Thế nào là gia đình tiến bộ, hạnh phúc

Hướng tới xây dựng và triển khai chỉ số hạnh phúc gia đình

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa văn hóa gia đình cũng đang thay đổi từng ngày, quan niệm về gia đình hạnh phúc cũng biến đổi mạnh mẽ. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”.

Để thực hiện thành công phương hướng xây dựng gia đình trong thời kỳ mới, ngày 27/6/2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1449/QĐ-BVHTTDL về “Ban hành kế hoạch tổ chức nghiên cứu xây dựng, triển khai thí điểm bộ chỉ số gia đình hạnh phúc”.

Nội dung của kế hoạch tập trung vào mục tiêu nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số đánh giá gia đình hạnh phúc để triển khai thí điểm tại địa phương, từ đó đề xuất nhân rộng mô hình, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc. Bộ lựa chọn Vụ Gia đình là đơn vị thực hiện, tỉnh Yên Bái và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là hai địa điểm thí điểm.

Nội dung công việc sẽ triển khai từ quý III năm 2022 đến năm 2023 gồm: Xây dựng nội dung, kinh phí hoạt động. Lựa chọn đơn vị chuyên môn triển khai hoạt động. Nghiên cứu, rà soát các chính sách, nghiên cứu về hạnh phúc, chỉ số hạnh phúc trong và ngoài nước: Các chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành về hạnh phúc; Các nghiên cứu, tiêu chí đo lường hạnh phúc trên thế giới; Khái niệm về hạnh phúc; Một số thang đo hạnh phúc trên thế giới: báo cáo hạnh phúc thế giới, thang đo OECD, Quỹ kinh tế mới, thang đo Châu Âu; Phân biệt chỉ số đo lường hạnh phúc cá nhân, gia đình, quốc gia.

Xây dựng dự thảo bộ chỉ số gia đình hạnh phúc gồm: Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về sức khỏe; Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về kinh tế; Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về đạo đức, lối sống, mối quan hệ trong gia đình; Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về môi trường sống; Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về điều kiện sống; Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về cộng đồng…

Hạnh phúc gia đình nhìn từ đạo đức và lối sống

Tổng thống Mexico Calderon từng nói: “Tất cả kho báu trên trái đất không thể nào sánh bằng hạnh phúc gia đình”. Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc được biểu thị bởi cảm giác vui vẻ, hài lòng và thỏa mãn. Gia đình hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng, từ những khía cạnh khác nhau sẽ có những cách nhìn khác nhau về hạnh phúc. Xét trên khía cạnh tinh thần, gia đình hạnh phúc là giữa các thành viên luôn có sự dung hòa, quan tâm và chia sẻ với nhau. Nhiều người quan niệm: Có một nơi để về đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về gia đình, để xây dựng được một gia đình hạnh phúc cần những yếu tố sau: 1/ Sự chia sẻ về mọi mặt giữa các thành viên trong gia đình; 2/ Mỗi người trong gia đình cần có sự tôn trọng lẫn nhau; 3/ Các thành viên trong gia đình cần phải dành thời gian cho nhau, từ đó tạo nên sự thấu hiểu và gắn kết; 4/ Tình yêu thương vô bờ bến, ngoài tình máu mủ huyết thống là tình nghĩa vợ chồng, đạo lý hiếu thuận; 5/ Ý thức được và thực hiện tốt bổn phận của cá nhân với gia đình.

Gia đình hạnh phúc trước hết là ở sự thủy chung, vợ chồng sống với nhau trước vì tình yêu sau vì tình nghĩa. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến tình nghĩa vợ chồng và coi đây là một nét thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: “Gia đình là nơi thể hiện mọi bình diện làm nên hạnh phúc. Sự trân trọng và chia sẻ của các thành viên rất quan trọng. Tôn trọng các tính cách, các sở thích, các thói quen, lối sống để mọi người trong một nhà hướng tới sự đồng thuận “thống nhất trong đa dạng”. Muốn thế, mọi người đều phải tuân thủ các chuẩn mực truyền thống: Về tôn ti thứ bậc, về bổn phận của mỗi người (người dưới với người trên và ngược lại, mọi người với nhau). Đó chính là tính nhân văn, bao gồm tình thương, tình thân ái và sự sẻ chia trách nhiệm cũng như quyền lợi mà mỗi người được nhận. Phải có bầu không khí yên bình, vui vẻ trong gia đình. Thế mới làm nên “mái ấm”.

Một gia đình được cho là hạnh phúc khi giữ gìn được lề lối gia phong: Ông bà, cha mẹ gương mẫu; con cháu hiếu thảo, luôn phấn đấu theo truyền thống gia đình. GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng, có thể coi gia phong là một trong những thiết chế vô hình của văn hóa gia đình, giúp cho gia đình quy tụ, điều chỉnh lối sống, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Theo TS Vũ Thy Huệ - Văn phòng Quốc hội: “Muốn cho gia đình hạnh phúc, hòa thuận thì mỗi cá nhân, mỗi thế hệ phải tự ý thức về vị thế của mình trong gia đình; từ ông bà, cha mẹ đến con cái phải tự hoàn thiện nhân cách”. Hạnh phúc là sự hài hòa giữa các thế hệ, sự cảm thông giữa các thành viên trong gia đình, là sự chia sẻ và nâng đỡ lẫn nhau. Cũng theo TS Huệ, mọi người cần phải chia sẻ với nhau những điều hay, điều dở để cùng nhau khắc phục hoặc phát huy, phát triển; tiếp nối truyền thống trên kính dưới nhường.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng nổ, hạnh phúc gia đình đơn giản là các thành viên được sum vầy. Cuối năm 2021, NSƯT Xuân Bắc từng chia sẻ niềm hạnh phúc là các thành viên trong gia đình được gần nhau. Với những người có con đi nước ngoài du học, hạnh phúc gia đình là sau đại dịch con cái trở về, cả nhà quây quần bên mâm cơm.

Như vậy, gia đình hạnh phúc được xác định dựa trên nhiều chỉ số, bao gồm cả những yếu tố vật chất và tinh thần. Nhưng trong đó đạo đức, lối sống và mối quan hệ gia đình là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng quyết định đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thế nào là gia đình tiến bộ, hạnh phúc

Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Võ Ái Hòa phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thu Huyền

Duy trì chuẩn mực tốt đẹp

Gia đình là tế bào xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống chống lại tệ nạn xã hội. Qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ gia đình có những thay đổi nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là nhân tố quan trọng không thể thiếu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Quy mô gia đình có xu hướng hẹp dần và mức thu nhập dần được cải thiện nên mức sống trong các gia đình hiện nay được nâng lên rõ rệt, kể cả những nơi mà trước đây được xem là vùng kinh tế khó khăn. Nhiều gia đình bắt đầu chú trọng đến nâng cao đời sống vật chất và tinh thần thông qua việc xây dựng nhà ở kiên cố hơn, tiêu dùng nhiều hơn về số lượng, chủng loại các trang thiết bị trong gia đình. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện cho từng thành viên, nhất là con cái được học tập tốt hơn...

Tuy nhiên, xu thế đổi mới của nền kinh tế, sự thay đổi về điều kiện lao động, cơ cấu sản xuất đã và đang ít nhiều ảnh hưởng nhất định đến các mối quan hệ truyền thống và sự bền vững của các gia đình. Theo số liệu báo cáo qua nửa nhiệm kỳ của Hội LHPN tỉnh, trong 1.988 vụ việc Hội LHPN các cấp phối hợp với các ngành chức năng hòa giải thì đã có 224 vụ liên quan đến hôn nhân gia đình, 12 vụ bạo lực gia đình.

Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Võ Ái Hòa cho biết, mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái, ông bà cháu, anh chị em có nguy cơ bị vỡ do thiếu sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Tình trạng mâu thuẫn trong hôn nhân dẫn đến tỷ lệ hôn nhân ly hôn ngày càng gia tăng. Con cái thiếu sự tôn kính đối với ông bà, ca mẹ, có tâm lý ỷ lại, đua đòi, thích hưởng thụ do các bậc cha mẹ chưa quan tâm, chưa trang bị cho mình một phương pháp giáo dục con đúng đắn.

5 giá trị tiêu biểu của gia đình

Phó bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Như Huỳnh cho rằng, chưa bao giờ gia đình Việt Nam lại đứng trước những thử thách cam go, những tác động lớn của mặt trái kinh tế thị trường như hiện nay, cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa. Chưa bao giờ tỷ lệ ly hôn ở tỉnh cao như thời điểm gần đây, đặc biệt là các gia đình trẻ. Độ tuổi bình quân trong ly hôn ở tỉnh phổ biến nhất là khoảng từ 20 - 24 tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa dưới 30 tuổi. Trên 2/3 số vụ ly hôn trong tỉnh là do người phụ nữ đề nghị với tỷ lệ ly hôn sau những năm đầu chung sống là từ 1 - 5 năm chiếm khoảng 60% các vụ ly hôn.

Nguyên nhân do các cặp vợ chồng trẻ chưa chuẩn bị đầy đủ tâm lý, sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân gia đình, chưa trang bị kỹ kiến thức để xử lý mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống dẫn đến mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt và ly hôn. Đối với các gia đình trẻ ở thành phố, các khu công nghiệp việc thiếu thời gian cho gia đình đã không còn là điều mới lạ. Tình trạng vợ chồng không tìm được sự thống nhất với nhau trong suy nghĩ, cảm xúc, chi tiêu, cân đối tài chính, chăm sóc, dạy bảo con cái.

Bàn về chăm lo tốt hơn về mặt kinh tế gia đình, Chủ tịch Hội LHPN xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri Nguyễn Thị An Thư chia sẻ, Hội LHPN xã đã xây dựng mô hình “5 không, 3 sạch” bước đầu có hiệu quả. Hội đã chọn ấp An Hòa làm điểm xây dựng mô hình. Trong đó, đã hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện đạt 8 tiêu chí với nhiều hoạt động mang tính thiết thực như: trang bị tủ sách và thành lập mô hình đọc sách, tổ chức truyền thông kịch tương tác về phòng chống bạo lực gia đình... Hội hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế với tổng vốn 450 triệu đồng. Hiện ấp đã duy trì thực hiện tốt mô hình này, có 269/286 hộ đạt 8 tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch”. Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả đã tạo cho các gia đình có cuộc sống kinh tế ổn định hơn, được tham gia nhiều hoạt động tại địa phương, tạo sự gắn kết, cảm thông và chia sẻ nhiều hơn.

“Muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ cần 5 giá trị tiêu biểu: yêu thương, hiếu thảo, tôn trọng, chia sẻ, chăm lo phát triển kinh tế” - Phó bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Như Huỳnh nêu ý kiến.

“Xác định rõ vai trò quan trọng của gia đình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị đạo đức của dân tộc, thời gian qua, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng gia đình, trọng tâm là xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện trong giai đoạn mới và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội”.  

(Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Võ Ái Hòa)

Hữu Hiệp