Những nhà triết học cổ điển đức là ai

VII. TRIẾT HỌC CỔ ĐIỂN ĐỨC

  • Kể từ cách mạng tư sản 1789 thì xã hội phong kiến đã bị cáo chung ở nhiều nước Châu Âu. Phương thức sản xuất tư bản của nghĩa chi phối mạnh mẽ đến xã hội Châu Âu. Giai cấp tư sản từng bước thống trị xã hội. Nói cách khác, hầu hết Châu âu đang chuyển mình theo CNTB, phục tùng sự lãnh đạo của giai cấp tư sản, riêng nước Đức tiếp tục bảo vệ chế độ phong kiến. Các trí thức Đức ủng hộ tinh thần cách mạng tư sản bởi vì phương thức sản xuất phong kiến Đức lạc hậu, lỗi thời, nền sản xuất của nó thấp kém, đời sống vật chất của người Đức thời bấy giờ rất eo hẹp; còn chế độ chính trị ở Đức rất khắc nghiệt. Trong khi đó về lĩnh vực tinh thần, nước Đức lại đạt được những thành tựu khoa học - văn hóa rất đồ sộ, trên các lĩnh vực văn chương, triết học, thiên văn học và khoa học tự nhiên nói chung. Chính trong bối cảnh này nền triết học cổ điển Đức xuất hiện.
  • Trước hết, triết học cổ điển Đức là sự thể hiện vũ trụ quan và nhân sinh quan của quý tộc phong kiến Phổ nên các triết gia Đức thời bấy giờ luôn biện minh cho sự hợp lý của nhà nước phong kiến Phổ. Lập trường của họ dao động giữa duy tâm và duy vật.
  • Triết học cổ điển Đức đặc biệt quan tâm đến vấn đề con người, nó tiếp tục các luận điểm xem con người là trung tâm của lịch sử mà các nền triết học trước đã đề ra.
  • Triết học cổ điển Đức là một nền triết học đồ sộ dựa trên thành tựu của khoa học trong đó những tư tưởng biện chứng là đặc biệt quan trọng. Nhiều triết gia cổ điển Đức là những nhà triết học có tư tưởng biện chứng xuất sắc bởi lẽ nó phản ánh xu thế cách mạng mới ở Châu Âu.
  • Vũ trụ quan của Kant: Ở thời kỳ đầu, trong tác phẩm “Lịch sử tự nhiên đại cương và thuyết bầu trời” (1755), Kant đã lý giải nguồn gốc hình thành vũ trụ trên lập trường duy vật biện chứng. Ông cho rằng không chỉ trái đất mà cả vũ trụ được hình thành từ các khối tinh vân vận động và biến hoá trong không gian và thời gian. Tư tưởng này chứng tỏ rằng thế giới hình thành từ vật chất và thống nhất ở tính vật chất của nó. Đây là những tư tưởng duy vật biện chứng về tự nhiên được Mác, Ăngghen và Lênin đánh giá cao.
  • Nhận thức luận: Kant thừa nhận có thế giới “vật tự nó” ở bên ngoài con người, lúc này ông là người duy vật. Nhưng ông cho rằng cái thế giới vật thể xung quanh con người mà ta thấy được chỉ là hiện tượng biểu hiện của thế giới vật tự nó. Con người cảm giác được hiện tượng đó, còn bản chất “vật tự nó” là siêu nghiệm, muốn hiểu được bản chất của “vật tự nó” phải nhờ tri thức tiên thiên (tiên nghiệm). Ở tư tưởng này ông đã ngã sang lập trường duy tâm. Vì vậy, người ta gọi học thuyết của ông là thuyết “bất khả tri”.

Sinh trong một gia đình quan lại cao cấp, giáo sư ở các trường Đai học lớn của Đức (Insenbec, Berlin).Hegel đã để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm triết học đồ sộ ở 3 bộ sách: Hiện tượng học tinh thần, Lôgíc học, Bách khoa toàn thư các khoa học.

  • Vũ trụ quan của Hegel:
    • Hegel kế thừa tư tưởng của Platon, thừa nhận có một ý niệm tuyệt đối (Platon: ý niệm) độc lập với ý thức con người. Ý niệm vận động như một dòng sông chảy, đến một lúc nào đó nó sinh ra tư nhiên. Giới tự nhiên sinh ra con người. Con người có ý thức, ý thức con người trở lại nhận thức cái ý niệm, lúc đó đạt đến “Tinh thần tuyệt đối”. Từ các quan niệm trên chứng tỏ Hegel là một triết gia duy tâm khách quan.
    • Tuy nhiên Hegel đã giải thích được nguồn gốc của sự vận động là mâu thuẫn bên trong của ý niệm. Chính Hegel cũng vạch ra con đường phát triển của ý niệm. Đó là hạt nhân hợp lý của phép biện chứng. Nhưng biện chứng của Hegel là bản chất của ý niệm nên biện chứng của ông là biện chứng duy tâm. Có thể nói Hegel là nhà biện chứng lỗi lạc, là bậc tiền bối của triết học Mac, là đỉnh cao của nền triết học cổ điển Đức. Engels đã viết về Hegel như sau: ông không chỉ là một thiên tài sáng tạo mà còn là một nhà bác học có tri thức bách khoa nên trên mọi lĩnh vực, ông xuất hiện ra là một người vượt thời đại.
    • Tư tưởng biện chứng của Hegel: Ông là người đầu tiên xây dựng tư tưởng biện chứng thành hệ thống, phép biện chứng của Hegel hàm chứa các vấn đề cơ bản sau đây.

+ Hegel cho rằng sự phát triển của các sự vật hiện tượng gắn liền với sự phủ định biện chứng.

+ Theo Hegel mâu thuẫn nội tại là động lực của mọi quá trình phát triển

+ Hegel còn chỉ ra rằng mọi quá trình phát triển còn được diễn ra bằng quá trình những thay đổi về lượng dẫn đến những biến đổi về chất ngược lại.

c. Lutvích Phoiơbắc (1804 -1872)

  • Sinh trong gia đình luật sư năm 1823 vào Đại học, tốt nghiệp đại học 1828, làm giảng sư đại học nhưng Feuerbach ủng hộ cách mạng nên ông bị đuổi khỏi giảng đường. Năm 1836 ông về nông thôn 25 năm liền. Năm 1870 ông tham gia Đảng Dân chủ xã hội.
  • Về bản thể luận: Feuerbach thừa nhận giới tự nhiên là cơ sở đầu tiên duy nhất, không có gì sinh ra nó cả, đồng thời ông quan niệm giới tự nhiên bao gồm cả con người. Con ngừơi là một bộ phận của tự nhiên. Đối với triết học Feuerbach, xuất phát điểm là giới tự nhiên nhưng Feuerbach không dám tự xưng mình là người duy vật mà chỉ dám gọi triết học của mình là triết học nhân bản vì lúc này chủ nghĩa duy vật tầm thường đang phát triển ở Đức.
  • Về lí luận nhận thức: Ông cho rằng con người có thể nhận thức được thế giới thông qua giác quan của mình. Ông nêu mối quan hệ biện chứng giữa cảm tính và lý tính. Feuerbach viết: “Năm giác quan của con người là hoàn toàn đủ để nhận thức thế giới”. Tuy nhiên Feuerbach không hiểu vai trò của thực tiễn đối với nhận thức (Feuerbach hiểu thực tiễn là đi buôn, là gian lận).
  • Về chính trị, xã hội: Feuerbach có công khôi phục địa vị của chủ nghĩa duy vật thế kỷ 18. Trên cơ sở kế thừa và phát triển triết học Feuerbach mà Mác và Anghen đã đi đến chủ nghĩa duy vật biện chứng (Mác viết “không có con đường nào khác để chúng ta đi tới chân lý và tự do ngoài con đường băng qua suối lửa”, suối lửa là nghĩa của chữ Feuerbach).

Hạn chế của triết học Feuerbach là ở chỗ ông phủ nhận sạch trơn phép biện chứng của Hegel đồng thời ông còn duy tâm về lĩnh vực xã hội. (Ông ca ngợi tình yêu giữa người và người không phân biệt giai cấp. Ông coi tình yêu nam nữ như một thứ tôn giáo, xem đó là cái thiêng liêng cao quý mà con người phải tôn thờ và coi đó là một động lực của sự phát triển lịch sử).

Ý nghĩa lịch sử của triết học cổ điển Đức là ở chỗ nó là một trong những nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin. Triết học Cổ điển Đức đã đặt ra những vấn đề chủ yếu của quan niệm biện chứng về tự nhiên, xã hội và nhận thức nhưng chưa giải quyết được đúng đắn vì còn duy tâm và siêu hình. Nội dung chủ yếu của triết học Mác cũng là sự tiếp tục giải quyết những vấn đề đó nhưng trên cơ sở mới. Khi tổng kết sự phát triển lịch sử của triết học cổ điển Đức thì càng thấy sự cần thiết phải đem lại cho chủ nghĩa duy vật một hình thức mới, hình thức biện chứng.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Giáo trình Triết học Mác Lênin
  • Đại học An Giang

Những nhà triết học cổ điển đức là ai

Triết học cổ điển Đức là giai đoạn phát triển mới về chất trong lịch sử tư tưởng Tây Âu và thế giới cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX. Đây là đỉnh cao của triết học cổ điển phương Tây, đồng thời có ảnh hưởng lớn đến triết học hiện đại và nhất là đối với triết học Mác.

1. Emmanuen Cantơ (Emmanuel Kant 1724-1804)

Cantơ là một trong những nhà triết học lớn của triết học cổ điển Đức. Nét nổi bật trong triết học của Cantơ là đã trình bày những quan niệm biện chứng của mình về giới tự nhiên. Ăngghen đã đánh giá cao những giả thuyết của Cantơ là sự công phá vào những quan điểm siêu hình, kể cả trong triết học và khoa học. Triết học của Cantơ không triệt để, ông thừa nhận sự tồn tại của thế giới các vật thể ở bên ngoài con người, giác quan của con người có thể cảm nhận được. Ở điểm này Cantơ là nhà duy vật. Nhưng thế giới đó lại không liên quan gì đến cái gọi là "Thế giới vật tự nó", sự hiểu biết của con người bằng cảm giác về thế giới các sự vật không cung cấp cho ta hiểu biết gì về "Thế giới vật tự nó". Nói cách khác, theo Cantơ nhận thức của con người chỉ nhận thức được hiện tượng bề ngoài mà không xâm nhập được vào bản chất đích thực của sự vật, không phán xét được gì về sự vật như chúng tự thân tồn tại. Như vậy, trong lĩnh vực nhận thức luận, Cantơ là người theo thuyết "bất khả tri luận". Nhận thức luận duy tâm của Cantơ là sự phản ứng đối với chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII, là sự khôi phục thượng đế và tôn giáo. Ông cho rằng, trong nhận thức cần hạn chế quyền lực của lý tính để dành chỗ cho tín ngưỡng tôn giáo. Cantơ coi Chúa - tự do - linh hồn bất diệt là cái không thể biết, tức là "vật tự nó". Tính chất duy tâm trong triết học của Cantơ còn thể hiện ở chỗ ông coi không gian, thời gian, tính nhân quả cũng như các qui luật của giới tự nhiên không phải là những cái thuộc bản thân giới tự nhiên, mà là sản phẩm của lý tính tiên nghiệm, có trước kinh nghiệm. Khi nhận xét về tính không nhất quán và mâu thuẫn trong triết học của Cantơ, Lênin cho rằng: Triết học Cantơ có sự dung hòa giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm; thiết lập sự thỏa hiệp giữa hai chủ nghĩa đó, kết hợp lại và đối lập nhau trong một hệ thống triết học của ông. Như vậy, triết học Cantơ với nội dung hết sức đa dạng phong phú bao trùm nhiều lĩnh vực nhưng còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn mà chính ông cũng không tự giải thích được. Tư tưởng của Cantơ, như ông tự nhận, thật sự là một cuộc đảo lộn Côpecních trong triết học. Hướng triết học từ nghiên cứu tự nhiên - tới con người như một chủ thể, từ tồn tại tới hoạt động. Đây là tiền lý luận của học thuyết Mác sau này về hoạt động thực tiễn của con người như là nền tảng của đời sống xã hội. Triết học Cantơ đã đặt ra nền móng cho một quan niệm biện chứng về giới tự nhiên và lịch sử, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề sâu sắc cho sự phát triển của triết học phương Tây hiện đại. Nhiều tư tưởng của triết học hiện sinh, chủ nghĩa duy ý chí, triết học thực chứng, hiện tượng học, v.v... đều ít nhiều đều xuất phát từ những tư tưởng của triết học Cantơ.

2. Giócgiơ Vinhem Phridrich Hêghen (Hégel Georg Wilhelm Friedrich 1770-1831)

Hêghen là nhà biện chứng lỗi lạc, bậc tiền bối của triết học Mác. Theo Ăngghen, "Hêghen không chỉ là thiên tài sáng tạo, mà còn là một nhà bác học có tri thức bách khoa, nên trong mỗi lĩnh vực, ông xuất hiện như là một người vạch thời đại". Là một nhà biện chứng duy tâm khách quan nên triết học của Hêghen đầy mâu thuẫn. Nếu phương pháp biện chứng của ông là hạt nhân hợp lý, chứa đựng tư tưởng thiên tài về sự phát triển thì hệ thống triết học duy tâm của ông lại phủ nhận tính chất khách quan của những nguyên nhân bên trong, vốn có của sự phát triển tự nhiên và xã hội. Ông cho rằng khởi nguyên của thế giới là vũ trụ không phải là vật chất mà là "Ý niệm tuyệt đối". Tính phong phú, đa dạng của thế giới hiện thực là kết quả của sự vận động và sáng tạo của ý niệm tuyệt đối. Ý niệm tuyệt đối tồn tại "khách quan" và vĩnh viễn bên ngoài tự nhiên và con người (ý niệm tuyệt đối = Thượng đế). Hêghen có công trong việc phê phán tư duy siêu hình, ông là người đầu tiên trình bày toàn bộ giới tự nhiên, xã hội và tư duy dưới dạng một quá trình, trong sự vận động và phát triển không ngừng. Trong hệ thống (logic học) Hêghen trình bày có hệ thống các qui luật về lượng chất; phủ định của phủ định v.v... Trong hệ thống triết học của Hêghen, không phải ý thức tư tưởng phát triển trong sự phụ thuộc vào sự phát triển của tự nhiên và xã hội; mà ngược lại tự nhiên, xã hội vận động phát triển phụ thuộc vào sự phát triển của ý niệm tuyệt đối. Ý niệm tuyệt đối, tinh thần thế giới là tính thứ nhất, giới tự nhiên là tính thứ hai, do ý niệm tuyệt đối và tinh thần thế giới sinh ra và quyết định, là một "sự tồn tại khác" của tinh thần. Sau khi trải qua giai đoạn "tồn tại khác", ý niệm tuyệt đối hay tinh thần thế giới mới trở lại "bản thân mình" và đó là giai đoạn cao nhất, giai đoạn tột cùng, được Hêghen gọi là "tinh thần tuyệt đối". Trong các quan điểm xã hội, Hêghen đứng trên lập trường chủ nghĩa sô vanh đề cao dân tộc Đức, miệt thị các dân tộc khác, coi nước Đức là "hiện thân của tinh thần vũ trụ mới" muốn duy trì nhà nước Phổ phản động, xem nó như là đỉnh cao của sự phát triển nhà nước và pháp luật. Tuy nhiên, phép biện chứng của Hêghen là mâu thuẫn với triết học duy tâm của ông và là nhân hợp lý đã trở thành một trong những nguồn gốc của triết học Mác. Phép biện chứng của Hêghen coi toàn bộ thế giới, lịch sử và tinh thần là một quá trình duy nhất đang vận động, biến hóa, phát triển và thay đổi không ngừng. Những mâu thuẫn nội tại đều là nguồn gốc của tự thân vận động. Hêghen đã áp dụng phép biện chứng vào lôgíc và vào việc nghiên cứu những khái niệm và những sự phán đoán. Nhưng ông là người duy tâm, và hệ thống giáo điều phản động của ông và tính hẹp hòi về giai cấp cho nên theo Hêghen bản chất của sự tồn tại nằm trong sự tự thân phát triển của một "ý niệm tuyệt đối" có tính chất thần bí. Phép biện chứng của Hêghen chưa có những hình thức khoa học. Những hình thức kinh viện và thần bí của phép biện chứng đó đã làm lộn ngược tất cả mọi vật (theo cách ví von của Mác thì phép biện chứng của Hêghen như một cái cây gốc ở trên trời ngọn ở dưới đất, nên cần phải dựng ngược nó lại). Phép biện chứng của Hêghen quay về quá khứ, chứ không hướng vào hiện tại hay tương lai, trong hệ thống triết học Hêghen thì sự phát triển sau khi đạt đến một trình độ nhất định nào đó thì ngưng lại, v.v...

3. Lútvích Phoiơbắc (Ludwig Feuerbach 1804-1872)

Phoiơbách là nhà duy vật nổi tiếng của triết học cổ điển Đức, bậc tiền bối của triết học Mác. Ông sinh năm 1804 trong một gia đình luật sư nổi tiếng ở Đức. Ông theo học ở trường đại học tổng hợp Berlin, tham gia phái Hêghen trẻ (Jeunes - Hégeliens: là những nhà theo chủ nghĩa tự do Đức trong những năm 30 và 40 của thể kỷ XIX, đại biểu của cánh tả gồm những người tư sản cấp tiến trong học phái Hêghen. Mác và Ăngghen những năm 30 cũng hoạt động trong phái này sau cũng như Phoiơbách các ông đã tách khỏi phái này). Các tác phẩm triết học lớn của ông là: "Những nguyên lý của triết học hoặc tương lai" (1843), "Về bản chất đạo cơ đốc" v.v... Ban đầu Phoiơbách chịu ảnh hưởng lớn của triết học Hêghen, ông tham gia phái Hêghen trẻ, ông tin rằng tôn giáo, các khái niệm của tinh thần thế giới thống trị thế giới hiện thực... về sau do ảnh hưởng của các nhà triết học duy vật Pháp thế kỷ XVIII và sự phát triển của thực tiễn xã hội và khoa học đầu thế kỷ XIX. Ông chuyển sang chủ nghĩa duy vật và nhận thấy những hạn chế của triết học Hêghen, phê phán lại triết học Hêghen. Phoiơbách có công lớn trong việc phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hêghen cũng như chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo nói chung, khôi phục vị trí xứng đáng của triết học duy vật. Ông thừa nhận sự tồn tại của thế giới khách quan không phụ thuộc vào ý thức con người, không do ai sáng tạo ra và tồn tại thông qua vận động nhờ mâu thuẫn nội tại bên trong của nó. Triết học Phoiơbách mang tính nhân bản. Nó chống lại chủ nghĩa nhị nguyên luận về sự tách rời giữa tinh thần và thể xác, ông coi ý thức, tinh thần cũng là một thuộc tính đặc biệt của vật chất có tổ chức cao là bộ óc người. Phoiơbách không chỉ chống lại chủ nghĩa duy tâm, mà tính nhân bản trong triết học của ông còn đấu tranh chống lại những quan điểm duy vật tầm thường, qui các hiện tượng tâm lý, tinh thần về các quá trình lý hóa không thấy sự khác nhau về chất giữa chúng, chẳng hạn coi óc tiết ra tư tưởng như gan tiết ra mật. Mặt tích cực trong triết học nhân bản của Phoiơbách là sự đấu tranh chống lại những quan điểm tôn giáo chính thống của đạo thiên chúa, đặc biệt quan niệm về thượng đế. Ông cho rằng bản chất tự nhiên của con người là hướng tới cái chân, cái thiện, ông phủ nhận mọi thứ tôn giáo và thần học về một thượng đế siêu nhiên đứng ngoài sáng tạo ra con người, chi phối cuộc sống con người. Triết học của Phoiơbách bộc lộ những hạn chế khi ông đòi hỏi triết học mới - triết học nhân bản, phải gắn liền với tự nhiên thì đồng thời phải đứng trên lập trường của chủ nghĩa tự nhiên để xem xét mọi hiện tượng thuộc về con người và xã hội. Con người trong quan niệm của ông là con người trừu tượng, phi xã hội mang những thuộc tính sinh học bẩm sinh. Triết học nhân bản của ông chứa đựng những yếu tố duy tâm. Ví dụ như quan điểm thay thế thứ tôn giáo tôn sùng một vị thượng đế siêu nhiên, cần xây dựng một thứ tôn giáo mới phù hợp với tình yêu của con người.

Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm của Hêghen, Phoiơbách đã vứt bỏ luôn phép biện chứng của Hêghen. Mặc dù có những hạn chế triết học ông vẫn có ý nghĩa to lớn trong lịch sử triết học và trở thành một trong những nguồn gốc lý luận của triết học Mác.

Sửa lần cuối bởi điều hành viên: 17/7/18