Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì

Và hơn thế, mình thích cái cách những nhân vật vô tình chạm mặt nhau, như thể là định mệnh. Đạo diễn Vương khéo léo đưa vào máy quay ghi lại câu chuyện của những người trẻ cô đơn tại Hongkong trong những năm 90 trên nền nhạc dồn dập, âm thanh ồn ã của người qua kẻ lại. Tất cả tạo nên một khu phố sầm uất, trong khi những tâm hồn cô đơn cứ trôi nổi trong những khung hình đầy mê hoặc và mộng mị.

Anh cảnh sát 233

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì
233 (Kim Thành Vũ)

223 thích ăn dứa hộp vì dứa là thứ May, bạn gái anh thích. Anh chia tay cô vào ngày Cá Tháng Tư nên cứ hy vọng đó chỉ là trò đùa. Anh quyết định cho mình một tháng để tiếp nhận điều này, mong rằng May sẽ đổi ý trước ngày sinh nhật mình – 1/5. Anh ngốc nghếch đi khắp các cửa tiệm tìm cho được 30 hộp dứa hết hạn vào ngày 1/5. 30 hộp dứa, 30 ngày. Để rồi khi đồng hồ điểm sang số 12, anh gọi cuộc điện thoại cuối cùng cho May, nhưng nghe máy lại là một người đàn ông, 233 lúc mày mới đành chấp nhận, mối tình của anh và cô thật sự đã hết hạn rồi.

“Mọi thứ một khi đã bắt đầu thì đều sẽ có ngày hết hạn đúng không? Cá hộp hết hạn. Thịt hộp hết hạn. Cả đến giấy bọc cũng hết hạn. Tôi tự hỏi, liệu trên đời này có cái gì không hết hạn không nhỉ?”

233 ăn hết 30 hộp dứa hết hạn vào đêm đó, vào quán bar uống whiskey, rồi thuê phòng cùng người phụ nữ tóc vàng lạ mắt, nhưng chỉ ngồi xem 2 bộ phim và ăn 4 dĩa salad. Phải chăng, khi muộn phiền, người ta thường tìm đến cảm giác đầy ắp nơi dạ dày như một cách để khỏa lấp sự trống trải đã ứ đầy nơi tâm hồn?

Người phụ nữ bí ẩn

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì
Lâm Thanh Hà đầy quyến rũ

Khi phần đầu của bộ phim khép lại, dù người xem vẫn không rõ đôi mắt hay gương mặt của cô, chỉ thấy một người phụ nữ trong chiếc áo mưa, đôi kính râm, đầu tóc giả, đi giày cao gót, dáng vẻ thì bất cần, nhưng chẳng ai có thể phủ nhận, cô là một người phụ nữ kiều diễm. Nhìn cô, mình cảm thấy nực cười bởi cái cách cô khéo léo ngụy trang bản thân thật giống với mỗi cá thể trong xã hội ngày nay. Hằng ngày, họ đeo lên mình chiếc mặt nạ xinh đẹp, vùi mình vào đám đông để ẩn náu và che giấu con người thật của mình. Thường thì những kẻ nhiều tâm tư thì lại càng giỏi ngụy trang. Đến một ngày quay đầu, người ta tự hỏi mình rốt cuộc là ai, khi những tiếng bình phẩm của người đời đã trở nên vô nghĩa, còn bản thân thì chỉ nghe thấy sự trống rỗng vô hồn nơi trái tim. Họ cảm thấy bản thân dường như đã chết, không phải cái chết vì cô đơn, mà chết bởi đánh mất chính mình.

“Không biết từ bao giờ tôi trở nên rất cẩn trọng. Lúc nào cũng mặc áo mưa và đeo kính râm. Ai mà biết được khi nào trời mưa to hay là nắng gắt…”

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì
Trầm mặc trong nỗi cô đơn

Người phụ nữ đó không tin vào tình yêu, nhưng lại vì sự tử tế của một chàng trai lạ mặt mà chúc mừng sinh nhật anh ta.

“Thực ra, hiểu rõ một người chẳng có nghĩa lý gì cả. Con người luôn thay đổi. Hôm nay anh ta thích ăn dứa, ngày mai lại thích ăn thứ khác.”

Cảnh cuối, cô dùng súng để kết liễu kẻ ngoại quốc, có lẽ người cô yêu, cũng là kẻ khiến cô phải lao đao trong những cuộc rượt đuổi với những người Ấn Độ đã lẩn trốn. Giết hắn, cũng là xé nát lớp vỏ ngụy trang của bản thân. Cô cởi tóc giả, vứt áo mưa. Người coi vẫn không rõ mặt cô, chỉ thấy một bóng hình lướt qua, nhưng phần nào cũng thấy nhẹ nhõm.

Anh cảnh sát 633

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì
633 (Lương Triều Vỹ)

633 là anh cảnh sát hay trực đêm gần tiệm thức ăn nhanh. Anh luôn mua salad cho cô bạn gái. Đến một ngày, khi quyết định đổi sang món cá và khoai tây, cô lại chia tay anh. Tình yêu của cô dành cho anh như một món đồ ăn nhanh, chỉ có anh là không muốn đổi món.

– Cô ấy chưa bao giờ nói thích mỗi salad.

– Đáng ra tôi chỉ nên mua salad cho cô ấy thôi!

Khi chia tay, anh chọn cách không đọc thư bạn gái cũ để tại quầy thức ăn nhanh như một cách an ủi và trốn tránh thực tại. Anh nói chuyện với mọi đồ vật trong căn nhà của mình như một kẻ khờ, rằng mọi vật đều trở nên buồn tẻ và xuống sắc làm sao. Có lẽ, chỉ những kẻ cô đơn đến tột cùng mới có thể chơi đùa với nỗi cô đơn của mình như vậy.

Cô nàng Faye mộng mơ

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì
Một vai diễn hết sức đáng yêu của Vương Phi

Cô tóc tém, thích mở nhạc to hết cỡ và thường xuyên mộng mơ.

– Cô thích mở nhạc to như vậy sao?

– Đúng thế, khi ấy tôi chẳng cần phải suy nghĩ gì.

Faye có cách thể hiện tình yêu rất khác người, rất ngẫu hứng. Cô yêu thầm 633. Nhờ cái phong thư cùng chìa khóa của bạn gái cũ anh, cô cư nhiên rình rập, rồi cứ thể trở thành cô Tấm trong cổ tích, lén lút dọn dẹp, thậm chí thay cái này cái kia trong nhà anh. Cô săm soi từng sợi tóc trên gối, ghen với một cô bán hàng tóc dài. Cô vận quần áo kỳ cục, đeo mắt kính trễ xuống tận mũi, và thường xuyên lượn qua lượn lại trước mặt anh. Có lẽ vì 633 còn bận rộn với nỗi cô đơn và tổn thương của mối tình vừa qua, anh ta chẳng mảy may nhận ra nhiều thứ trong căn nhà đã khác, cứ ngờ ngợ cho rằng những vật dụng đó cũng như mình, sau chia tay bỗng nhiên ngày một nhạy cảm.

Ai có thể không chết mê chết mệt khi Faye nhún nhảy theo điệu nhạc California Dream chứ? Cái sự yêu vụng trộm của cô trên nền nhạc rộn ràng, trong không khí sôi nổi và đầy sắc màu của khu Chungking, nó khiến mình dường như cũng muốn lắc lư và quên mọi ưu phiền giữa cuộc sống xô bồ mỏi mệt này.

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì
Faye nhảy trên nền nhạc sôi động California Dream

Bộ phim kết thúc khi 633 và Faye gặp lại nhau, chưa có một lời yêu nào được thổ lộ, nhưng cũng đủ để mình mỉm cười cả đêm, bởi sự chân thành và nét đáng yêu của họ.

– Làm gì có người nào đưa hành khách cái Boarding Pass thế này chứ?

– Vậy anh muốn đi đâu, để em vẽ.

– Bất cứ nơi nào em muốn đưa tôi đến 🙂

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì

Một bộ phim về nỗi cô đơn, đẹp đến duy mỹ, bạn nhỉ?

Đánh giá: 9/10.

Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^

Lần trước khi viết về những cảnh tôi thích nhất trong phim của Vương Gia Vệ, có một người bạn đã để lại bình luận rằng cô ấy cũng có một cảnh đặc biệt yêu thích, đó là cảnh một chàng trai ngồi ăn hết 30 hộp dứa, như thể muốn ăn hết nỗi buồn chứ không để nỗi buồn ăn mình. Không hiểu sao tối hôm đó, tôi cứ nghĩ mãi về cái hình ảnh ấy, hình ảnh một chàng trai ngồi ăn dứa, tự hỏi tại sao anh ta lại phải ăn dứa? Khi ăn dứa anh ta có thấy xót xa lắm không? Và khi ăn xong, anh có thấy bớt buồn hơn không? Tôi thậm chí còn chẳng biết nhân vật này là ai, diễn viên nào đóng, nhưng hình ảnh của anh cứ thấp thoáng chợp chờn trong suy nghĩ của tôi. Con em tôi bảo: Tất nhiên là xót rồi, ăn dứa xót lắm. Nó đúng. Bình thường ăn dứa tôi cũng không ăn được quá 2 miếng.

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì
@renegade_filmtheory

Không, tôi đã không xem Trùng Khánh sâm lâm ngay trong đêm đó, mà là rất nhiều đêm sau, khi hình ảnh về chàng trai ăn dứa ấy gần như đã trôi tuột ra khỏi đầu tôi. Đến đoạn anh ấy bắt đầu ăn dứa, tôi đã cố mở mắt thật to, như thể mắt mở to hơn sẽ khiến người ta nhớ sâu hơn. Một lúc sau thì anh nôn hết ra ngoài. Cái còn lại cuối cùng, chỉ là những vỏ lon thiếc rỗng không, ngày mai chắc sẽ được tống khứ vào sọt rác.  Thế giới hiện đại giống như một con tàu nhả khói, những phế liệu bị bỏ lại, cả những nỗi đau được bọc kín trong đó nữa.

Tôi không biết nói gì về nội dung của bộ phim, đành mượn chính lời của đạo diễn Vương Gia Vệ, rằng nhân vật chính của bộ phim là thành phố Hong Kong. Có lẽ như vậy, Hong Kong xuất hiện trong bộ dạng một quán ăn đêm nơi người ta cứ đến đấy mong tìm được người cần tìm, những căn nhà san sát nhau nhưng tâm hồn con người lại thật xa nhau, những khu chợ xô bồ nhộn nhạo, chuyến tàu điện lao vun vút trong đêm luôn khiến con người phải đuổi theo.…

Còn những hình hài trong đó, anh cảnh sát số 233, người phụ nữ tóc vàng không bao giờ tháo đôi kính râm, anh cảnh sát số 633, cô gái thích nghe nhạc trong cửa tiệm Midnight Express, họ kỳ lạ nhưng gần như không có một điểm gì đó thực sự nói lên họ là ai, họ xuất hiện rất rõ ràng nhưng lại không cụ thể, cứ trôi đi như những tảng băng phiêu dạt, họ rất giống những nhân vật trong những cuốn truyện nói về cái cô đơn của Nhật Bản, tức là họ chỉ được định nghĩa bằng nỗi cô đơn, họ chẳng có gì riêng ngoài nỗi cô đơn của riêng mình, họ vuốt ve nỗi cô đơn ấy theo những cách khác nhau và chính là cô đơn, chứ không phải tính cách, làm nên họ.

Không chắc lắm đọc được ở đâu, cũng không dám chắc về độ tin cậy của thông tin, nhưng nghe nói họ Vương bảo rằng đối với ông, A Phi chính truyện là rượu ngon, Đông Tà Tây Độc là thuốc phiện, còn Trùng Khánh sâm lâm là coca-cola. Nếu so với hai bộ phim kia, quả nhiên Trùng Khánh sâm lâm giống một ly nước ngọt pha đá trong một chiều mùa hè tươi sáng, một thứ gì đó không cần nhâm nhi, uống ực một cái và thấy sảng khoái mát lạnh cả người, không nhớ rõ đích xác vị của nó đâu nhưng cứ thòm thèm thế nào đó, đành liếm môi một cái hy vọng vẫn còn sót lại chút đỉnh. Kể ra thì tôi luôn nghĩ cái thứ lãng mạn chết tiệt của Vương, đối với cá nhân tôi mà nói, thật trùng hợp là cũng giống y hệt như một lon nước ngọt, mà nhất định phải là coca-cola cơ.

Tôi không ghét nhưng cũng không mê say gì coca-cola, sẽ không bao giờ chủ động uống nếu như không ở trong hoàn cảnh buộc phải uống. Tôi cũng không ưa những thứ sến, mặc dù có thể tôi là người rất sến (người ta có quyền không ưa chính mình mà). Nhưng cứ lần nào lỡ đớp phải một ngụm coca-cola tôi đều thấy vô cùng vui thích và sẽ uống cho đến khi không được uống nữa, cũng như vậy, khi xem thứ lãng mạn của Vương, tôi đều ngấu nghiến nuốt trọn nó, thứ lãng mạn đó có một vị ngọt đặc sệt nhưng lại không bị ngấy, không ngọt lừ mà ngọt thanh thanh, tê tê, bay bay, muốn nắm bắt nhưng lại tan đi rất nhanh trong miệng, thành ra càng phải húp lấy húp để, một thứ ngọt đủ để làm kẻ đã yêu thì lâng lâng, kẻ chưa yêu thì say say và ví vị ngọt của nó như coca là vì thế này: vị ngọt của coca đơn thuần nhưng phi thường, không thể lặp lại, cái vị ngọt đó biết bao nhiêu hãng đã muốn bắt chước mà không sao bắt chước nổi, truyền thuyết bảo rằng công thức làm coca-cola được cất giữ bảo mật bên trong một két sắt khổng lồ ở Atlanta, trên đời chỉ có 2 người mở được két sắt này, và 2 người đó sẽ không bao giờ đi chung máy bay để nếu có chết thì cũng không bị thất truyền, đại khái là còn hơn cả bí mật quốc gia. Thì đó, có người bảo Vương rất sến, nhưng sến của Vương là sến hạng nhất, sến hảo hạng, đã nếm sến của Vương rồi thì không tài nào nuốt nổi những thứ sến kém phẩm chất hơn.

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì
@lovingwongkarwai

Kể ra nếu như có một món đồ ăn tên là “La romance de Wong Kar-Wai” (viết tiếng Pháp trông cho ra cái chất romance) được đóng thành đồ hộp,  chắc là tôi cũng sẽ học theo anh cảnh sát 233, mỗi ngày mua về một ít, nhưng khác với anh ấy, tôi sẽ chẳng đợi đến ngày hết hạn thì mới ăn như chưa bao giờ được ăn, nhưng tương tự như anh ấy, tôi cũng mong nó không bao giờ hết hạn, hoặc nếu có, hãy là một triệu năm sau.

Sự lãng mạn của Vương gia chưa được đóng thành đồ hộp, nhưng những bóng người của Trùng Khánh sâm lâm thì đã bị đóng hộp cả rồi. Họ tựa như những chiếc hộp đóng kín rất chặt, họ thu mình bên trong một lớp chân không, lớp vỏ thiếc dày nhưng không đủ dày để họ không cảm nhận được nhau, mỏng nhưng không đủ mỏng để họ chạm được vào nhau. Đến gần lắm rồi mà cuối cùng họ cứ bị một cái gì đó ngăn cách, có khi là một khoảng cách chỉ bằng 0,5 cm, có khi là một vết nhòa trên giấy, có khi là một đôi găng tay, có khi là một đôi kính râm, một tấm chăn, có khi chỉ là bài hát California dreamin’ của The Mamas and the Papas được bật quá to qua chiếc đài cát-xét khiến họ không thể nghe nhau nói, và có khi, là một cơn mưa dài bất tận. Gần như thế, xa như thế…

Là một người có sở thích quái lạ là ăn đồ hộp, tôi cảm thấy có một mối liên hệ kỳ lạ với anh cảnh sát số 233. Bạn biết đấy, đồ hộp là một phát minh vĩ đại của nhân loại, đồ hộp rất tiện, rất gọn, tối giản, và người ta thường chỉ ăn đồ hộp khi lười và khi ở nhà một mình (mà thường thì hai cái này luôn đi kèm với nhau như combo). Không cần phải chia sẻ bữa ăn với ai là dịp tốt nhất để thưởng thức vị ngon của đồ hộp. Dần dà tôi nhận ra không phải tôi thích ăn đồ hộp, mà là tôi thích ăn một mình. Đồ hộp bởi thế có một thứ mùi vị nên gọi là cô đơn. Bản thân đồ hộp là một món đồ rất cô đơn, mặc dù ở trong siêu thị người ta xếp hàng ngàn hộp đồ hộp nối đuôi nhau, xung quanh có nhiều đồng loại thế, sao phải cô đơn? Nhưng con người cũng ở bên trong xã hội đấy thôi, sao vẫn cứ cô đơn? Mà có khi chính bởi vậy nên nó cô đơn, cô đơn đến cùng cực.

Hàng ngàn hộp đồ hộp xếp cạnh nhau tạo thành một biển đồ hộp nhấn chìm cá thể, không ai phân biệt hộp này với hộp kia và hộp này thì khác gì với hộp kia, một hộp đồ hộp không có tiếng nói, không có cá tính, vì thế mà cô đơn, lạc lõng, muốn khác đi nhưng không khác được, chỉ đến thế mà thôi. Cái nỗi buồn của 233 ấy mà, cũng như đồ hộp, nó chẳng có gì đặc biệt cả bởi vì trên đời này ai cũng đã từng thất tình qua rồi, nỗi buồn chỉ nên ăn một mình vì không ai buồn ăn với chúng ta đâu, họ cũng có hộp nỗi buồn của riêng họ để mà gặm nhấm. Chúng ta ngồi ăn hộp nỗi buồn của mình, cứ nghĩ là nó đau lòng lắm, đáng thương lắm, nhưng xét cho cùng thì đồ hộp là thứ sản xuất đại trà, hộp nào cũng giống nhau, nỗi buồn của mình tưởng là to mà cũng không to hơn người khác, tưởng là đắng mà cũng không đắng hơn người khác, cho nên khi ăn đồ hộp, chưa thấy ai bảo với người khác là, anh đừng ăn hộp đồ hộp của anh nữa, ăn của tôi ngon hơn nhiều. Của ai người ấy ăn, ấy là đồ hộp, ấy là nỗi buồn, ấy là nỗi cô đơn.

Đó là một chi tiết, chi tiết thứ hai mà tôi thích, là chi tiết cô nàng ở tiệm Midnight express mở nhạc to át cả tiếng khách hàng, mà cụ thể ở đây là anh cảnh sát số 633. Không biết bạn thế nào nhưng tôi khi xem đến đoạn này thì bị rung động một cách khó tả, bởi tôi là người thường xuyên mở headphone ở volume rất cao, và nghe nhiều đến mức chắc chắn mấy năm nữa tôi không điếc thì cũng nghễnh ngãng. Trong Trùng Khánh sâm lâm, tôi thích nhất là nhân vật này, đã lâu rồi tôi mới xem một bộ phim mà nhân vật tôi thích nhất là một vai nữ. Và tôi thích cô ta ngay từ khi cô ta bảo cô ta thích nghe nhạc để khỏi phải nghĩ.

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì
@soujox

Ban nãy tôi đã liệt kê những thứ ngăn cách con người đến với nhau trong Trùng Khánh sâm lâm, trong đó có bản nhạc California Dreamin’ của The Mamas and the Papas, và tôi khẳng định rằng nếu có thứ gì ngăn cách sự giao tiếp nhiều nhất, ấy chính là âm nhạc. Nghe qua thì có vẻ ngược đời vì âm nhạc vốn dĩ là để kết nối mọi người, nhưng cũng như thuốc trị đau dạ dày có tác dụng phụ là làm loét dạ dày, âm nhạc là vậy đó. Nghe nhạc một ít thì thấy nó gắn kết mình với xã hội, nhưng khi nghe quá nhiều, dùng quá liều thì sẽ bị phụ thuộc, bệnh nặng càng nặng, và bắt đầu chán thế giới. Khi không muốn nghe những tạp âm bên ngoài, khi muốn thoát ly thực tại, cách tốt nhất là chìm đắm vào âm nhạc và quên hết sự đời. Trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi viết vừa được xuất bản, nếu như ai đã ưu ái cho nó một chút thời gian, sẽ thấy các nhân vật của tôi là những kẻ cuồng âm nhạc, họ sống trong thế giới âm nhạc quá lâu đến mức lúc vứt họ ra ngoài đường thì họ trở nên lúng túng và chẳng biết làm gì. Vâng, họ chính là tôi đấy.

Cô nàng Midnight express ngày nào cũng đến nhà 633 một cách lén lút, làm tất cả những gì cô ta thích và rồi dời đi gần như không để lại dấu vết. 633 mãi không phát hiện ra cô ta kể cả khi cô ta làm nhà lênh láng nước thì anh cũng chỉ nghĩ cái nhà của anh đang khóc. Hồi trước xem Thập diện mai phục, có nhân vật Tùy Phong được gọi là “lai vô ảnh, khứ vô tung”, nghĩa là đến không để hình đi không để bóng, thích vô cùng vì nghe ngầu ngầu, lạnh lùng, thoát tục, giờ nghĩ lại thấy đau đau. Đến không để hình, đi không để bóng, hay là có để lại hình với bóng thì cũng đếch ai quan tâm, đếch ai để ý, tất cả cứ lướt qua như triệu triệu gương mặt hàng ngày vẫn xuất hiện trong đời, bố ai nhớ cho hết được. Sự hiện diện của chúng ta cứ như một làn khói phả lên tấm kính cửa, làm mờ tấm kính một chút rồi lại tan đi ngay, bốc hơi nhanh như nước, rất tiếc phải thông báo, chúng ta là một thế hệ vô hình, không phải vì không ai nhìn thấy ta, mà vì không ai thèm nhìn thấy ta.

Xem đã kha khá phim của Vương, nhưng Trùng Khánh sâm lâm chắc là bộ phim động chạm đến thứ nỗi buồn thường trực nhất, nó là một cái gương bình thường như trong nhà vệ sinh nhà bạn, cứ soi vào là thấy mình, không giống như những tác phẩm khác của ông, tức là phải qua một hồi suy nghiệm mới thấy, à, ra ông ta viết về mình đây. Đã nói về nỗi cô đơn của 233 và Midnight express rồi, giờ thì đến nỗi cô đơn của 633. Chi tiết ăn dứa làm tôi bị ấn tượng với 233, nhưng về tổng thể, tôi thích 633 hơn. 633 là một kẻ cô đơn bàng quan, thì bàng quan đến độ ở với 1 cô gái bao lâu mà còn chả nhận ra cô ta thích nghe bài gì, đến độ ban ngày có 1 cô nàng đến phá nhà phá cửa của mình, dù cô ta đã dọn dẹp lại cực kỳ ngăn nắp nhưng ngay cả thế cũng không bao biện được cho sự thật là đến tối về anh ta không nhận ra bất cứ điểm bất thường nào.

Không có đồ hộp nào liên quan đến câu chuyện của anh cả nhưng anh hệt như thịt hộp cô đơn trong vỏ thiếc, vỏ thiếc tròn hay méo thì thịt hộp cũng mặc xác. Nhưng mặt làm tôi thích anh ta, đó là anh cứ ngồi trò chuyện với con gấu bông, cục xà phòng, cái khăn mặt, chiếc áo sơ mi. Anh ta đối với chúng như là Voldemort đối với horcrux trong Harry Potter vậy, tức là như thể anh ta đã xẻ một phần linh hồn cất trong đấy, tất nhiên anh ta là cảnh sát và anh ta không giết người để làm được điều này như kiểu Voldemort. Đùa, 22 năm sống trên đời tôi cứ nghĩ có mình tôi làm những trò ngu ngốc đó, hóa ra còn có anh chàng 633, cho nên tôi thích anh.

Không phải tôi nghĩ bọn đồ vật, chúng là sinh vật sống đâu, tôi chưa điên đến mức ấy, mặc dù hồi bé quả có nghĩ mỗi khi mình đi ngủ thì đồ vật sẽ nổi loạn, như trong Night at the museum ý, nhưng lớn lên rồi thì cũng tự phải biết chứ. Nhưng nói chuyện với chúng rất tốt, thứ nhất là chúng luôn ở đấy, thứ hai là chúng sẽ không lắng nghe, đúng hơn là chúng giả bộ lắng nghe nhưng kỳ thực là chúng bỏ ngoài tai hết, coi như mình vừa được xả nhưng lại vừa không lo bí mật bại lộ. Thế không phải một mối quan hệ tuyệt vời cho những con người thịt hộp sao?

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì
@mise.nscene

Nỗi cô đơn của cô gái tóc vàng bí ẩn lại theo kiểu khác, cô ta lúc nào cũng đeo kính râm, mặc áo mưa, ai mà biết khi nào thì trời nắng, ai mà biết khi nào thì trời mưa? Những thước phim về cô ta cứ rung giật nhưng không biết trong lòng cô có rung giật không? Cô ta đề phòng thời tiết như sợ rằng nó sẽ làm đau mình, cô ta chính là loại luôn có sự chuẩn bị trước theo kiểu: nắng đã có mũ, mưa đã có ô, lạnh cảm cúm đã có tiffy, cô tự ngăn cách mình với thế giới bên ngoài và thấy mình an toàn trong đó. Anh chàng 233 còn có nhu cầu kể lể với con chó, anh chàng 633 còn có nhu cầu kể lể với con thú bông, cô nàng Midnight express còn có nhu cầu kể lể với căn nhà của anh chàng 633, riêng cô ta chẳng có nhu cầu kể lể với ai hết, cô ta phong tỏa tất cả những gì để người ta có thể biết về cô.

233 bảo trên đời chỉ có 3 loại người đeo kính râm vào ban đêm thôi: một là mù, hai là tội phạm, ba là thất tình. Anh nghĩ cô thuộc về loại thứ 3. Chính xác thì cô ta là tội phạm, nhưng nỗi cô đơn của cô ta lại không thuộc loại nào trong cả 3 loại trên. Đó có phải tột cùng của cô đơn không, khi mà nỗi cô đơn thậm chí còn không được định nghĩa, cũng chẳng rõ mình cô đơn vì cái gì, không muốn thoát ra ngoài cô đơn vì không biết cái gì sẽ chờ mình phía trước, trong khi nỗi cô đơn lại đối xử với mình quá tốt. Thật ra tôi cũng rất thích mặc áo chống nắng.

Nhân vật cuối cùng, nhân vật mà Vương đã gọi là nhân vật chính của bộ phim, Hong Kong.

Vương nói trong Trùng Khánh sâm lâm, những quán ăn cứ ở đó và chỉ có con người là thay đổi, cũng giống như trong Xuân quang xạ tiết, Iguazu vẫn ở đó nhưng tình nhân đến rồi đi, tan rồi hợp, hợp rồi lại tan. Mà chẳng phải trong Đông Tà Tây Độc, câu mở đầu của phim chính là: “Trong Kinh Phật có viết rằng: cờ không động, gió không động, chỉ có lòng người lay động mà thôi.”.  Triết lý của Vương nhắc tôi nhớ một trong những câu quote tôi yêu thích của Murakami: “Thế giới của chúng ta giống như thế. Khi trời mưa, hoa nở, và khi trời không mưa, hoa héo. Bọn thằn lằn ăn côn trùng và bị bọn chim ăn thịt. Nhưng tất cả rồi sẽ chết và khô teo đi. Một thế hệ biến mất, một thế hệ khác thế chỗ. Đó là quy luật tuyệt đối. Có nhiều cách sống, và nhiều cách chết. Nhưng có quan trọng gì đâu, điều duy nhất còn lại là sa mạc.”. Những thiên tài thì thường ý tưởng lớn gặp nhau và đôi khi gặp cả ý tưởng của bọn người trần mắt hột như tôi nữa. Thì, thiên tài hay người trần mắt hột, rồi cũng chỉ còn lại cái quán ăn, cái thác nước, cái sa mạc thôi mà.

Về cái tiệm ăn Midnight express của Trùng Khánh sâm lâm, họ đến và đem theo những câu chuyện của riêng mình. Chuyện về May, chuyện về Phi, chuyện cô tiếp viên hàng không, chuyện salad cay, chuyện lá thư, đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi. Tôi có thói quen một mình, nghe nhạc một mình, xem phim một mình, lang thang một mình, nói chuyện một mình, ờ thì đã đến mức nói chuyện một mình thì nhất định phải có tiết mục đi ăn một mình.

Trùng Khánh Sâm Lâm nghĩa là gì
@moviesportraits

Ai trên thế giới này đã từng đi ăn đều biết ăn chỉ là phụ, nói mới là chính, cho nên nếu đi ăn một mình, không có ai để nói (mà cũng không thể nói chuyện một mình nơi công cộng, nó nhốt vào viện tâm thần cho gặp con mụ y tá như trong Flew over the cuckoo’s nest thì bỏ mẹ, mình thì hèn, không hiên ngang như McMurphy được đâu), không có ai để nói, nếu chỉ cắm mặt vào ăn thì không bõ tiền bỏ ra chui vào tận quán, mua đồ hộp về cho xong, cho nên phải nhìn người qua lại. Lạ lắm nhé, ít khi tôi để ý đến người, nhưng mỗi khi đi ăn một mình, tôi đều nhận ra xung quanh mình có nhiều người thật. Không biết họ đang nghĩ gì nhỉ, họ đang buồn hay đang vui, ăn xong họ sẽ làm gì, ngày mai họ có đến đây nữa không, họ có đọc tiểu thuyết không, nếu có thì họ thích tiểu thuyết loại gì, nếu không thì sở thích của họ là gì?

Thi thoảng thấy một người đeo tai nghe, tôi cũng sẽ tự hỏi thể loại gì đang được mở trong điện thoại? Progressive rock, hay Kpop, hay là họ đang luyện nghe qua podcast, hoặc họ đang nghe audio book, có khi là truyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn cũng nên. Hoặc là nếu thấy một người bước ra ngoài, họ rẽ về phía tay trái, sau đó đến ngã tư không biết họ sẽ đi thẳng hay lại rẽ trái, hay sẽ rẽ phải, hay là chẳng cần đến ngã tư thì họ đã tới nơi cần tới rồi? Có rất nhiều khả năng, có rất nhiều lựa chọn. Một con người bé nhỏ nhường ấy nhưng lại có quá nhiều điều người khác không thể biết, họ có một thế giới riêng không ai hiểu được, những giấc mơ không ai mường tượng được. Cuối cùng vẫn là nỗi cô đơn của tôi tôi ăn, nỗi cô đơn của anh anh ăn, mỗi người một suất, không giành giựt được, không chen ngang được, không chia sẻ được.

Vậy đó, cái áo sơ mi của 633 được phơi một mình phấp phới giữa nắng gắt chang chang, đó là việc của nó, còn khăn lau mặt của 633 sẽ có việc khóc, đó cũng là việc của nó không ai tranh được, chiếc đĩa nhạc của cô nàng Midnight express có việc là quay, khẩu súng của cô gái tóc vàng có việc là bắn, máy nhắn tin của 233 có việc là đợi lời nhắn với mật hiệu “yêu anh 1 triệu năm”, cá có việc là bơi, máy bay có việc là bay, máy bay đồ chơi có việc là chơi, đôi giày cao gót có việc là chạy và bẩn. Con người cô đơn, đồ vật cũng đâu có hơn gì.

Hôm trước dở dói đọc “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Murakami, chưa bao giờ có ý định đọc cuốn sách đó nhưng vì đã đọc hết những thứ có thể đọc của Murakami rồi, trong khi 1q84 thì dài nên lười chưa muốn sờ đến, chung quy lại ông kêu là đối với ông, khi làm một điều nhiều tới mức biến nó thành thói quen, tỉ như trong trường hợp của ông là chạy bộ, thì người ta sẽ đạt đến sự “thiền định”. Họ phê phán Murakami không Nhật, nhưng cái kiểu người mà làm một thứ đến cảm giác nhập tâm tựa như thiền, không phải Nhật thì là gì? Không nói đến chuyện Nhật hay không Nhật nữa, nhưng trong Trùng Khánh sâm lâm, 233 cũng rất thích chạy. 233 thì chắc là chưa đạt đến cảnh giới của Murakami, bởi 233 chạy chỉ để nước có thể chảy hết theo đường mồ hôi đến khi không khóc nổi nữa. Chẳng hiểu tại sao đến đoạn áo sơ mi của 633 được treo giữa trời, tôi lại nghĩ đến 233, khi vắt kiệt hết mồ hôi rồi, liệu anh ta có thể khô cong như cái áo đó không? 

Đột nhiên thấy bản thân rất tồi tệ, đến cái áo còn có thể thiền, nhưng mình thì không.

Nguồn: https://imlittletoxic.wordpress.com/2015/11/23/trung-khanh-sam-lam-noi-co-don-trong-mot-hop-thiec-con-nguoi-trong-mot-hop-thiec-lang-man-trong-mot-hop-thiec/