Thực trạng việc làm của sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tham dự Hội thảo tập huấn Dự án MOTIVE – Đánh giá các xu hướng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp tại Việt Nam

Trong khuôn khổ triển khai Dự án MOTIVE, từ ngày 13 – 16/7/2022, Trường Đại học Hạ Long, đơn vị thành viên của Dự án MOTIVE tổ chức Hội thảo tập huấn với Chủ đề - Bộ công cụ tự đánh giá năng lực cốt lõi đạt được trong quá trình đào tạo”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án quốc tế Motive “Đánh giá các xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam" do Quỹ Eramus+ của Liên minh châu Âu tài trợ giai đoạn 2020-2023.
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ GD&ĐT, các tổ chức quốc tế, các trường đại học, cao đẳng là thành viên của Dự án Motive đến từ châu Âu và Việt Nam; đại diện một số sở, ngành, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tại Quảng Ninh.

Thực trạng việc làm của sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

TS. Lê Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

TS. Lê Thanh Huyền - Phó hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội chia sẻ: Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là thành viên của Dự án “Đánh giá các xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam – Dự án MOTIVE” từ năm 2020, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và thiết thực đối với Nhà trường. Mục tiêu Dự án MOTIVE hướng đến việc đánh giá tính xác thực tình trạng việc làm của sinh viên sau khi ra trường, từ đó có những hoạt động cải cách: điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo và tăng cường các điều kiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội; đây cũng chính là một trong những hoạt động trọng tâm thuộc chiến lược phát triển của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (HUHA) giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Cũng tại hội thảo TS. Lê Thanh Huyền đưa ra 5 đề xuất của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội để có thể nghiên cứu và cải tiến trong quá trình đào tạo, cụ thể:
Đối với sinh viên
1. Thiết lập quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp/hội/hiệp hội có ngành nghề đúng hoặc liên quan với các ngành đào tạo của nhà trường, tăng cường khảo sát và phân tích, đánh giá nhu cầu, yêu cầu của người sử dụng lao động, thu hẹp khoảng cách giữa sinh viên với doanh nghiệp.
2. Nâng cao yêu cầu, kết quả đạt được của sinh viên sau khi hoàn thành các chương trình thực tập/thực hành. Điều này đòi hỏi người học có thái độ, ý thức tập trung và khuyến khích khả năng thích ứng, chủ động linh hoạt trong quá trình làm việc.
3. Chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ của sinh viên phải được nhà trường đưa thành yêu cầu quan trọng và điều kiện tiên quyết đối với sinh viên tốt nghiệp.

Đối với giảng viên
4. Nâng cao kỹ năng giảng viên trong việc động viên, khuyến khích và tạo cảm hứng, “truyền lửa” cho người học; giảng viên cần ý thức và liên tục cập nhật kiến thức thực tế để định hướng nghề nghiệp, định hướng cho sinh viên có khả năng tự nhận thức và hoàn thiện các kỹ năng nghề nghiệp.
5. Định hướng cho sinh viên hiểu bản chất khái niệm “công dân toàn cầu”, không chỉ ngoại ngữ là đủ mà còn cần có sự thành thục các kỹ năng khác để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường lao động quốc tế.

Thực trạng việc làm của sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

TS. Dorel Manitiu, Điều phối viên Dự án Motive,
Đại diện Tổ chức AlmaLaurea (Italia) phát biểu tại hội thảo


Tại kỳ Hội thảo lần này, các trường đại học tại Việt Nam và một số trường/tổ chức quốc tế Châu Âu, đơn vị thành viên Dự án tập trung vào việc hình thành bộ công cụ tự đánh giá năng lực cốt lõi của sinh viên, là cơ sở để điều chỉnh các hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án, bảo đảm việc hoàn thành báo cáo và phân tích số liệu của dự án theo đúng thời hạn, giúp cho cho các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp, có được những kinh nghiệm quý giá về các hoạt động khảo sát việc làm sinh viên tốt nghiệp và đánh giá chất lượng, mức độ đáp ứng của sinh viên tốt nghiệp đối với yêu cầu của thị trường lao động. Từ đó, đưa ra những chiến lược đào tạo kiến thức và kỹ năng mềm nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thực trạng việc làm của sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Sau hơn 2 năm triển khai, dữ liệu của dự án đã có hơn 30.000 tài khoản sinh viên của 25 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Tháng 5/2022, Ban điều phối dự án đã tổ chức hội thảo tại thành phố Bologna (Italia), các thành viên của dự án đã tập trung thảo luận về chủ đề: Sinh viên tốt nghiệp và thị trường lao động, tạo cầu nối giữa nhà trường - sinh viên - doanh nghiệp.
Tiếp nối hoạt động của Dự án, hội thảo lần này tiếp tục tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Cập nhật báo cáo theo dõi sinh viên tốt nghiệp của 9 trường đại học ở Việt Nam - đối tác của Dự án thông qua kết quả thu được từ việc khảo sát của Dự án; tình trạng hoạt động của Cổng thông tin theo dõi sinh viên tốt nghiệp; xây dựng bộ công cụ tự đánh giá năng lực cốt lõi đạt được trong quá trình đào tạo.

Thực trạng việc làm của sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

TS. Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chụp hình cùng các thầy cô của Trường.

Dự án MOTIVE được triển khai từ năm 2020 với sự tham gia của 9 trường đại học ở Việt Nam cùng sự đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội. Mục tiêu dự án là xây dựng một Trung tâm Quốc gia về giám sát tình trạng tham gia thị trường lao động của người tốt nghiệp ở Việt Nam, tạo cơ sở kết nối dữ liệu việc làm giữa nhu cầu của sinh viên với trường đại học và các đơn vị sử dụng nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay./.

Thực trạng việc làm của sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Trung tâm Thông tin Thư viện