Vai trò của Nhà nước trong điều tiết thị trường nông sản

Quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân ở nước ta được đặt trong những điều kiện đặc thù của riêng Việt Nam, trong đó cơ bản nhất là:

Có một Đảng cầm quyền, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Nền kinh tế nhiều thành phần, được xác định tồn tại lâu dài, cùng hợp tác, cùng cạnh tranh để phát triển đất nước với phương châm “làm giàu cho mình và cho đất nước”.

Xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có sự vận hành theo quy luật  của cơ chế thị trường, đồng thời có sự điều tiết của Nhà nước - bảo đảm định hướng mục tiêu của nền kinh tế và hạn chế mặt trái của thị trường.

Bấy lâu nay khi bàn đến quan hệ giữa các thành phần kinh tế chúng ta đã thừa nhận vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế đều là những bộ phận cấu thành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhưng thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đại đa số ý kiến đều thống nhất về vai trò chủ đạo này, coi đây như là bí quyết để bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa và hạn chế những mặt trái của thị trường.

Chúng ta đã có bước tiến trong tư duy, khá mạnh dạn trong việc xác định nội dung của khái niệm chủ đạo khi thừa nhận rằng, điều đó không có nghĩa là cứ nắm giữ tất cả các ngành kinh tế, và chiếm tỷ trọng lớn nhất về vốn và tài sản. Nhưng điều đó cũng mới chỉ dừng lại ở việc coi thành phần kinh tế nhà nước phải nắm giữ các vị trí quan trọng, then chốt, vị trí tiền tiêu, chiếm giữ “đài chỉ huy” toàn bộ nền kinh tế, hay bảo đảm các cân đối lớn...

Thế nhưng, thực tế giá xăng dầu lên, thiếu điện trong mùa khô vừa qua, tình trạng chính các tổng công ty lớn của nhà nước cũng tham gia đầu cơ giá thép khi giá thế giới biến động, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp độc quyền với các doanh nghiệp mới ra đời như giữa VNPT với Viettel...đã chứng tỏ những giả định tốt đẹp về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đang đặt ra những vấn đề mới cần nghiên cứu kỹ thêm.

Trong số đó vấn đề có thể trở nên quan trọng và cấp thiết hiện nay là vai trò điều tiết của nhà nước, lựa chọn các hình thức tác động của nhà nước đến các điều kiện và kết quả hoạt động của kinh tế thị trường. Sự tác động đó của nhà nước nên được hình dung là đến các chủ thể rất đa dạng: tổng công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn các loại, công ty cổ phần, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, các hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh...

Một câu hỏi lớn đặt ra: Liệu nhà nước có đủ khả năng thực tế để tạo ra một sân chơi, trong đó có đầy đủ các chủ thể sản xuất kinh doanh, có một hệ các luật chơi công khai, minh bạch với mục đích làm cho toàn bộ sân chơi đó có một trật tự - luật pháp rõ ràng, và bảo đảm người “mạnh” luôn thắng người yếu một cách đàng hoàng, sòng phẳng và được ban thưởng xứng đáng.

Cụ thể, khi Nhà nước trao quyền cho (các chủ thể kinh tế) một hoạt động nào đó và thiết lập nên các định chế quan trọng về giá cả sản phẩm, phân phối lợi nhuận... thì cơ chế trao quyền là những cuộc thi thố công khai, minh bạch, thông qua một luật chơi có tên gọi là đấu thầu. Chẳng hạn, Nhà nước cần đào một đường hầm xuyên qua đèo Hải Vân, thì chính Nhà nước sẽ đưa ra những tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật, môi trường, xã hội...

Nghĩa là một hệ các tiêu chuẩn được đưa ra công khai, có một ban chấm thi - trọng tài, đứng ra xem xét tất cả các chủ thể tham gia. Nên nhớ không phân biệt chủ thể nào, và trong giả định cơ chế đấu thầu phải loại bỏ được các kiểu tha hóa (do người chấm thi kém cỏi, hay tư lợi) như thực tế hiện nay để xuất hiện các quân xanh, quân đỏ, đi đêm, bán thầu trá hình... làm phản tác dụng của chính bản thân mục tiêu mà cơ chế đặt ra. Vậy bất kể thành phần kinh tế nào, cá nhân, tập thể hay doanh nghiệp nhà nước đều “chạy đua” trên một đường đua và nhà nước sẽ chọn mặt gửi vàng cho kẻ thắng cuộc.

Về mặt lý thuyết, làm được như vậy thì không thể có tình trạng người yếu thắng cuộc, không có tình trạng Nhà nước trao quyền thực hiện các dự án lớn nhỏ cho những người không xứng đáng (giá đắt nhất, gây lãng phí và kém hiệu quả nhất để vụ lợi), không thể có tình trạng lãng phí, gian dối, rút ruột công trình, trộm cắp tài sản công, tham nhũng tràn lan như chúng đáng diễn ra (những vụ đã lộ ra ánh sáng và cả những vụ còn trong bóng tối).

Cơ chế điều tiết nhà nước thông qua đấu thầu còn có một ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng là làm cho Nhà nước đủ sức điều tiết nền kinh tế thị trường chủ yếu bằng các phương thức thị trường, bảo đảm vừa hiệu lực, vừa hiệu quả.

Trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp trước đây, có thời chúng ta nói nhiều về khẩu hiệu: “Quản lý kinh tế phải bằng các phương pháp kinh tế là chủ yếu” là ý muốn nói đến một bước chuyển từ các biện pháp chỉ huy bằng mệnh lệnh hành chính sang điều tiết gián tiếp chủ yếu thông qua hệ thống các đòn bẩy kinh tế. Điều đó đã đúng và phát huy tác dụng nhất định trong giai đoạn chuyển đổi ban đầu.

Nay, sang giai đoạn xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, thì phương pháp, phương thức điều tiết, điều hành của Nhà nước cũng phải thay đổi cho phù hợp.

Ở một phương diện khác, chúng ta đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, trong sân chơi đó việc được thừa nhận là có nền kinh tế thị trường có ý nghĩa quan trọng đến chừng nào, khi một nước nghèo như nước ta lại luôn bị quy cho là bán phá giá (hết bật lửa gas đến cá basa, hết tôm rồi đến giày và chắc chắn chưa thể dừng ở đó), nghĩa là bán dưới chi phí, chịu lỗ, để đi “nuôi” một anh giàu có nhất thế giới như Mỹ và EU, họ không chấp nhận lấy chi phí thực của các nhà sản xuất Việt Nam, mà lại ở một nước thứ ba để đánh giá mức độ phá giá, chỉ vì ta chưa phải là nền kinh tế thị trường.

Một nền kinh tế được rêu rao là thị trường tự do như ở Mỹ, các yếu tố thị trường trong kinh doanh chiếm vị trí chủ yếu, nhưng nhìn một cách thật thấu đáo, thì chính nhà nước Mỹ cũng can thiệp vào hoạt động của các thành phần kinh tế tư nhân một cách có hệ thống, nếu không muốn nói là cũng rất bài bản. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất ở những trường hợp như:

- Duy trì một mức độ bảo hộ cần thiết khi hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước đang có sức cạnh tranh yếu, hoặc bị các hãng sản xuất nước ngoài cạnh tranh mạnh hơn và có nguy cơ xâm chiếm thị phần, rõ nét nhất là trong nông nghiệp (vì các hàng công nghiệp thường có sức cạnh tranh mạnh hơn, nhưng qua vụ kiện bảo hộ giữa hàng Boeing của Mỹ và Airbus của EU thì thấy đâu cũng thế, cái bất biến là lợi ích của quốc gia và của các chủ thể kinh tế của nó, còn chiến tranh thương mại là một thứ trò chơi pháp luật thường nhật). Điển hình đối với người Việt Nam là cá basa, tôm xuất khẩu...

- Quy định chiến lược phát triển để các chủ thể tư nhân thực hiện. Điển hình là chiến lược công nghệ kỹ thuật số (Digital technology) và sự ra đời của Microsoft.

- Đặc biệt trong trường hợp nền kinh tế hay một ngành kinh tế nào đó rơi vào trạng thái đình đốn (stagnation) sự can thiệp của nhà nước trở nên “đậm đặc” và hiệu nghiệm hơn bao giờ hết. Trong khi đó sự điều tiết này lại giảm đi rõ rệt theo chiều phục hưng của nền kinh tế hay thị trường của một ngành nào đó. Như vậy, nhà nước can thiệp rõ ràng và hiệu nghiệm vào các khâu có tình trạng mất cân đối, tháo gỡ các lực hãm (cản trở) đối với hoạt động của các doanh nghiệp và các ngành trong xã hội. Điều này không mâu thuẫn với cách đặt vấn đề ở trên là nhà nước tạo luật chơi đồng thời “chăm chút” cho sân chơi chung luôn bảo đảm hoạt động có hiệu quả.

Tóm lại, với tính chất là người đại diện và là người bảo vệ lợi ích xã hội và các công dân của nó, nhà nước phải luôn đứng ra điều tiết cơ cấu pháp chế của nền kinh tế, trong đó có tính đến đặc thù của từng ngành và quản lý kinh doanh của từng doanh nghiệp, từng thành phần kinh tế.

Trên tinh thần ấy, độc quyền chỉ có thể tồn tại một cách hợp lý khi nó không tạo ra sự thao túng nhà nước, thao túng thị trường bằng thế lực kinh tế và thị trường mà nó có được, nghĩa là độc quyền cũng phải luôn có sự kiểm soát chặt chẽ nếu không muốn nói là cần có luật chống độc quyền công ty.

Cơ cấu pháp chế cạnh tranh luôn được coi là tối ưu, tuy nhiên cũng có những trường hợp cần thiết phải duy trì độc quyền nhà nước một cách cần thiết. Trong những trường hợp đó, nhà nước buộc phải bằng các biện pháp hành chính, trực tiếp để đạt được mục tiêu (vì sự phồn vinh của xã hội và các công dân của mình, nhất là trong lĩnh vực xã hội, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội cho mọi công dân tiếp cận các nguồn lực của quốc gia), mà trong nhiều nhiều lĩnh khác của nền kinh tế các mục tiêu ấy cũng có thể đạt được bằng con đường của cơ chế cạnh tranh. Ngay như ở Mỹ, những ngành được nhà nước xác định cơ chế kinh doanh được gọi là những ngành được nhà nước điều tiết. Thường thì có sự khác nhau không lớn lắm giữa các quốc gia phát triển, và những ngành được nhà nước điều tiết chủ yếu là: đường sắt, hàng không và một số hình thức giao thông vận tải khác, lĩnh vực năng lượng, nhiên liệu như dầu khí, điện và nhiều dịch vụ công cộng khác...

Với cách tiếp cận như trên, điều tiết nhà nước có thể không đồng nhất với việc chuyển sang sở hữu nhà nước (kể cả nhà nước ở các cấp độ quản lý khác nhau từ trung ương đến địa phương). Nghĩa là vẫn duy trì được sự điều tiết chặt chẽ của nhà nước trong điều kiện vẫn không động chạm đến, vẫn tôn trọng tối đa tính chất độc lập của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đối với các cơ quan nhà nước trong các vấn đề, như: thiết lập hệ thống tổ chức sản xuất nội bộ công ty và lựa chọn mô hình quản trị công ty; ra các quyết định về đầu tư...

Trong trường hợp đó, Nhà nước quản lý thông qua các thông số “đầu ra” của các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, cụ thể là những cái liên quan đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, như: mức giá cả của hàng hóa hay dịch vụ; khối lượng sản xuất; giới hạn của thị trường tiêu thụ (cần có những thông số mang tính cảnh báo và biện pháp khống chế gián tiếp để hạn chế tối đa tình trạng sản xuất thừa).

Như vậy, suy xét lại cách điều tiết của Nhà nước ta trong thời gian qua cho phép rút ra mấy vấn đề, đồng thời đây cũng có thể là phương hướng gợi mở để tham khảo trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, như sau:

Một là , Nhà nước ta khẳng định bản chất rất tiến bộ, nhưng chế tài cụ thể thực hiện các mục tiêu và bản chất tiến bộ ấy chưa đạt yêu cầu đề ra. Chẳng hạn, chăm lo cho quy hoạch phát triển tổng thể còn yếu kém, tình trạng đầu tư dàn trải, nạn xin-cho trong cấp vốn đầu tư, tình trạng chia cắt cục bộ của 64 tỉnh, thành phố như những nhà nước nhỏ, ở đâu cũng muốn rập khuôn có đầy đủ các ngành công nghiệp, các ngành dịch vụ, các ngành công nghiệp (Trung ương ra mục tiêu giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP, thì các tỉnh cũng vậy, rồi huyện cũng cố tìm cho ra nơi để quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất để giảm tỷ trọng nông nghiệp để cho không bị “thua anh, kém chị”, tạo thành phong trào mà làm được thì gọi đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ)... không hề phù hợp lợi thế tự nhiên vốn có của các địa phương.

Trong khi đó, các nguồn lực quốc gia, nhất là tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác một cách hối hả, chưa chế biến tinh được thì đem bán quặng thô, miễn là có thu ngân sách trước mắt (chủ nghĩa thành tích), gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài cho mục tiêu phát triển bền vững. Đáng tiếc hơn, có địa phương đã để xảy ra tình trạng người dân tự ý khai thác quặng để bán sang nước khác, gây ra nạn chảy máu quặng (ở Cao Bằng, mỗi ngày trung bình có khoảng 100 tấn quặng măng-gan thô được bán).

Hai là, có sở hữu nhà nước, nhưng việc thực hiện quyền sở hữu lại quá lỏng lẻo để các cá nhân lợi dụng gây thất thoát tài sản công, tham nhũng. Những vụ tham nhũng lớn bị phát hiện vừa qua ở Công ty điện lực thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chính những người đại diện cho sở hữu nhà nước (tính sở hữu không rõ ràng, tài sản có chủ mà như không có chủ) thực hiện những “giao dịch nội gián” rút ruột đơn vị mình thông qua việc giao dịch với các doanh nghiệp khác, thậm chí có cả doanh nghiệp do chính mình lập ra, để phục vụ lợi ích cá nhân, sử dụng những tiện ích, thông tin biết trước của doanh nghiệp mình chịu trách nhiệm trước nhà nước về công tác quản lý rồi chuyển cơ hội kinh doanh sang cho doanh nghiệp khác để trục lợi. Báo chí gọi đó là tình trạng doanh nghiệp “ngoài khơi” bơi trên doanh nghiệp nhà nước.

Ba là, một thí dụ điển hình khác là sở hữu nhà nước về đất đai. Nhiều quốc gia thậm chí duy trì chế độ tư hữu về ruộng đất, nhưng “đầu ra” và các giao dịch của nó lại được nhà nước quản lý rất chặt. Chẳng hạn, quy hoạch ở đâu trồng cây gì đều do Nhà nước quyết định, thì dù tư nhân có đất nhưng không thể trồng cây theo ý mình, lại phải đi thuê đất nơi khác để sản xuất kinh doanh theo năng lực.

Còn ở nước ta, đất là “quốc gia công thổ” đấy, nhưng khâu quy hoạch này còn quá lỏng lẻo, nếu không nói là chưa có quy định bằng luật một cách cụ thể. Có cán bộ địa phương đã phải thốt lên rằng, hô hào trồng cây nọ cây kia, nhưng ai trồng? Đất thì đã giao quyền sử dụng lâu dài, bản thân hộ gia đình không muốn trồng, hoặc không có năng lực thì cũng chẳng làm gì được họ. Thật là một vấn nạn không kém các vấn nạn khác trong sử dụng đất đai hiện nay. Đó là chưa kể đến tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất của Nhà nước để có được đất, rồi tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng trọt sang xây dựng để trục lợi... gây thiệt hại cho Nhà nước, gây bất bình và tạo ra không ít điểm nóng trong nông thôn.

Bốn là, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể quần chúng hiện nay đang bị lái một cách chủ quan sang hành chính hóa. Một điều rất dễ hiểu là sống bám vào ngân sách vẫn dễ hơn là tự kiếm lấy thu nhập để tồn tại và phát triển. Nhiều nước cũng có liên minh các hợp tác xã, nhưng ở họ nhà nước không bao cấp ngân sách cho những hoạt động của liên minh.

Trên thực tế liên minh phải làm những việc giúp ích cho các hợp tác xã phát triển như những loại hình dịch vụ và sống bằng thù lao dịch vụ do các hợp tác xã trả. Còn ở nước ta, nếu tính hết các khoản chi tiêu của ngân sách nhà nước cho cả hệ thống chính trị, thì rõ ràng, nhà nước đang phải bao cấp quá sức chịu đựng của nền kinh tế.

Chính vì thế, lương của cán bộ công chức thấp và khó có hướng cải thiện trong nay mai. Một lý do đơn giản là tất cả đều cùng chia một cái bánh chung là ngân sách; mấy lần kiên quyết giảm biên chế, thì biên chế vẫn phình ra “năm sau cao hơn năm trước’, trong khi đã có một cách so sánh “cắt đoạn’ bằng cách chỉ lấy số công chức thực thụ trong bộ máy nhà nước, thì ta vẫn còn ít hơn các nước khác về tỷ lệ tương đối so với số dân.

Khi người cán bộ công chức được Nhà nước bảo đảm 1/3 chi tiêu cá nhân, 2/3 còn lại họ phải tự co kéo “trên dưới, trong ngoài” để duy trì cuộc sống bình thường trong xã hội, thì thử hỏi về mặt con người đơn thuần, liệu hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước có còn được duy trì như vốn nó cần phải có hay không?

Một vấn đề đặt ra, liệu có cách nào giảm bớt sự bao cấp này không, và nếu cần duy trì thì liệu có thể sử dụng một cơ chế khác để cùng một mục tiêu được đưa ra ai thực hiện được với chi phí thấp nhất về các nguồn lực thì Nhà nước trao quyền cho người đó như cách tiếp cận trên đây được không.

Năm là, nên sử dụng cơ chế cạnh tranh là để Nhà nước có biện pháp hữu hiệu trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Tình trạng người làm được việc thì không được làm, người không làm được việc thì không có cách gì đưa được ra khỏi bộ máy... đang làm nhức nhối dư luận, nếu không muốn nói đây cũng là một quốc nạn, vì nguồn nhân lực là lợi thế so sánh động và ngày càng trở nên quan trọng trong cạnh tranh, nhất là trong kinh tế tri thức. Tình trạng lãng phí nguồn nhân lực đang làm “rỗng ruột” nhà nước, và nó chính là biểu hiện của tình trạng cơ hội thực dụng trong các tổ chức chính quyền, Đảng và đoàn thể. Tình trạng quan liêu, lãng phí và tham nhũng cũng bắt nguồn từ những con người đang bị nhiễm những căn bệnh quái ác này.

Năm vấn đề nêu trên đang đặt ra năm phương hướng cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân, như sau:

- Hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển đất nước;

- Tìm các hình thức hiệu quả của sở hữu nhà nước để vận hành các doanh nghiệp nhà nước, trong đó hướng ưu tiên nên là kiên quyết thực hiện kế hoạch cổ phần hóa rộng rãi;

- Thống nhất mục tiêu vì lợi ích quốc gia, tăng cường điều tiết của Nhà nước bằng những phương thức thích hợp, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, sớm luật hóa phương thức đấu thấu nhà nước trong việc thực hiện các “đầu ra” và sử dụng các nguồn lực của quốc gia;

- Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho toàn bộ nền kinh tế, hạn chế và chống các biểu hiện của độc quyền doanh nghiệp;

- Kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng và lãng phí bằng việc thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý thu nhập cá nhân và hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch để chống đưa và nhận hối lộ - một phần quan trọng của tệ nạn tham nhũng.

Tiến sĩ LÊ XUÂN ĐÌNH
(Tạp chí Cộng sản)