Tính cấp thiết phải xây dựng nông thôn mới

Tính cấp thiết phải xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện. Đến tháng 6 này, cả nước đã có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 371 xã so với cuối năm 2019. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã. Có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 14 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 19,1%).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước và vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Đến nay vẫn còn 45 huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố còn “trắng” xã đạt chuẩn NTM. 18 tỉnh, thành phố chưa có đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. 9 tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn rất thấp (dưới 30%).

Xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện.

Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Nhiều hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới. Đời sống kinh tế nông thôn, nông dân phát triển. Cấu trúc lại cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tạo động lực không chỉ phát triển tại chỗ mà còn thúc đẩy các địa phương khác, vùng, ngành khác. Đời sống văn hóa, tinh thần, trật tự an toàn xã hội, an toàn môi trường được đảm bảo. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, ngày càng vững mạnh, đây là nhân tố quyết định để thực hiện thành công việc xây dựng NTM.

"Xây dựng NTM đã thực sự là luồng gió mới, trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng, đóng góp tài sản, công sức của người dân, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu 5 năm (2016-2020) của Chương trình sớm hơn 2 năm so với kế hoạch được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Dù có nhiều kết quả tích cực, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc xây dựng NTM trong thời gian qua. Phong trào xây dựng NTM được triển khai rộng khắp, nhưng kết quả xây dựng, phát triển của một số vùng, địa phương còn kém so với mặt bằng chung.

Tính cấp thiết phải xây dựng nông thôn mới

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc xây dựng NTM phải đặt trong mối liên kết, gắn chặt với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những vấn đề này không thể tách rời.

Phát triển đô thị có vai trò hỗ trợ nông thôn, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân. Đô thị, công nghiệp, dịch vụ phát triển giúp tạo nhiều việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm lao động nông thôn, giảm nông dân thì sẽ tăng diện tích đất canh tác trên đầu người. Từ đó, người dân sẽ có cơ sở để phát triển sản xuất, cuộc sống. Đồng thời, phát triển công nghiệp sẽ giúp tăng nhanh nguồn thu, từ đó có điều kiện để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ở chiều ngược lại, phát triển nông nghiệp, các vùng sản xuất sẽ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và lao động khu vực đô thị.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc kết nối trong phát triển này chưa có hệ thống, chưa có chính sách cụ thể, nhiều nơi chỉ mang tính tự phát.

Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn còn cao. Đầu tư xã hội cho nông nghiệp hiệu quả không cao bằng các ngành khác, nên vốn đầu tư vào nông nghiệp còn nhỏ. Liên kết người nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế. Quá trình xây dựng NTM chưa gắn kết với cơ cấu lại với nền kinh tế nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

"Không để phát triển NTM là hình thức, chỉ chú tâm các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm... mà phải lấy phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt, đời sống nông thôn làm trung tâm. Trong đó phát huy vai trò động lực của hợp tác xã, doanh nghiệp về vốn đầu tư, phát triển lực lượng lao động, sản xuất và thị trường tiêu thụ", Phó Thủ tướng phát biểu.

Không hình thức, không ‘nợ’ tiêu chí

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra thực trạng một số địa phương khi xây dựng NTM còn phải nợ tiêu chí, do đó cần kịp thời phát hiện các biểu hiện chạy theo thành tích, làm méo mó quá trình xây dựng NTM.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 là năm then chốt thực hiện Chương trình, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại của giai đoạn 2016-2020 theo hướng nâng cao chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu.

Về triển khai chương trình công tác năm 2020 của BCĐ Trung ương, yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, các đồng chí thành viên BCĐ tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương theo địa bàn được phân công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu còn lại của Chương trình trong năm 2020. Đặc biệt, phải kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các biểu hiện chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, tự thỏa mãn với thành tích đã đạt được để không làm ảnh hưởng chung đến kết quả thực hiện của cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp thu ý kiến thành viên BCĐ, triển khai chương trình công tác năm 2020 của BCĐ Trung ương; rà soát, sắp xếp lại, triển khai các nhiệm vụ trong chương trình đạt chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm.

Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đảm bảo sự thống nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại giai đoạn 2020-2025; tiếp thu ý kiến các thành viên BCĐ và cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định kiện toàn BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

Tính cấp thiết phải xây dựng nông thôn mới

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cần có tiêu chí ‘cứng’, tiêu chí ‘mềm’

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài. "Trong đó, cần lượng hóa các tiêu chí, xây dựng các tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nguồn lực của địa phương, từng vùng, từng khu vực về địa lý, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là trình độ phát triển kinh tế. Bộ tiêu chí cần có các tiêu chí ‘cứng’, tiêu chí ‘mềm’ để dễ triển khai thực hiện”.

Bộ NN&PTNT tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí, đảm bảo tính khả thi; sớm hoàn thiện các thủ tục để trình Quốc hội phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 để có nguồn lực thực hiện bộ tiêu chí.

Đồng thời phải xây dựng báo cáo khả thi để có thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt ngay sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư Chương trình.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và cơ quan liên quan khẩn trương có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước đối với báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, để hoàn thiện báo cáo của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nhật Bắc


Tính cấp thiết phải xây dựng nông thôn mới

Ngày càng có nhiều hộ nông dân đầu tư mua sắm máy nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thành Tâm

Tuy nhiên, với thực trạng nông thôn hiện nay thì chưa đáp ứng được yêu cầu CNH – HĐH, do đó đòi hỏi phải có sự đột phá trên tất các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường...nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Để giải quyết những hạn chế, Thái Bình đã triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020. Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, người dân sẽ được tiếp cận và thụ hưởng nền sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ.

Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển, dân số gần 1,8 triệu người, trong đó 86% sống ở nông thôn; diện tích mặt bằng là 154.654 ha, đất nông nghiệp chiếm khoảng 106 nghìn ha. Mặc dù trong những năm qua khu vực nông thôn có bước phát triển tương đối mạnh trên tất cả các lĩnh vực song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thực tế cho thấy, nông nghiệp quy hoạch còn chắp vá, không đồng bộ, sản xuất nhỏ lẻ, chậm chuyển sang sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn; tỷ trọng nông nghiệp còn quá cao. Kết cấu hạ tầng nông thôn không theo kịp yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống: đường làng, ngõ xóm nhỏ hẹp; giao thông, thuỷ lợi nội đồng chắp vá, tận dụng... Bản sắc, đời sống văn hoá làng xã đang bị mai một, thiếu các điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Thu nhập của người nông dân còn thấp so với thu nhập chung của xã hội.

Theo kết quả khảo sát đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thái Bình về thực trạng nông thôn hiện nay so với Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM thì còn một số lĩnh vực chưa xã nào đạt. Cụ thể về giao thông nông thôn, các trục thôn xóm phần lớn đều không đạt bề rộng theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT; trục liên xã xây dựng từ những năm 1990 nên phần lớn đã xuống cấp; giao thông nội đồng chủ yếu là đường đất, kết hợp làm bờ kênh mương, bề rộng không đáp ứng được yêu cầu cơ giới hoá. Hệ thống thuỷ lợi do khu vực nông thôn quản lý gồm trên 1 nghìn km sông trục xã, thôn, sông dẫn trạm bơm; 1.121 trạm bơm; 1.568 cống đập nội đồng; kênh cấp I là 1.851 km, cấp II gần 2.940 km, cấp III gần 1.900 km song, toàn tỉnh mới kiến cố hoá được 655 km (9,4%), chủ yếu là kênh cấp I, còn lại là kênh đất chiếm nhiều diện tích và gây tổn thất nước trong quá trình hoạt động...

Nhìn chung, hiện trạng nông thôn chung toàn tỉnh vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực đô thị và với chuẩn của Bộ tiêu chí Quốc gia. Do đó, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng tiến trình CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn và là cơ sở phát triển kinh tế – xã hội bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã khẳng định xây dựng NTM là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài; là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, phải có sự đầu tư của Nhà nước, được thực hiện đồng bộ trên cơ sở kế thừa và phát triển, có bước đi vững chắc, lộ trình phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần phải huy động mọi nguồn lực để đầu tư và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trước mắt sẽ ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Xây dựng NTM còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó người dân ở nông thôn là chủ thể trực tiếp dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, quản lý, điều hành của chính quyền và sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, nhất là cơ sở.

Theo Quyết định 1004/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt “Đề án xây dựng NTM tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020”, mục tiêu đề ra đến năm 2013 có 8 xã điểm đạt 19/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt 10 tiêu chí trở lên; đến năm 2015, có 70 xã trở lên đạt 19 tiêu chí; năm 2020, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên; 6 huyện, thành phố trở lên đạt huyện, thành phố NTM. Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đã có các giải pháp cụ thể, chi tiết trên từng lĩnh vực, đồng thời phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành triển khai, thực hiện thuộc lĩnh vực mình quản lý...Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM phải dựa trên nguyên tắc bàn bạc dân chủ, công khai, thống nhất và đồng thuận cao trong Đảng, nhân dân; Nhà nước định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, chính sách, hỗ trợ đầu tư, đào tạo và hướng dẫn thực hiện...

Đến nay, việc triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã thu được kết quả tương đối khả quan, có 231/267 xã hoàn thành quy hoạch chung, đạt 86,52%; 59 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông, thuỷ lợi nội đồng; 15 xã  hoàn thành xong dồn điền đổi thửa...Ngoài những địa phương tích cực triển khai thực hiện xây dựng NTM, một số cán bộ, đảng viên và nhân dân còn quan niệm đây là việc của Đảng và Nhà nước cấp trên, chưa coi là nhiệm vụ của địa phương nên tư tưởng vẫn trông chờ, ỷ nại vào sự chỉ đạo và nguồn đầu tư kinh phí của cấp trên. Phải khẳng định rằng, xây dựng NTM là sự cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, do đó đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là vai trò của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Đồng thời các địa phương cần phát động và khơi dậy phong trào cách mạng, Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong quá trình thực hiện; huy động sự đóng góp của nhân dân để thực hiện có hiệu quả các nội dung xây dựng NTM.

Nguyên Bình