Viên chức loại b là gì năm 2024

Ông Quách Chí Nguyện (chinguyenptc@...) là cán bộ của Phòng Tài chính kế hoạch huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Tháng 10/2010 ông Nguyện nhận bằng tốt nghiệp cử nhân kinh tế và đã nộp cho Phòng Nội vụ.

Tuy nhiên, ông Nguyện được Phòng Nội vụ yêu cầu đợi thi chuyển ngạch xong mới được chuyển ngạch. Ông Nguyện hỏi, nếu tỉnh Sóc Trăng không tổ chức thi chuyển ngạch thì ông có được chuyển ngạch không?

Câu hỏi của ông Nguyện được Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Viên chức loại A là những người được bổ nhiệm vào ngạch có yêu cầu chuẩn là trình độ giáo dục đại học trở lên;

Viên chức loại B là những người được bổ nhiệm vào ngạch có yêu cầu chuẩn là trình độ giáo dục nghề nghiệp;

Viên chức loại C là những người được bổ nhiệm vào ngạch có yêu cầu chuẩn là trình độ dưới giáo dục nghề nghiệp.

Tại khoản 7, Điều 1 Nghị định 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước quy định: Viên chức loại B, loại C quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định này được cử đi đào tạo và đã có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được cơ quan, đơn vị bố trí vào vị trí việc làm phù hợp với trình độ đào tạo chuyên môn và nhu cầu sử dụng của cơ quan, đơn vị thì được xét chuyển loại viên chức và bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với trình độ đào tạo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự xét chuyển loại viên chức.

Theo hướng dẫn tại Mục 1, 2, 3 và 5 Phần II Thông tư 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 116/2003/NĐ-CP và Nghị định 121/2006/NĐ-CP thì đối tượng, tiêu chuẩn và điều kiện xét chuyển loại viên chức; trình tự xét chuyển loại viên chức; việc bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với viên chức được xét chuyển loại quy định như sau:

Đối tượng được xét chuyển loại

Viên chức loại B, loại C (đang hưởng lương ở các ngạch tương đương ngạch cán sự hoặc nhân viên), được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cử đi đào tạo từ nguồn kinh phí Nhà nước, kinh phí của đơn vị sự nghiệp, kinh phí của các tổ chức khác hoặc kinh phí cá nhân tự chi trả và đã có bằng tốt nghiệp, nếu được bố trí vào vị trí công tác phù hợp với yêu cầu của trình độ đào tạo và đạt đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì được xem xét chuyển loại A hoặc loại B và được bổ nhiệm, xếp lương vào ngạch viên chức phù hợp với vị trí công tác, yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ và trình độ đào tạo.

Viên chức đang hưởng lương A0, được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cử đi đào tạo đã có bằng tốt nghiệp đại học, nếu được bố trí vào vị trí công tác không phù hợp với yêu cầu của trình độ đào tạo và đạt đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì được xem xét bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch viên chức phù hợp với vị trí công tác, yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ và trình độ đào tạo.

Tiêu chuẩn và điều kiện xét chuyển loại viên chức

Viên chức có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau thì được xem xét chuyển loại:

- Đạt yêu cầu trình độ đào tạo theo quy định của ngạch tương ứng với loại viên chức đề nghị chuyển xếp;

- Hoàn thành tốt các nghĩa vụ của viên chức;

- Được đơn vị bố trí vào vị trí việc làm phù hợp với tiêu chuẩn nghiệp vụ và trình độ đào tạo chuyên môn của ngạch tương ứng với loại viên chức được chuyển, đồng thời đáp ứng với nhu cầu sử dụng và khả năng tự chủ của đơn vị;

- Không trong thời gian đang thi hành kỷ luật.

Trình tự xét chuyển loại viên chức

Đơn vị sự nghiệp khi xét chuyển loại viên chức phải thành lập Hội đồng để xem xét về tiêu chuẩn, điều kiện của viên chức xét chuyển loại nêu trên và nhu cầu sử dụng của đơn vị.

Thành phần Hội đồng xét chuyển loại viên chức có 5 hoặc 7 thành viên gồm: Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp; Các ủy viên Hội đồng khác là đại diện lãnh đạo các bộ phận chuyên môn của đơn vị sự nghiệp, trong đó có đại diện lãnh đạo bộ phận viên chức đang công tác, đại diện lãnh đạo bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ và có một ủy viên kiêm thư ký Hội đồng.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp không đủ 5 thành viên để thành lập Hội đồng theo quy định hoặc viên chức được xét chuyển loại là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thì cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp thành lập Hội đồng xét chuyển loại viên chức. Hội đồng xét chuyển loại có 5 hoặc 7 thành viên do người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp quyết định.

Căn cứ kết quả của Hội đồng xét chuyển loại viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp có văn bản (kèm danh sách trích ngang viên chức đề nghị xét chuyển loại) đề nghị cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét và gửi danh sách chuyển loại viên chức về Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Nội vụ phê duyệt trước khi ra quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức.

Viên chức được xét chuyển loại được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới tương ứng với loại viên chức được chuyển. Việc xếp lương được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại viên chức.

Trường hợp ông Quách Chí Nguyện phản ánh, đang là viên chức được cử đi học bằng kinh phí của đơn vị, hoặc tự chi trả kinh phí, đã tốt nghiệp có bằng đại học thuộc đối tượng xét chuyển loại viên chức; không thuộc đối tượng thi chuyển ngạch.

Ông Nguyện cần so sánh quy định nêu trên, nếu phù hợp với tiêu chuẩn, điều kiện xét chuyển loại viên chức thì ông làm đơn gửi Phòng Nội vụ UBND huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng đề nghị được xét chuyển loại viên chức.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.