Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là người như thế nào

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là người như thế nào
Con đường mang tên Phạm Ngọc Thạch ở quận 1, TP.HCM.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh 7/5/1909 tại Phan Thiết trong một dòng họ có danh tiếng. Sau 4 năm học Đại học Y Hà Nội, ông sang học tiếp Y khoa ở Pháp. Năm 1934, ông tốt nghiệp đại học và mở phòng mạch tư chữa bệnh lao lúc bấy giờ còn khá hiếm ở Sài Gòn. Năm 1936, ông trở thành hội viên duy nhất ở Đông Dương của Hội Nghiên cứu bệnh lao Pháp. Vừa chữa bệnh cho nhân dân, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vừa tham gia các phong trào thanh niên yêu nước. Ông là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Chính phủ lâm thời.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao trung ương. Ông cũng là Ủy viên Ban Kỹ thuật Hội Bài trừ lao quốc tế. Những đóng góp to lớn trong lĩnh vực y tế của ông được chính phủ ghi nhận, trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Người đi tiên phong trên mặt trận y khoa

Nhiều người vẫn nhớ mãi, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch rất quan tâm đến công tác tiêm chủng, quyết định dùng vắc-xin Sa-bin để phòng bệnh bại liệt. Nhờ vậy, từ năm 1961, số người bệnh bại liệt có tỷ lệ mắc giảm xuống còn 3,09/100 nghìn dân, mà trước đó có tỷ lệ mắc hơn 120/100 nghìn dân tại các vụ dịch bại liệt lớn trong ba năm 1957, 1958, 1959.

Ðể chủ động nguồn vắc-xin phòng bệnh trong nước, Bộ trưởng cử bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên đi tiếp nhận chuyển giao công nghệ tại Liên Xô (trước đây). Ðó là sự khởi đầu tốt đẹp để hơn 40 năm sau,VN thanh toán được bệnh bại liệt kể từ năm 2000.

Chính ông là người đề xuất và thuyết phục các cơ quan Nhà nước chuyển Bệnh viện Lao và một số bệnh viện Trung ương thành các Viện chống Lao, Viện Tai - Mũi - Họng, Viện Mắt và Viện Ðông y. Mục đích vừa làm tốt công tác khám chữa bệnh, vừa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến. Ông chủ trương cần tích cực đem những thành tựu khoa học mới nhất của thế giới ứng dụng vào hoàn cảnh nước ta. Ông cũng chủ trương tìm những kỹ thuật thích hợp huấn luyện cho cán bộ y tế cơ sở.

Nhiều giáo sư trong ngành Y hiện vẫn khâm phục khả năng lãnh đạo ngành của cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Năm 1965, chỉ sau mười năm giải phóng miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, công tác y tế có nhiều chuyển biến rõ rệt. Mạng lưới y tế nông thôn phát triển rộng khắp, tuổi thọ người dân tăng, nhiều dịch bệnh được đẩy lùi, sức khỏe người dân được cải thiện.

Phạm Ngọc Thạch là một nhà bác học lớn, có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao trong và ngoài nước. Với hơn 80 bài nghiên cứu về bệnh lao được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học có uy tín tại nhiều quốc gia, cùng với những thực nghiệm thành công của mình, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được xem như một trong những chuyên gia lớn về bệnh lao của thế giới.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (thứ 3, phải qua) tại vùng giải phóng Tây Ninh, 1968. Ảnh tư liệu.

Từ năm 1957, ông đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu và phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao. Nhờ đó, năm 1962, việc tiêm phòng lao ở nước ta được tiến hành rộng rãi và thu được kết quả to lớn.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng là người đầu tiên đề ra phương pháp dùng kích sinh chất Filatov điều trị bệnh lao và kết hợp Đông - Tây y để tiêm thuốc vào vùng huyệt chữa lao và bệnh phổi. Sau đó, nhờ chủng vi trùng Suptilite mang từ miền Nam ra Bắc, sau 10 năm trời nghiền ngẫm, ông đã thành công trong việc dùng Suptilite điều trị bệnh lao, bệnh phổi cũng như một vài bệnh nhiễm trùng khác.

Giáo sư bác sĩ Hoàng Minh từng nhận xét: “Đối với ngành lao và bệnh phổi, những nghiên cứu của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong việc áp dụng miễn dịch học chữa ung thư, điều trị lao, giải quyết các bệnh phổi mạn tính đã được các đồng nghiệp, học trò của ông thừa kế một cách sáng tạo…”.

Một tấm guơng sáng ngời

Theo dòng hồi ức của dược sĩ anh hùng Nguyễn Duy Cương- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một thầy thuốc nhân hậu, rất bình dân. Nửa đêm có người bệnh gõ cửa đánh thức, ông vẫn lái xe đến tận các khu nhà nghèo để khám và chữa bệnh cho người lao động là tấm gương sáng đến nay không nhiều bác sĩ noi theo được.

Trong ký ức nhiều bệnh nhân tại Viện Chống lao trung ương,ôngđể lại nhiềuấn tượngvới hình ảnh đẹp đẽ thân thuộc: người thầy thuốc trong chiếc áo choàng trắng cùng chiếc ống nghe bên cổ, ân cần thăm hỏi từng giường bệnh. Không ít lần ông đã tự tiếp máu mình cho bệnh nhân khi gặp những ca cấp cứu nguy kịch. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là hiện thân sống động nhất của y đức- “Lương y như từ mẫu”.

Với bè bạn, ông vẫn là người thầy thuốc hết sức tận tụy. Năm 1953, trên đường ra Việt Bắc, ông ghé thăm hai bác sĩ Tôn Thất Tùng và Hồ Đắc Di. Gặp lúc bác sĩ Hồ Đắc Di đang bệnh nặng. Công việc dù rất gấp, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vẫn xin phép cấp trên nán lại một tuần để chữa bệnh và chăm sóc đồng nghiệp.

Hình ảnh cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch rất tích cực đi xuống cơ sở, từ các xã vùng đồng bằng đến các tỉnh vùng cao đã trở nên gần gũi, thân thuộc. Dù bận rộn công tác quản lý nhưng ông vẫn dành thời gian làm người thầy thuốc chuyên khoa lao. Hằng ngày ông vẫn đến với người bệnh lao, tự soi chiếu X quang cho người bệnh, có mặt bên giường những người bệnh nặng, cho chỉ định điều trị và đôn đốc các công việc chuyên môn.

Đặc biệt, giữa khói lửa đạn bom, hình ảnh một Bộ trưởng mang ba lô, đầu trần, chân đất có mặt trên mọi chiến trường đã gây xúc động mạnh. Ông quên ăn, quên ngủ để cứu chữa cho thương bệnh binh và đồng bào. Nhờ tấm gương của ông và cách chỉ đạo đưa bác sĩ, y tá vào các chiến trường đã giảm tỉ lệ thương bệnh binh rất đáng kể trong kháng chiến.

Còn mãi với quê hương

Sinh thời,Miền Namluôn là nỗi nhớ trong trái tim của ông. Và cũng chính nơivùngđấtTây Nam Tổ quốc, trên quê hương Nam Bộ ấy, ông vĩnh viễn nằm xuốngtrên chiến trường sau một cơn sốt rét ác tính.Đó cũnglà lúcông đang chỉ đạo nghiên cứu căn bệnh này và những vấn đề y tế cấp bách khác. Khinghe tin ông hi sinh, Chủ Tịch Hồ Chí Minh không giấu được đau đớn, lặng im hồi lâu. Nhiều đồng nghiệp, cán bộ ngành y tếkhông cầm được nước mắt trước tổn thất ấy.

Ngay thời điểm ấy, trên tờ tạp chí của Hội Y học Pháp - Việt, Giáo sư thạc sĩ André Roussel đã phải thốt lên về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch “do tập trung được những đức tính hiếm có và quý báu, mà khi nói đến ông người ta dùng một câu rất hiếm: Đó là một người hiền vĩ đại”.

Tại mảnh đất Sài Gòn đã dựng nên tên tuổi và sự nghiệp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch,hiện có một con đường đẹp, là nơi tậptrung nhiều thanh niên thành phố (vì có nhiều trung tâm văn hóa thanh niên, trường đại học) ở khu trung tâm mang tên ông. Tênông cũngđượcđặt chomột bệnh viện chống lao vàmột trường Đại họcY khoa của TP.HCM.

Nói về ông, Bộ trưởng Bộ Y tế, TS. NguyễnQuốc Triệu chia sẻ: “Anh hùng, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã đi xa hơn 40 năm, nhưng hình ảnh quen thuộc thân thương của Bộ trưởng còn mãi trong tâm trí mọi người. Ông có tình cảm chân thành cởi mở với cán bộ, tôn trọng đồng sự, cho nên nhận được sự kính trọng, quý mến của mọi người. Những ai có dịp chung sống, hay làm việc với ông đều bị chinh phục bởi sự cởi mở chân thành ấy”.

  • Thu Hương

 Mối tình không biên giới

Sau thời gian học Đại học Y khoa ở Hà Nội,  Phạm Ngọc Thạch quyết sang Pháp du học, chuyên sâu về bệnh lao phổi. Sau 2 năm miệt mài học tập, ông được thăng chức làm giám đốc bệnh viện lao vùng núi phía đông nước Pháp, vừa là bác sĩ chuyên khoa tại Viện Điều dưỡng Haute Ville.

Tại Bệnh viện Lao, ông gặp gỡ Marie Louise, một cô gái Pháp xinh đẹp, tận tụy, gương mẫu trong vai trò một  nữ y tá. Qua những lần trò chuyện, nghe BS Phạm Ngọc Thạch kể về quê hương, cô vừa ngỡ ngàng, vừa bắt đầu hiểu ra còn có những vấn đề rất nặng nề, phức tạp giữa những người nắm quyền ở nước Pháp và thuộc địa.

Lòng nhiệt thành, tài năng và sự tận tụy của BS Thạch đã thuyết phục cô. Tự bao giờ, trái tim cô đã dành cho người đàn ông Việt Nam hiếm hoi hành nghề bác sĩ trên nước Pháp. Đem lòng yêu BS Thạch, cô cũng bắt đầu tìm hiểu và dành cho đất nước Việt Nam một tình cảm đặc biệt.

Đầu năm 1936, BS Phạm Ngọc Thạch quyết định trở về Việt Nam. Đọc được trong mắt Marie Louise một nỗi buồn sâu thẳm, ông thẳng thắn nói với cô: “Chúng mình có thể tạo nên một cuộc sống bên nhau. Nhưng  trước khi em quyết định, em phải biết là cuộc đời tôi ưu tiên cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc tôi. Nếu em chấp nhận tôi ở ý nghĩa này thì em có thể gặp lại tôi ở Sài Gòn, sau vài tháng”.

Trong đáy lòng, ông không nghĩ Marie Louise đi đến quyết định rời Pháp đến Việt Nam. Thật ra, với Marie Louise, một cô gái được sinh ra trong một gia đình truyền thống ở Pháp, đó không phải là một quyết định dễ dàng. Nhưng trái tim cô luôn bị thôi thúc được gặp lại ông, dù phía trước với cô là một đất nước xa xôi, bất ổn với các khuynh hướng chính trị.

Anh Định nói: “Khi xách vali xuống tàu là mẹ tôi đã can đảm “bước một bước lớn” hơn 10.000 cây số từ Pháp đến Việt Nam. Vì vậy, khi nhận được điện của mẹ tôi báo tin sẽ đến Việt Nam, cha tôi cũng không tin đó là sự thật. Ông vừa ngỡ ngàng, vừa thấy tràn ngập hạnh phúc đón mẹ tôi. Papa tôi vô cùng xúc động khi nhận ra mẹ tôi chỉ mua vé lượt đi mà không có khứ hồi. Phải có một tình yêu mãnh liệt, bà mới dám “phiêu lưu” như vậy. Lúc đó, bà chỉ có một thứ vũ khí duy nhất là tin vào sự thôi thúc của trái tim mình.

Papa tôi đưa bà đến Tòa Thị chính làm giấy hôn thú. Mẹ tôi thoáng buồn vì không thuyết phục được ông làm đám cưới ở nhà thờ theo lễ nghi đạo Công giáo. Bù lại, ông dành cho mẹ tôi một tình yêu sôi nổi, chân thành.

Thời gian đầu cha mẹ tôi thuê một căn biệt thự ở đường Sương Nguyệt Ánh. Sau đó ông  thuê biệt thự số 202 đường Stratégique (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) mở rộng phòng mạch. Tôi đã từng có những năm tháng tuổi thơ gắn bó với tòa nhà này...”.

Tại ngôi biệt thự này, từ năm 1936 cho đến trước khi cuộc Cách mạng tháng Tám diễn ra ở Sài Gòn, Marie Louise đã trải qua những năm tháng tràn ngập hạnh phúc. BS Thạch nhanh chóng giàu có nhờ chuyên sâu nghiên cứu bệnh lao phổi, một căn bệnh nan y đang hoành hành ở Việt Nam những năm trước 1930.

Nhờ những mối quan hệ rộng, ông cũng biết đầu tư sinh lời. Ông dành tiền mua hàng ngàn mẫu đất ở miền Tây, mua nhiều biệt thự ở Đà Lạt, liên tục đổi xe hơi. Vào ngày nghỉ, ông tự tay lái xe đưa vợ con đi Đà Lạt, Vũng Tàu “đổi gió”. Chính tại ngôi nhà này, bà đã biết được mối quan hệ của chồng với những người bạn thân thiết của ông như luật sư Thái Văn Lung, kỹ sư Kha Vạn Cân, BS Nguyễn Văn Thủ...

Bà biết được mối quan hệ của ông với những người làm “quốc sự” lật đổ chính quyền thực dân. Bà biết được cả mối quan hệ phức tạp giữa BS Thạch và tên trùm mật vụ I-đa với “người giấu mặt” là những cán bộ cao cấp của Cộng sản. Bà biết tất cả nhưng lặng lẽ quan sát, lặng lẽ ủng hộ chồng.

.........

Ngay trong ngày 2/9, đứng trên lễ đài đại lộ Norodom, đọc diễn văn mừng Cách mạng Tháng Tám thành công, trong sự hưởng ứng nồng nhiệt của hơn 1 triệu dân Sài Gòn - Gia Định, ông Trần Văn Giàu hiểu, sớm muộn gì bọn Pháp cũng sẽ quay trở lại.

..........

Trong làn sóng cách mạng dâng cao ấy, bà Marie Louise cùng một người bạn mặc bộ quần áo đẹp nhất, hân hoan đổ ra đường mừng Việt Nam độc lập. Đó cũng là cách bà bày tỏ tình yêu dành cho chồng. Bà biết rất rõ lòng ái quốc của BS Phạm Ngọc Thạch, từ lúc gặp ông ở bên Pháp, biết rất rõ những hoạt động thầm lặng, những đóng góp to lớn của chồng về tài sản cho cách mạng.

Nhưng oái oăm thay, trong bừng bừng khí thế cách mạng, lòng căm thù quân Pháp sôi sục vì hành vi bị bắn lén, những người tham gia míttinh đã không ngần ngại xông vào “bà đầm” sang trọng. Họ làm sao biết “bà đầm” với đôi mắt xanh biếc, mái tóc vàng óng ấy là Marie Louise - phu nhân của “người đứng đầu” lực lượng Thanh niên Tiền phong - lực lượng góp phần quan trọng làm nên thành công trong Cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ.

Bà trở về nhà, người đẫm máu, mặt sưng vù, bị gãy 8 chiếc răng. Bà khóc, trách chồng. Ông ôm vợ vào lòng, nói lời dịu dàng, giải thích  cho bà hiểu tình hình rối ren, phức tạp của chính trị, về dã tâm chiếm lại Việt  Nam của người Pháp. Chính vì nhận ra dã tâm ấy, ngày 23/9/1945, sau khi hội ý với Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ Trần Văn Giàu không dự bữa “tiệc công tác” cùng phái đoàn Pháp tại Dinh Thống đốc Nam Kỳ, sáng ngày 23/9/1945, BS Phạm Ngọc Thạch lặng lẽ bước lên chiếc xe hơi, tự lái vào chiến khu...

Marie Louise đứng trước sân ngôi biệt thự ở đường Léon Courbes (nay là đường Sương Nguyệt Ánh), nhìn theo chiếc xe cho đến khi khuất dạng. Bà biết vậy là chồng mình đã dấn thân vào cuộc kháng chiến - một  chọn lựa tất yếu của một trí thức mang trong lòng ngọn lửa ái quốc như bà đã từng gặp ở nước Pháp. Bà tôn trọng sự chọn lựa của chồng, dù chết lặng trước nỗi cô đơn và nỗi bất an.

Bà đưa hai con thơ Colette Như Mai và Alain Phạm Ngọc Định về phòng mạch (nay nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai). Ba mẹ con bà  ở lại thành phố bị chiếm đóng, sống qua ngày bằng tiền cho thuê phòng mạch cũ. Danh tiếng BS Phạm Ngọc Thạch để lại khiến phòng mạch luôn đắt khách, dù họ biết người khám chữa bệnh là một bác sĩ khác.

Thi thoảng, Marie Louise nhận được thư chồng gửi về. Dù không theo chồng vào chiến khu, bà lặng lẽ đi theo con đường của chồng bằng cách rất riêng của bà. Bà giấu những chiến sĩ biệt động thành trong phòng mạch, tìm cách chữa lành vết thương và tìm cách đưa họ ra ngoài.  Thi thoảng, bà hóa trang thành một phụ nữ Nam Bộ, trong bộ quần áo bà ba, dắt díu hai con lên Thủ Dầu Một thăm chồng.

Trong ký ức Alain Phạm Ngọc Định, anh nhớ như in những ngày “mạo hiểm” được mẹ đưa đi thăm cha. Anh kể: “Mẹ tôi ngủ lại nhà một nông dân, trên bộ ván. Bà con thỉnh thoảng tìm cách xem mặt “bà đầm”. Họ nói với nhau về đôi chân rất trắng của mẹ tôi. Vậy mà đôi chân đẹp của mẹ đã dám lội bộ xuyên qua cánh đồng nứt nẻ mấy cây số để được gặp cha tôi.

Gặp lại nhau, cha tôi ôm chặt mẹ. Còn mẹ tôi lúc ấy hết sức đa cảm, chỉ biết gục đầu vào vai cha tôi òa khóc như đứa trẻ. Nhưng những chuyến đi thăm ấy thưa dần, bởi tình hình ngày càng căng thẳng...”. Thấm thoát mà đã 5 năm trôi qua, cuộc kháng chiến vẫn tiếp diễn, Marie Louise mỏi mòn trông đợi. Bà giằng xé với ý nghĩ ở lại Việt Nam và trở về nước Pháp. Bà hiểu BS Phạm Ngọc Thạch sẽ cảm thông cho quyết định của bà khi mang hai con về Pháp. Bà mong muốn hai con bà được sống và lớn lên trong một hoàn cảnh thuận lợi hơn ở Việt Nam...

..........

Anh Định kể: “Cha tôi là vậy đó. Ông dành cả tâm lực khi tham gia Chính phủ Bác Hồ. Một người bà con biết cha đi sang Pháp, nhờ cha gửi dùm 2.000 đôla cho thân nhân nhưng khi trở về nước, trong túi ông vẫn còn nguyên vẹn số tiền ấy. Không ai dám trách ông vì bản thân ông là con người luôn toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ được giao phó. Chính phủ Pháp đón ông rất trân trọng, dành cho ông một chỗ nghỉ trong một khách sạn cao cấp ở Paris nhưng ông đã về sống với mẹ con tôi trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô.

..........

Dù không có nhiều thời gian được sống bên cha nhưng Alain Phạm Ngọc Định ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng yêu nước của BS Phạm Ngọc Thạch. Năm 19 tuổi, anh quyết định lấy quốc tịch Việt Nam và mẹ anh, bà Marie Louise tôn trọng sự chọn lựa ấy của anh.

Bà làm việc quần quật ngày đêm, nuôi các con học hành thành đạt. Anh trở thành tiến sĩ toán học. Dù đã về hưu, anh vẫn hợp tác dạy ở Đại học Orleaus. Nhiều năm qua, anh vẫn đi về thăm Việt Nam, hỗ trợ Trường đại học Khoa học tự nhiên đào tạo tiến sĩ toán học.

..........