỷ lệ 29,3%. Tuổi trung bình: 49,3 ± 13,5 tuổi, tuổi thấp nhất: 23 tuổi, cao nhất: 75 tuổi, tỷ lệ nữ/nam: 1,4/1.

Bảng 2: Phân bố triệu chứng trước xạ phẫu

Triệu chứng

Số bệnh nhân

Tỷ lệ (%)

Đau đầu

37

90,2

Nôn, buồn nôn

7

17,1

Mờ mắt, sụp mi

22

53,7

Yếu chi

3

7,3

Động kinh

1

2,4

Rối loạn thăng bằng

4

9,8

Giảm thính lực

6

14,6

Nhận xét: triệu chứng thường gặp nhất là đau đầu chiếm tỷ lệ 90,2%. Tiếp đến là các triệu chứng mờ mắt (53,7%), nôn (17,1%).

Bảng 3: Phân bố vị trí u vùng nền sọ trước xạ phẫu

Vị trí

Số bệnh nhân

Tỷ lệ %

Xoang hang

19

46,3

Trên yên

5

12,2

Cánh xương bướm

5

12,2

Góc cầu tiểu não

9

22

Hố sau

3

7,3

Tổng

41

100

Nhận xét: vị trí thường gặp nhất là xoang hang, chiếm tỷ lệ 46,3 (%), tiếp đến là vùng góc cầu tiểu não (22%), vị trí khác ít gặp hơn.

Bảng 4: Tỷ lệ đáp ứng triệu chứng cơ năng theo thời gian sau xạ phẫu

Thời gian

Đáp ứng hoàn toàn (%)

Đáp ứng một phần (%)

Không đáp ứng (%)

Sau 3 tháng

9,75

80,5

9,75

Sau 6 tháng

3,2

90,3

6,5

Sau 12 tháng

0,0

100,0

0,0

Sau 18 tháng

0

88,2

11,8

Nhận xét:Hầu hết các triệu chứng đáp ứng một phần sau điều trị 3 tháng với tỷ lệ: 80,5%; 6 tháng 90,3%; 12 tháng: 100% và18 tháng: 88,2%. Trong đó triệu chứng đáp ứng hoàn toàn sau 3 tháng là: 9,75%.

Bảng 5:Thay đổi kích thước u trên CT và MRI theo thời gian

Thời gian

Kích thước

UMN (mm)

Trước

xạ

phẫu

Sau

3

tháng

Sau

6

tháng

Sau

12

tháng

Sau

18

tháng

Đường kính dọc

29,8±9,8

29,9±9,1

27,7±10,7

24,5±8,4

20,8±6,9

p

\> 0,05

\> 0,05

< 0,05

< 0,05

Đường kính ngang

21,6±7,6

21,1±5,7

19,4±6,3

17,3±6,3

14,4±3,8

p

\> 0,05

< 0,05

< 0,05

< 0,05

Số bệnh nhân

41

37

30

21

17

Nhận xét:Đường kính dọc trung bình khối u trước xạ phẫu là 29,8± 9,8 mm, đường kính ngang trung bình là: 21,6± 7,6 mm, kích thước khối u giảm dần sau xạ phẫu 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và 18 tháng, với p < 0,05.

Bảng 6: Tỷ lệ đáp ứng khối u sau xạ phẫu theo thời gian

Thời gian

U tan hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn (%)

U tan một phần (%)

Kích thước giữ nguyên (%)

Tăng kích thước (%)

Sau 3 tháng

0,0

2,7

89,2

8,1

Sau 6 tháng

0,0

3,3

86,7

10,0

Sau 12 tháng

0,0

9,5

85,7

4,8

Sau 18 tháng

0,0

36,8

63,2

0,0

Nhận xét: Sau 3 tháng điều trị tỷ lệ đáp ứng khối u là 91,9%. Sau 6 tháng, 12 tháng và 18 tháng tỷ lệ đáp ứng khối ulần lượt là: 90%, 95,2% và 100%.

IV. BÀN LUẬN

Dao gamma (gamma knife: GK) lần đầu tiên do tác giả Lars Leksell người Thụy Điển sử dụng năm 1968 để điều trị một số bệnh lý sọ não. Tháng 7 năm 2007 dao gamma quay do Hoa Kỳ sản xuất được ứng dụng lần đầu tiên tại Việt Nam và tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai. Các chùm tia gamma của nguồn Co-60 chiếu từ nhiều hướng khác nhau nhưng có thể điều chỉnh để hội tụ lại tại tổ chức bệnh lý cần phá hủy giúp loại bỏ tổ chức bệnh lý trong não mà không cần phẫu thuật mở hộp sọ [1]; [2]; [5].

* Tuổi và giới

Trong nghiên cứu thì UMN nền sọ gặp ở nhiều lứa tuổi, không gặp ở người trẻ < 20 tuổi, tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 40 -50 tuổi với tỷ lệ 29,3%. Tuổi trung bình là 49,3 ± 13,5 tuổi, tuổi thấp nhất: 23 tuổi, cao nhất là 75 tuổi, tỷ lệ nữ/nam là: 1,4/1. Nghiên cứu của Mai Trọng Khoa và CS (2012) cũng cho thấy UMN gặp ở mọi lứa tuổi, ít gặp ở người trẻ < 20 tuổi, tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 50 - 60 tuổi, với tỷ lệ 39,3%. Tuổi trung bình là 56,2 tuổi, trẻ nhất là 11, cao nhất 84 tuổi; tỷ lệ nữ/nam là 1,8/1. Nghiên cứu của trường Đại học Pittsburgh với 314 bệnh nhân UMN cho thấy, tuổi trung bình 57, trẻ nhất 12, cao tuổi nhất 86, nữ chiếm tỷ lệ 68%. Các nghiên cứu đều thấy rằng, nữ chiếm ưu thế, nhất là sau giai đoạn mãn kinh (sau 50 tuổi) gợi ý cho thấy sự hình thành u màng não có liên quan đến sự thay đổi về nội tiết [1];[2].

* Triệu chứng lâm sàng

Bệnh thường tiến triển từ từ với các triệu chứng tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước khối u, có thể gây ra các triệu chứng rất đa dạng khác nhau do khối u chèn ép, phá hủy cơ quan lân cận. Trong nghiên cứu triệu chứng hay gặp nhất là đau đầu chiếm tỷ lệ 90,2%, tiếp đến là dấu hiệu về mắt (nhìn mờ, nhìn đôi, lác mắt, sụp mi...) chiếm tỷ lệ 53,7%, triệu chứng buồn nôn, nôn chiếm tỷ lệ 17,1%, các triệu chứng khác ít gặp hơn. Nghiên cứu của Mai Trọng Khoa và CS (2012) triệu chứng đau đầu hay gặp nhất (60,7%), tiếp đến là các triệu chứng khác như mờ mắt, nôn, động kinh…có tỷ lệ thấp hơn. Theo nghiên cứu của Jason Rockhill và CS (2007), triệu chứng đau đầu thường gặp nhấtchiếm tỷ lệ 38,9%.Điều này có thể giải thích là ở nghiên cứu của chúng tôi khối u nằm vị trí nền sọ thường chèn ép hố sau gây tăng áp lực nội sọ, đau đầu, nôn. Một phần là bệnh nhân ở nước ta thường đến bệnh viện ở giai đoạn muộn hơn, khi có các triệu chứng khá rõ rệt [1]; [2]; [9].

* Vị trí u

U màng não vùng nền sọthường liên quan đến nhiều cơ quan tổ chức quan trọng như các dây thần kinh sọ (dây mắt, giao thị, dây I, dây V, dây VII, dây VIII…), các mạch máu lớn, thân não, xương nền sọ, do vậy rất khó khăn và gây nhiều biến chứng cho việc phẫu thuật mở hay nội soi vi phẫu. Đây là vùng mà điều trị bằng dao Gamma thay thế và có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật. Trong nghiên cứu của chúng tôi vị trí thường gặp nhất là vùng xoang hang chiếm tỷ lệ 46,3%, tiếp đến là vị trí góc cầu tiểu não, vị trí trên yên và cánh xương bướm chiếm tỷ lệ lần lượt là 22% và 12,2% và 12,2%, các vị trí khác như hố sau, trong hố mắt, rãnh khứu ít gặp hơn. Nghiên cứu của Mai Trọng Khoa và CS (2012)kết quả là u vùng xoang hang chiếm 54,9%. Theo nghiên cứu của Antonio Santacroce và CS(2011) thấy UMN thường gặp nhất là ở vị trí xoang hang chiếm tỷ lệ 27,9%. Như vậy vị trí UMN trong nghiên cứu của chúng tôi cũng như nghiên cứu của các tác giả khác trên thế giới thường gặp hơn ở xoang hang. [1]; [2]; [3];[10].

* Kích thước u và liều xạ phẫu

Kết quả cho thấy kích thước lớn nhất: 54 x 40 (mm), nhỏ nhất: 12 x 7 (mm), trung bình: 29,8 (mm) x 21,6 (mm). Liều xạ phẫu 50% tại rìa khối u lớn nhất: 16 (Gy), nhỏ nhất: 10 (Gy), trung bình: 13,6 Gy ± 1,5. Nghiên cứu của Kondziolka D và CS (2014) cho thấy thể tích trung bình của khối u là 5,5cm3, liều xạ phẫu trung bình là 15Gy.Theo khuyến cáo của Hiệp hội xạ phẫu quốc tế (IRSA) liều điều trị từ 11 - 16Gy với các khối u có kích thước nhỏ hơn 30 - 35mm cho hiệu quả cao nhất, và ít biến chứng sau xạ phẫu. Kích thước khối u, vị trí u(liên quan đến các cơ quan xung quanh) và liều xạ trị là 3 yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả điều trị, cũng như biến chứng sau xạ phẫu. Lawrence và cs (2008) nhận thấy với liều xạ phẫu Gamma 13Gy đã có thể cho tỷ lệ kiểm soát bệnh đạt 100% [5];[6]. Kích thướctrung bình khối u trong nghiên cứu của chúng tôi tương đương với các nghiên cứu nước ngoài.

* Đáp ứng điều trị

Để đánh giá đáp ứng điều trị của UMN sau xạ phẫu GK thì thời gian theo dõi càng lâu thì kết quả đánh giá đáp ứng điều trị càng chính xác. Nghiên cứu của chúng tôi tiến hành trong 2 năm, vì vậy thời gian theo dõi chưa được lâu để đánh giá một cách chính xác nhất đáp ứng sau xạ phẫu GK về mặt cơ năng và hình ảnh, tuy nhiên qua quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy rằng đáp ứng về mặt cơ năng và tỷ lệ đáp ứng khối ucủa các bệnh nhân là rất tốt. Về lâm sàng, sau xạ phẫu 3 tháng điều trị hầu hết các triệu chứng được kiểm soát80,5%, các triệu chứng giảm dần theo thời gian và sau 1 năm tỷ lệ đáp ứng là 100%.Trên hình ảnh thì trong số 41 trường hợp sau xạ phẫu thì kích thước trung bình khối u giữ nguyên sau 3 tháng và giảm dần sau 6 tháng, 12 tháng và 18 tháng (p<0,05). Tỷ lệ đáp ứng khối u sau xạ phẫu 3 tháng là 91,9%, sau 6 tháng, 12 tháng và 18 tháng lần lượt là : 90%, 95,2% và 100%. Theo nghiên cứu của B. Lippitz (2015) trên 86 trường hợp UMN (130 khối u) được điều trị bằng xạ phẫu Gamma Knife tại Bệnh viện Karolinska ở Stockholm. Kết quả: tỷ lệ kiểm soát khối u đạt được là 87,8% (108/123). Nghiên cứu của Jang CK và CS (2015) trong 4 năm trên 628 trường hợp UMN đã được điều trị xạ phẫu gamma quay thì tỷ lệ kiểm soát toàn bộ khối u là 95%, tỷ lệ tái phát là 4,4% [7], [8]. Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu của các tác giả trên thế giới. Tuy nhiên tỷ lệ đáp ứng khối u sau xạ phẫu trong nghiên cứu của chúng tôi là chủ yếu một phần, kết quả này được giải thích là về mặt hình ảnh, không có sự tương ứng với cải thiện lâm sàng, tức là khi các triệu chứng được kiểm soát thì hình ảnh khối u có thể nhỏ đi hoặc không thay đổi về mặt kích thước, thậm chí có thể tăng lên trong vài tháng đầu sau điều trị. Bởi vì trong vòng vài tháng đầu sau xạ phẫu, tổ chức khối u sau chiếu xạ thường phù nề trước khi thoái triển, mặt khác cỡ mẫu nghiên cứu của chúng tôi chưa đủ lớn và thời gian theo dõi chưa dài.

So sánh kết quả xạ phẫu với phẫu thuật UMN, đặc biệt UMN nền sọ có thể thấy tỷ lệ kiểm soát bệnh của xạ phẫu cao hơn trong khi đó tỷ lệ biến chứng thấp hơn hẳn. Vì vậy việc phối hợp giữa phẫu thuật và xạ phẫu đối với các khối u này là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ tái phát, tăng tỷ lệ kiểm soát bệnh, giảm các biến chứng. Các nghiên cứu nước ngoài cũng cho thấy đối với UMN nền sọ biến chứng tổn thương thần kinh sau phẫu thuật cao từ 18 - 43%, đặc biệt với UMN xoang hang lan rộng, tỷ lệ tổn thương dây thị lên tới 20% (Kim, Grieve, Archer và cs, năm 1996; DeMonte, Smith, Al-Mefty và cs, năm 1994). Như vậy, tỷ lệ tái phát đối với UMN sau phẫu thuật là rất lớn so với tỷ lệ kiểm soát bệnh bằng xạ phẫu trên 90%.trong khi tỷ lệ biến chứng do xạ phẫu chỉ khoảng 4,5-10%. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng với các khối u lớn (> 5cm) thì hiệu quả điều trị bằng dao gamma thấp, không triệt để, nên cần phải phẫu thuật hoặc xạ trị gia tốc trước khi tiến hành xạ phẫu [4].

Ca lâm sàng minh hoạ: Bệnh nhân Đinh T. V, 52 tuổi. Vào viện vì đau đầu nhiều, nôn, tê yếu nửa người trái. Chẩn đoán: u màng não nền sọ chèn ép thân não, dây thị giác. Bệnh nhân được xạ phẫu dao Gamma quay liều 15Gy. Sau xạ phẫu 8 tháng, u tan gần hết, các triệu chứng lâm sàng cải thiện.

Trước điều trị: u màng não nền sọ to, kích thước 3,9x4,1x4,9cm, u chèn ép thân não gây yếu tê nửa người trái, đau đầu nhiều.

Sau xạ phẫu bằng dao gamma 8 tháng: u tan gần hết, bệnh nhân hết các triệu chứng đau đầu, tê, yếu nửa người trái; đi lại vận động bình thường.

  1. KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu 41 bệnh nhân u màng não nền sọ được xạ phẫu bằng dao gamma quay tại trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy: - Trước xạ phẫu: độ tuổi mắc bệnh hay gặp là từ 40-50 tuổi, tỷ lệ nữ giới cao hơn nam giới (1,4/1), triệu chứng lâm sàng hay gặp là đau đầu (90,2%), vị trí u màng não nền sọ thường gặp là vùng xoang hang giao thoa thị giác chiếm tỷ lệ 46,3%, kích thước khối u trung bình (đường kính dọc và ngang) lần lượt là:29,8 ± 9,8 mm và 21,6 ± 7,6mm,liều xạ phẫu trung bình (liều 50% tại rìa khối u) là 13,6 Gy ± 1,5, liều cao nhất: 16 Gy, liều thấp nhất: 10 Gy.

- Sau xạ phẫu: Tỷ lệ đáp ứng triệu chứng cơ năng sau xạ phẫu 3 tháng là 90,2%,tỷ lệ đáp ứng khối sau 3 tháng là 91,9%, kích thước khối u trung bình (đường kính dọc và ngang) giảm sau 6 tháng:27,7±10,7mm và 19,4±6,3mm, và giảm dần sau 12 tháng, 18 tháng lần lượt là : 24,5±8,4mm và 17,3±6,3mm ; 20,8±6,9mm và 14,4±3,8mm.

Từ kết quả điều trị cho thấy xạ phẫu màng não nền sọ bằng dao gamma quay là một phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn, ít xâm nhập, thời gian nằm viện ngắn, có thể áp dụng điều trị hiệu quả cho bệnh nhân trong khi các phương pháp khác không thể thực hiện đươc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Mai Trọng Khoa (2012), Điều trị u não và một số bệnh lý sọ não bằng dao gamma quay, Nhà xuất bản y học, Hà Nội 2013.
  2. Mai Trọng Khoa (2015), Nghiên cứu ứng dụng dao gamma quay điều trị u thân não, u màng não, u dây thần kinh số VIII và ung thư di căn não, Đề tài cấp nhà nước.
  3. Johns Hopkins: Common locations of meningioma, Neurology and Neurosurgery, Medicines 2010.
  4. F DeMonte, HK Smith, O Al-Mefty. Outcome of aggressive removal of cavernous sinus meningiomas. J Neurosurg 81:245-251, 1994.
  5. International Radiosurgery Association (IRSA-2011): Meningioma
  6. Lawrence S. Chin, William F. Regine, (2008),Meningioma, Principles and Practice of Stereotactic Radiosurgery, Springer, p238.
  7. B. Lippitz (2015). 10 -Year follow-up after Gamma Knife radiosurgery of meningioma. Journal of Radiosurgery and SBRT Vol. 3 Suppl. 1 2015.
  8. Jang CK, Jung HH, Chang JH, Chang JW (2015). Long-Term Results of Gamma Knife Radiosurgery for Intracranial Meningioma. Brain Tumor Res Treat. 2015 Oct;3(2):103-107.
  9. Jason Rockhiill, Maciej Mrugala, M.P.H and Marc C. Chamberlain, (2007). Intracranial meningiomas: an overview of diagnosis and treatment. Neurosurg Focus. 2007 October. Volume 23. Antonio Santacroce, Maja Walier, Dipl Math., Jean Resgis, et al (2012). Long-term tumor Control of Benign Intracranial Meningiomas After Radiosurgery in a Series of 4565 Patients. Neurosurgery. 2012. 70:32-39.