Tưới nước cho lúa bằng cách nào

Thứ tư, 13/05/2020 - 08:05 AM

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới

Nhiều năm qua, nông dân tỉnh An Giang được tập huấn để nắm vững kiến thức kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong canh tác lúa và từng bước áp dụng thành công, góp phần giảm chi phí tăng lợi nhuận.

Tưới nước cho lúa bằng cách nào
Mô hình tưới tiết kiệm nước ngày càng được nhân rộng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, ông Trần Văn Tuấn, nông dân xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn tham gia thí điểm trồng 4 công, áp dụng tưới tiết kiệm nước cho lúa và ứng dụng “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng” theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp thông qua dự án phát triển nông nghiệp bền vững VnSAT An Giang.

Kết quả cho thấy việc áp dụng tưới tiết kiệm giúp quản lý tốt ở mặt sâu bệnh, tiết kiệm nguồn nước ngọt, lúa phát triển mạnh, nhẹ công chăm sóc… Đặc biệt hơn là giảm lượng phân bón 25-30% so với canh tác truyền thống. Trước đây trung bình chi phí cho vụ lúa ĐX thường tốn 1,4 – 1,5 triệu đồng/công, nhờ áp dụng mô hình mới này giảm còn 1,2-1,3 triệu đồng/công.

Đánh giá tính hiệu quả của mô hình, ông Tuấn tự hào nói, vụ ĐX vừa rồi sau khi thu hoạch 4 công ruộng, trừ hết chi phí còn lãi gần 7 triệu đồng, cao hơn so với ruộng bên cạnh canh tác theo truyền thống.

Theo ông Tuấn, thấy việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước cho lúa đem lại hiệu quả thiết thực, sang vụ Hè Thu năm nay ông mở rộng diện tích đất của gia đình để áp dụng kỹ thuật mới này. Hiện trà lúa được hơn một tháng tuổi, xanh tốt, đẻ nhánh khỏe. Không những vậy, ông còn vận động người thân trong gia đình và hàng xóm áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nhằm giảm giá thành đầu tư mà tăng hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết: Hiện tại và trong tương lai, nguồn nước hạ lưu các con sông ở ĐBSCL ngày càng ít, không đủ để cung cấp cho ruộng lúa trong suốt quá trình canh tác. Xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang đã làm ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi.

Tưới nước cho lúa bằng cách nào
Tính đến hết năm 2019 VnSAT An Giang đã tập huấn 600 lớp về “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” cho 22.000 lượt hộ nông dân, với tổng diện tích 27.500 ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trước tình hình này, bên cạnh việc theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, thực hiện cơ cấu lại mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, nạo vét kênh mương, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cùng nông dân bắt tay vào ứng dụng nhiều biện pháp canh tác lúa thông minh và sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới.

Theo ông Lâm, canh tác lúa để ruộng khô xen lẫn ngập nước một cách hợp lý thông qua dự án VnSAT hỗ trợ, có thể giúp người trồng lúa giảm lượng khí phát thải nhà kính từ 20 - 30% so với để ngập nước liên tục. Sự giảm này có giá trị rất lớn vì sản xuất lúa gạo đang phát thải khí metan chiếm đến 15 - 25% lượng khí metan toàn cầu. Tiếp theo là giảm lượng phân đạm vô cơ, để giảm phát thải oxit nitơ. Phân đạm vô cơ được thay bằng phân bón hữu cơ, sử dụng triệt để rơm rạ để làm phân bón. Việc này đem lại lợi ích kép, vì không còn tình trạng đốt rơm rạ nên giảm phát thải khí cacbonic. Chính vì vậy, việc canh tác lúa áp dụng kỹ thuật lúa tiết kiệm nước kết hợp với mô hình “1 phải 5 giảm” là hướng đi bền vững, thân thiện với môi trường.

Theo PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, tưới nước tiết kiệm cho lúa là tiến bộ kỹ thuật có sự khác biệt cơ bản so với biện pháp tưới nước truyền thống. Trong kỹ thuật này mặt ruộng chỉ ngập nước trong từ 15 - 25% tổng thời gian chu kỳ sống của cây lúa. Với kỹ thuật tiết kiệm nước thì trong phần lớn thời gian, lượng nước tối đa trong đất là bão hòa 100% (các khoảng rỗng trong đất đều chứa nước nhưng không có nước ngập trên mặt ruộng).

Kỹ thuật tưới truyền thống là giữ liên tục một lớp nước mỏng trên mặt ruộng từ 70- 80% thời gian chu kỳ sống của cây lúa. Với cách tưới này thì giai đoạn hồi xanh sau khi cấy cần mực nước ngập từ 1-3 cm, giai đoạn đầu đến giữa đẻ nhánh (2-4 cm). Cuối đẻ nhánh thì tháo nước cạn ruộng trong vòng 5-7 ngày.

Nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm 

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV An Giang cho biết: An Giang là một trong những tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất ở vùng ĐBSCL và cả nước với sản lượng trên 3,9 triệu tấn lúa hàng hóa/năm. Từ năm 2001 An Giang đã ứng dụng hiệu quả chương trình “3 giảm 3 tăng”. Từ năm 2005 nhờ sự chuyển giao kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên ruộng lúa của IRRI, An Giang đã triển khai công nghệ này và xây dựng đề án tưới tiết kiệm nước giúp nông dân giảm thêm chi phí.

Tưới nước cho lúa bằng cách nào
Áp dụng tưới tiết kiệm nước ở ruộng thí nghiệm luôn cao hơn 0,5 tấn/ha so với ruộng nông dân sản xuất bình thường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chương trình tưới tiết kiệm nước được thực hiện đầu tiên ở ĐBSCL tại phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, do Chi cục BVTV An Giang thực hiện trong vụ Thu Đông 2005 với 19 nông dân được mời làm thí nghiệm về biện pháp kỹ thuật mới tưới tiết kiệm nước cho cây lúa kết hợp “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Bằng việc đặt ống theo dõi mực nước trong ruộng và áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ.

Theo ông Hiền, qua các năm thực hiện chương trình bà con nông dân đã đánh giá lợi ích chung của chương trình mang lại như: cây lúa cứng cáp hơn, bông dài và nhiều hạt chắc hơn, giảm được sự đổ ngã do rễ ăn sâu, giảm số lần bơm nước, giảm chi phí đầu vào. Năng suất ở ruộng thí nghiệm cao hơn 0,5 tấn/ha so với ruộng nông dân sản xuất bình thường. 

Từ đó diện tích ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên lúa ngày càng được mở rộng. Tính đến nay đã có 223.079 lượt hộ nông dân đã ứng dụng với diện tích 340.548ha. Kết quả khảo sát, trong vụ ĐX 2019-2020, số lần bơm nước trên ruộng trình diễn là 6,5 lần/vụ so với ruộng đối chứng 7,8 lần/vụ, trung bình giảm 1,3 lần/vụ.

Bình quân, vụ Hè Thu số lần bơm nước là 6,3 lần/vụ so với ruộng đối chứng 7,3 lần/vụ, số lần bơm nước trung bình giảm 1 lần/vụ. Tiết tiết kiệm tiền bơm nước hơn 117.000 đồng/ha trong vụ ĐX và 90.000 đồng/ha trong vụ Hè Thu.

Kỹ thuật canh tác tưới tiết kiệm cho lúa và áp dụng “1 phải 5 giảm” thông qua dự án phát triển nông nghiệp bền vững VnSAT được xem là quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, là tiền đề để xây dựng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Đặc biệt, là xây dựng các vùng nguyên liệu, sử dụng bộ giống chất lượng cao theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt để các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở thực hiện theo hướng VietGAP, các mô hình sẽ chuyển sang áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực theo yêu cầu của thị trường.

Tưới nước cho lúa bằng cách nào
Kỹ thuật canh tác tưới tiết kiệm cho lúa và áp dụng “1 phải 5 giảm” nhằm tăng năng suất, giảm giá thành. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ kết quả đạt được tại An Giang, nông dân trồng lúa đã áp dụng “1 phải 5 giảm” ngày càng rộng rãi làm tiền đề trong việc xây dựng thành công sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho hàng trăm ha tại các xã Vĩnh Khánh (Thoại Sơn), Bình Chánh (Châu Phú), Tân Lập (Tịnh Biên) và Tân Tuyến (Tri Tôn). Ngoài ra, tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm” được các nhà khoa học khuyến cáo là một trong những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng sản xuất lúa trong cánh đồng lớn.

Với sự hỗ trợ từ dự án VnSAT, từ khi triển khai dự án đến nay tại An Giang cũng đã tập huấn thêm 527 lớp “1 phải 5 giảm” cho 13.615 hộ dân, với tổng diện tích 21.235 ha, góp phần giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa. Trong đó, việc tiết kiệm nước bên cạnh lợi ích về kinh tế còn có ý nghĩa rất lớn trong vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, giúp hạn chế những yếu tố bất lợi cho môi trường sống.

Dự án VnSAT An Giang được triển khai ở 45 xã, thuộc 5 huyện: An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Thoại Sơn và Tri Tôn trên diện tích 38.600ha, hơn 26.000 hộ nông dân được hưởng lợi, đã và đang góp phần đưa ngành nông nghiệp An Giang thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Để đạt năng suất cao cho lúa xuân, ngoài việc bón phân cân đối thì khâu nước tưới đóng góp một phần không nhỏ cho kết quả này. Quan trọng hơn là trong một vụ xuân ấm có nguy cơ khô hạn.

Tưới nước cho lúa bằng cách nào

1. Tưới nước đối với đất chua mặn.

Theo Nhà xuất bản Thanh Hóa, loại đất chua mặn chủ yếu ở khu vực đồng bằng ven biển chiếm 20-25% diện tích lúa cả nước. Đối với loại đất này thường xuyên để một lớp nước ngập trên ruộng tuỳ theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Không được để ruộng cạn quá 24 giờ, vì khi cạn nước, chất phèn chua, muối mặn sẽ leo lên tầng đất canh tác làm hư hại bộ rễ lúa. Nên thay nước (thau chua rửa mặn) vào những giai đoạn sinh trưởng quan trọng của cây lúa. Cách tưới cụ thể như sau:

- Từ cấy đến hồi xanh, làm cỏ bón thúc đợt 1 (10-15 ngày sau cấy tuỳ vụ): Tưới nông 3-5cm. Sau khi bón phân thúc đợt 1, để lắng 1-2 ngày, thay nước ngọt mới, tưới nông 3-5cm, có tác dụng kích thích lúa đẻ nhánh. 


- Sau khi bón thúc đợt 1 khoảng 10-20 ngày, tưới ngập 12-15cm trong 20 ngày, để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. 

- Giai đoạn làm đòng, trỗ chín cần tưới ngập 3-5cm bằng nước ngọt. 

- Khoảng 20-30 ngày thay nước cũ một lần bằng nước ngọt mới, để thau chua, rửa mặn, tránh ngộ độc mặn cho bộ rễ lúa.

2. Tưới nước cho vùng nước ngọt. 

Vùng trồng lúa nước ngọt chiếm phần lớn diện tích trồng lúa của nước ta, hằng năm trong vụ xuân thường thiếu nước dưỡng lúa nghiêm trọng. Bằng kỹ thuật tưới mới, có thể tiết kiệm được 30-50% lượng nước cần tưới, giảm chi phí sản xuất. Kỹ thuật tưới cụ thể như sau: 

- Giai đoạn từ cấy đến khi bén rễ hồi xanh (khoảng 15-20 ngày): Tưới ngập 3-5cm để chống rét cho lúa cấy. 

- Sau khi bón thúc phân khoáng đợt 1 khoảng 1-2 ngày tháo cạn nước, để độ ẩm bão hoà (nhẵm mềm chân, độ ẩm đạt 100%), lúa sẽ đẻ nhánh hữu hiệu tập trung, hạn chế bệnh nghẹt rễ sinh lí. Chú ý ở giai đoạn này ở các tỉnh phía Bắc nếu nhiệt độ ban ngày thấp dưới 13 độ C kéo dài trên 5 ngày, cho nước ngập 7-10cm vào ban đêm, ngày tháo cạn nếu ruộng chủ động tưới tiêu hoặc cho nước ngập 3-5 cm suốt ngày đêm để chống rét, qua đợt rét ta lại tháo cạn. 

- Sau khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu cụ thể: Sau khi bón thúc đợt 1 khoảng 10-15 ngày, đếm 10 khóm ở giữa ruộng, thấy lúa đẻ trung bình khoảng 7 dảnh nếu cấy với mật độ 45-50 khóm/m2 hoặc 10 dảnh nếu cấy với mật độ 30-35 khóm/m2 là đạt yêu cầu. Tháo cạn nước, chân ruộng chua độ pH dưới 5,5 bón vôi bột 18-20 kg/sào 360m2, dùng cào cỏ quấy đều trộn vôi đều với đất, để cho ruộng cạn, nứt chân chim (độ ẩm khoảng 60-70%, có mùn giun nổi lên) trong khoảng 10 ngày, có tác dụng cung cấp thêm khí oxy cho quá trình oxy hoá trong tầng đất canh tác diễn ra thuận lợi, các khí độc trong đất được trung hoà, các loại phân vô cơ, hữu cơ được vi sinh vật háo khí phân giải từ dạng khó tiêu sang dễ tiêu, rễ lúa có đủ oxy khoẻ mạnh, ăn được sâu, hút được nhiều dinh dưỡng nuôi cây. 

- Giai đoạn làm đòng đến chín đỏ đuôi chỉ cần tưới đủ ẩm (độ ẩm 90-100%, nhẵm mềm chân) là đạt yêu cầu. Khi bón phân khoáng đón đòng cần cho nước ngập 3-5cm, dùng cào cỏ quấy cho đều phân, sau 1-2 ngày lại tiếp tục tháo cạn. 

- Từ chín đỏ đuôi đến thu hoạch cần khô nứt chân chim, cho cây lúa cứng cây, chống đổ tốt. Nếu ta điều tiết được nước tưới như cách trên có thể tiết kiệm được 30-50% lượng nước. Rầy các loại, bệnh khô vằn, bệnh nghẹt rễ sinh lý giảm hẳn. Tiết kiệm được 5-10% lượng phân bón, do cây lúa tận dụng được triệt để lượng phân (được vi sinh vật phân huỷ tốt).

3. Điều khiển lúa đẻ nhánh bằng chế độ tưới

Theo Nông nghiêp Việt Nam, sinh lý đẻ nhánh của các giống lúa đều tuân theo quy luật: Mẹ đẻ ra các con, con lại đẻ ra các cháu. Các nhánh được sinh ra đầu tiên ở các đốt gần mặt đất là những nhánh hữu hiệu (nhánh có bông), các nhánh được sinh ra sau ở các đốt phía trên là những nhánh vô hiệu (nhánh không bông).

Đồng nghĩa rằng, cây lúa có 2 giai đoạn đẻ nhánh: giai đoạn đầu sinh ra nhánh có bông, giai đoạn sau sinh ra những nhánh không bông.

Thực tế thời tiết miền Bắc thuận lợi cho lúa phát triển giữa và cuối vụ và tập quán bón “nhẹ đầu nặng cuối” của nông dân vẫn diễn ra ở một số nơi dẫn đến hiện tượng “lúa lốp” - lúa tốt về sau - năng suất rất thấp.

Vì vậy, muốn hiệu quả, nông dân cần phải biết chăm sóc và điều khiển bằng nước tưới cho lúa đẻ tập trung ngay giai đoạn đầu và đảm bảo lúa “đẻ đủ”.

Cây lúa bắt đầu đẻ nhánh khi có 4 lá thật (lúa gieo thẳng) hoặc khi bén rễ hồi xanh (mạ dược và mạ nền cứng). Lúa đẻ thuận lợi khi đảm bảo được độ ẩm của đất (95 - 100%) và đủ lượng oxy lưu thông trong rễ.


Vì vậy, tùy theo điều kiện thời tiết, chân đất mà cho nước vào ruộng (3 - 5cm) hay để lộ ruộng từ 4 - 5 ngày để mùn giun đùn lên.

Cụ thể: Nếu nhiệt độ thời tiết trung bình giữa ngày và đêm > 15 độ C, ẩm độ không khí cao (85 - 90%) hoặc chân ruộng có giun sinh sống (đất thịt nhẹ, giàu mùn) thì nên để lộ ruộng cho mùn giun đùn lên, rễ lúa sẽ phát triển mạnh hút dinh dưỡng nhanh, lượng oxy trong bộ rễ dồi dào, lúa ắt sẽ đẻ nhánh rất nhanh.

Ngược lại nếu nhiệt độ trung bình ngày và đêm thấp < 15 độ C hoặc chân ruộng lại là đất cát pha, đất thịt nặng thì nên cho nước vào ruộng lúa mới đẻ nhánh thuận lợi được.

Khi lúa đã đẻ đủ số nhánh (trung bình được khoảng 7 - 8 nhánh/khóm nếu để mật độ 45 - 50khóm/m2, được 10 - 11 nhánh/khóm nếu mật độ để 30 - 35 khóm/m2 - đối với lúa thuần) tiến hành đưa nước trở lại từ 5 - 6 cm để các nhánh lúa đã đẻ lớn lên.

Nhưng nếu điều kiện thời tiết miền Bắc lúc này có mưa phùn, thời tiết mát mẻ thuận lợi cho lúa đẻ nhánh tiếp thì nên có biện pháp khắc phục hạn chế lúa đẻ đợt này bằng cách: Rút hết nước trong ruộng phơi kỹ (mức phơi phải đạt là, đi vào không lấm chân, mặt ruộng bắt đầu nứt nẻ).

Làm như vậy các nhánh nhỏ mới sinh ra và các mắt trên thân hoạt động bị teo đi, khi tưới nước trở lại chỉ có các nhánh to khỏe mới sinh trưởng được, cây lúa không đẻ thêm nhánh nữa.

* Chú ý: Lần tưới nước trở lại này cần tưới sâu ở mức 1/3 chiều cao cây lúa và giữ nước trong vòng 1 tuần. Sau giai đoạn này luôn luôn giữ nước ở mức 1/4 - 1/5 chiều cao, cây lúa sẽ hạn chế hoàn toàn sự đẻ nhánh thêm (nhất là các giống lúa lai).

Khi cây lúa đứng cái tiếp tục rút nước trong ruộng để nẻ chân chim cho rễ lúa ăn sâu, cây lúa sẽ cứng, chắc.

Giai đoạn phân hóa đòng (lúa bắt đầu có "cứt gián") cần tưới nước giữ ở mức 3 - 4 cm giúp cho đòng phát triển thuận lợi.

4. Thúc đẩy phân hóa hoa đồng đều

Từ 20 - 25 ngày trước trổ dùng chế độ nước để điều khiển sự phân hóa hoa bằng cách: Rút hết nước trong ruộng để lộ ruộng từ 2 - 3 ngày và đưa nước trở lại vừa đủ ngập chân cây lúa trong khoảng 1 tuần, các nhánh có khả năng phân hóa sẽ phân hóa hàng loạt.

 Sau đó lại rút nước lộ ruộng khoảng 2 - 3 ngày lần nữa rồi tưới trở lại lúa đã phân hóa sẽ vươn đốt đồng loạt rất nhanh.

5. Điều khiển cây lúa trổ tập trung, chín nhanh

Khi lúa trổ báo cần rút hết nước để lộ ruộng cho mùn giun đùn lên, kích thích chất hữu cơ phân giải, cây lúa sẽ ra đợt rễ cuối cùng giúp lúa tận dụng tối đa dinh dưỡng trong đất nhất là dinh dưỡng kali, giúp cây cứng cáp hơn, lúa phơi màu nhanh và đồng loạt.

Khi lúa trỗ gần thoát (> 85%) tưới nước trở lại ruộng và giữ ẩm cho đến lúc lúa chín sáp.