Phiếu trắng và phiếu chống là gì

Lá phiếu trắng là gì? Có nghĩa là khi bạn đi đến phòng phiếu, bạn không bỏ phiếu cho bất cứ người nào, như là một hình thức tẩy chay một cuộc bầu cử mà bạn cho là không dân chủ. Dĩ nhiên bạn bỏ phiếu trắng không có nghĩa là người ra tranh cử sẽ không thắng. Ở những nước độc tài trên thế giới trong đó có Việt Nam, việc bỏ phiếu trắng sẽ chẳng bao giờ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử mà nhà cầm quyền độc tài đã tự biên tự diễn. Phiếu trắng sẽ không được kể là hợp lệ và họ sẽ dựa vào phiếu hợp lệ để tuyên bố ai đó thắng cử mà họ đã định đoạt sẵn — do cái cơ chế độc tài tạo ra. Tuy nhiên những người sống trong nước độc tài, thái độ bỏ phiếu trắng là thái độ rất cần thiết bởi nó nói lên sự phản kháng của chính mình bằng lá phiếu trắng. Nó nói lên một điều là bộ máy cầm quyền độc tài mình đang sống mình không hề bỏ phiếu bầu họ. Cho nên lá phiếu trắng của người dân tại một nước độc tài là lá phiếu trắng có trách nhiệm.

Câu hỏi được đặt ra là ở những nước tự do dân chủ, người Việt Nam có đi bỏ phiếu trắng hay không? Có lẽ bạn nghĩ là không. Nhưng thực tế vẫn có người đi bỏ phiếu cho mỗi kỳ bầu cử nhưng chỉ toàn là bỏ phiếu trắng. Chuyện này xảy ra tại California mà trong tháng 9 năm 2014, người viết bài này đã được tiếp xúc với cá nhân đó và ngạc nhiên khi biết được chuyện này. Dĩ nhiên đây là quyền tự do của mỗi người, cho nên chúng ta tôn trọng cái quyết định đó. Vấn đề đặt ra là lá phiếu trắng đó tại Mỹ nói lên điều gì?

Ở xứ tự do của Hoa Kỳ, người Việt Nam đôi khi không chọn lá phiếu của mình để nói lên tiếng nói chính trị của mình. Thay vì vào phòng phiếu để chọn một cá nhân nào đó thì thái độ bỏ phiếu trắng là thái độ thiếu trách nhiệm trước cái xã hội mình đang sống. Chẳng lẽ những nhân vật ra tranh cử, gồm có hai hoặc ba đảng, chẳng một ai chúng ta tin tưởng để bầu hay sao? Và nếu chúng ta bỏ phiếu trắng, người thắng cử có những chính sách có hại đến chúng ta, đến cộng đồng chúng ta thì ai là người chịu trách nhiệm? Đừng nghĩ rằng người bỏ phiếu trắng hoàn toàn không có trách nhiệm trong chuyện này. Chính hành động bỏ phiếu trắng là hành động vô trách nhiệm trước quyền bỏ phiếu của chính mình, cái quyền mà người Việt Nam trong nước không có (dĩ nhiên có đó nhưng bị bỏ phiếu, bị phải chọn một đảng mà thôi).

Nhiều người Việt là công dân Mỹ nhưng không hề đến phòng phiếu vào mùa bầu cử để bỏ phiếu, cho dù mùa bầu cử thuộc dạng toàn quốc như bầu cử tổng thống vào mỗi bốn năm. Những người này có nhiều lý do để giải thích tại sao họ không đến phòng phiếu. Có thể là công dân Mỹ nhưng không quan tâm đến chính trị của Mỹ cho nên không đi bỏ phiếu. Có thể là công dân Mỹ nhưng không biết nhiều tiếng Anh nên không nắm rõ sinh hoạt chính trị của Mỹ ra sao. Nên nhớ rằng ở Mỹ, bạn có thể trở thành công dân Mỹ mà không cần thông thạo về Anh ngữ. Đối với người Mỹ thì họ có hai thái độ trong mùa bầu cử. Một là đến phòng phiếu để bầu ai đó. Còn như chẳng có ai xứng đáng để bầu thì họ cũng chẳng đi bầu làm chi cho mất thời gian và tốn tiền xăng. Đó chính là cái thực tế của người Mỹ.

Người Việt sống tại Hoa Kỳ tuy có học thức nhưng thường xem nhẹ chuyện đi bầu và cứ nghĩ rằng lá phiếu của mình chẳng có giá trị. Thực ra giá trị của lá phiếu chính là hành động đi bỏ phiếu của mình cho cá nhân nào đó mà mình tín nhiệm. Cho dù cá nhân đó không thắng cử, nhưng lá phiếu của chính mình có giá trị bởi mình đã chọn một người mà mình nghĩ là xứng đáng để nắm vị trí đại diện cho mình. Đó chính là cái giá trị tinh thần mà ít ai đi bỏ phiếu nhận ra được điều này.

Có người lý luận rằng bầu cử tổng thống ở Mỹ, người dân không phải là người lựa chọn bởi hệ thống bầu cử tổng thống của Mỹ do những người được đề cử là Elector cho từng tiểu bang lựa chọn vị tổng thống. Điều này đúng. Nhưng những vị được chọn là Elector này thường bỏ phiếu theo số đông của người dân. Có nghĩa là nếu tiểu bang đó số đông dân chúng chọn ông A làm tổng thống thì tất cả những Electors đó sẽ bỏ phiếu cho ông A. Đây gọi là người thắng được tất cả (winner-take-all) ngoại trừ tiểu bang Maine và Nebraska. Cho nên đừng nghĩ rằng mình không trực tiếp lựa chọn vị tổng thống thì mình không đi bỏ lá phiếu, một nghĩa vụ rất quan trọng của một công dân trên một đất nước dân chủ. Dĩ nhiên luật không cấm những người được bầu là Elector có quyền bỏ phiếu cho vị tổng thống đi ngược lại số đông đã chọn. Điều này hình như chưa xảy ra bởi ở tiểu bang nào ứng viên tổng thống thắng phiếu đa số từ người dân thì được toàn bộ phiếu bầu của Elector. Và ứng cử viên nào thắng được nhiều phiếu Elector (270) sẽ trở thành vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ. Thành ra lá phiếu của bạn không phải là lá phiếu vô giá trị như một số người suy nghĩ.

Trở về câu chuyện bỏ phiếu trắng của một người Việt tại California, hy vọng rằng đây là người Việt duy nhất đi đến phòng phiếu bỏ phiếu trắng, một hành động vô trách nhiệm trong một quốc gia dân chủ của Mỹ. Nếu chúng ta có nhiều người Việt chọn thái độ vô trách nhiệm này thì cộng đồng chúng ta sẽ không bao giờ lớn mạnh bởi những thái độ vô trách nhiệm sẽ không bao giờ tạo được sức mạnh của một cộng đồng.