Vì sao phim nước ngoài hút khách

Thiếu kịch bản hấp dẫn

Việc làm lại phim nước ngoài từ những kịch bản được Việt hóa không phải điều gì xa lạ với các nhà sản xuất phim trong nước. Tuy nhiên, khác với cách đây vài năm khi một số phim như Cô gái xấu xí hay Cô nàng bất đắc dĩ... không để lại nhiều ấn tượng, bị dư luận chê bai thì ở thời điểm hiện tại, nhiều phim kiểu này rất ăn khách, gây được tiếng vang với lượng khán giả theo dõi đông đảo. Trên sóng truyền hình VTV, hai bộ phim nhiều tập trình chiếu mùa hè vừa qua là Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử đã thu hút số lượng người xem kỷ lục; trước đó, năm 2016 là các phim Tuổi thanh xuân; Zip pô, mù tạt và em. Trong các phim chiếu rạp có Bạn gái tôi là sếp; Sắc đẹp ngàn cân; Em là bà nội của anh; Yêu đi, đừng sợ!... đều bội thu ở các phòng vé. Có phim còn đoạt giải cao trong nước như phim Yêu của đạo diễn Việt Max làm lại từ kịch bản phim Thái-lan, giành Giải Mai Vàng 2015 ở hạng mục phim được yêu thích nhất. Hàng loạt dự án phim có kịch bản nước ngoài cũng đã bắt đầu tiếp thị, đang trong quá trình triển khai sản xuất để ra mắt trong năm nay như Mối tình đầu của tôi hay Cô nàng ngổ ngáo...

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, người tham gia thực hiện bộ phim Người phán xử được Việt hóa từ kịch bản phim của I-xra-en phát trên sóng VTV vừa qua đã chia sẻ, sẽ rất khó làm ra những bộ phim hay nếu trong tay không có kịch bản tốt. Tuy nhiên, muốn có những kịch bản như thế đòi hỏi tác giả phải có sự tích lũy về kinh nghiệm, kiến thức, vốn sống thực tế và sự đầu tư về kinh phí xứng đáng. Giá trị kịch bản một tập phim hiện chỉ khoảng mười triệu đồng thì khó lòng có nổi những bộ phim đình đám. Cũng vì vậy mà đã có không ít bộ phim bị kéo dài về số tập với rất nhiều các tình tiết, nhân vật không cần thiết, chỉ cốt tăng thêm kinh phí. Xa rời cuộc sống với vô vàn những thay đổi, biến chuyển hằng ngày, hằng giờ, cách khai thác hình tượng nhân vật không rõ nét và có khi cùng lúc hướng vào nhiều đối tượng khác nhau khiến phim Việt mất đi tính tập trung, không nhất quán về tính cách, tâm lý nhân vật và rõ ràng về chủ đề.

Để tiết kiệm chi phí và tăng khả năng thành công, nhất là với phim truyền hình, các nhà sản xuất có xu hướng mua kịch bản các bộ phim ăn khách nước ngoài để Việt hóa hơn là đặt hàng kịch bản trong nước. Theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng: “Việc dùng kịch bản phim Việt hóa là một bước đi mới của điện ảnh nước ta và cũng là việc bình thường như điện ảnh các nước đã làm, thể hiện nỗ lực của các nhà sản xuất đưa về những kịch bản tốt, tương đồng về văn hóa và phù hợp thị hiếu của khán giả Việt Nam. Chính trong quá trình tìm kiếm, Việt hóa kịch bản, sản xuất phim và đưa phim đến khán giả, những nhà làm phim nước ta có thể soi xét lại mình và học hỏi đồng nghiệp nước ngoài nhiều điều bổ ích. Thí dụ, cấu tứ cũng như cách kể chuyện trong kịch bản phim Người phán xử rất chặt chẽ, sáng tạo. Họ biết cách giấu chuyện, luôn tạo ra các mâu thuẫn, xung đột, gợi nên sự tò mò để giữ khán giả trước màn hình và biết cách khai thác đề tài đến cùng, với nhiều cung bậc, không bỏ qua bất cứ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất.

Cùng chung quan điểm, nữ biên kịch Dương Nữ Khánh Thương không phủ nhận yếu tố tích cực từ việc Việt hóa kịch bản nước ngoài, góp phần thay đổi khẩu vị của người xem, song nhấn mạnh cần có sự chọn lọc và quan tâm hơn cách tiếp nhận văn hóa. “Vì mua lại kịch bản có bản quyền cho nên khi tiến hành Việt hóa, các nhà sản xuất sẽ phải có ý thức nắn nót và lao động nghiêm túc hơn trên một sản phẩm đã từng thành công trước đó. Cũng vì vậy, họ sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn, cho nên từ khâu kịch bản đến khâu diễn viên, đạo diễn, quay phim đều đã có chuẩn mực để soi vào” - Nữ biên kịch phim nhấn mạnh. Một nguyên nhân khác của phim Việt hóa là tâm lý khán giả trong nước cũng dễ chấp nhận một văn hóa “chuyển ngữ” khi được bổ sung yếu tố bản địa cho phù hợp, kể cả có phần cường điệu, vô lý. Qua đây, có thể thấy, nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng rất cần sự tương tác, giao thoa để phát triển và từ đó làm ra những sản phẩm phim thuần Việt tốt hơn trong tương lai.

Chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng

Từ thành công của một số bộ phim sản xuất từ kịch bản phim nước ngoài được Việt hóa, đã có ý kiến cho rằng, hiện nay xu hướng này là một trong những “lối thoát” cho các nhà sản xuất phim trong nước, nhất là với phim truyền hình. Nhưng thật ra không phải tất cả đều là mầu hồng và hệ lụy cho tương lai phát triển của điện ảnh nước nhà là điều có thể nhìn thấy.

Việc làm lại phim nước ngoài theo kịch bản được Việt hóa không những thể hiện sự khủng hoảng trong khâu biên kịch, mà còn phần nào cho thấy sự bế tắc của nhiều nhà làm phim trong nước. Gọi là Việt hóa nhưng chúng ta không dễ gì hòa nhập trong một kịch bản các yếu tố văn hóa, tâm lý khác biệt và cũng không thể áp đặt lối tư duy, hành động, tập tục ứng xử từ một nền văn hóa bên ngoài vào con người và đời sống Việt Nam. Nhà biên kịch có giỏi đến mấy cũng phải “cố” đưa những yếu tố Việt vào các khung kịch bản ngoại, trong khi vẫn phải bảo đảm cam kết về bản quyền. Sau những thành công của một số bộ phim Việt hóa vừa qua, dư âm để lại đã gây nên nhiều tranh luận về định hướng thẩm mỹ, thị hiếu và nhận thức của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh đó là các tác động tiêu cực, làm tăng thêm sự trì trệ, trông chờ từ bên ngoài, làm thui chột khả năng sáng tạo và phát triển của điện ảnh dân tộc, giảm dần số lượng phim thuần Việt vốn đã ít ỏi trên thị trường. Một nền điện ảnh được tiếp sức bởi kịch bản phim nước ngoài sẽ không có được những hình tượng, tính cách nhân vật tiêu biểu của cuộc sống đương đại. Như vậy, làm sao điện ảnh có thể đóng góp vào việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước?

Từ câu chuyện này đã đặt ra vấn đề cần nâng cao vị thế và quan tâm đầu tư đến đội ngũ biên kịch phim Việt Nam để họ có thể chuyên tâm cống hiến. Có như vậy điện ảnh nước ta mới hy vọng có những kịch bản phim đạt chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật và hấp dẫn, lôi cuốn người xem, đồng thời cũng có nhiều kịch bản hay cho nhà sản xuất lựa chọn. Nhà biên kịch Dương Nữ Khánh Thương nhận định: “Kịch bản không yếu, nhưng các nhà sản xuất chưa chịu “đãi cát tìm vàng”, kiên nhẫn khuyến khích và đầu tư kịch bản thuần Việt. Thay vì vay mượn từ bên ngoài những thứ đã định hình, nên chăng cần nghĩ đến một giải pháp kích cầu nghề nghiệp lâu dài và có nền tảng bền vững hơn. Các cơ quan quản lý nên có hướng hỗ trợ tài chính, đặt hàng, tổ chức đào tạo, tìm kiếm và bồi dưỡng những cây bút xuất sắc, giúp họ có những trải nghiệm thực tế, mở rộng vốn sống, tăng cường kỹ năng biên kịch để đưa vào các tác phẩm”.

Theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, muốn có nhiều kịch bản phim hay, người làm điện ảnh phải luôn đặt mình vào vị trí của khán giả để nắm bắt những nhu cầu của họ. Các nhà làm phim nước ta cần đổi mới không ngừng để mang lại những điều mới mẻ cho khán giả, thực hiện các khâu sản xuất thật sự chuyên nghiệp, kỹ càng từ kịch bản đến tuyển chọn diễn viên, áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh. Một yếu tố quan trọng là quảng bá phim ảnh qua các trang mạng xã hội, thông tin điện tử và facebook. Ở đây không chỉ là quảng bá mà còn là sự tương tác với khán giả, lắng nghe sự phản hồi của họ để tìm hướng thu hút khán giả đến với phim Việt.

Với thực tế tư nhân hóa trong việc làm phim hiện nay ở Việt Nam, nhà biên kịch hầu như không có nhiều vai trò. Mọi quyết định thuộc về nhà sản xuất, nhà đầu tư và họ có mục đích làm kinh tế rõ ràng để thu lợi nhuận. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao các nhà sản xuất phim thời gian qua ưa sử dụng kịch bản phim nước ngoài được Việt hóa. Tuy nhiên, mặt chưa được của cách làm này là bị rập khuôn theo kịch bản có sẵn, ít được khai phá tự do theo ý mình, trong khi nghệ thuật bao giờ cũng đề cao sự sáng tạo mới mẻ, hơn là làm lại cái mà người ta đã làm rồi.

NHÀ BIÊN KỊCH NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam

TRỊNH MAI ANH

Việt Nam được nhiều đoàn làm phim, truyền hình thực tế nước ngoài lựa chọn vì là điểm đến mới với cảnh quay đẹp, con người và văn hóa hấp dẫn.

 Liên quan đến việc Việt Nam liên tiếp được các đơn vị sản xuất phim của Hollywood, truyền hình thực tế nước ngoài chọn làm bối cảnh để thực hiện các cảnh quay quan trọng, ông Trần Nhất Hoàng – Cục phó Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch gửi cho Zing.vn bài viết về cơ hội cũng như vấn đề đặt ra để nước ta tiếp tục được các đơn vị làm phim uy tín của quốc tế lựa chọn.

Vì sao phim nước ngoài hút khách
Ông Trần Nhất Hoàng - Cục phó Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch.

“Việt Nam là điểm đến mới nổi được truyền hình quốc tế quan tâm”

Có thể nói, về tổng quan đây là thời kỳ Việt Nam đang hội nhập sâu sắc, cởi mở nhất đối với thế giới. Ở bình diện du lịch và thương hiệu quốc gia, Việt Nam nổi lên như một điểm đến mới và hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới, mà các dự án truyền hình của nước ngoài thường rất quan tâm đến những điểm đến mới nổi.

Kế đến, sau nhiều dự án được thực hiện tại Việt Nam của các hãng truyền hình, hãng phim từ Nhật, Mỹ, Châu Âu, chúng tôi đều nhận được phản hồi tốt từ đối tác (đặc biệt nhất là cảnh quan đẹp, con người và văn hoá hấp dẫn, cuốn hút, sự thông thoáng về thủ tục), hiệu quả từ những dự án hợp tác trong nhiều năm qua nay đã phát huy sức lan tỏa.

Ngoài ra, trong thời đại internet cùng sức mạnh của mạng xã hội, bạn bè quốc tế dễ dàng tiếp cận thông tin về Việt Nam và trao đổi với người từng có kinh nghiệm về cách họ có thể sang Việt Nam. Thế giới trở nên cởi mở hơn và Việt Nam cũng vậy.

Điều cần thiết là chính chúng ta cần nâng cao sự chuyên nghiệp, tiếp tục có những chính sách thông thoáng hơn nữa, hợp tác nhịp nhàng giữa các cơ quan liên quan để luôn sẵn sàng đón chào bạn bè quốc tế. Hiện tại đang là cơ hội tốt nhất cho công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam đến quốc tế qua các dự án phim, truyền hình và truyền thông.

“Khán giả tự nhiên tìm đến sau khi phim phát sóng”

Hình thức quảng bá hình ảnh quốc gia và điểm đến qua phim ảnh, truyền hình có thể nói là một trong những hình thức hiệu quả nhất, vì nó có đặc điểm đem đến cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Nó được thực hiện bởi những người quay phim giỏi, các cảnh quay được chắt lọc kỹ lưỡng và gắn với nó là những nội dung hấp dẫn, diễn viên nổi tiếng,...

Có thể nói không dễ gì và khó có cách nào hiệu quả hơn để giới thiệu cảnh quan, văn hoá, con người Việt Nam đến hàng triệu khán giả quốc tế theo cách hấp dẫn và cuốn hút của các nhà sản xuất các chương trình lớn như Amazing Race, Top Gea… hoặc những bộ phim bom tấn. Thực tế cũng chứng minh rằng, sau mỗi chương trình truyền hình, nhất là phim điện ảnh được phát sóng, khán giả mến mộ một cách tự nhiên sẽ muốn tìm hiểu và hơn thế là muốn đến nơi mà họ được xem, hiệu quả thu hút khách du lịch vô cùng lớn.

Chúng ta từng chứng kiến nhiều bạn bè quốc tế muốn sang Việt Nam sau khi xem phim Đông Dương, Người tình…Gần đây, chúng ta vui mừng chứng kiến thành công và hiệu quả của bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trong việc quảng bá vẻ đẹp và thúc đẩy du lịch Phú Yên.

Ở quốc tế thì trường hợp này càng điển hình, di sản Angko Vat sau bộ phim Bí mật Ngôi mộ cổ hoặc những cảnh quan tại New Zealand nơi quay bộ phim Chúa tể những chiếc nhẫn đều có số lượng khách du lịch lớn gấp nhiều lần sau những thành công của phim.

Đừng tư duy kiểu “xin” - “cho” với các hãng phim quốc tế

Vì sao phim nước ngoài hút khách
"Kong: Skull Island" là bộ phim có bối cảnh được thực hiện tại Việt Nam. 

Là một trong những đơn vị có chức năng hợp tác, hướng dẫn, hỗ trợ các dự án phim, truyền hình quốc tế vào Việt Nam, Cục Hợp tác Quốc tế luôn giữ và không ngừng mở rộng mối quan hệ với các đài truyền hình, hãng phim quốc tế, sẵn sàng cung cấp thông tin và hỗ trợ tối đa khi có đề nghị hợp tác từ phía nước ngoài.

Vừa qua, qua 2 dự án đón đoàn làm phim Kong: Skull Island và đoàn truyền hình thực tế Cuộc đua kỳ thú đã cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm và những nhận thức quý giá. Đó là nhận thức đúng về công tác hợp tác với quốc tế trong việc làm phim và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan Việt Nam, cần nhìn nhận một cách thực tế rằng: Việt Nam có ưu thế tuyệt vời về cảnh quan và nét đa dạng trong văn hoá cũng như chi phí sinh hoạt vừa phải.

Nhưng nếu ta không hỗ trợ họ tốt, không mời chào họ, họ sẽ đi nơi khác với đối tác khác, vì ta không phải là duy nhất trong thế giới phẳng và thông tin đầy ắp như hiện tại, điều mà hàng chục năm trước chúng ta luôn nghĩ các hãng phim phải "xin” và chờ ta “cho” được quay phim ở Việt Nam, đến nay vẫn rất nhiều địa phương có nhận thức phần nào còn lỗi thời này.

Chúng ta phải tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tốt nhất để họ đến như những nhà đầu tư, vì họ đem lại khả năng quảng bá thương hiệu và hình ảnh cho địa phương mình, đất nước mình đến với quốc tế.

Thứ hai, coi trọng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, dịch vụ chuyên nghiệp phục vụ công tác này thì mới hiệu quả hóa việc đón các đoàn phim quốc tế.

Vừa qua, lần đầu tiên chúng ta đón 1 đoàn phim Hollywood, rất nhiều khâu sản xuất mô hình, bối cảnh họ vẫn phải làm từ Australia chuyển sang, vận chuyển tốn kém cho họ và ta thì không thu được ngoại tệ từ những hạng mục này.

Các chuyên gia Hollywood cũng khuyên ta nên coi trọng đào tạo những đội ngũ chuyên nghiệp, từ marketing đến tổ chức sản xuất.

Thứ ba, về lâu dài, bên cạnh sự thông thoáng trong thủ tục, ta cần hấp dẫn các dự án bằng chính sách hoàn thuế, đây là yếu tố quyết định trong việc ta có đón được những hợp đồng lớn hay không

Đó là việc khó vì nó liên quan đến nhiều Bộ ngành, nhưng cần tính đến. Trên thế giới, những quốc gia thành công trong lĩnh vực này đều có chính sách hoàn thuế lên đến 20-25% các chi tiêu của dự án.

Cuối tuần qua, đoàn Cuộc đua kỳ thú của Canada vừa thực hiện ghi hình tại TP.HCM và Tiền Giang. Giữa tháng 5 này, đoàn của Ba Lan sẽ sang các tỉnh phía bắc Việt Nam ghi hình. Đoàn tiền trạm của Mỹ cũng chuẩn bị sang Hà Nội, Ninh Bình để ghi hình vào cuối tháng 6.

Chương trình Cuộc đua kỳ thú phiên bản Israel, dự kiến sẽ lên sóng Đài truyền hình Reshet, cũng có tập được ghi hình tại VN vào 15/5. Mỗi đoàn khi đến VN, ngoài các “tay đua” là cả một ê kíp hùng hậu gồm đạo diễn, quay phim, người dẫn chương trình, họa sĩ thiết kế, nhân viên hậu cần... và hàng tấn máy móc, thiết bị phục vụ cho khoảng 1 tuần ghi hình.