Ví dụ hợp đồng thuê tài sản

Hợp đồng thuê khoán tài sản là một loại hợp đồng thuê tài sản đặc biệt, với mục đích thuê tài sản để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức. Để không xảy ra những tranh chấp và việc thực hiện hợp đồng diễn ra đúng pháp luật, mỗi cá nhân, tổ chức cần hiểu rõ các quy định pháp luật về loại hợp đồng đặc biệt này.

1. Vấn đề chung

Hợp đồng thuê khoán tài sản là loại hợp đồng dân sự nhìn chung tương đối ít sử dụng so với các loại hợp đồng liên quan đến đối tượng tài sản như vay, thuê, mượn. Do đó, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu cần hiểu rõ khái niệm và đặc điểm hợp đồng thuê tài sản đặc biệt này để bảo vệ tốt quyền lợi cho mình.

1.1. Khái niệm về hợp đồng thuê khoán tài sản

Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.

Như vậy, khác với các hợp đồng thuê tài sản thông thường, hợp đồng thuê khoán chỉ dành cho các tài sản có thể khai thác công dụng cũng như hưởng hoa lợi, lợi tức từ đó.

Ví dụ hợp đồng thuê tài sản

Bên thuê hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thuê khoán

1.2. Đặc điểm của hợp đồng thuê khoán tài sản

Hợp đồng thuê khoán mang các đặc điểm của hợp đồng thuê tài sản ngoài ra còn có các đặc trưng riêng biệt như sau:

Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng thuê khoán phải là những tư liệu sản xuất có thể khai thác công dụng được như đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều này đồng nghĩa với việc các tài sản không được liệt kê sẽ không thể được thuê khoán, và vì vậy các bên cần cân nhắc để lựa chọn đúng loại hợp đồng.

Ví dụ: B là khách du lịch muốn thuê A một chiếc xe máy để di chuyển trong nội thành với giá 100.000 đồng/ngày. Vì đây không phải là tư liệu sản xuất được liệt kê trong hợp đồng thuê khoán, do đó, A và B phải giao kết hợp đồng thuê tài sản trong trường hợp này.

Thứ hai, thời hạn thuê khoán được ưu tiên theo thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì có thể áp dụng theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh phù hợp với tính chất của đối tượng thuê khoán. Như vậy, để chủ động trong việc sử dụng tài sản thuê khoán, các bên nên lưu ý thỏa thuận ngay từ đầu trong hợp đồng thuê khoán tài sản.

Thứ ba, giá thuê khoán do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp thuê khoán thông qua đấu thầu thì giá thuê khoán là giá được xác định theo kết quả đấu thầu. Như vậy, các bên hoàn toàn có quyền áp đặt giá thuê khoán mà không có sự giới hạn từ pháp luật. Do đó, để tránh những mâu thuẫn trong quá trình áp dụng, các bên cần chủ động quy định rõ giá thuê khoán khi giao kết hợp đồng.

1.3. Hình thức hợp đồng thuê khoán tài sản

Với các hợp đồng thuê thông thường, hình thức hợp hợp đồng được mở rộng, bao gồm văn bản, lời nói và hành vi cụ thể. Tuy nhiên, do đối tượng của loại hợp đồng thuê khoán khá đặc biệt - là các tư liệu sản xuất nên cần xem xét các văn bản pháp luật khác ngoài Bộ luật dân sự. Nếu có pháp luật quy định, hợp đồng khoán tài sản phải có công chứng hoặc chứng thực hoặc phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ví dụ: A muốn thuê quyền sử dụng một mảnh đất nông nghiệp của B để thực canh tác trong vòng 01 năm với giá là 100.000.000 đồng. Đối tượng của hợp đồng thuê khoán nên A và B giao kết hợp đồng thuê khoán mảnh đất trên. Do đây là bất động sản là đối tượng được Nhà nước giám sát, kiểm tra việc sử dụng nên các bên cần lập hợp đồng bằng văn bản, có công chứng, chứng thực và thực hiện đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo các quy định của Luật Đất đai và các quy định pháp luật liên quan.

2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thuê khoán tài sản

Khi hợp đồng thuê khoán tài sản được xác lập thì các quyền và nghĩa vụ tương ứng cho các bên liên quan cũng được hình thành. Cụ thể, có thể tiếp cận các nhóm quyền và nghĩa vụ theo liệt kê dưới đây.

2.1. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê khoán tài sản

Với những quy định của Bộ luật dân sự về hợp đồng thuê khoán tài sản, ta có thể hiểu quyền và nghĩa vụ của bên thuê khoán như sau:

2.1.1 Quyền của bên thuê khoán tài sản

Hợp đồng thuê khoán là sự chuyển giao quyền sử dụng tài sản thuê khoán cho bên thuê. Do đó, bên thuê khoán được toàn quyền sử dụng tài sản thuê khoán sau khi hợp đồng thuê khoán có hiệu lực.

Bên cạnh đó, pháp luật dân sự cũng cho phép bên thuê khoán có một số quyền như: có thể tự mình sửa chữa, cải tạo tài sản thuê khoán (nếu có thỏa thuận và phải bảo toàn giá trị tài sản thuê khoán) và bên cho thuê khoán phải thanh toán cho bên thuê khoán các chi phí hợp lý trên theo thỏa thuận. Như vậy, điều kiện để bên thuê khoán thực hiện quyền này là phải có sự thỏa thuận giữa các bên. Do đó, bên thuê khoán cần chú ý điểm này để có những điều khoản đầy đủ, tối ưu nhất nhằm tránh xảy ra tranh chấp sau này.

Ví dụ hợp đồng thuê tài sản

Bên thuê có thể tự mình sửa chữa, cải tạo tài sản thuê khoán

2.1.2 Nghĩa vụ của bên thuê khoán tài sản

Bên thuê khoán tài sản được pháp luật đặt ra khá nhiều đầu việc như là nghĩa vụ khi thực hiện hợp đồng thuê khoán tài sản. Cụ thể:

- Trả tiền thuê khoán là nghĩa vụ chính của bên thuê khoán, cũng là mục đích của hợp đồng này. Theo đó, bên thuê khoán có thể trả bằng 03 phương thức cụ thể như sau:

Thứ nhất, trả bằng tiền thuê khoán. Cụ thể, việc trả tiền là nghĩa vụ bắt buộc ngay cả trong trường hợp bên thuê khoán không khai thác công dụng tài sản thuê khoán. Đồng thời, việc trả tiền thuê khoán phải tuân thủ thời hạn các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì tuân theo quy định pháp luật.

Thứ hai, trong trường hợp trả bằng hiện vật theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác công dụng của tài sản thuê khoán thì bên thuê khoán phải trả vào thời điểm kết thúc thời vụ hoặc kết thúc chu kỳ khai thác, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ ba, không chỉ giới hạn thanh toán bằng tiền và vật, pháp luật cho phép bên thuê khoán thanh toán bằng cách thực hiện một công việc cho bên cho thuê khoán. Khi đó, bên thuê khoán phải thực hiện đúng công việc đó.

Như vậy, bên thuê khoán có thể trả hợp đồng thuê khoán bằng tiền, hiện vật hoặc thực hiện một công việc. Do đó, các bên có thể thoải mái lựa chọn hình thức thanh toán cũng như thời hạn thanh toán khi giao kết hợp đồng.

- Nghĩa vụ khai thác tài sản thuê khoán đúng mục đích đã thỏa thuận và báo cho bên thuê khoán theo định kỳ về tình trạng tài sản và tình hình khai thác tài sản. Quy định trên dẫn đến hậu quả pháp lý trong trường hợp bên thuê khoán khai thác công dụng tài sản thuê khoán không đúng mục đích như sau: Khi đó, bên cho thuê khoán có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, pháp luật cũng đặt ra trường hợp ngoại lệ của hậu quả pháp lý này là: Trường hợp việc khai thác đối tượng thuê khoán là nguồn sống duy nhất của bên thuê khoán và hành vi vi phạm không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê khoán thì bên cho thuê khoán không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Điều này không đồng nghĩa với việc hành vi vi phạm được phép tiếp tục mà bên thuê khoán phải cam kết với bên cho thuê khoán không được tiếp tục vi phạm hợp đồng.

- Nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê khoán. Theo đó, trong thời hạn khai thác tài sản thuê khoán, bên thuê khoán phải bảo quản, bảo dưỡng tài sản thuê khoán và trang thiết bị kèm theo bằng chi phí của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Vấn đề này là phù hợp và nhằm bảo vệ lợi ích của bên cho thuê khoán bởi bên thuê khoán dù được sử dụng tài sản thuê khoán nhưng không phải chủ sở hữu của tài sản đó, do đó cần có nghĩa vụ bảo vệ tính nguyên vẹn của tài sản.

Hậu quả pháp lý đặt ra nếu bên thuê khoán vi phạm quy định trên (làm mất, hư hỏng hoặc làm mất giá trị, giảm sút giá trị tài sản thuê khoán) là phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, bên thuê khoán không chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên do sử dụng tài sản thuê khoán. Bởi lẽ, hao mòn tự nhiên là không thể tránh khỏi và không do ý chí chủ quan của bên thuê khoán.

Bên cạnh đó, nhằm mục đích bảo quản tài sản thuê khoán, pháp luật cũng yêu cầu bên thuê khoán không được cho thuê khoán lại, trừ trường hợp được bên cho thuê khoán đồng ý.

b>2.2. Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê khoán tài sản

Về quyền của bên cho thuê khoán, ta có thể suy ra từ nghĩa vụ của bên thuê khoán, bao gồm 02 nội dung chính là quyền nhận lại tài sản và quyền đòi tiền thuê khoán sau khi hết hạn hợp đồng.

Do hợp đồng thuê khoán tài sản là một loại hợp đồng thuê tài sản và Bộ luật dân sự không có các yêu cầu riêng biệt đối với nghĩa vụ của bên cho thuê khoán, mọi người có thể tham khảo thêm nội dung nghĩa vụ của bên thuê tài sản tại bài viết Hợp đồng thuê tài sản.

3. Các lưu ý cần biết khi giao kết hợp đồng thuê khoán tài sản

Mặc dù mang nhiều điểm tương đồng với hợp đồng thuê tài sản nhưng hợp đồng thuê khoán cũng có nhiều đặc trưng riêng và những lưu ý quan trọng cần biết để tránh việc tranh chấp cũng như trái pháp luật. Cụ thể:

- Thứ nhất, về việc giao tài sản thuê khoán. Theo đó, khi giao tài sản thuê khoán, điều bắt buộc là các bên phải tự mình hoặc nhờ người thứ ba xác định giá trị tài sản thuê khoán và lập biên bản đánh giá tình trạng của tài sản thuê khoán.

Ví dụ hợp đồng thuê tài sản

Các bên phải tự mình hoặc nhờ người thứ ba xác định giá trị tài sản thuê khoán

- Thứ hai, về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê khoán. Pháp luật cho phép các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý; nếu thuê khoán theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác thì thời hạn báo trước phải phù hợp với thời vụ hoặc chu kỳ khai thác.

- Thứ ba, về việc hưởng lợi ích từ tài sản thuê khoán là gia súc. Trong thời hạn thuê khoán gia súc, bên thuê khoán được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải chịu một nửa thiệt hại về gia súc thuê khoán do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, các bên cần cân nhắc quy định rõ ràng về việc chia lợi ích cũng như chịu thiệt hại trong quá trình sử dụng tài sản là gia súc trong hợp đồng nếu muốn chủ động trong vấn đề này.

Ngày nay, để phục vụ nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế, việc thuê khoán tài sản đang ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, để việc giao kết và thực hiện hợp đồng thuê khoán tài sản diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, mọi người cần nắm được các nội dung chính cũng như cân nhắc những điểm lưu ý khi giao kết hợp đồng này.