Trung tữ ninh giang hoa lư ninh bình năm 2024

Để có được một cái tên làng, tổ tiên Trung Trữ phải mất 27 năm (từ 1492 đến 1519) qua 3 đợt đầu đơn.

1. Theo phả họ Đinh Thế, năm Canh Dần–Hồng Đức thứ 23 (1492), cụ Đinh Thế Dong cùng một số dân làng Trường Yên Thượng ra giữ giới phía đông. Lúc đầu các cụ ở nhờ đất La Cầu để khai phá ruộng hoang.

2. Vào năm Đoan Khánh thứ tư Ất Sửu (1508), cụ Đinh Thế Dong có thêm người em là Đinh Nhữ Cần, sau đó có thêm hai người họ Lê và họ Nguyễn cùng ra giữ mốc giới, khẩn hoang. Nhận thấy do địa dư xa cách, mỗi khi làng Trường Yên có lễ lạp, các cụ lỡ về chậm hoặc đóng góp không đầy đủ, thường bị phạt vạ. Vì vậy các cụ xin phân sách xã dân và lấy tên làng là Trung Thôn. Đợt sơ khởi này gồm 9 người đầu đơn (Đinh Thế Dong, Lê Hữu Phù, Nguyễn Thế Kiên, Lê Văn Quất, Lê Cảnh Châu, Đinh Nhữ Cần, Nguyễn Ích Tráng, Nguyễn Bá Ký và Nguyễn Bá Khải). Đến năm 1512 lại xin sách xã dân tiếp, nhưng vì khó khăn về lương thực nên phải bỏ dở.

3. Ngày 10 tháng 12 năm Hồng Thuận thứ Năm (1513) các cụ tiếp tục đầu đơn xin sách xã dân, cử thêm 10 cụ nữa (gồm Lê Văn Quốc, Lê Thúc Khanh, Đinh Đức Thiệu, Đinh Đức Vinh, Đinh Tá, Đinh Khể, Đinh Văn Thuật, Nguyễn Văn Khủê, Đinh Nhữ Trung và Đinh Khương).

4. Đến năm Quang Thiệu thứ Tư Kỉ Mão (1519) Nhà nước cử Nha môn về chia ruộng đất và cho thành lập xã riêng biệt. Trong 1.000 mẫu ruộng chia làm 6 phần, làng Trường Yên Thượng 5 phần, làng Trung Thôn 1 phần ở nhiều xứ đồng khác nhau. Trong bát vạn sơn thì Trung Thôn được 2,5 quả núi.(đó là núi Chùa, núi Gòi và nửa núi Dếnh, cũng có thể là núi Chùa, núi Đất và nửa núi Gòi).

Về hành chính, căn cứ vào Văn tế tổ, đợt đầu làng cử cụ Đinh Thế Dong làm xã Chánh, cụ Lê Hữu Phù làm xã sứ, cụ Nguyễn Thế Kiên làm tiến công lang. Đến đợt sau làng lại bầu cụ Đinh Thế Dong làm xã chánh, cụ Nguyễn khắc Nhân làm xã sứ, cụ Đinh Khể làm xã thần. Sinh đồ Lê Văn Quốc hoàn chỉnh địa bạ và làm đơn xin gia nhập tổng Bạch Cừ.

Xem xét các bờ giới cũ, căn cứ vào câu phương ngôn : “chùa Bần, núi Đất, đường Cộc, rộc Cùng”. Chúng tôi cho rằng đây là bản đồ đầu tiên của làng Trung Trữ.

* Chùa Bần: được xây dựng tại chân núi Gòi, lợp tranh, có lẽ vì thế gọi là bần (nghèo).

* Núi Đất: Vườn Tớp (cầu Gỗ từ xóm Đông ra sau đồng).

* Đường Cộc: đường từ xóm Tây đến bến Hàng.

* Rộc Cùng:từ ngòi Gấm, nội Dện, cửa Đình, xuống Quán Vinh, hết cánh đồng Tắc Giang.

Như vậy, năm 1492 Cụ Đinh Thế Dong đặt nhát cuốc đầu tiên cho sự hình thành một làng mới nên được coi là năm thành lập làng Trung Trữ.

Và, sau 27 năm, qua 3 đợt đầu đơn Nhà nước đã chia ruộng đất, núi sông cho thành lập xã mới – xã Trung Trữ. Năm 1519 là năm chính thức hóa về mặt Hành chính Quốc gia.

* Lý giải về đặt tên làng là Trung Trữ, nhiều bậc cao niên sống ở đầu thể kỉ XX nói rằng: đây là nơi tập trung kho lương từ thời Đinh Lê, với các kho mắm muối ở gần hang núi, trên bến dưới thuyền.

Những tên làng trong quá khứ:

Ghi trong phả họ Đinh Thế.

Trong “mộc phả” có tiêu đề “Đinh- Lê-Nguyễn tam hộ cộng lập” lưu tại từ đường họ Đinh Thế, lúc này làng có tên là Trung Trữ.

* Trung Phong: xuất hiện trong một số bài tấu, bài ca dùng trong tế lễ. Theo ngọc phả làng Bãi Trữ, đô đốc Vũ Đình Huấn đã lấy ngọn núi giữa làng Trung Trữ làm đài chỉ huy đánh thắng đồn Gián Khẩu, đặt tên núi là Trung Phong, theo đó làng có tên Trung Phong.

Về phân bố dân cư:

Đến triều Thuần Phúc (1562-1565) niên hiệu Mạc Phúc Nguyên, Hương trưởng là Nguyễn Điêu, hiệu Nguyễn Bá Liêu, làng đã có 400 dân.

Đến năm 2004, Trung Trữ có 648 hộ, 2.114 nhân khẩu, chia thành 3 xóm, gồm: xóm Nam, xóm Đông, xóm Tây.

Quá khứ đã có nhiều sự phân chia xóm khác nhau. Đầu thế kỉ XX có 5 xóm: xóm Dứa (

Nam

), xóm Giữa (Trung Đông), xóm Đông, Xóm Tây, xóm Đình.

Thời kì Hợp tác hóa chia xóm nhỏ hơn theo Đội sản xuất. Gồm:

Nam 1, Nam2, Nam3, Nam4 thuộc Hợp tác xã Nam Tiến

Xóm Đông, Trung Đông thuộc Hợp tác xã Đông Phương Hồng

Tây Bằng, Tây Sơn, xóm Đình thuộc Hợp tác xã Hồng Kỳ

Sát nhập 3 hợp tác xã trên thành Hợp tác xã Trung Trữ

Sau hợp với hợp tác xã Bãi Trữ thành Hợp tác xã Trung Bãi Trữ.

Quy mô dân số: Mặc dù có sự bùng nổ dân số ở thế kỉ 20 nhưng Trung Trữ luôn giữ ở con số khoảng 2.000 nhân khẩu. Sở dĩ như vậy, vì Trung Trữ đã có một số cuộc di cư lớn, nhất là thời kì những năm 60 thế kỉ XX dưới hình thức đi khai hoang (Tuyên Quang, Hoà Bình). Và, nhiều nhất là định cư tại Thành phố Ninh Bình, Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hoà Bình,Thành phố Hồ Chí Minh, Minh Hải, Tây Nguyên.

Và, nguyên nhân không kém phần quan trọng là quy mô gia đình nhỏ (hai con) đã được thực hiện tốt ở Trung Trữ.

Trung Trữ trong cộng đồng thôn xã qua các thời kì

Tháng Giêng năm 1945, các làng: Trung Trữ, Bãi Trữ và Phong Phú hợp thành xã Trung Sơn; làng La Mai và La Vân hợp thành xã Liên Mai.

Tháng 11 năm 1948 Trung Sơn và Liên Mai hợp thành xã Liên Sơn.

Tháng 7 năm 1949 Liên Sơn hợp với Hợp Thành thành xã Ninh Hòa.

Tháng 7 năm 1954 Ninh Hòa tách ra hai xã như cũ.. Xã Liên Sơn cũ đổi tên thành xã Ninh Giang như ngày nay.

Trung Trữ thuộc miền “Hạ Long cạn” cố đô Hoa Lư. Sông giăng thành luỹ, núi mọc như thành, hang động lung linh nhũ đá, hàm ếch hằn sâu mớn nước triệu triệu năm. Cả một vùng từ Nho Quan, Xích Thổ xuôi về; từ Hương Tích, phố Cháy, chợ Đại chảy xuống; từ Bợi, Vệ ngược lên – mênh mang sông nước. Tre mọc giăng giăng thành bờ thành luỹ, dạt dào sóng vỗ, ngả nghiêng bão bão tố đời người. Xa xưa, người ta nhìn ngọn núi, gồ tre mà nhận ra làng xóm. Làng Trung Trữ được Hoàng Long Giang, sông Đáy, sông Chanh bao bọc, vòng tay ôm ấp.

Miền Hoa Lư xưa cách biển chẳng bao xa, sậy cói um tùm, sò hến thành cồn, bao la sóng vỗ, thuyền bè xuôi ngược như mắc cửi, băng băng không một lần mắc cạn. Trung Trữ như một trổ nước lớn. Nước từ miền ngược đổ về. Bèo tây, rong rêu, cây rừng, xác thú cuồn cuộn qua làng xuôi trôi ra biển. Sông nước mênh mang để lại bao nỗi thương tâm. Lẫn trong rong rêu bèo bọt ấy có cả xác người! Một chiều nọ, trời yên biển lặng bỗng ù ù gió nổi cơn giông, vòi rồng từ trời cao cắm phập xuống cuốn lên không trung chiếc thuyền chở đầy bông cúi đi chợ Hối Thiệu về. Đứng nhìn thiên nhiên gieo họa chỉ còn biết kêu “Giời”!

Sông nước mênh mang cũng cho những kỉ niệm tự hào. Một lần vào năm 1953, chiếc thuyền ván đinh tải gạo Chính phủ va vào trụ cầu bị đắm, cả làng Trung Trữ hò nhau cứu. Người quang gánh, thúng mủng, gầu chậu chuyển gạo lên sân đình hong khô. Người mang gỗ ván, bóc vỏ cây gạo vá thuyền. Ngày hôm sau thuyền chở gạo lại ra chiến trường không hề hao hụt.

Và sông nước cũng cho nhiều cảm xúc. Những đêm bàng bạc trăng soi, ánh hoa lục bình lấp loáng, dăm ba cây nêu đèn treo mờ đục, thỉnh thoảng điểm vào đêm vài ba tiếng vạc mồi chát chúa. Xa xa kia trên dòng Hoàng Long Giang một giọng hò của anh chân sào vọng vào sườn núi khuấy động mây nước sông sâu. Và một lời ru, một câu lảy Kiều, một nhịp trống phách từ khoang đò dọc thẳm vào sông núi trời mây, đọng tâm can con người.

Bọn trẻ con ở cái tuổi ăn không biết no lo chưa tới, cứ vô tư tận hưởng đồng trắng nước trong. Chiều chiều, những cô bé “tuổi hoa” tụt hết áo quần giấu vào gốc si gốc gạo, ào xuống ao hồ nô đùa thỏa thích, bơi mỏi thì lên bờ đu rễ si, đánh võng rễ đa đón những bông hoa gạo như chùm lửa từ ngọn cây rơi xuống… Ngày xưa bà Đàm Thị ra sông tắm mang thai sinh Bộ Lĩnh. Ngày nay, những bà mẹ làng Trung Trữ quanh năm dãi gió dầm sương đánh vật với sông nước sinh ra những đứa trẻ, trong những đứa trẻ ấy có hai anh hùng, một vị tướng, hàng chục thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.

Chao ôi! Sông nước mênh mang…

Trên là trời, dưới là cá. Từ đòng đong, cân cấn, thầu dầu, mài mại, rô cờ rô don đến trê, hẻn, chuối, chõn, trắm, mè, trôi, chép, rói, măng, bống, diếc, ba ba, ốc nhồi, ốc vặn, ốc biêu, ốc tre, ốc nứa, cua cái, cua rốc, cua cáy, cua rạm… Và, tép tôm nhiều hơn trấu. Tôm trứng, tôm càng, tép gạo, tép riu, tép vó, tép đơm… có nước là có cá, có nước là có cua ốc, có nước là có tôm tép.

Người đồng chiêm nghĩ ra trăm cách đánh bắt: chài, lưới, nơm, rập, riu, dậm, nhậy, lờ, vẹ, đăng, đó, vó bè, vó tay, câu dây, câu vút. Và, đặc biệt hơn cả là cái “bơ lơ”. Cá chép, cá trắm ăn chìm chui đầu vào cái “bơ lơ” chết tiệt ấy không thể trở mình quay đầu bơi ra được, đành nằm chờ người vớt lên thuyền.

Người đồng chiêm đánh bắt cá theo vụ. Vào vụ nước “mồng bốn cá đi ăn thề, mòng tám cá về cá vượt ngũ môn” dưới trời mưa vần vũ, sấm ùng uoàng, chớp loang loáng, người ta ào xuống sông nước. Người nơm, người rập, người vó, người đinh ba, mình trần quần cộc, hợp thành từng tốp, từng đoàn đánh bắt. Người được ít cũng dăm ba con, người nhiều thì vô kể, mang

vác không xuể thì từng xâu thả dưới ngòi rộc lôi về bến, gọi vợ khiêng về.

Những ngày trời yên biển lặng, đồng trắng nước trong, từng đoàn trẻ con, người lớn mình trần trùng trục vác dậm tràn xuống cánh đồng lưng bắp chân nước. Từng tốp một quây dậm thành hàng rồi vác bùng bục ra xa, dàn vòng cung khua ầm ầm dồn cá tôm về phía dậm. Họ xô về dậm của mình, nhanh như cắt dậm ai người ấy nhấc. Cánh đồng Chanh nằm giữa hai làng Trung Trữ - Trường Yên cứ sôi lên mỗi ngày như vậy.

Khi nắng tháng Sáu đổ lửa xuống, nước đồng khô cạn, chỉ còn những vũng nước và cây lát bát, cụm tóc tiên. Các cô bé nhà nghèo đội nón mê, đeo dỏ, liêu xiêu bước chân bì bỗm lội tìm từng con cua, con ốc trong vũng nước, gốc lát bát, tóc tiên kia. Đó đây trên những bờ ngòi, bờ rộc, mỗi quãng, mỗi quãng, một bé gái thả những vuông vó nhon bòn từng con tép. Hình bóng em in mãi vào đêm Trung Trữ đến tận bây giờ.

Tháng Bảy, tháng Tám nước rừng đổ về, đồng ruộng nước ngập đầu người. Đồng trắng nước trong, gió lặng, bèo trôi. Đó đây lẳng lặng chiếc thuyền câu bé tẻo teo của anh “câu quệt”, hay lẳng lơ thuyền vợ chồng nhà quăng chài thả lưới, hay ầm ĩ vợ chồng nhà thuyền chài gỗ lưới, gõ đăng. Và ông già râu tóc trắng như cước mà nước da hồng hào, quăng đốc sào lao thuyền về chặng vẹ, nhấc lên vài ba con chép to bự.

Hoàng hôn đổ xuống, khói lam chiều thơm lựng cá nướng, cá kho, canh cua, dấm ốc, tép rang, tôm luộc…

Nhưng, một xâu cá, một rổ tép tôm không mua nổi đấu gạo. Đói vẫn hoàn đói, rét vẫn hoàn rét!

Giữa một vùng, nước lũ lưng ngọn tre, từ đường làng vào cổng ngõ rồi từ ngõ cổng vào sân lên nhà bao nhiêu là bậc “tam cấp” - nền nhà nào cũng phải tôn cao. Các bác “thợ đấu” đảm nhiệm. Một mình một thuyền một mai. Nước qúa ngực, đào từng thép mai, chân hất tay vất đất lên thuyền. Chiếc thuyền nan đầy mép cạp, bác thợ đấu độc chiếc khố, như tượng đồng đen đẩy sào lao thuyền vào tận rộc, bắc ván lao đất lên bờ. Cứ thế, cứ thế để có cái nền nhà cao tránh lụt . Nền thì cao mà nhà thì thấp, âu là chống bão đồng chiêm thường vượt cấp 12.. Người Trung Trữ sống chung với lũ lụt, bão tố.

Nhà Trung Trữ chỉ một gian hai chái, lớn hơn là 3 gian hai chái, lớn hơn nữa 5 gian vẫn thêm hai chái. Mỗi chái là một buồng. Trong buồng kiêm nhiều chức năng: kê giường ngủ, buộc mắc áo, đặt bồ thóc, hũ giống.

Gian giữa là không gian trang trọng của mỗi gia đình. Nhà khá giả lập bàn thờ đủ đại tự hoành phi câu đối. Nhà nghèo cũng có bát hương gia tiên. Trước bàn thờ xưa kê sập gụ, bộ tràng kỷ, nay là bộ xa lông.

Hiên nới rộng làm nơi kê chõng tre ăn cơm uống nước, hàng xóm sang chơi chuyện trò bù khú mỗi tối trăng lên.

Xưa, mỗi xóm chỉ dăm mười nhà có nhà ngói, sân gạch, cổng xây, còn toàn là nhà tranh vách đất.

Dựng được gian nhà ở là 1 trong 3 việc lớn đời người (tậu trâu, lấy vợ, làm nhà). Chỉ cần nghe là cả họ, cả chòm xóm, có khi cả làng “đi giúp nhà”. Gíup một, hai buổi. Chỉ bát nước chè xanh, miếng trầu, không cơm mặn, không tiền công. Nếp sống cộng đồng ấy, nhà nghèo cũng có gian nhà ở. Thương người như thể thương thân. Bao nhiêu năm qua rồi, còn nguyên hình ảnh đêm đêm ngon giấc ngủ, nhà không cần khóa, cổng không cần đóng. Nghèo mà không trộm cắp.

Mùa khô, nước rút đi phủ lớp phù sa trên đồng ruộng. Cây cỏ như được bón thúc mọc xanh bờ, xanh rãnh, xanh bãi hoang. Rau má, rau diệu, tầu bay, chòm bóp, dền gai, rau tạy, rau khúc, khoai nước, khoai ngứa, củ ấu, củ chóc, tóc tiên. Gặp năm đói kém chả kể “rau dại rau khôn” đến như cây nghể - trâu bò không đụng mõm, năm 45 cũng cứu được khối người khỏi chết đói. Các cụ bảo” “Cây dại cứu người khôn” là vậy.

Xưa, Trung Trữ cấy một vụ chiêm.. Thu hoạch xong đàn ông đi làm thuê ăn cơm thiên hạ. Thợ mộc, thợ nề từng tốp đi xa. Người thạo sông nước thì chài, lưới, lờ, vẹ, đó, đăng đánh bắt cá cua. Người không nghề, có sức đi gánh thuê hàng sang Lào. Phụ nữ, ngồi vào khung cửu dệt vải, dệt lụa. Nói về dệt thủ công, nhưng Trung Trữ làm từ A đến Z. Bông trồng trên đất bãi Hoàng Long, rồi thu hái, cán, cung, xe cúi, kéo sợi, guồng, dáo (hồ cơm), vò đập trong mâm bún, giũ nước sạch, phơi khô, đánh ống để mắc go, nhể bìa, đánh suốt để lắp vào thoi dệt. Người phụ nữ ngồi vào khung dệt phối hợp đôi tay đưa thoi, hai chân đạp hai bàn đạp, mỏ ác trên đầu gật gù. Đôi mắt đưa đẩy, phát hiện sợi đứt phải nối ngay. Dệt xong một tấm vải vuông phải mất 3 ngày là nhanh. Các cô gái ngồi dệt vải, cô nào cũng trắng như trứng gà bóc, khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Các cô thi nhau từng công đoạn. Các gia đình nền nếp theo đó mà chọn con dâu.

Trung Trữ cũng trồng dâu nuôi tằm, dệt nái. Công việc tơ tằm vất vả hơn nhiều “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”.

Vải, nái dệt xong phải qua khâu nhuộm. Người Trữ nhuộm vải bằng củ nâu trên rừng, giữ mầu bằng nước lá trầu không, hoặc lá bàng.. Vải để may váy thâm hoặc quần thâm thì qua thêm khâu trướt bùn, rồi mới giữ mầu. Sau này người ta gọi loại vải này là Ka ki nâu Trung Trữ.

Trung Trữ xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp, làm nên kỳ tích mới: “kiến thiết đồng ruộng”. Bờ vùng, bờ thửa, kênh ngòi dọc ngang dẫn thuỷ tiêu nước, mùa mùa bội thu. Những con đường “sống trâu bổ chõi”, cứt đái lầy lội được nắn lại, đắp mới, lèn đá, trải sỏi và đến hôm nay bê tông hóa đến tận cổng ngõ mỗi nhà dân. “Điện, Đường, Trường, Trạm” thay da đổi thịt làng quê tạo đà để Trung Trữ đi lên giầu sang hạnh phúc.

II. DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA - XẾP HẠNG CẤP QUỐC GIA

CHÙA TRUNG TRỮ

Xa xưa chùa tọa lạc ở đầu núi Gòi ( núi có nhiều con còi còi, còn có tên chữ là Cẩm Quy - con rùa). Chùa có tên ban đầu là chùa Bần (nghèo) dựng năm nào không rõ. Theo một số cụ ở gần chùa kể lại, phía đông nam xóm Nam có khu vườn chùa, ngày xưa vợ chồng ông bà Khúc Minh không có con, nhận làm sãi chùa, đi đâu ông bà cũng có nhau, nên có câu “quấn quýt như ông bà Khúc Minh”.

Khi chuyển chùa về cửa động Anh Linh xây mới vào năm Dương Đức nhị niên (1673), có mang theo hai pho tượng Tam Thế bằng gỗ bày trong hốc đá xanh cạnh cửa hang và hai pho tượng Hộ Pháp đứng hai đầu hồi Tụng Đường. Chùa mới mang tên chữ là “Anh Linh Sơn Động tự”

Trong bia kí “Kiến Anh Linh Sơn Động tự”, có ghi: Ngẫm thấy chùa phế rồi lại hưng, do kính tín Đạo Phật… Bia minh ghi lại để lưu truyền cho đời sau. … trước đây, chùa bị hỏng nát do vật đổi sao dời. Nơi đây bờ lăng không còn nữa, hang động cũng biến dạng chưa tu sửa lại được…

Về vị trí của chùa mới, khi tôn tạo làng có mời Hòa thượng trùm tăng huyện Gia Viễn, hiệu Huệ Nhật - Phật hiệu Chân Kinh đến bàn bạc. Với dáng tươi cười mãn nguyện, vị Hòa thượng nói: “Tốt lành thay. Tốt lành thay. Cảnh đẹp Động Anh Linh đúng là vật báu lâu đời của chùa động ta. Qua xem phong cảnh thấy án núi nguy nga, cỏ cây sầm uất, trước mặt có án Chu Tước hình chim phượng; đằng sau là huyền vũ thế núi cao vời vợi; phía trái có sông rạch như rồng uốn khúc, dân thôn trù mật, nảy sinh lá ngọc cành vàng; bên phải có Bạch Hổ, đền đài chanh vanh rực ánh hồng soi trên làn nước biếc. Cảnh trí chẳng khác gì nơi bồng hồ lãng uyển, khách đến thăm tất phải sinh lòng kính tâm ái niệm”.

Các cụ xây chùa với ước nguyện rất cao đẹp, bia kí ghi “thượng phù Quốc mạch, hạ phúc sinh dân”.(trước là phù Quốc gia, sau là làm phúc cho dân)

Việc xây dựng và tôn tạo chùa phần lớn do nhân dân công đức. Điều này đã được ghi trên bia đá đặt phía bắc tiền đường chùa.

Gồm 3 lớp: Tam quan với cửa chính và hai cửa tả môn hữu môn. tầng hai là gác chuông. Chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh tam niên (1795)

Theo đường chính đến 5 gian tiền đường còn gọi là bái đường, tiếp là tụng đường.

Tiền đường: gồm 5 gian, 6 hàng cột, gồm 24 cột, dáng cao, mái thẳng, hoành vuông, vì kèo kiểu chồng giường, chạm khắc đơn giản.

Thiêu hương: khi xưa làm theo kiểu chồng diềm, 8 mái. Năm 1932 dỡ đi, làm lại 5 gian, 4 hàng cột như ngày nay, vì kèo chồng giường, hoành vuông, mái thẳng. Cửa võng được chạm long, li, quy, phượng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trên cao là 4 chữ Hán: Anh Linh Sơn Động.

Tụng đường: gốm 5 gian. Gian giữa thờ Tam Bảo (Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu) hai bên là hai tòa Hộ Pháp (ông ác bên phải, ông thiện bên trái), hai hành lang thờ Hương Cửu Tộc ( tức 9 dòng họ đến đầu tiên lập làng). Và 2 tượng đá đưa từ chùa Bần về.

Trong cùng là thạch xế động môn, xây ngay vào cửa hang đá. Hang rộng 5 mét, chỗ cao nhất 3 mét, sâu 8 mét. Cửa hang được cải tạo và xây thành 3 cửa bằng phiến đá xanh. Lòng hang được xây thành bệ để thờ Phật. Bệ thứ nhất từ dưới lên là hai vị Thiên Trấn, Thiên Nương. Bệ thứ hai bên trái là tượng Thánh Tăng, bên phải là Thổ Địa. Bệ thứ ba giữa là tượng Cửu Long, hai bên có hai tượng Hộ Pháp Chủ thiên hộ từ, giữa là tượng Thích Ca sơ sinh. Bệ thứ tư ở giữa là ADiĐà, bên trái là tượng Kim Đồng, bên phải là tượng Ngọc Nữ. Trên cùng là 3 vị Tam Thế (quá khứ, hiện tại, tương lai). Phía sau có 2 tượng nhỏ ADiĐà được tạc khi mới dựng chùa.

Ngách hang bên trái, ngoài là tượng Quan Âm tạ sơn, phía trong là tượng ÁtNanĐà, bên trái là tượng Tiêu diêu đạo sạo, bên phải là tượng Diêm khấn kì vương hộ trì ÁtNanĐà. Ngách hang bên phải là tượng Đức Ông và hai pho tượng nhỏ GiàNam chân tô hộ trì Đức Ông.

Sau tòa cửu long là hang động lớn, dài 200 mét; có đường lên trời, đường xuống thuỷ hà; có nhiều khoang với nhiều cảnh trí kỳ thú, thạch nhũ muôn hình, trên là vòm cao, dưới có nước chảy. Đây là một hang động khổng lồ. Tấm bia dựng năm Dương Đức thứ hai (1673) đã ca ngợi là:

“ Thiên Nam đệ nhất động” (động đẹp nhất ở phía nam)

Thông qua lòng núi sang cửa phía đông mở rộng thành một hang lớn dài 30 mét, rộng 20 mét, chỗ cao nhất 7-8 mét, có cửa chính và cửa phụ. Ở cửa phụ nhân dân địa phương xây một ngôi miếu thờ Sơn Thần gọi là Miếu Nội và hang được gọi là hang Miếu Nội. Cửa chính của hang, năm 1965 được cải tạo thành Hội trường của Huyện uỷ Gia Khánh. Hang Hội trường có đủ chỗ cho mấy trăm người.

Ở phía nam chùa chính, gồm 2 lớp. Lớp trong hai bên thờ Tổ Tây và Tổ Ta, giữa thờ Tổ truyền đạo từ Ấn Độ sang với đôi câu đối:

“Thư tịch tây thiên phạ bạch mã

Tích phi đông độ tập phương bào”.

Gian bên trái thờ Sư tổ Việt

Nam

người đầu tiên tiếp nhận kinh kệ, áo cà sa và gậy thần xích vào Việt

Nam

. Gian bên phải thờ các vị sư đã tu và viên tịch tại chùa Trung Trữ.

Trước nhà thờ tổ là 3 gian tiền đường để tiếp khách và hội họp.

Phía bắc nhà thờ tổ là miếu Âm Hồn còn gọi là phủ Hàn Lâm thờ Át

Nam

Đà Đại Thánh - người quản lý kinh sách và sinh linh cô quả

Phía nam nhà thờ tổ là khu vực nhà ăn ở của các vị sư sãi.

Tháp nhỏ xây gạch ở trên cao là mộ sư Nghệ - sư đầu tiên tu tại chùa - dưới là cây tháp nhiều tầng, trong quàn hài cốt của các sư cụ: Đàm Tuấn, Đàm Khang, Đàm Ninh.

*Sư cụ Đàm Tuấn được Nhà nước tặng bằng có công với nước.

Chùa Trung Trữ được trùng tu nhiều lần: nhà tiền đường trùng tu năm Nhâm Tý (1912), nhà tổ trong trùng tu năm Ất Sửu (1925), nhà tiền đường khu nhà tổ trùng tu năm Nhâm Tý (1926). Năm 1930 trùng tu tụng đường, sơn cột và các cửa võng, tô tượng, năm 1994 lát gạch, năm 1997 sửa chữa lớn.

Một số sự kiện và con số đáng ghi nhớ:

- Danh thắng chùa Trung Trữ bao gồm một quần thể kiến trúc cảnh quan đẹp, có giá trị lịch sử.

Nơi thờ Phật, sinh hoạt tôn giáo của nhân dân địa phương

- Năm 1931, tại hang Miếu Nội (cửa phía đông) là nơi thành lập Chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên của thôn Trung Trữ. Chi bộ đã lãnh đạo dân đòi tăng công gặt và cuộc biểu tình chống sưu thuế 29/6 thắng lợi.

- Tháng 3-1947 Tỉnh uỷ Ninh Bình mở lớp huấn luyện cán bộ chống bọn phản động đội lốt tôn giáo, đồng chí Đỗ Mười, Bí thư Tỉnh uỷ về dự, đồng chí Đặng Kim Giang, Chủ tịch Liên khu Ba chỉ đạo hội nghị

- Trong chiến dịch giải phóng Hạ lưu sông Đáy đầu năm 1954 là Sở chỉ huy tiền phương của Đại đoàn 320 A

- Trong chiến tranh chống Mĩ, trường Ba Đảm Đang của tỉnh hội Phụ nữ Ninh Bình sơ tán về đây.

- Là nơi tổ chức Đại hội Đại biểu Huyện Đảng bộ Gia Khánh lần thứ 9 (hang Miếu Nội) ngày 14-4-1967. thời kì này hang dùng làm Hội trường của huyện Gia Khánh

- Nhiều năm là trường Tiểu học của xã. Năm 1953, đại bác giặc Pháp bắn vào chùa làm chết 1 thầy giáo, 5 học sinh và nhiều người bị thương.

ĐÌNH TRUNG TRỮ

  1. Sự hình thành

Chúc ước đọc ngày kì phúc (15-10 âm lịch) hàng năm có đoạn:

“ nguyên bản xã cảnh thuộc bang kỳ, tịch quy thang mộc, ấp sở cư thế khoát thiên đài, đình viên kiến linh chung địa trục…” nghĩa là làng ta thuộc đất Đế đô, thuộc miền thang mộc, ở trên thế đất sáng sủa, bầu trời khoáng đãng. Đình làng dựng trên mảnh đất có khí thiêng hun đúc…

Cũng theo chúc ước ghi rõ thế đất đình: “đầu đài cố long lân nguy nghiệp, viễn triều giang kỉ khúc doanh hồn. Giá tiền kình yên mã kì phong, hiệp hữu cúng Hoàng long thanh độc. Địa linh lượng thị sở chung. Nhân kiệt do chi nhi dục…” tạm dịch: Đình làng nằm trên khu đất thiêng, có khí thiêng hun đúc, gác đầu tựa long lân vời vợi, sông chầu về mấy khúc uốn quanh. Thoạt nhìn về đoàn ngựa bước lao liên, núi từng dẫy trùng trùng mở bức. Trước mặt núi Mã Yên sừng sững, bên phải trong vắt dòng Hoàng Long. Nơi đất thiêng liêng hùng vĩ ấy, nhân kiệt cũng từ đấy nảy sinh.

Trong phần luận của chúc ước cũng ghi rõ niềm tin với ngôi đình này dân làng sẽ nảy sinh nhiều danh tài đỗ đạt cao, mẫn cán và thành đạt trong công việc. Về võ cũng xuất hiện nhiều lương tướng; nhà nông cũng từng mùa bội thu; lao động cũng đỡ nhọc nhằn, lương thảo chất đầy kho, ắp lẫm; trăm nghề cũng được tinh thông; thuần phong mỹ tục ngày một phát triển; cuộc sống ấm no, tình cảm chan hoà. Khói hương phụng thờ và lễ văn ngày thêm phong phú (xem bài Chúc ước).

  1. Kiến trúc:

Đình xây theo hình chữ Quốc (Hán tự). Hạng mục chính là chữ Vương. Nội điện theo chữ Công (Hán tự).

Nội điện: ở chính giữa thờ Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Hai vị vua đều ngồi trong long ngai, trên cửa võng long cung là bức đại tự “Tràng An hồng nhật cận” (Gần mặt trời Tràng An). Bên trái sát long cung thờ Dương Vân Nga, ngồi trong long ngai. Gian bên phải thờ Hoàng gia triều Lê, gian bên trái thờ Hoàng gia triều Đinh.

Trong khung chuôi vồ bày bàn thờ Tứ trụ triều đình (trước đây bày theo chữ nhất, nay bày theo chữ nhật).

Tầng ngoài nội điện: Giữa thờ bát hương cộng đồng, mỗi kì tế lễ đều rước các bát hương Đức Chúa ở chùa, bát hương Bản thổ hương sơn linh ứng đại sơn thần ở miếu Nội, bát hương An trấn khôn sơn uy linh thần ở miếu Ngoại về đặt ở đây để tế lễ (gọi là tế vị tiền).

Gian hai bên hông là tả chiêu hữu mục. Phía trái thờ Hương tiên Đinh Thế Dong, phía phải thờ Hương quan Bùi Quốc Trinh.

Trên cửa vào nội điện là đại tự “Chính thống thủy” Mở đầu sự nghiệp thống nhất Sơn hà của nhà Đinh ở thế kỷ thứ X.

Trang trí trong nội điện rất uy nghiêm. Đôi hạc trắng chầu phía ngoài; hai hàng tế khí; hàng sau là cờ tiết và cờ mao; sau cùng là binh khí.

Trước Nội điện có Thạch đình với đôi rồng chầu. Trước sân là 5 gian Tế đình. Trước Tế đình là sân có xây vọng liệu. Hai bên là tả vu, hữu vu (còn gọi là giải vũ) .

Giữa cửa đình là cổng lớn gọi là Nghi môn với hai cột đồng trụ bằng đá khối khắc 3 đôi câu đối ở 3 mặt trụ.

Trước đình là hồ bán nguyệt. Có đình, nhưng mặt tiền không còn đất. Một đêm dân làng bê mốc giới (giữa Trung Trữ và Trường Yên) chôn sang bên kia bờ ngòi, lấy đất đào hồ bán nguyệt rộng 5 sào. Đình làng có ao đình thả sen hương ngát. Mãi đến năm 2003 ao đình được kè đá, và xây lại hai cầu ao. Xung quanh ao đình trồng cây. Xưa có cây đa cổ thụ (nay cỗi chết), chỉ còn cây si trước Nghi môn trồng trên hòn non bộ hình con voi, nay được thay bằng cây sanh đang phát triển, nhìn như một chiếc ngai. Hai bên là hai cây bồ đề lấy giống từ chùa Một Cột Hà Nội, cây mẹ do tổng thống Ấn Độ tặng Bác Hồ năm 1958.

Xưa, phía nam đình là chợ. Chợ Trữ là trung tâm buôn bán của một vùng sông nước. Điềm Giang xuống; Trường Yên, Hối, Thiệu, Thanh Ngô Khê, La, Gián sang; Thành Mĩ, Đa Giá, Đới Nhân lên. Giữa chợ có đình chợ khung lim, lợp gianh. Năm 50 của thế kỉ trước để tránh máy bay địch, chợ được chuyển vào chân núi trước hang Miếu Nội. Đình chợ cũng được chuyển ra dựng tại đây. Trong kháng chiến, Trung Trữ là vùng tự do. Bê kia sông Đáy là vùng tề với bốt Hoàng Đan. Việc đi lại giữa hai vùng qua Bến Mới, nhưng rất hạn chế. Hàng lậu từ vùng tề đưa sang buôn bán ở chợ Trữ.

Quần thể đình Trung Trữ xưa còn có cánh chân mạ Áng Bái rộng 4 mẫu. Ở đây có những gò đống tượng trưng cho “cột cờ”, “sách”, “bút”, “nghiên”. Cánh chân mạ này sau tết Nguyên Đán khi đã sạch mạ, trở thành sân chơi của Hội Xuân.

Đình Trung Trữ là một quần thể kiến trúc cảnh quan đẹp, có giá trị lịch sử, văn hóa.

Đình Trung Trữ thực chất là ngôi đền thờ Thánh. Nhưng vẫn được gọi là đình làng - Nơi diễn ra các hoạt động lớn hàng năm của làng:

Lễ khai xuân hạ lão ngày đầu năm

Lễ giỗ vua Đinh ngày 16 tháng Tám (âm lịch)

Lễ giỗ vua Lê ngày 8 tháng Ba (âm lịch)

Lễ Kỳ phúc ngày 15 tháng mười (âm lịch).

Là trường tiểu học. Bao thế hệ học sinh làng đã học và trưởng thành từ đây.

Năm 1927 thầy giáo Nguyễn Văn Quế đã tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước của Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học;

Từ năm 1930 thầy giáo Phạm Quang Thẩm giác ngộ Cộng sản cho học sinh và nông dân;

Năm 1931 Hội đồng Hương lý làng tuyên bố tăng công gặt lên gấp đôi và giảm sưu cho các nhân đinh của làng.

Chuẩn bị khởi nghĩa, “Bảo An đoàn” tập luyện quân sự, tuyên truyền cách mạng và Ngày 18 tháng Tám năm 1945 diễn ra cuộc mít tinh lớn của Việt Minh giành chính quyền thành lập Uỷ ban Hành chính lâm thời xã Trung Sơn. Đình Trung Trữ là trụ sở của Uỷ ban.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, đình làng là nơi tập luyện của dân quân du kích, bảo vệ xóm làng.

Qua thời gian và biến cố lịch sử, đình Trung Trữ đã trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Lớn nhất vào năm 1930: theo bia trùng tu tế đình làng tổ chức thuận quyên, bán chức Chánh xã, Lý trưởng, Xã, Nhiêu…thu được 80 đồng. mua 24 phiến lim và 2 cây gỗ lim lớn, 7 vạn viên ngói để trùng tu và làm mới nhiều hạng mục. Gồm: làm lại mái từ lợp tranh sang lợp ngói mũi; Tô tượng; Đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt (Đôi rồng được đánh giá là đẹp nhất trong vùng), trang trí phù điêu cảnh sông nước, cua cá, chăn trâu, tập trận … trên mặt bích hai hồi

Năm 2000 sửa chữa lớn: chống sập và xây lại nhà giải vũ (tả vu). Sau đó làm một số công trình như kè hồ, xây lại cầu ao, đổ bê tông đường đi, xây khuôn viên, trồng cây cảnh… Tất cả các hạng mục trùng tu, tôn tạo trên đều do nhân dân đóng góp và bà con đồng hương công đức.

Đình, Chùa và Miếu Nội Trung Trữ là quần thể kiến trúc liên hoàn, đồng nhất. Một cảnh quan đẹp có giá trị lịch sử văn hóa.

Trong Quyết định số 1539/ QĐ ngày 29 tháng 12 năm 1990 Bộ trưởng Bộ Văn hoá -Thông tin - Thể thao và Du lịch công nhận “DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA TRUNG TRỮ XÃ NINH GIANG HUYỆN HOA LƯ TỈNH HÀ NAM NINH” (nay là Ninh Bình).

* Trong Quyết định này nói chùa là bao gồm cả đình và hang miếu Nội. * Đình, Chùa, Miếu Nội Trung Trữ Ninh Giang Hoa Lư Ninh Bình là khu di tích lịch sử cấp Nhà nước.

  1. Đô đốc Vũ Đình Huấn với đồn Gián Khẩu.

Đô đốc Ân quang hầu Vũ Đình Huấn là danh nhân văn hóa Ninh Bình. Ông quê ở ấp Tràng An huyện Phù Cát, phủ Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Ông tham gia khởi nghĩa Tây Sơn từ rất sớm và lập nhiều chiến công. Vũ Đình Huấn góp phần lập phòng tuyến Tam Điệp vào cuối năm Mậu Thân (1788) và chỉ huy đánh đồn tiền tiêu Gián Khẩu .

Năm 1789, quân Tây Sơn dừng chân ăn tết sớm tại Tam Điệp rồi bất ngờ ngược theo đường Thạch Thành (Thanh Hóa) vòng xuống Phủ Đồi, Nho Quan (Ninh Bình) về Sơn Hà, Sinh Dược (đêm 30 tết qua đây, Quang Trung vào chùa Bái Đính thắp hương Nguyễn Minh Không - để ghi dấu sự kiện này dân địa phương đặt tên cho đoạn đường là là đường Ba Mươi). Đô đốc Vũ Đình Huấn chỉ huy một cánh quân theo đường Quèn Ổi về ém quân tại núi Dếnh, núi Dược, núi Cô Phong lấy núi Chùa Trung Trữ (Trung Phong) làm đài chỉ huy, vượt sông Hoàng Long tiêu diệt đồn Gián Khẩu. Trong trận chiến này, con gái thứ ba của Vũ Đình Huấn là bà Đô đốc Vũ Thị Đức chỉ huy đội quân voi chiến đã anh dũng hy sinh. Bà được mai táng tại Bãi Vải và dân địa phương tôn vinh bà là Thần Thành Hoàng, lập đền thờ bà. Nay là đình Khiến xóm Phú Xuân thôn Thượng Hoà xã Gia Thanh huyện Gia Viễn. Nơi đây quanh năm cây cỏ xanh tươi, hương trầm nghi ngút tưởng nhớ một nữ tướng Tây Sơn, người con Quy Nhơn Bình Định tài hoa nằm lại trên Đất Bắc.

Đại phá quân Thanh, Đô đốc Vũ Đình Huấn ở lại Bắc Hà, trấn giữ phòng tuyến Nho quan - Gián Khẩu - Vị Xuyên. Ông đặt tên cho núi Chùa là Trung Phong (núi giữa làng ngọn cao chót vót), lấy nó làm vọng tiền tiêu. Lấy bãi hạ lưu Hoàng Long làm nơi huấn luyện binh sĩ. Dấu ấn Tây Sơn còn ghi đậm tại Trung Trữ là đường cái Tây Sơn và ngòi Tây Sơn. Đây là đường và ngòi dân địa phương đào đắp cho quân Tây Sơn đi.

Ở lại Đất Bắc, Vũ Đình Huấn lấy vợ thứ họ Hà người Trung Trữ, sinh 2 con trai là Vũ Đình Văn, Vũ Đình Thư. (hai ông đều tuyệt tự). Mộ bà thứ họ Hà táng tại chân núi Gòi. Bà vợ thứ ba tên là Từ Trinh họ Nguyễn người làng Bãi Trữ, sinh 1 con trai là Vũ Đình Cố. sau trở thành cụ thuỷ tổ họ Vũ Đình ở phía Bắc. Họ Vũ Đình phát triển ở hai tỉnh Bình Định, Ninh Bình, nên gọi là họ Vũ Song Bình.

Họ Vũ Đình làng Bãi Trữ, xây từ đường thờ vị Đô đốc Tây Sơn Vũ Đình Huấn. Từ đường họ Vũ Đình Bãi Trữ được tỉnh Ninh Bình công nhận là “Di tích lịch sử”.

Vua Quang Trung phong Ân Quang Hầu và cấp 40 mẫu ruộng cho Đô Đốc Vũ Đình Huấn– cánh đồng này dân gọi là cánh đồng Hầu.

Sau khi vua Quang Trung đột ngột qua đời, triều đại Tây Sơn suy yếu dần, Nguyễn Ánh nhân cơ hội liên tiếp tấn công, thành Phú Xuân thất thủ. Được tin, Vũ Đình Huấn mang quân vào nam ứng cứu, giao chiến với Nguyễn Ánh ở sông Gianh. Do lực lượng chênh lệc, Vũ Đình Huấn bị Nguyễn Ánh bắt. Nguyễn Ánh ra sức mua chuộc, nhưng Vũ Đình Huấn một mực không theo. Vũ Đình Huấn lâm bệnh và mất. Con cháu đưa hài cốt cụ về mai táng tại nguyên quán.

Ca ngợi công đức Vũ Đình Huấn, khi thăm từ đường họ Vũ Đình, Hoàng Giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị đề tặng bài trướng và hai câu đối. Câu đối dịch nghĩa như sau:

Trung thành đế chế ra giữ Bắc

Trọn nghĩa thiên triều vào cứu Nam.

Đô đốc danh thơm tràn đất Bắc

Quy Nhơn lừng lẫy khắp phương Nam.

2. Bùi Cẩm, Bùi Uyển với phong trào Cần vương.

Từ Trường Yên Thượng, năm 1492 Thuỷ tổ Đinh Thế Dong ra Núi Dược (Đại Cự sơn), khẩn hoang lập làng Trung Thôn. Trên 500 năm, đời nối đời, dân làng đã dựng nên bản hùng ca truyền thống đánh giặc giữ làng.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, cùng nhân dân và các nhân sĩ yêu nước đã đi theo Văn Thân cần vương chống Pháp, Ở Trung Trữ tiêu biểu là Bùi Cẩm và Bùi Uyển.

Bùi Cẩm còn có tên là Bùi Kiêm, sinh năm Giáp Thân (1824) Ông là con thứ sáu cụ Bùi Doãn Địch, đỗ tú tài nên thường gọi là Tú Sáu. Còn trẻ ông đã tỏ rõ là người hào kiệt, phóng khoáng, không thiết con đường khoa cử. Ông cùng học với cháu là Bùi Uyển. Hai ông đều là học trò Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị. Bùi Uyển sinh năm Nhâm Thìn (1832) kém chú 8 tuổi, là người thông minh, chăm chỉ học hành, ham thích văn chương. Văn võ song toàn, nên còn gọi là Cử Võ. Tuy tính tình có khác nhau, cả hai chú cháu đều yêu nước chống Pháp xâm lược.

Hai chú cháu cùng thi một khoa Mậu Ngọ (1858) Cháu đỗ cử nhân, chú đỗ tú tài. Bùi Cẩm không thích “Quan lộ”, ông thường du ngoạn khắp nơi kết bạn với các quan lang Mường Bi, Mường Vang… đánh phá các nhà giầu cứu giúp dân nghèo. Còn Bùi Uyển theo lời khuyên của thầy học Phạm Văn Nghị, tạm ra giữ chức tri huyện, nên thường gọi là Huyện Thuỷ Đường.

Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Mùa xuân năm Canh Thân (1860) Phạm Văn Nghị tổ chức đội nghĩa dũng trên 400 người, tình nguyện vào

Nam

đánh Tây. Trong đội quân ấy có 5 cử nhân, 8 tú tài, Bùi Cẩm và Bùi Uyển tham gia đắc lực. Bùi Cẩm giữ chức xuất đội, Bùi Uyển giữ chức quản cơ.

Nhưng Nhà Nguyễn đầu hàng Pháp, cuộc đi ấy của Phạm Văn Nghị không thành. Bùi Cẩm và Bùi Uyển về quê luyện tập, chờ thời cơ.

Mười ba năm sau, thời cơ đã đến. Năm 1873 thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần thứ nhất. Bùi Cẩm đóng đồn Hải Lạng, nay là vùng Ninh Cường, Cồn Liêu huyện Nghĩa Hưng (

Nam

Định). Cùng với Bùi Uyển, dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Nghị đã cắm kè ở ngã ba Độc Bộ nơi tiếp giáp giữa sông Đào và sông Đáy, ngăn chặn đường tiến quân của thực dân Pháp từ Ninh Bình sang Nam Định. Ngày 5-12-1873 sau khi chiếm thị xã Ninh Bình một cách dễ dàng, Pháp đánh chiếm Nam Định. Ngày 10-12-1873 thực dân Pháp qua ngã ba Độc Bộ, Bùi Cẩm, Bùi Uyển chiến đấu quyết liệt. Quân ta bắn gẫy cột cờ tầu địch, giết chết 3 tên, làm bị thương nhiều tên. Nhưng, vì thiếu đạn, quân ta phải rút lui.

Cụ Phạm Văn Nghị lui về ở ẩn tại Thạch Bàn xã Trường Yên, trồng sen, câu cá, truyền bá tinh thần yêu nước cho học trò.

Cụ Bùi Cẩm lên Lạng Sơn tìm các bạn chiến đấu và mất ở đó. Tinh thần yêu nước chống Pháp của ông sống mãi trong lòng nhân dân.

3. Tiếng mõ Sộp năm 1931- Ngày truyền thống 29 tháng Sáu

Trung Trữ là đất hiếu học. Thời Minh Mệnh, ông Bùi Quốc Trinh học giỏi nhưng nhà nghèo. Ông chuyên giã gạo thuê lấy tiền ăn học. Sau khi đỗ đạt làm quan Án Sát, về quê ông tặng 4 xóm 4 cối đá giã gạo. Ông mua mấy chục mẫu ruộng làm đất “học điền”, xây nhà “học xá” để làm lớp học và hội họp.

Noi gương ông, con cháu đều hiếu học. Năm học 1925 – 1926 cả tổng La Mai chỉ có 1 trường tiểu học La Mai. Số học sinh Trung Trữ đông hơn La Mai và các làng khác, các bô lão trong làng làm đơn xin với Tuần phủ Ninh Bình cho chuyển trường về Trung Trữ hoặc mở thêm trường mới. Năm học 1926 – 1927 trường Tiểu học Trung Trữ được thành lập tại đình Trung Trữ. Thầy giáo Nguyễn Văn Quế người Sơn Tây được điều về đây dạy học. Thầy Quế đã tuyên truyền ảnh hưởng của Quốc Dân đảng ở Trung Trữ, khơi dậy lòng yêu nước, ghét Pháp xâm lược trong nhân dân. Thầy đã gây dựng được 1 tổ gồm 8 người, là các ông: Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Bùi Hồng Ân, Đinh Hữu Toại, Bùi Bổng, Vũ Khôi, Đinh Thế Hân, Vũ Xương.

Đánh hơi thấy phong trào yêu nước, thực dân Pháp cho tay sai theo dõi, tháng Ba năm 1929 chúng bắt thầy giáo Quế khi thầy đi công tác ở Thị xã Ninh Bình. Sau đó chúng điều thầy giáo Quế lên Cao Bằng dạy học.

Cuối năm 1929 thầy giáo Phạm Quang Thẩm được điều về dạy học ở trường Tiểu học Trung Trữ. Phạm Quang Thẩm đã mang ánh sáng Cách mạng về đây.

Phạm Quang Thẩm quê làng Chi Phong, tổng Thái Phú, huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Đồng chí Lưu Văn Uý công nhân mỏ than Mạo Khê, bị mất việc đã cùng Phạm Quang Thẩm về Trung Trữ tuyên truyền cách mạng. Do chưa bắt được liên lạc với tổ chức Đảng nên các đồng chí chưa biết chủ trương lựa chọn những người tích cực trong Thanh niện cách mạng đồng chí hội để tổ chức vào đảng Cộng sản. Đồng chí Phạm Quang Thẩm thành lập tổ chức cách mạng gồm 6 người. Đó là: Phạm Quang Thẩm, Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Bùi Hồng Ân, Đinh Hữu Toại, Đinh Thế Hân (và Vũ Xương kết nạp sau).

Vào khoảng tháng 12 năm 1930 đồng chí Nguyễn Doãn Chấp (tức giáo Mã, Lý Đình Rù, Hai Nghệ…) quê Thanh Hóa, Tỉnh uỷ viên Ban chấp hành tỉnh đảng bộ Nam Định phụ trách thôn bộ bắt liên lạc với Phạm Quang Thẩm. Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lựa chọn những hội viên tích cực của Việt Nam cách mạng đồng chí hội tổ chức một chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng, gồm 5 người: Phạm Quang Thẩm, Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Đinh Hữu Toại, Bùi Hồng Ân, do đồng chí Phạm Quang Thẩm làm bí thư. Đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Gia Khánh và cũng là một trong các chi bộ thành lập sớm ở Ninh Bình. Từ chi bộ Trung Trữ cơ sở cách mạng lan truyền sang các thôn Thanh Khê, Bạch Cừ huyện Gia Khánh, Thượng Hòa, Địch Lộng huyện Gia Viễn. Chi bộ đã lấy hang miếu Nội Trung Trữ) làm nơi thành lập. Đồng chí Phạm Quang Thẩm đã viết lên vách hang đá hai chữ “Việt Cường” bút danh của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp – nêu cao tinh thần tự cường của dân tộc. Từ đây hang miếu Nội còn có tên là hang Việt Cường - tên gọi của các đồng chí cách mạng. Sau đó chi bộ thành lập các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Phụ nữ giải phóng. Đồng chí Phạm Quang Thẩm lấy hang “Giai nhân” ở núi Chùa làm nơi đọc sách báo của thanh niên.

Sau khi đã thống nhất và chắp nối các tổ chức cách mạng ở vùng nông thôn hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định, Tỉnh uỷ Nam Đinh quyết định ra tờ báo bí mật phục vụ chỉ đạo phong trào cách mạng ở vùng nông thôn, lấy tên là “Hưởng ứng” với ý nghĩa là hưởng ứng phong trào Xô Viết nghệ Tĩnh. Đầu năm 1931 Tỉnh uỷ Nam Định đã chuyển cơ sở in báo từ thôn An Cừ huyện Ý Yên về hang Miếu Nội Trung Trữ. Đồng chí Phạm Quang Thẩm chịu trách nhiệm nội dung, bài vở do Tỉnh uỷ chỉ đạo. Tổ in ấn do đồng chí Lưu Văn Uý làm tổ trưởng, và các đồng chí Nguyễn Viễn, Đinh Hữu Toại, Nguyễn Ninh.

Báo “Hưởng ứng” cùng với nhiều tờ truyền đơn, tài liệu tuyên truyền cách mạng được ấn hành, phong trào cách mạng ở Trung Trữ được đẩy mạnh hơn nhiều. Nhân dịp kỷ niệm ngày Lê Nin từ trần 21 – 4 chi bộ Trung Trữ đã tổ chức cắm cờ búa liềm có đề 5 chữ “Đông Dương Cộng sản đảng” trên núi Nhội và trụ cầu Gián Khẩu. Đồng thời rải truyền đơn khắp các ngả đường từ làng ra đường cái. Năm chữ Đông Dương Cộng sản đảng do đồng chí Nguyễn Ninh viết bằng tay trái ở hang miếu Nội. Tổ cắm cờ núi Nhội gồm có Nguyễn Kiện, Nguyễn Ninh, Nguyễn Tốn. Tổ cắm cờ ở cầu Gián Khẩu gồm có Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Đinh Hữu Toại và thiếu niên Đinh Văn Khoáng. Kế hoach cắm cờ đã thành công rực rỡ.

Các tài liệu, báo chí của đảng được truyền tay, thơ ca cách mạng được truyền miệng trong nhân dân. Phong trào luyện tập võ, tập quyền khá rộng rãi. Một số người đánh dao bảy, rèn dao quắm làm vũ khí chuẩn bị lên đường tranh đấu ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 4 năm 1931, chuyển sang in báo “Dân cày” tờ báo của Tỉnh uỷ Nam Định phát hành từ 1-1- 1929. Tờ báo “Dân cày” in được 1 số ở Trung Trữ thì phong trào bị khủng bố. Tổ in thu nhỏ hoạt đông không in báo cho tỉnh, chỉ in truyền đơn tuyên truyền.

Ngày 6 -5-1931, Tri huyện Gia Khánh đưa một tốp lính về trường Tiểu học Trung Trữ bắt đồng chí Phạm Quang Thẩm. Tuy vậy cơ sở đảng không bị lộ, phong trào vẫn phát triển.

Vụ chiêm năm 1931, hạn hán kéo dài, mùa màng thiệt hại nặng, sưu cao thuế nặng, đời sống của nhân dân ngày càng cùng quẫn. Trước tình hình đó Đảng bộ Tỉnh Ninh Bình triệu tập hội nghị liên huyện Gia Viễn, Gia Khánh, Nho Quan họp tại nhà ông Đinh Văn Đợt thôn Trung Trữ, bàn thực hiện chủ trương của Tỉnh Đảng bộ vận động quần chúng lên đường đấu tranh ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hội nghị nhất trí mục tiêu của cuộc đấu tranh là chống sưu cao thuế nặng để nhân dân đỡ khổ. Tư tưởng chỉ đạo là phải kiên quyết, dùng hình thức đấu tranh hợp pháp để đạt mục đích mà địch không có cớ đàn áp. Vì vậy phải nhẫn nại vận động nhân dân làm đơn và kéo lên Tỉnh xin khất thuế.

Để tập dượt quần chúng qua đấu tranh trực diện với kẻ thù, làm cho họ tin vào sức của mình, tin vào đảng, bước đầu phải lãnh đạo nông dân đấu tranh trực diện với chủ ruộng, đòi tăng kì được công gặt, lấy cớ phải tăng công gặt mới có tiền nộp thuế cho Nhà nước. Thực hiện mục tiêu đấu tranh đòi giảm bớt sưu cao cho dân, Đảng bộ Ninh Bình nêu khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, như “khất thuế”, “ khất sưu”, xin “nộp dần”, xin “phân trưng” (tức nộp dần, nộp một nửa cho đến khi nộp hết trong một thời gian nhất định).

Cuộc đấu tranh đòi tăng công gặt ở Trung Trữ trở nên quyết liệt, khi chủ ruộng và nông dân xô xát trên đường làng. Lý trưởng được thuyết phục trước, đã khéo léo khuyên nhủ chủ ruộng rút về nhà. Phần đông điền chủ đã chấp nhận tăng công gặt, nhưng còn một số ngoan cố làm đơn kiện lên Hội đồng hương lý. Sáng ngày 20 - 5 (4-4 Tân Mùi) Hội đồng Hương lý họp tại đình Trung Trữ bàn vấn đề công gặt. Chi bộ đưa một số nông dân ra đình đấu tranh làm áp lực chính trị, đồng thời giao nhiệm vụ cho hội viên nông hội đỏ có chân trong Hội đồng hương lý đấu tranh với bọn hương lý ngoan cố. Cuối cùng Hội đồng hương lý lập biên bản xác nhận công gặt từ 4 gánh lấy 3 đon lên mức 4 gánh lấy 1 bó. ( tức 8 bó lấy 1 bó).

Có kinh nghiệm của cuộc đấu tranh đòi tăng công gặt, thực hiện chủ trương của đảng bộ Ninh Bình “Phát động cao trào đấu tranh chống thuế vào tháng 6 - 1931”. Tối ngày 28-6-1931 (13-5Tân Mùi) các chiến sĩ cách mạng họp nông dân tại điếm xóm Đông bàn kế hoạch sáng sớm hôm sau đi biểu tình chống thuế. Chi bộ chọn khẩu hiệu “khất sưu” cho phù hợp với tình hình. Trong cuộc họp này chi bộ đã vận động nông dân làm đơn khất sưu với lý do mất mùa, tiền công rẻ mạt, đời sống khó khăn, không công ăn việc làm. Theo kinh nghiệm của xã Vân Trình nông dân kí đơn vòng tròn từ dưới lên để địch không phát hiện người đứng đầu đơn mà bắt bớ. Có 177 người kí vào đơn. Hội nghị cử ra ban đối chất, ban trật tự, có bộ phận liên lạc trong và

ngoài. Thống nhất yêu cầu, mức độ đấu tranh, đảm bảo thắng lợi. Hội nghị nhất trí lấy tiếng mõ gốc cây sộp trước cửa Miếu Nội làm hiệu lệnh.

Sáng sớm ngày 29 tháng 6 năm 1931, ông Nguyễn Ngôn đánh 3 hồi 9 tiếng mõ sộp, từng tốp từ ngõ xóm tập trung tại điếm xóm Đông, lên đường kéo về Tỉnh “khất thuế”. Đoàn có 300 người. Đến cầu Huyện nông dân các làng Thanh Khê Hạ, Áng Ngũ, Đại Áng… cũng tham gia. Đoàn biểu tình lên tới 500 người. Đoàn đến Đới Nhân, Tri huyện Phạm Lệ cho lính ngăn lại không nổi, liền về tỉnh kêu Tuần phủ và Chánh sứ. Viên Chánh sứ Morlo sai Tuần phủ Phan Đình Hòe và Cẩm Tây đem lính đón đường giải tán “đám biểu tình”. Gần đến Thị xã Ninh Bình, đoàn biểu tình bị bọn lính có vũ trang chặn lại, Cẩm tây, Tuần phủ không chịu nhận đơn. Hai bên giằng co căng thẳng. Tên Cẩm tây hô lính giương súng dọa bắn. Đoàn biểu tình cứ đi, ông Bùi Xích phanh áo ngực và hô: “Đây! cứ bắn đi! Dù chết cũng không lui”. Ông Bùi Hoa Hạnh bị Cẩm Tây hành hung, ông dùng võ suýt quật ngã tên này, nhưng bị lính bắt dẫn về nhà pha. Lập tức có tiếng hô: “Ta đi cả vào nhà pha, chết

đống hơn sống một người”. Cuối cùng Tuần phủ Phan Đình Hòe đứng ra hứa sáng mai sẽ về đình Trung Trữ giải quyết.

Sáng ngày 30-6-1931 chánh sứ Ninh Bình Từ Nguyên Mạc về đình Trung Trữ tìm người cầm đầu. Dân lại kéo về đình thêm đông. Thấy vậy, Từ Nguyên Mạc bảo dân làm đơn khác kí tên tại chỗ, rồi nhận đơn đem về Tỉnh.

Kết quả cụ thể năm ấy được giảm 10% tiền sưu,( tức 0,25đ bằng 18 kg thóc).

Mấy ngày sau, Từ Nguyên Mạc cho tay sai về Trung Trữ bắt đi 21 người. Không có bằng chứng gì, chúng vẫn mở phiên toà xử án tù 11 người từ 6 tháng đến 1 năm hoặc án treo.

khoảng tháng 9 năm 1931 đồng chí Nguyễn Doãn Chấp bị bắt tại Ý Yên trên đường đi công tác. Phong trào ở Trung Trữ mất liên lạc. Đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt gần hết. Phong trào cách mạng ở Trung Trữ tạm lắng xuống!

Nhân dân Trung Trữ lấy ngày 29 tháng Sáu làm ngày truyền thống quê hương. Và, ngày này cũng là ngày truyền thống của nông dân Hoa Lư.

4.

Khởi nghĩa ngày 18 tháng 8 năm 1945

Giữa năm 1943 phong trào cách mạng ở Trung Trữ được phục hồi và lên dần. Tháng 7 năm 1944 đồng chí Nguyễn Tốn tức Đông và đồng chí Nguyễn Hiến tức Bắc được kết nạp vào đảng và nhận nhiệm vụ xây dựng lại cơ sở. Hai đồng chí sinh hoạt ghép với chi bộ Thanh Khê.

Cuối năm 1944 đồng chí Nguyễn Văn Ất cán bộ tỉnh về công tác cùng sinh hoạt với hai đồng chí Đông và Bắc, thành lập chi bộ đảng Trung Trữ do đồng chí Ất phụ trách. Đây là lần thứ hai chi bộ đảng được thành lập ở thôn Trung Trữ.

Đầu năm 1945, các tổ chức nông dân, thanh niên, phụ nữ cứu quốc được thành lập. Tháng 3 năm 1945 thành lập Mặt trận Việt Minh. Khoảng tháng 6 năm 1945 Việt Minh gây dựng cơ sở ở La Mai, La Vân và Bãi Trữ. Đội tự vệ chiến đấu có 15 đội viên. Bề ngoài mang tên “Bảo An Đoàn”, thực chất là đội tự vệ chiến đấu ở địa phương. Đêm nào anh em cũng ra hang Miếu Nội tập luyện sử dụng súng chuẩn bị chiến đấu.

Đầu tháng 6 năm 1945 đội võ trang tuyên truyền đã tổ chức cho đồng chí Nguyễn Thị Liên cán bộ ban Tỉnh uỷ lâm thời về đình Trung Trữ diễn thuyết công khai.

Tháng Tám năm 1945 trời đổ mưa mấy ngày liền, lũ rừng đổ về, nước ngập đường làng, nước lém vào sân nhà. Ngày 18 tháng 8 năm 1945, nhân phiên chợ Trữ, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Trung Trữ đã nổ ra.

Từ nửa buổi sáng ngày 18 Trung Trữ như rung lên: trống, chiêng, thanh la, tù và, mõ tre.. và những tiếng hô, hò reo vang vọng khắp làng. Từ các xóm hai đoàn thuyền, mỗi đoàn chừng 30 chiếc chở đầy người mang theo cờ đỏ sao vàng, gậy gộc, câu liêm, đòn càn…Theo hai hướng đổ về đình làng dự “lễ ra mắt Uỷ ban Cách mạng lâm thời xã Trung Sơn”. “Đội Bảo an đoàn” trở lại mang tên vốn có “Đội Tự vệ Việt Minh”, súng trong tay đứng nghiêm trước kỳ đài. Ông Nguyễn Hiến bước lên bục, long trọng tuyên bố:

- Chính quyền thân Nhật ở tổng, làng, bị bãi bỏ.

- Mặt trận Việt Minh thành lập Uỷ ban Cách mạng lâm thời để điều hành mọi công việc bắt đầu từ hôm nay, ngày 18 tháng Tám năm 1945.

* Ông Nguyễn Hiến Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh xã làm Chủ tịch.

* Ông Đinh Duy Thận bí thư Hành chính

* Ông Nguyễn Tốn uỷ viên Quân sự

* Ông Bùi Hữu Khang uỷ viên Văn hóa Xã hội

* Bà Lê Thị Tớng uỷ viên Tài chính.

Năm vị đứng thành hàng dưới tấm phông của lễ ra mắt…

Anh Đinh Khắc Tiệp, giơ tay hô lớn “Ủng hộ Uỷ ban Cách mạng lâm thời xã”. Tiếng hô “Ủng hộ Ủy ban Cách mạng lâm thời xã” vang lên. Sân đình ầm ầm khí thế. Kết thúc cuộc mít tinh, các thuyền lại theo hai hướng tuần hành về các xóm.

5.1 Công binh xưởng Trung Trữ:

Vào tháng 10-1946, ông Binh Cường lính thợ của Pháp bỏ ngũ về quê đã chế thử một quả lựu đạn, ném nổ thành công. Tháng 11-1946 Uỷ ban Hành chính xã Trung Sơn quyết định thành lập tổ sản xuất lựu đạn để trang bị cho du kích của xã. Gồm các ông: Binh Cường, Đinh Trố, Đinh Tuý, Đội Xứng, Đinh Boa, Đinh Ngữu, Bùi Tuyển, Đinh Ngọc Nãi, Vũ Rơi. Địa điểm sản xuất đặt ở nhà ông Đinh Diếu, xã điều cho hai bễ lò rèn của ông Phoọng và ông Nhung. Nguyên liệu là xoong, nồi, cuốc cùn, liềm hái…do đội Thiếu niên Cứu quốc thu nhặt, quyên góp. Ban đầu lò nấu đặt ngoài trời, đốt bằng than củi, gang không chảy. Sau chuyển về 3 gian nhà tranh chuyên chăn tằm ươm tơ của bà Ký Kiểm, gang chảy nhưng có khả năng cháy nhà. Sau đó chuyển về nhà bà Lý Thức lợp ngói. Một tháng đúc được 150 vỏ lựu đạn.

Ông Lương Nhân tỉnh uỷ viên, uỷ viên Quân sự (sau này là Thiếu tướng Cục trưởng Cục Hậu cần) về xem xét và quyết định thành lập xưởng sản xuất vũ khí của tỉnh Ninh Bình đặt tại chùa Trung Trữ. Điều 10 người đến nâng cao tay nghề tại Công binh xưởng K1 trung đoàn 34 đặt tại hang Luồn xã Trường Yên. Mời ông Ninh Văn Tràng thợ cả nghề đúc Tổng Xá – Ý Yên –

Nam

Định cùng 2 thợ, đem theo nồi nấu gang, vật liệu làm khuôn vào giúp. Ông Tài Quy chủ xưởng sửa chữa Ô tô duy nhất của Thị xã Ninh Bình lúc bấy giờ ủng hộ 1 máy nổ, 2 cỗ máy tiện, máy khoan và toàn bộ dụng cụ êtô, đe búa… Tỉnh huy động 3 thuyền ván đinh (loại 50 tấn) chuyên chở toàn bộ ống gang dẫn nước sạch bóc dỡ (tiêu thổ kháng chiến) từ Thị xã Ninh Bình về Trung Trữ làm nguyên liệu sản xuất vũ khí.

Đến tháng 2 năm 1947 số thợ lên đến 50 người, gồm 40 là người Trung Trữ, sản xuất tại xưởng, ăn ngủ tại nhà mình và 10 thợ từ Tổng Xá và K1 đến đều ăn nghỉ tại nhà bà Lý Thức. Bà nuôi 10 thợ này trong 3 tháng ròng rã.

Ngày 10 -2 -1947 lô lựu đạn đầu tiên 200 quả ra lò. Anh Đinh Trố ném thử tại chân núi Thuyền Rồng, lựu đạn nổ ngay khi đập làm nát bàn tay (bị nhiễm trùng, anh đã hy sinh).

Điều chỉnh lại, ngày 20-2-1947 ông Vũ Xứng ném thử ở sau đình bị thương cụt bàn tay.

Lần thử thứ 3, ngày 10-3-1947 Đinh Thợng xung phong ném thử tại vườn Bái, thành công mỹ mãn..

Đến ngày Pháp đánh ra Ninh Bình (23-3-1947) xưởng đã sản xuất được 2.500 quả lựu đạn, 300 quả mìn cung cấp cho bộ đội, du kích trong tỉnh.`

Do xưởng sản xuất đặt tại chân núi Chùa chỉ cách bốt giặc Hoàng Đan 2 km nên tháng 5 - 1947 Tỉnh quyết định chuyển xưởng về làng Văn Lâm thuộc vùng núi Tam Cốc xã Ninh Hải, mang tên

K2

.

5.2 Rèn cán luyện binh

Ngày 31-1-1947 Chi bộ đảng Trung Trữ được thành lập lại lần thứ 3.

Tháng 3-1947 Tỉnh uỷ Ninh Bình tổ chức lớp huấn luyện cán bộ tại chùa Trung Trữ, nhằm chống lại bọn phản động đội lốt tôn giáo nổi loạn ở Phát Diệm, Khánh Nhạc, đồng chí Đỗ Mười với cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Binh đã về dự. Đồng chí Đặng Kim Giang với cương vị Chủ tịch Liên khu 3 chỉ đạo dẹp bọn phản động, bắt tên Cai Khoan giải về chùa Trung Trữ.

Tháng 2-1954 để chỉ đạo nhổ bốt Hoàng Đan, mở đầu cho việc giải phóng đồng bằng hạ lưu sông Đáy, đồng chí Lương Nhân chính uỷ Sư đoàn 320A đã lấy chùa Trung Trữ làm trụ sở tiền phương của sư đoàn.

Thời kì chống Mỹ, chùa Trung Trữ, núi Gòi là nơi sơ tán của Tỉnh đoàn Ninh Bình, Trường Đảng tỉnh, Trường Ba đảm đang tỉnh. Hang Miếu Nội được sửa sang thành Hội trường của Huyện uỷ, UBND huyện Gia Khánh.

Ngày 14-4-1967 hang Miếu Nội là nơi họp Đại hội Đại biểu huyện đảng bộ Gia Khánh lần thứ 9. Đại hội đã phát động tinh thần yêu nước, yêu Chủ nghĩa Xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đẩy mạnh phong trào vừa chiến đấu vừa sản xuất, chống thiên tai địch hoạ, đảm bảo đời sống nhân dân. Tại hang Miếu Nội ý chí quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược đã tỏa đi toàn huyện.

Sau khi thành lập chính quyền nhân dân, Trung Trữ lại bước vào kháng chiến chống Pháp xâm lược. Trung Trữ có một trung đội du kích 35 người, một đội cứu thương 6 nữ 4 nam, một đội tiếp tế 8 người, một tổ quân báo, liên lạc 6 người. Trung đội du kích được xã cấp 2 mẫu ruộng tăng gia tự túc lương thực và mua vải may trang phục thống nhất. Trang bị vũ khí có: 4 súng trường, 150 lựu đạn, 100 quả mìn muỗi, 3 quả bom cải tiến thành địa lôi, còn lại là mã tấu, dao mác, kiếm do đội viên tự sắm.

Làng còn có một trung đội dân quân do các bậc cao niên, trung niên tự nguyện tham gia. Trang bị chủ yếu là dao quắm, đinh ba, gậy gộc. Nhiệm vụ chính là đôn đốc dân làng tản cư, giữ gìn an ninh, chữa cháy, bảo vệ tài sản những gia đình đi tản cư …

Trung Trữ không rào làng kháng chiến, cũng không tiêu thổ kháng chiến. Làng chuẩn bị đánh giặc bằng vũ khí tự tạo, đường làng ngõ xóm đặt các chướng ngại vật, cài mìm, đặt chông. Dân quân, du kích di chuyển theo các con đường đục tường nhà nọ thông nhà kia, xóm trên thông xóm dưới. Du kích ẩn nấp trong các nhà nhìn rõ địch di chuyển quân ngoài đường ngõ mà xông ra tiêu diệt. Du kích đào sẵn hầm bí mật nơi góc vườn, bờ tre, gầm chuông trâu, chuồng lợn. Nắp hầm là chum, vại đưng nước, mâm bún, cũng có thể là thúng do đi đái. Các hầm đều có cửa thứ hai thông ra bờ ao.

Du kích đặt đài quan sát trên ngọn núi Chùa giữa làng.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 19 tháng 12 năm 1948, đài quan sát báo tin: “khoảng trên 100 tên địch có cả Tây đang hội quân ngoài bãi sông, khả năng sẽ càn làng ta” Lát sau đài lại báo tin

“chúng đang chuyển quân theo đường đồng Mầu, đến gốc đa Văn Liễu, chia thành hai cánh tiến vào xóm Đông và xóm Tây.”

Du kích ở tư thế sẵn sàng đánh địch.

Ở hướng Tây, địch chạm cống Đá Dựng đầu làng, du kích Mâu giật địa lôi nổ sập cống. Địch bỏ chạy, bỏ lại 1 hòm lựu đạn. Sau khi hoàn hồn chúng men bờ rào vào mấy nhà dân đầu xóm, bắt đi 3 con lợn.

Ở hướng Đông, đợi địch hội quân trên sân điếm đầu xóm, 4 du kích từ bên kia tường tung liền 8 quả lựu đạn. Thằng chết, thằng bị thương, chúng hò nhau tháo chạy, giẵm phải chông, lôi cả bàn chông lên cáng tháo lui. Chúng phóng hỏa đốt nhà dân. Dân quân xông lên dập lửa nhanh gọn, sau hơn tiếng đồng hồ đám cháy bị dập tắt. 15 nóc nhà bị giặc thiêu trụi.

Trên đài quan sát, qua ống nhòm thấy một tên Tây đen nằm trên cáng, còn trên chục cáng nữa chắc là nguỵ quân. Nhiều gương chiến đấu còn lưu truyền đến nay. Du kích Bùi Quyện vác mã tấu quần nhau với địch quanh đống rơm, chém bị thương tên này trước khi rút xuống hầm bí mật an toàn.

Giữa tháng 2-1953, từ bốt Hoàng Đan địch cho 18 xe cóc hội quân tại gò Con Cá, chia thành hai mũi. 6 chiếc chà xát cánh đồng ngô Văn Thân, Bãi Bích. 12 chiếc càn vào làng Trung Trữ.

Một mặt, du kích tổ chức chiến đấu thực sự. Một mặt, trên đài chỉ huy ở đỉnh núi Chùa du kích Đinh Thế Thư dùng loa chỉ huy nghi binh, làm địch hoang mang không dám càn vào làng. Từ bốt Hoàng Đan địch bực tức nã từng loạt Moóc Chê vào đỉnh núi đá.

6. Mười năm đánh Mỹ chi viện Miền Nam

Năm 1960, kỉ niệm 30 năm đời ta có Đảng, Trung Trữ đắp con đường lớn nối làng với Quốc lộ 1A. Đường rải đá cấp phối, hai bên trồng xà cừ. Con đường giải phóng đôi vai, đi lên Xã hội chủ nghĩa. Khi giặc Mĩ leo thang phá hoại Miền Bắc, đường 30 được mở rộng nâng cấp thành đường chiến lược, xe tải hạng nặng qua lại lên xuống cầu phao Văn Thân tránh cầu Gián Khẩu bị máy bay Mĩ đánh sập.

Quân dân xã Ninh Giang cùng bộ đội bắn rơi 3 máy bay Mĩ,

Mười năm chống Mỹ, nhân dân xã Ninh Giang đã:

Chi viện chiến trường 2.100 tấn lương thực, 540 tấn thịt lợn .

5 bà mẹ Việt Nam Anh hùng

2 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân

Xã Ninh Giang là Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, riêng Trung Trữ còn được tặng BẰNG CÓ CÔNG VỚI NƯỚC.

Hợp tác hóa nông nghiệp đã xây dựng được cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở của nông thôn “điện, đường, trường, trạm” tương đối hoàn chỉnh tạo điều kiện để nông thôn phát triển toàn diện. Từng bước xóa đói giảm nghèo, đời sống nông dân cả vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Bộ mặt Trung Trữ hoàn toàn thay đổi.

Đến nay, làng Trung Trữ không còn hộ đói. Số hộ nghèo chỉ còn dưới 10%. Không còn nhà tranh vách đất, tất cả đã ngói hóa, phần đông là nhà tầng, sân gạch. Nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc. Hầu hết các gia đình đều dùng bếp ga, công trình phụ khang trang, vệ sinh sạch đẹp.

Đường làng ngõ xóm, đường liên thôn liên xã đều bê tông hóa.

Làng có Trường Mẫu giáo, Trường Tiểu học. Xã có Trường Phổ thông Cơ sở. Các trường đều đạt chuẩn quốc gia. Tất cả con em đều được đi học, hầu hết tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Đa số học sinh đều đi học các trường Nghề, Trung học hoặc Đại học.

Phong trào xây dựng nếp sống mới phát triển mạnh. 100% gia đình Văn hóa. Trung Trữ từng có đội văn nghệ, tự biên tự diễn nhiều tiết mục đặc sắc phục vụ các phong trào của địa phương. Đặc biệt năm 1969 bộ phim đèn chiếu “Diệt hổ bảo vệ làng” của Trung Trữ được giải nhất Hội diễn Tỉnh. Nay Trung Trữ có “đội tế nữ quan” phục vụ tế lễ tại đình làng và Hội Đinh Lê hàng năm của tỉnh Ninh Bình. Trung Trữ là làng Văn hóa. Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Trung Trữ có đời sống vật chất đầy đủ và tinh thần phong phú. Nhiều người học hành đỗ đạt. Chất lượng dân số cao hứa hẹn nhiều thành tựu mới của làng trong tương lai gần.

Nhưng, trong quá trình đi lên, Trung Trữ đã mắc một số khuyết điểm:

Muốn đốt cháy giai đoạn để tiến nhanh lên “Chủ nghĩa xã hội”. Cho rằng chủ nghĩa phong kiến là lạc hậu: đình, chùa, miếu, đền là biểu tượng mê tín dị đoan. Do đó đã:

- Phá Miếu Đáy ngã ba Gián Khẩu,

- Phá Miếu Ngoại thờ thần An Trấn Khôn Sơn, (3 sắc phong của 3 triều vua: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định)

- Phá dỡ tả vu, hữu vu đình làng, nơi đã chứng kiền tất cả sự kiện lớn nhỏ của làng hàng trăm năm nay.

- Nhiều năm, các nơi thờ tự bỏ hoang phế, có nguy cơ đổ sập.

  1. THẦN TÍCH VÀ THẦN SẮC

Tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam, trong thư mục kí hiệu TT-TS FQ4 18/XXVI/46 là bản khai Thần Thành Hoàng của xã Trung Trữ tổng La Mai huyện Gia Khánh (nay là làng Trung Trữ xã Ninh Giang Hoa Lư Ninh Bình). Bản khai đề ngày 13 tháng giêng năm 1938 do Lí trưởng Đinh Hữu Toại kí tên, đóng triện. Theo bản khai, làng Trung Trữ thờ 4 nhân thần, 3 thiên thần và có 26 sắc phong.

Nhân thần:

  1. Đinh Tiên Hoàng. huý Bộ Lĩnh: Thờ tại Đình làng, tượng, long sàng.
  1. Lê Đại Hành. Huý Lê Hoàn: Thờ tại Đình làng, tượng, long sàng.

Hai ngài, được 9 sắc phong:

Thiệu Trị năm thứ 2 (2 sắc phong)

3. Bảo Quang Hoàng Thái Hậu: Thờ tại Đình làng, tượng, long cung..

4.Lê Triều. Thờ tại Đình làng.

- Đức Lê Triều Trung Tôn Hoàng Đế, 2 sắc phong:

- Đức Lê Triều ngọa Triều Hoàng Đế, 1 sắc phong:

- Đức Lê Triều Đông Thành Đại Vương Tôn Thần, 1 sắc phong:

- Đức Lê Triều Kình Thiên Đại Vương Tôn Thần, 1 sắc phong: Khải Định năm thứ 9.

Thiên thần:

5. Anh Linh Sơn Động Chủ Tể Uy Linh Thần. Thờ tại chùa. Thần tượng

6. Bản Thổ Hương Sơn Linh Ứng Đại Sơn Thần. Thờ tại miếu, long ngai.

7. An Trấn Khôn Sơn Uy Linh Thần. Thờ tại Miếu, long ngai.

VI. LỄ HỘI.

Trung Trữ, hàng năm có các ngày lễ trọng và lễ thường.

Khai xuân hạ lão, ngày 2 tết Nguyên đán.

Giỗ Vua Đinh Tiên Hoàng, ngày 16 tháng 8 âm lịch.

Giỗ Vua Lê Đại Hành, ngày 8 tháng 3 âm lịch.

Kì Phúc, ngày 15 tháng 10 âm lịch.

Chạp Tổ, ngày 1 tháng 12 âm lịch

Mồng Ba tháng Ba âm lịch.

Mồng Năm tháng Năm âm lịch.

Tuỳ Lễ trọng hay lễ thường, hương ước quy định lễ vật và hình thức tế lễ. (Xem các bài Văn tế, Chúc ước)

Ở vùng này có rất nhiều lễ hội, xưa có Hội La:

Nhất vui là hội Phủ Dầy

Vui là vui vậy không tầy hội La

Hội La: 3 năm một lần tế Kỷ Yên vào các năm Thìn, Tuất; 6 năm một lần làm chay vào các năm Sửu, Mùi. Cái đặc sắc của hội La là tế các con giống vặn bằng rơm. Nghề “Hoa nam” của làng La Mai nay không còn..

Hội làng Trung Trữ mở vào năm Tý mỗi giáp (12 năm một lần). Lễ hội kéo dài nhiều ngày từ 10 đến 15 tháng 3 âm lịch, có nhiều trò như: hát Chèo Sân Đình, hát Xẩm, Chầu Văn. Tổ tôm điếm, Tam cúc điếm, cờ người. Thi đấu võ và nhiều trò chơi dân gian. Như: kéo co, đấu vật, cử tạ, xách tạ chạy vòng quanh sân đình, đấu roi, đấu kiếm, biểu diễn võ tay không, đi quyền, đua thuyền, thi bơi, thi lặn, bịt mắt bắt dê, đuổi vịt, đu tiên, thi nấu cơm, vân vân. Trung Trữ có truyền thống thượng võ. “Trai Trung Trữ, nữ Trường Yên, để nói về trai anh hùng gái thuyền quyên, của hai làng này. Tương truyền ông Đinh Hữu Lực gọi là “ông gạo vàng” vì ông ăn khỏe chỉ ăn gạo vàng mới no. Ông vào Trường Yên thi vật, người ta không cho vào, ông tức giận bóp nát cây gậy. Khi về, ông vác một phiến đá to lội tắt đồng về vất ở bên cống gọi là cống đá dựng .

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sơ khảo lịch sử Đảng bộ Ninh Giang tập1, tập 2.
  1. Hồ sơ di tích lịch sử - Văn hóa đình, chùa Trung Trữ.
  1. Lịch sử đình và chùa làng Trung Trữ do cụ Vũ Hữu Ngọc biên tập.
  1. Một số bài dịch của cụ Xuân Cung - Đinh Duy Thận. cụ Vũ Toàn, và Cán bộ Bảo tàng Hà Nam Ninh - Trần Công Lập.
  1. Tư liệu do Đại tá Ngô Quang Triên cung cấp.
  1. Phương ngôn và chuyện kể truyền miệng do các cụ cao niên kể lại.
  1. Vầng trăng làng Trữ tập 1, tập 2.

(*) Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho BBT. BBT xin trân trọng cám ơn TƯ LIỆU QUÝ và sớm biên tập hình ảnh minh họa.