Yêu hòa bình là gì

Ngày 18/4/1955, Hội nghị Á - Phi được khai mạc tại Bandung (Indonesia), có sự tham dự của đại biểu đến từ 29 quốc gia, đại diện cho 1,44 tỷ dân châu Á và châu Phi (trong đó có đoàn đại biểu Việt Nam). Trong bài viết chúc mừng Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhân dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn sống tự do độc lập”. 26 năm sau lời tuyên bố này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 21/9 hằng năm là “Ngày Quốc tế Hòa bình” hay còn gọi là “Ngày Hòa bình Thế giới” nhằm tôn vinh nền hòa bình thế giới, kêu gọi chấm dứt chiến tranh, bạo lực và là dịp để tổ chức các lệnh ngừng bắn tạm thời trong vùng chiến sự để các lực lượng cứu trợ nhân đạo thi hành sứ mệnh của mình...

Trong lịch sử hàng ngàn năm, dân tộc Việt Nam đã phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Vì vậy mà cầm súng đối với dân tộc Việt Nam chỉ là cuộc “vạn bất đắc dĩ”. Có lẽ vì chịu quá nhiều những khổ đau, mất mát do chiến tranh, nên dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, bạo lực.

Nhìn lại lịch sử, mỗi khi chiến thắng quân xâm lược, cha ông ta bao giờ cũng thể hiện tinh thần hòa hiếu. Đánh thắng quân xâm lược, chúng ta cấp ngựa xe, thuyền bè, lương thảo cho họ về nước. Những kẻ xâm lược bỏ xác trên đất nước ta, triều đình đều ra lệnh thu nhặt xương cốt chôn cất, kể cả lập đàn tế lễ. Sau khi đánh tan quân Minh, vì căm tức trước những tội ác dã man của chúng, nhiều người khuyên Bình Định vương Lê Lợi giết hết số quân Minh đã đầu hàng, vương dụ rằng: “Việc phục thù trả oán là thường tình của mọi người, nhưng không ưa giết người là bản tính của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết thì còn gì bất tường hơn nữa. Ví bằng giết đi cho hả giận một lúc để gánh lấy tiếng xấu giết kẻ hàng mãi tới muôn đời, chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng người để dứt mối chiến tranh đến muôn thuở”.

Và, biểu tượng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam vẫn còn đó mãi mãi với thời gian và không gian là hồ Hoàn Kiếm với câu chuyện trả gươm, cũng có nghĩa là chấm dứt binh đao.

Nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình

Kế thừa truyền thống yêu chuộng hòa bình của ông cha, kể từ khi ra đời, trong Cương lĩnh đầu tiên của mình, Đảng ta luôn chủ trương đường lối làm bạn với các quốc gia khác vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Trước năm 1945, sau khi cấu kết với phát xít Nhật bóc lột và đàn áp dân ta, thực dân Pháp nhẫn tâm giết hại số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng. Thế nhưng, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tuy vậy, đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”...

Ngày 22/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề nghị công nhận nền độc lập của Việt Nam. Ngày 28/2/1946, Người đã gửi điện tới Tổng thống Mỹ Harry Truman đề nghị giúp bảo vệ nền độc lập của Việt Nam trước sự xâm lược của Pháp. Để cứu vãn hòa bình, tránh việc phải cầm vũ khí, Hồ Chí Minh đã liên tục ký với những đại diện của Chính phủ Pháp các Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9…

Đúng một tuần trước khi qua đời, ngày 25/8/1969, trong thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình”…

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên trì với nguyên tắc vì hòa bình. Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự với nước này để chống lại nước khác. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến. (…) Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Yêu hòa bình là gì
Mít tinh kỷ niệm 20 năm thành phố Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, ngày 13/7/2019. (Ảnh: Hanoicreativecity.com)

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

Hiện nay, để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, các thế lực thù địch đã xuyên tạc lịch sử, trong đó có việc cho rằng vì Đảng ta hiếu chiến nên là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 (!?).

Thực tế lịch sử cho thấy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực hết mình để ngăn chặn chiến tranh nhưng thực dân Pháp đã không từ bỏ dã tâm quay trở lại chiếm Việt Nam một lần nữa. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trước khi trận Điện Biên Phủ bắt đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ thiện chí hòa bình với người Pháp bằng tuyên bố tháng 11/1953: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó... Cơ sở của đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”.

Sau năm 1954, theo Hiệp định Genève, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm 2 miền và sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước vào năm 1956. Mặc dù Hiệp định đã quy định rõ không được đưa vào Việt Nam các thứ vũ khí nước ngoài, không được xây dựng cǎn cứ quân sự mới trên lãnh thổ Việt Nam, thế nhưng sau đó, Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam với âm mưu thay thế thực dân Pháp và chia cắt đất nước ta. Tháng 7/1956, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi yêu cầu đàm phán để thống nhất đất nước nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã khước từ…

Châm ngôn có câu: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”. Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, hẳn nhiên nhân dân Việt Nam lên án bạo lực, phản đối và chán ghét chiến tranh, thế nhưng lịch sử đã nhiều phen đặt đất nước và dân tộc ta trước những thử thách mất còn. Giả sử cha ông chúng ta vì yêu hòa bình mà ngồi im để kẻ thù muốn làm gì thì làm thì liệu chúng ta có còn một đất nước hôm nay? Vì vậy, yêu chuộng hòa bình song nhân dân Việt Nam cương quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc nếu bị đe dọa. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Năm 2019, thủ đô Hà Nội của Việt Nam đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ. Trong phát biểu của mình, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Robert Palladino đã nói: “Cảm ơn Chính phủ Việt Nam khi đăng cai cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 này. Lịch sử hai nước chúng ta phản ánh các khả năng cho hòa bình và thịnh vượng. Chúng tôi đã vượt qua xung đột và bất đồng để đi đến quan hệ phát triển mạnh như hiện nay”. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 16/7/1999, thủ đô Hà Nội của Việt Nam là thành phố đầu tiên của khu vực châu Á vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng quốc tế về khát vọng hòa bình của nhân dân ta.