Tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước

Chính phủ đặt mục tiêu thoái vốn tại 141 doanh nghiệp và cổ phần hoá 19 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), có vốn nhà nước trong giai đoạn 2022 - 2025. Đây là kế hoạch vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký quyết định phê duyệt.

Bên cạnh đó, có 5 DNNN được thực hiện sắp xếp lại; 21 DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng.

Tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước

Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ của VNPT trong giai đoạn 2022 - 2025. Ảnh: Minh Chiến

Quyết định của Chính phủ đã công bố danh sách duy trì các doanh nghiệp mà nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ của: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1).

Bên cạnh đó, còn có một số doanh nghiệp khác như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost); Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM); Nhà máy In tiền Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); Công ty TNHH một thành viên Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc...

Chính phủ cũng phê duyệt 19 doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa, 5 doanh nghiệp được sắp xếp lại. Với quyết định này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) nằm trong danh sách thực hiện cổ phần hóa, với tỉ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là từ 65% trở lên.

Tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước

Agribank nằm trong danh sách cổ phần hoá giai đoạn 2022 - 2025. Ảnh: Minh Chiến

Bên cạnh đó, thực hiện thoái vốn tại 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, bán toàn bộ 90,45% tại CTCP Tư vấu đầu tư và Phát triển rau hoa quả; bán toàn bộ 49,04% vốn tại Tổng CTCP Sông Hồng; bán toàn bộ 38,58% vốn tại Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã VGC); bán toàn bộ 20,91% vốn tại CTCP Dịch vụ Truyền hình viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom); bán toàn bộ 70,05% vốn tại CTCP Truyền hình cáp Hà Nội; bán toàn bộ 65,21% vốn tại CTCP Điện tử Giảng Võ...

Giữ nguyên vốn góp nhà nước tại 126 doanh nghiệp. Trong đó, giữ nguyên 87% vốn tại CTCP Phim hoạt hình Việt Nam; 50% vốn tại Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV); 64,46% vốn tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam (CTG); 75,87% vốn tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã PLX); 95,4% vốn tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV) …

Chính phủ "chốt" 21 doanh nghiệp sẽ thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn năm 2022 đến năm 2025 gồm: Tập đoàn Bảo Việt - CTCP; vốn tại Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện; Tổng Công ty Phát triển phát thanh Truyền hình; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Tổng Công ty Cà phê Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Nam....

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN tháng 11 và 11 tháng năm 2022, đến hết tháng 11-2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Ngoài ra, ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỉ đồng.

Về tình hình thoái vốn, Bộ Tài chính cho biết trong 11 tháng năm 2022, ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp thu về 3.671,4 tỉ đồng. Riêng SCIC trong 11 tháng năm 2022 đã thực hiện bán vốn tại 21 doanh nghiệp với giá trị là 276,9 tỉ đồng, thu về 1.100 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN đã được ban hành đầy đủ, tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là việc thực hiện chuyển đổi các doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thành công ty cổ phần theo quy định pháp luật.

Cụ thể các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa bao gồm:

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

(đã được sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2020/NĐ-CP)

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp II).

2. Điều kiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Các doanh nghiệp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo các điều kiện sau:

- Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ;

- Sau khi đã xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Chương II và Chương III Nghị định 126/2017/NĐ-CP mà giá trị thực tế doanh nghiệp bằng hoặc lớn hơn các khoản phải trả;

- Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với các công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, ngoài phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với diện tích đất phi nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP.

(Khoản 1 Điều 4 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP)

3. Các hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Cụ thể tại Điều 5 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, các hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bao gồm:

- Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

- Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

- Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

4. Các chi phí cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Chi phí cổ phần hóa do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt dự toán và quyết toán. Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp cổ phần hóa quyết định mức chi cụ thể theo các nội dung đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Các khoản chi phí cổ phần hóa phải đảm bảo có đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ, tiết kiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể, các chi phí cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bao gồm:

- Các khoản chi phí trực tiếp tại doanh nghiệp:

+ Chi phí cho việc tập huấn nghiệp vụ về cổ phần hóa doanh nghiệp;

+ Chi phí kiểm kê, xác định giá trị tài sản;

+ Chi phí lập phương án cổ phần hóa, xây dựng Điều lệ;

+ Chi phí Hội nghị người lao động để triển khai cổ phần hóa;

+ Chi phí hoạt động tuyên truyền, công bố thông tin về doanh nghiệp;

+ Chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần;

+ Chi phí cho việc tổ chức bán cổ phần;

+ Chi phí tổ chức họp Đại hội cổ đông lần đầu.

- Tiền thuê tổ chức kiểm toán, tư vấn cổ phần hóa (tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn để xác định giá khởi điểm, tổ chức tư vấn để xây dựng phương án cổ phần hóa, tổ chức tư vấn bán cổ phần) do cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Ban chỉ đạo (nếu được ủy quyền) quyết định.

Việc thanh toán chi phí cho các tổ chức tư vấn căn cứ vào Hợp đồng ký kết giữa các bên liên quan.

- Thù lao cho Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc:

+ Mức thù lao hàng tháng cho từng thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc tối đa không quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành trong từng thời kỳ.

+ Thời gian thanh toán thù lao cho từng thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc theo thực tế nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc.

- Các chi phí khác có liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp.

Đối với chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không xác định là chi phí cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp theo quy định.

Ngoài các chi phí trên, chi phí cổ phần hóa còn được lấy từ nguồn tiền thu từ bán cổ phần theo quy định tại Điều 39 Nghị định 126/2017/NĐ-CP.

Trong trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện lại việc xác định giá trị doanh nghiệp, tạm dừng chưa thực hiện cổ phần hóa hoặc dừng không thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định xử lý các khoản chi phí cổ phần hóa (đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ) hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp và doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

(Điều 8 Nghị định 126/2017/NĐ-CP và được bổ sung khoản 4 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP)

Thanh Rin

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].