So sánh kinh tế hộ và kinh tế trang trại năm 2024

LSO- Từ sản xuất nhỏ lẻ với quy mô nông hộ, chuyển sang sản xuất lớn với quy mô trang trại, đòi hỏi người nông dân phải chuyển từ đơn lẻ sang liên kết. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn và có sự liên kết từ khâu sản xuất tới tiêu thụ...là những điểm mạnh của kinh tế trang trại. Đây cũng là một trong những động lực quan trọng để hình thành nên các vùng sản xuất tập trung.

Thời gian qua, trong khi người chăn nuôi ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn do biến động về giá cả, thì trang trại chăn nuôi của Hợp tác xã Hợp Thịnh, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc vẫn có lợi nhuận khá cao. Thậm chí trong thời điểm này, Hợp tác xã đang lên kế hoạch mở rộng quy mô trang trại. Sự ổn định trong sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã phụ thuộc rất lớn vào sợi dây liên kết với Công ty giống của Thái Lan. Với phần đối ứng cơ sở vật chất trên 15 tỷ đồng, Hợp tác xã liên kết với Công ty giống của Thái Lan và được đáp ứng về chuyên gia, khoa học kỹ thuật, con giống và cả thị trường tiêu thụ ổn định. Ông Giang Văn Lùng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Hợp Thịnh phấn khởi: cuối tháng 5 vừa qua, lứa lợn con đầu tiên của hợp tác xã đã xuất chuồng, mẫu mã đẹp, chất lượng con giống tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Hiện nay với số lượng gần 800 đầu lợn nái, mỗi tuần trang trại chăn nuôi của Hợp tác xã xuất chuồng 300-400 con lợn giống. Trước nhu cầu của thị trường, trang trại được định hướng tiếp tục mở rộng về quy mô.

Nuôi gà theo mô hình trang trại trên địa bàn xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn

Không giống như Hợp tác xã Hợp Thịnh “bập” ngay vào chăn nuôi lớn, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Hướng Quốc Bảo, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng khởi nguồn từ chăn nuôi nông hộ. Anh Bảo tâm sự: sau bao nhiêu năm chăn nuôi, thất bại nhiều lần, gia đình tôi rút ra kinh nghiệm, nếu muốn mở rộng quy mô chăn nuôi mà vẫn giữ nguyên sản xuất nông hộ, đơn lẻ thì sẽ rất khó để thành công. Chính vì vậy, song song với việc học tập khoa học kỹ thuật mở rộng quy mô nuôi lợn rừng, anh Bảo chủ động tìm kiếm các bạn hàng. Đây là các mối đặt hàng trước và duy trì bền vững. Chính vì vậy, trong bối cảnh chăn nuôi khó khăn, hàng năm trang trại của gia đình anh Bảo vẫn đều đặn xuất chuồng trên 700 con lợn rừng. Mở rộng thêm nuôi gà H’Mông, hươu sao, chim trĩ… Ngoài ra hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện khá nhiều trang trại lâm nghiệp và trang trại tổng hợp có hiệu quả kinh tế cao.

Xác định vai trò quan trọng của kinh tế trang trại, từ năm 2005 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TU về đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại và kinh tế đồi rừng. Đến năm 2011, UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt đề án phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Bà Trần Thanh Nhàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn khẳng định: đó là những định hướng rất quan trọng để các cấp, ngành hoạch định các chiến lược chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền vận động, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế trang trại.

Theo số liệu thống kê, đến năm 2008, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện khoảng 40 trang trại. Tuy nhiên trong thời điểm đó hầu hết các trang trại còn sản xuất manh mún do điều kiện huy động vốn gặp khó khăn; quy hoạch phát triển trang trại chưa hiệu quả; sản phẩm của các trang trại sản xuất ra chưa gắn với thị trường nên còn bấp bênh. Qua khảo sát, trong 40 trang trại trên địa bàn toàn tỉnh thì có tới 80% là trung bình và yếu, chỉ có khoảng 20% trang trại đạt khá. Đồng thời lúc bấy giờ hầu hết các trang trại không mấy quan tâm đến việc xin cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Thế nhưng đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 76 trang trại. Trong đó có 7 trang trại trồng trọt; 32 trang trại chăn nuôi; 20 trang trại tổng hợp; 16 trang trại lâm nghiệp và 1 trang trại thủy sản. Đã có 68 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định.

Theo khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn, tổng doanh thu của các trang trại đạt trên 10,6 tỷ đồng. Trong đó các trang trại chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất với thu nhập khoảng 180 triệu đồng/trang trại/năm; các loại hình trang trại khác doanh thu ở mức 140-150 triệu đồng/trang trại/năm. Nếu so sánh với trang trại ở các tỉnh miền xuôi, doanh thu như vậy chưa phải là lớn. Song với tỉnh miền núi như Lạng Sơn con số trên là khá ấn tượng trong bối cảnh sản xuất nông lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Bà Trần Thanh Nhàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: để có thể đánh giá sát thực hơn về kinh tế trang trại, hiện nay Chi cục vẫn đang tiếp tục tiến hành khảo sát. Trên cơ sở đó sẽ tham mưu cho ngành và cho tỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại trong giai đoạn này. Đây cũng là một trong những nội dung cụ thể hóa định hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung gắn liền với thị trường tiêu thụ.