Top 10 những nước giàu nhất thế giới năm 2024

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu xét theo GDP. Song, nếu xét theo GDP bình quân đầu người, vị trí này trong năm 2023 thuộc về Ireland với GDP bình quân đầu người 145.196 USD. Mỹ xếp thứ 9 với GDP bình quân đầu người 80.035 USD.

Top 10 những nước giàu nhất thế giới năm 2024
Với diện tích 728,6km2, GDP/người đạt hơn 133.800 USD, Singapore có số lượng triệu phú cao nhất thế giới và có mức độ tham nhũng thấp. Ảnh: Global Finance

GDP bình quân đầu người được tính bằng cách chia tổng sản lượng của một nền kinh tế cho tổng dân số. Những nơi có GDP bình quân đầu người cao thường tương ứng với thu nhập, mức tiêu dùng và mức sống cao. Điều ngạc nhiên là nhiều quốc gia giàu có nhất là những quốc gia nhỏ nhất.

Các nước rất nhỏ và rất giàu

Ireland xếp đầu danh sách các nước giàu có nhất tính theo GDP bình quân đầu người. Có diện tích chỉ hơn 84.400km2 với 5 triệu dân, Ireland là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau các biện pháp cải cách khó khăn như cắt giảm sâu tiền lương trong khu vực công và tái cơ cấu ngành ngân hàng, quốc đảo này đã lấy lại đà tăng trưởng, tăng tỷ lệ việc làm. GDP bình quân đầu người tăng theo cấp số nhân, hiện nay là 145.196 USD.

Ireland là một trong những thiên đường thuế doanh nghiệp lớn nhất thế giới, mang lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia nhiều hơn là mang lại lợi ích cho người dân Ireland bình thường. Những năm 2010, nhiều công ty lớn của Mỹ như Apple, Google, Microsoft, Meta và Pfizer đã chuyển nơi cư trú tài chính sang Ireland để hưởng lợi từ mức thuế doanh nghiệp thấp 12,5%. Năm 2022, các công ty đa quốc gia này chiếm khoảng 56% tổng giá trị gia tăng cho nền kinh tế Ireland, tăng từ mức 53% vào năm 2021. Tuy nhiên, Ireland có kế hoạch điều chỉnh mức thuế doanh nghiệp tối thiểu theo tiêu chuẩn toàn cầu là 15% vào năm 2024.

Trong khi đó, Luxembourg ở trung tâm châu Âu, có diện tích chỉ 2.586km2 và 650.000 dân, xếp thứ hai với GDP/người năm 2023 đạt 142.490 USD. Luxembourg đã vượt qua Covid-19 tốt hơn hầu hết các nước láng giềng châu Âu. Nền kinh tế phục hồi từ mức tăng trưởng -0,8% vào năm 2020 lên 5,1% vào năm 2021. Sự phục hồi đó không kéo dài lâu: nền kinh tế chỉ tăng trưởng 1,5% vào năm 2022 và có thể sẽ đạt 1,1% trong năm 2023 do niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng thấp hơn, giá năng lượng và thực phẩm cao hơn.

Tuy nhiên, với những thế mạnh về thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, Luxembourg có thu nhập GDP/người đứng đầu thế giới. Năm 2022, GDP của Luxembourg đạt 91 tỷ USD và GDP/người hơn 141.000 USD.

Vị trí thứ ba thuộc về Singapore - đảo quốc có diện tích chỉ 728,6km2, GDP/người đạt hơn 133.800 USD. Singapore cũng là nơi có số lượng triệu phú cao nhất thế giới và có mức độ tham nhũng thấp. Các vị trí tiếp theo trong top 5 thuộc về Qatar - diện tích hơn 11.500km2, GDP/người đạt hơn 124.848 USD và Macao - đặc khu hành chính của Trung Quốc, GDP/người đạt hơn 89.500 USD. Macao cũng là thiên đường cờ bạc của châu Á, nơi có các sòng bạc thu hút đông đảo khách du lịch giàu có.

Nơi nghèo nhất: GDP/người dưới 1.000 USD

Người dân các nước như Nam Sudan, Burundi và Cộng hòa Trung Phi vẫn tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Nam Sudan đứng đầu danh sách các nước nghèo nhất, với GDP/người chỉ 516 USD; tiếp đến là Burundi với GDP/người 891 USD và Cộng hòa Trung Phi với GDP/người 1.127 USD. Chênh lệch về GDP bình quân đầu người giữa Nam Sudan và quốc gia giàu nhất thế giới - Ireland là gần 281 lần.

7 quốc gia còn lại trong danh sách 10 nước nghèo nhất đều ở châu Phi. Somalia có GDP/người chỉ 1.374 USD; Congo: 1.474 USD; Mozambique: 1.556 USD; Niger: 1.600 USD; Malawi: 1.682 USD; Chad: 1.787 USD và Liberia: 1.788 USD.

Thật khó để xác định nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng nghèo đói lâu dài. Các chính phủ tham nhũng có thể biến một quốc gia rất giàu thành một quốc gia nghèo. Các nguyên nhân khác có thể kể đến bao gồm: lịch sử thuộc địa bóc lột, luật pháp yếu kém, chiến tranh, bất ổn xã hội, điều kiện khí hậu khắc nghiệt hoặc các nước láng giềng thù địch. Một quốc gia mắc nợ sẽ không đủ khả năng xây dựng trường học tốt và lực lượng lao động có trình độ học vấn kém sẽ hạn chế năng lực. Ở những quốc gia nghèo nhất thế giới, tỷ lệ việc làm phi chính thức cao, không có mạng lưới an sinh xã hội hoặc các khoản vay tạm thời để duy trì hoạt động kinh doanh và duy trì việc làm cho người lao động.

Trước Covid-19, tỷ lệ dân số thế giới sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ - nghĩa là thu nhập dưới 1,9 USD/ngày - đã giảm xuống dưới 10% từ mức hơn 35% vào năm 1990. Song, khi Covid-19 xảy ra, lại thêm xung đột ở Ukraine, đến cuối năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính thêm 198 triệu người có khả năng rơi vào diện nghèo cùng cực.

Hiện có 46 nước nằm trong danh sách các nước kém phát triển của Liên Hợp Quốc, trong đó phần lớn ở khu vực châu Phi. Tổng dân số của các nước này là 1,1 tỷ người, chiếm tới 14% dân số thế giới, nhưng chỉ chiếm 1,3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Những nước này cũng chỉ nhận được 1,4% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài và chiếm dưới 1% xuất khẩu hàng hóa thế giới.