Vì sao có tên gọi đà nẵng

viec lam da nang

Đã khi nào bạn đặt câu hỏi: tên gọi “Đà Nẵng” xuất phát từ đâu? Tại sao lại điền danh là Đà Nẵng? Bài viết Đà nẵng qua tên gọi hy vọng sẽ tăng thêm bổ ích cho những ai yêu mến Đà Nẵng.

Từ thế kỷ XV, mảnh đất này đã nằm trong lãnh thổ của quốc gia Đại Việt, thuộc đạo Hóa Châu được lập ra từ thời Trần Anh Tông và đến thời Lê Thánh Tông (từ 1466) thì thuộc địa phận của huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hóa. Theo sách “Ô Châu cận lục” (của Dương Văn An soạn năm 1533” thì địa danh Đà Nẵng lần đầu tiên xuất hiện khi sách nhắc đến “một ngôi đền ở cửa biển Đà Nẵng” thờ một nhân vật từ thời Lê Thánh Tông.
Địa danh Đà Nẵng có thể được giải thích theo ngôn ngữ Chăm có nghĩa là “sông lớn” hay “cửa sông cái”. Quả thật nằm trên tả ngạn sông Hàn kề bên cửa biển hiểm yếu này, địa danh Đà Nẵng đã được ghi trên các bản đồ vẽ từ thế kỷ XVI trở đi (như “An Nam hình thắng đồ”, “An Nam thông quốc toàn đồ”).

Còn có một tên khác khá phổ biến về vùng đất này, đặt biệt là trong dân gian, đó là tên gọi gắn liền với con sông Hàn. Trên bản đồ vẽ vào thế kỷ XVII đã thấy ghi địa danh này. Địa danh Cửa Hàn không những được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, đồng thời cũng được người Âu Châu nhắc đến rất sớm. Cố đạo Buzomi đến Đàng Trong vào năm 1615 và vào dịp lễ Pâques năm ấy, ông lập một nhà thờ nhỏ tại một nơi được ghi là Kean, địa danh này cũng đã được ghi lại trên tấm bản đồ nổi tiếng của Alexandre de Rhodes vẽ năm 1666, nằm ở vị trí chân đèo Hải Vân. Địa danh Kean bắt nguồn từ cách gọi khá phổ biến đương thời, những nơi tập trung dân cư gọi là Kẻ (kẻ chợ…); Kean có nghĩa là Kẻ Hàn.

Ngoài ra, còn có một tên gọi dành cho thành phố Đà Nẵng nữa, nó tồn tại suốt trong thời gian là nhượng địa của Pháp, và trở thành địa danh hành chính chính thức trước đó cũng như cho đến nay nhiều người Châu Âu vẫn còn quen gọi, đó là Tourane. Trong các bản đồ, sách vở, ghi chép của người Âu từ thế kỷ XVI, XVII, XVIII… chúng ta đã thấy nhắc đến những địa danh như: Turon, Toron, Taraon, Touan, Touane, Touron và Tourane.

Còn người Trung Hoa vẫn gọi nơi đây là Hiện Cảng. Chữ Hiện theo hai cách viết chữ Hán hoặc có nghĩa là “Cảng con hến” hoặc “Cảng núi nhỏ mà hiểm”; đều có thể giải thích là do hình thù của núi Sơn Trà được nhận thấy ngay từ ngoài khơi cửa biển Đà Nẵng.

Ngoài ra, nhân dân địa phương vẫn có thói quen gọi vịnh Đà Nẵng là Vũng Thùng (“Tai nghe súng nổ cái đùng, Tàu Tây đã lại Vũng Thùng bữa qua !” – ca dao); còn các nhà nho nói chữ thì gọi là Trà Úc, Trà Áo, Trà Sơn hay Đồng Long Loan.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tourane được mang tên Thái Phiên, nhà yêu nước nổi tiếng của đất Quảng Nam lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân nổ ra vào năm 1916.

Hai năm sau, thành Thái Phiên lại được đổi tên thành Đà Nẵng và tên gọi này được giữ cho đến ngày nay.

Mỗi thành phố thường gắn liền với một dòng sông. Hà Nội ven sông Hồng, thành phố Hồ Chí Minh có sông Sài Gòn, cố đô Huế thơ mộng với dòng Hương giang bắc qua như dải lụa mềm mại. Đến với Đà Nẵng, cũng có một dòng sông, Dòng sông Hàn ôm ấp, vuốt ve cho sức sống mơn man của thành phố trẻ. Tên gọi Đà Nẵng có lẽ bắt nguồn từ dòng sông ấy. Nhiều ý kiến đưa ra đồng ý rằng Đà Nẵng xuất phát từ nghĩa trong tiếng dân tộc là vùng đất có con sông lớn. Theo tiếng Chăm, “đà” là dòng sông, “nẵng” bao hàm là rộng lớn. Ghép nghĩa con sông rộng lớn, con sông già mà thành tên thành phố mà ngày nay chúng ta thường gọi. Nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo chỉ ra, “Đà Nẵng” là phiên âm từ tiếng Chăm với nguyên âm “Hang Danak”. Người xưa đã mượn ngôn ngữ Chăm, phiên âm theo tiếng Hán để gọi tên thành phố Đà Nẵng. Cái hay, cái khéo nằm ở chỗ: mượn từ của một ngôn ngữ, phiên âm theo một ngôn ngữ khác mà vẫn giữ nguyên được ý nghĩa về những đặc trưng của vùng đất. Ấy quả thực là tài tình. Ngoài cách giải thích điền danh bằng ngôn ngữ cổ ở trên, còn có một cách giải thích ví von dựa trên đặc tính khí hậu nơi đây mà người ta dùng cũng không kém phần thú vị. Tác giả Phan Huỳnh Điểu trong bài hát Sợi Nhớ Sợi Thương có viết: “…Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt, bên mưa quây…” Đà Nẵng nằm ở vị trí địa lý rất đặc biệt, ngay dưới chân đèo Hải Vân hùng vĩ vươn mình ra biển cả. Đỉnh đèo hai bên mưa nắng đan xen, có khi một bên nắng gắt, bên mưa cách nhau trong gang tấc. Cái nắng cái mưa ấy qua con mắt của những người dân mà gọi tên Đà Nẵng như một phần quen thuộc của cuộc sống. Chuyện lý giải rằng phía Bắc đèo, khi thời tiết vào mùa thường mưa tầm tã không ngớt. Trong khi phía nam đèo, mưa ít, nhanh tạnh hơn so với phía bắc. Những lần trời mưa, người dân phía Bắc nhìn qua vùng đất trời Nam, thấy trời hửng thường kêu lên: đã nắng, đã nắng… Phương ngữ miền Trung giọng nói rất nặng, rất khó nghe. “Đã” nghe thành “đà”, “nắng” nghe thành “nẵng”. Vậy nên nghe nhiều thành quen,vùng đất bên dòng sông Hàn này có tên gọi là Đà Nẵng.

Cho dù cách giải thích nào đúng, cách giải thích nào sai thì có lẽ cũng không quan trọng cho lắm để chúng ta phải tranh cãi. Mỗi cách giải thích lại có một cái hay, cái thú của nó mang tới cho độc giả. Tôi không khẳng định cho cách lí giải gọi tên nào, chỉ khẳng định rằng: thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp, hiếu khách luôn dang rộng vòng tay đón chào tất cả bạn bè ghé qua thăm thú.

Xem thêm thông tin cập nhật hằng ngày tại đây: TIN TỨC ĐÀ NẴNG – TUYỂN DỤNG ĐÀ NẴNG – THỜI TRANG ĐÀ NẴNG 

Video liên quan

Chủ đề