Làm công tác chính trị là gì

QĐND - Công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) có vai trò rất quan trọng trong xây dựng quân đội kiểu mới về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là trong xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội. V.I Lênin từng khẳng định: “…Ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các chính ủy làm được chu đáo nhất… thì ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ được trật tự tốt hơn và tinh thần của họ cũng cao hơn, ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta”[2]. Tổng kết hoạt động CTĐ, CTCT trong quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết: “Toàn bộ công tác chính trị là để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Công tác chính trị đã trở thành một truyền thống sâu sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu, công tác, sinh hoạt của quân đội ta, đã trở thành linh hồn, mạch sống không thể thiếu được của quân đội ta”[3].

Làm công tác chính trị là gì

Các đơn vị bộ đội từ miền Bắc hăng hái hành quân vào chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Thực tiễn 70 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta đã khẳng định vai trò quan trọng của CTĐ, CTCT trong xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội. Ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, công tác chính trị đã tập trung nâng cao giác ngộ giai cấp cho cán bộ, chiến sĩ của Đội bằng những hình thức, biện pháp phong phú và đa dạng, phù hợp với trình độ nhận thức và điều kiện thực tế, bảo đảm cho đánh thắng trận đầu. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, để phát huy tốt vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội, đồng thời khắc phục những khó khăn của ta trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch, Đảng ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch, nhất là các chính ủy, chính trị viên đã tập trung tiến hành nhiều nội dung, hình thức, biện pháp hoạt động CTĐ, CTCT phong phú, linh hoạt phù hợp với từng đối tượng, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Đã tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng sâu rộng, kịp thời, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa to lớn của chiến dịch, nhất là quán triệt và thực hiện tốt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, khắc phục tư tưởng sợ mỏi mệt, sợ tiêu hao, xây dựng và giữ vững quyết tâm chiến đấu liên tục và lâu dài, xây dựng tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh, quyết chiến, quyết thắng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… thông qua nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sinh động, CTĐ, CTCT đã góp phần xây dựng và động viên sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội ta trong xây dựng và chiến đấu để bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cũng như trong đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Cùng với quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta, CTĐ, CTCT trong quân đội tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội; đối tượng và điều kiện hoạt động CTĐ, CTCT nhằm không ngừng củng cố, nâng cao sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội. Thông qua đó, đã khẳng định vai trò quan trọng, không thể thiếu của việc tiến hành CTĐ, CTCT trong xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội, khẳng định CTĐ, CTCT luôn là “linh hồn, mạch sống” của quân đội ta, góp phần xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị. Bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội không ngừng được củng cố và tăng cường. Quân đội luôn “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen ngợi.

Khẳng định vai trò quan trọng, không thể thiếu của việc tiến hành CTĐ, CTCT trong xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội trong 70 năm qua, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn kinh nghiệm hoạt động CTĐ, CTCT trong xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội ta, trên cơ sở đó tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của CTĐ, CTCT trong xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tiếp tục kế thừa những kinh nghiệm hoạt động CTĐ, CTCT trong xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội 70 năm qua để bổ sung, phát triển, hoàn thiện quan niệm về vai trò của CTĐ, CTCT trong xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nhất là xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội trong thời kỳ mới.