Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm quy định không ai được

1. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong số những quyền nhân thân cơ bản của con người. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được ghi nhận trong tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 tại điều 12: “Không ai phải chịu can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân…”

Và quyền nhân thân này cũng được quy định trong công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966: “Không ai bị can thiệp một cách độc đoán hoặc bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín hoặc bị xúc phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín”

Để đảm bảo quyền này được thực hiện trên thực tế, pháp luật Việt Nam đã sớm có quy định về quyền này. Hiến pháp năm 1980 đã quy định: “Công dân có quyền tự được pháp luật bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm”(Điều 70).

Đến Hiến pháp năm 1992 lại tiếp tục ghi nhận quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân tại Điều 71: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”.

Sau đó, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”

Như vậy quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền hiến định và đã được quy định tại Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Quy định của pháp luật về nguyên tắc

Theo Điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:

“Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản.

Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân đều bị xử lý theo pháp luật.

Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho Nhà nước khác”.

Nguyên tắc này có cơ sở hiến định tại Điều 19, 20, 32, 51 của Hiến pháp năm 2013:

“Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (Điều 19)

“Mọi người…được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.” (Điều 20);

”Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ” (Khoản 2 ĐIều 32);

“Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa” ( khoản 2,3 Điều 51).

3. Nội dung của nguyên tắc

Một là, mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản.

Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người thân thích của họ (người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại bao gồm: vợ chồng, bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, bố mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột, anh chi em nuôi, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, cô dì, cậu mợ, cháu ruột) mà bị xâm hại, hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải quyết định áp dụng những biện pháp bảo vệ có hiệu quả.

Các biện pháp bảo vệ trong tố tụng hình sự bao gồm: Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vú khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh giác, bảo vệ, hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để đảm bảo an toàn cho họ; giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ; di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhận dạng của người được bảo vệ nếu được họ đồng ý; Răn đe, cảnh báo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; Ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật và thực hiện các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật ( Điều 486 BLTTHS).

Không ai bị tước đoạt tính mang nếu không bị Tòa án tuyên phạt tử hình và có quyết định thi hành án tử hình của Tòa án. Bản án tử hình được xem xét một cách chặt chẽ theo quy định tại Điều 367 BLTTHS. Nghĩa là, bản án tuyên người đó tử hình và án đã có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án được Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC xem xét trình chủ tịch nước.

Hai là, mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế và hình phạt áp dụng đối với cá nhân và pháp nhân phải có căn cứ pháp luật, do cơ quan có thẩm quyền áp dụng và tuân theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định. Người bị bắt, bị giam, giữ phải tuân theo quy định của BLTTHS, không thể bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Mọi hành vi có lỗi, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có các biện pháp xử lý hình sự theo quy định của BLHS.

Bộ luật hình sự năm 2015 có 2 chương riêng quy định về các Tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người (chương XIV, từ Điều 123 đến Điều 156) và các Tội xâm phạm sở hữu ( chương XVI, các Điều từ 168 đến Điều 180).

Ba là, Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác, kể cả trong trường hợp họ phạm tội ở nước ngoài nhưng có mặt tại Việt nam, vì theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền ở Việt nam phải từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ từ phía nước ngoài, nếu người bị yêu cầu dẫn độ đó là công dân Việt Nam.

4. Bảo đảm nguyên tắc trong thi hành bản án tử hình

Bảo đảm cho việc thực hiện quy định của Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những bổ sung quan trọng nhằm tăng cường tính chặt chẽ của thủ tục về thi hành bản án tử hình, trong đó có hai loại thủ tục:

- Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành.

- Thủ tục của việc không ra quyết định thi hành án tử hình và xem xét để chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án (khoản 2 Điều 367).

Tương tự như yêu cầu đặt ra tại Điều 9 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, điểm mới trong nội dung của nguyên tắc này là việc xác định danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân cũng là đối tượng bảo vệ của tố tụng hình sự. Bởi lẽ, khi là chủ thể của trách nhiệm hình sự thì trong các hoạt động tố tụng hình sự, các pháp nhân thương mại cũng có khả năng trở thành nạn nhân của những hành vi trái pháp luật xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của họ.

5. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành

Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được quy định tại Điều 367 BLTTHS. Theo đó, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án TANDTC; bản án phải gửi ngay cho Viện trưởng VKSNDTC. Hai chủ thể này sẽ tiến hành xem xét, quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm trong thời hạn 2 tháng. Đồng thời, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Về thủ tục gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, có một số vướng mắc, bất cập như sau:

Thứ nhất, luật không quy định thời hạn xét đơn ân giảm của Chủ tịch nước trong trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm. Theo đó, luật chỉ quy định thời hạn người bị kết án gửi đơn xin ân giảm cho Chủ tịch nước và Chủ tịch nước xem xét quyết định ân giảm hay bác đơn xin ân giảm. Đồng thời, thủ tục thi hành án còn có thời hạn tiến hành, nhưng luật không quy định thời hạn xem xét đơn xin ân giảm. Nếu hết thời hạn xem xét kháng nghị mà Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC không kháng nghị mà Chủ tịch nước chưa có quyết định về việc xem xét đơn xin ân giảm thì thủ tục thi hành án tử hình cũng không được thi hành.

Thứ hai, trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TANDTC phải thông báo ngay cho người bị kết án để làm đơn xin ân giảm. Vậy, thông báo ngay được hiểu như thế nào? Một ngày, hai ngày hay ngay trong ngày có quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm? Như vậy, luật còn bỏ ngỏ quy định này dẫn đến khó khăn trong khi thi hành trên thực tế.

Thứ ba, điểm c khoản 1 Điều 367 BLTTHS 2015 quy định: “Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 400 BLTTHS 2015 thì Chánh án TANDTC không phải là chủ thể có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Nên khi xác định có căn cứ để kháng nghị tái thẩm thì Chánh án TANDTC phải đề nghị Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Do đó, cần phải sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 367 theo hướng thống nhất với Điều 400.

Thứ tư, thời hạn để Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét quyết định kháng nghị hay không kháng nghị là 2 tháng. Trong thời gian đó, nếu đã ra quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị thì các chủ thể này có quyền thay đổi hay không? Hiện nay, luật chưa có quy định về vấn đề này nhưng trên thực tế đã có trường hợp rút quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm? Do đó, để tạo tính pháp lý cho hoạt động này, cần bổ sung quy định có liên quan.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)