Chòe lửa với họa mi loài nào hót hay hơn

Vào mỗi sáng thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần, những người nuôi chim trên địa bàn thành phố Hòa Bình lại hội tụ tại một điểm trên địa bàn. Gần đây, hội nuôi chim, dưỡng chim tề tựu tại trên một sảnh nhà trên đường Chi Lăng, đối diện với Công viên Tuổi trẻ Hòa Bình để hàn huyên, sẻ chia, tận thưởng tiếng chim hót, thưởng thức những giá trị thanh tao cuộc đời.

Anh Minh ở phường Phương Lâm, có thâm niên, uy tín trong giới nuôi chim của thành phố Hòa Bình đang sở hữu các loại chim quý từ họa mi, khuyên, chào mào… Anh cho biết: Trong tất cả thú vui tao nhã, có lẽ nghề chơi và huấn luyện chim cảnh là công phu nhất. Thế nên, người chơi chim trước hết phải có tâm hồn lãng tử, nghệ sỹ để cảm nhận cái hay, cái đẹp và lặng lẽ hòa nhập với thiên nhiên qua từng điệu múa, tiếng hót của các loài chim. Ngoài ra phải có niềm đam mê thì mới chăm sóc, cảm nhận được những cái hay, cái đẹp của loài chim mình nuôi dưỡng, chăm sóc. Cũng như các tỉnh, thành phố khác, ở Hòa Bình, những người chơi chim, dưỡng chim phân chia chúng thành nhiều loại khác nhau như: Chim hót, chim chọi và chim nói… Mỗi loài chim đều có nét đẹp, màu sắc, dáng bộ và giọng hót kỳ diệu khác nhau. Chích chòe có giọng hót thánh thót, véo von; họa mi "ca sĩ” rừng xanh cao vút, trầm hùng; chào mào thì hào sảng, tươi vui; còn giọng chim cu man mác nỗi buồn, gợi nhớ hồn quê da diết… Tùy theo sở thích của từng người coi trọng các loài chim, người thích chào mào, kẻ say họa mi, người lại mê mẩn chim cu gáy. Dân chơi chim Hòa Bình thích nhất là chơi họa mi vì vừa tận hưởng, thưởng thức tiếng hót mê ly lại vừa cảm giác chinh chiến, thắng bại. Đối với chim chọi, đẳng cấp vẫn là họa mi chiến. Đó là loại chim khỏe, thế đẹp, dáng thẳng, lông óng ả, tiếng véo von, chân móng mèo, bàn khóa dài rộng, cổ chân khỏe mạnh, mí mắt dày, màu xanh, trông uy dũng, hung dữ, lì lợm và nhanh nhẹn, khi thi đấu họa mi sải cổ hót lảnh lót nhằm át vía đối phương bằng tiếng hót có uy lực, từng con chim ganh nhau tiếng hót và sẵn sàng bay vào đánh nhau quyết tử với đối thủ. Chim họa mi đẹp, tốt có dáng khoan thai, đầu xà, mắt méo, xọc đôi, mình chuối phải có tiếng hót bài bản, luyến láy, đảo giọng liên tục, dáng oai vệ cất tiếng hót áp đảo các loại chim khác. Chào mào đẹp phải có điệu bộ lanh lợi, thân hình dài, lông mượt, hai viền lông đen bên ngực phải to và dài gần đụng nhau, miệng mỏng, ngắn. Chào mào rất dễ thuần dưỡng, không cần công phu và tỉ mẩn như chăm sóc các loài chim "quý tộc” sơn ca, chích chòe, họa mi và giá cả cũng dễ chịu nên người chơi chim thích.

Các giải thi đấu chim cảnh, chim hót thu hút đông đảo những người yêu thích nuôi chim tham gia.

Nghề nuôi chim đòi hỏi tỉ mỉ và rất công vu. Để có được con chim quý phải bỏ công sức lặn lội nơi rừng xanh núi đỏ để bẫy chim, lừa chim rừng về thuần hóa. Thông thường, chim được đánh bẫy ở các vùng rừng núi, rừng già nhiều chim và muông thú, có thâm niên chinh chiến và là thủ lĩnh để giữ lãnh địa, giữ con mái. Khi bẫy được con chim bổi hoang dã thì lòng cảm thấy rất vui, nhất là thuần phục được chúng hội tụ đủ các yếu tố thanh, sắc, bộ, bền sẽ vô cùng quý. Ngược lại, những con chim trái tính, trái nết, nhảy nhót lăng xăng trong lồng xem như mất giá trị.

Anh Mạnh mới có thâm niên chơi chim khoảng gần 10 năm nhưng là người có kiến thức về nuôi chim, thuần chim. Anh chỉ cần nhìn vào vóc dáng, lông chim là biết chim đó ở phương nào. Nhìn dáng chim là biết giọng, biết "vực" - nuôi dưỡng chim sau này thành món tài sản. Các loại chim quý như: Tường cổ có tiếng hót vang xa, lảnh lót. Chim mi chiến mỏ búp đa, mỏ bẻ thẳng, chim cu xám xanh thường sinh sống ở ven, rìa khu rừng già; chim cu vàng rơm lại ở đồi cỏ tranh, rừng ót sẽ có lực, sức bật sau này...

Theo anh Mạnh, chơi chim tính cách phải có chút lãng tử, hào hoa, tinh tế, biết thẩm trà, thẩm rượu, biết chút thơ ca, đem tình yêu thương chăm chút cho chim. Người cục mịch, không vượng khí, bon chen, toan tính thiệt hơn, chắc hẳn chim chẳng ưa, hót chẳng thanh, lông chẳng bóng, không quyến rũ được chim cái và hiển nhiên đừng có mơ tới chim đẹp, chim hay. Chơi chim cũng như bán hàng, ngoài đam mê, có ý tưởng lại phải có cơ duyên nữa. Có người nuôi mãi chim chẳng mượt, cứ xác sơ, cũng chim ấy, cũng cách chăm sóc ấy, vào tay người có duyên lông chim mượt, tiếng hót chim hay làm ngẩn ngơ cả những người không biết, không sành về chim.

Còn anh Hạnh tham gia hội chim Hòa Bình từ những ngày đầu, ngoài thời gian kiếm tiền mưu sinh cuộc sống, tất cả thời gian hầu như dành chăm chim, dưỡng chim. Dân chim thường đùa, có dạo chim bị ho, ông Hạnh thấp thỏm cả đêm. Theo anh Hạnh: Chim phải chọn được giống tốt, chuồng sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn cho chim phải chọn lựa cẩn thận, chăm chút từng ly từng tý. Một ngày không ngắm chim, nghe chim hót là bồn chồn không yên. Chim ốm, người ốm, chim bỏ ăn, lông chim sơ xác mà đau lòng.

Chơi chim phải hiểu rõ đặc tính từng loài để có cách nuôi chim, dưỡng chim thật tốt. Muốn có bộ lông óng ả, ngoài thức ăn thông thường, côn trùng, cám bã, chứng cút lòng đỏ phải có ớt vừa đủ độ cay, để giữ màu đỏ nơi khóe mắt và đít của chào mào. Khi tắm cho chào mào cũng phải vào buổi trưa có nắng để chim trải chuốt làm dáng và sưởi ấm. Có vậy tiếng hót chào mào mới truyền thanh lảnh lót. Đối với hoạ mi cần cho ăn ổn định, đầy đủ khoáng chất thì thi đấu mới hăng. Ngày xưa chưa có cám bán, dân chim phải chọn loại gạo thật ngon rang vàng bảo đảm vừa chín tới, sống cũng không được, cháy cũng không được, rồi trộn với lòng đỏ trứng gà giã nhỏ, thật nhuyễn, dùng nắm tay bóp phải thật tơi, chim mới không chê. Đối với chim mới bẫy từ rừng già về thuần dưỡng, cần vực từ từ, dần dần. Phải hiểu tính khí, điều kiện, môi trường của từng loại chim để có cách chăm sóc riêng biệt. Chim là giống ưa sạch và kỹ tính, chuồng phải giữ sạch sẽ, thoáng mát… Bên cạnh đó, chim cũng như người vậy phải thường xuyên tụ tập, giao lưu để chúng có cảm giác tự do, không bị bó buộc, tù tội thì tiếng hót mới lạc quan, yêu sống. Thế nên, người đời mới có những câu nói ví von như "Mê chim hơn mê vợ” hay "Chăm sóc chim hơn chăm sóc con”, quả không sai tí nào. Lồng nuôi, cũng được dân chơi chim đầu tư chăm chút cẩn thận. Người bình thường thường sử dụng lồng chim cỡ 4 - 5 triệu đồng, người có điều kiện bỏ ra hàng chục triệu đồng để thể hiện đẳng cấp chơi chim.

Chơi chim là thú chơi tao nhã đang phát triển rộng rãi, nhất là ở thành phố Hòa Bình và các huyện Lạc Thủy, Kim Bôi… trở thành "món ăn” tinh thần không thể thiếu của những người đam mê bảo tồn và phát triển các loài chim quý. Thú chơi chim cảnh không dừng lại ở nét đẹp nghệ thuật dân gian thuần túy mà từng bước nâng lên tầm cao mới, với một quan niệm sống mới. Người chơi tìm thấy những âm thanh nguyên sơ, trong trẻo, những niềm vui nho nhỏ từ thú vui này. Con chim trở thành người bầu bạn sớm hôm, bằng giọng hót du dương, trầm bổng, nó khiến con người quên đi bao nỗi lo toan của cuộc sống thường ngày. Hạnh phúc nào bằng khi mỗi sáng nhâm nhi ly café, tận hưởng tiếng chim hót thánh thót trên cao ở giữa phố phường như được thả hồn, khỏa mình trong thiên nhiên hoang sơ, như được trở về dòng sông thơ ấu vậy.