Tính triết lý trong văn học là gì


“Thơ không chấp nhận triết lý khô khan, chất triết lý trong thơ là triết lý từ cuộc sống với những tình cảm cụ thể” (Giáo sư Hà Minh Đức, Lí luận văn học, NXB Giáo dục)

Bằng hiểu biết về bài thơ “Vội vàng” (Xuân Diệu), anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.



Tính triết lý trong văn học là gì


ĐÁP ÁN

I.                YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG

Đây là dạng bài nghị luận văn học về vấn đề lí luận văn học. Học sinh cần nắm vững kĩ năng xác định vấn đề nghị luận. Biết vận dụng các thao tác lập luận để làm sáng tỏ vấn đề. Học sinh cần  biết phân tích để làm sáng, rõ hệ thống luận điểm, tránh phân tích tràn lan, thiếu định hướng.

II.             YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC

1.     Giải thích

-        Thơ: Thể loại văn học thuộc phương thức trữ tình, giàu sức gợi, bộc lộ cảm xúc qua các hình ảnh, hình tượng.

-        Triết lý: Những chiêm nghiệm, những tư tưởng đúc kết được về bản chất của hiện thực, của con người và những quy luật của đời sống.

èTriết lý trong thơ không phải là trừu tượng, khô khan, mà đó là triết lý bắt nguồn từ chính hiện thực cuộc sống, từ những trải nghiệm trong đời sống.

èTriết lý trong thơ phải gắn với tiếng nói của tình cảm, cảm xúc.

2.     Bàn luận

Nhận định của Giáo sư Hà Minh Đức là đúng đắn.

-        Thơ trước hết là tiếng nói của cảm xúc. Thơ khởi phát từ những rung động của lòng người. Nhưng cảm xúc trong thơ là tình cảm đã được siêu thăng dưới lăng kính của lý tưởng, nó được dẫn dắt bởi những suy nghĩ, chiêm nghiệm. Do đó, thơ còn cần tính triết lý.

-        Triết lý là những chiêm nghiệm của con người về hiện thực cuộc sống, là sự trừu xuất từ cuộc sống ra những định lý, định đề, những quy luật. Tuy vậy, triết lý trong thơ không phải là cái gì trừu tượng, xa vời, mà đó phải là những cảm xúc bắt nguồn từ đời sống, gắn liền với đời sống. Bởi tư tưởng trong thơ trước hết có được là từ những rung cảm con tim, do vậy nó cũng gần gũi và cụ thể như chính cuộc sống.

-        Trong thơ, tính triết lý và tình cảm có mối quan hệ gắn bó không thể tách rời. Triết lý sẽ khô khan nếu thiếu đi cảm xúc, và do đó thơ sẽ không còn là thơ nữa. Ngược lại, nếu thiếu đi triết lý, thơ sẽ khó có chiều sâu, khó neo đậu trong trái tim người đọc.

3.     Chứng minh

-        Trong tác phẩm “Vội vàng” – Xuân Diệu đề xuất triết lý sống vội vàng: chạy đua với thời gian để sống được trọn vẹn từng khoảnh khắc. Đây là một triết lý sống nhân văn, tích cực, xuất phát từ nhận thức sâu sắc về giá trị của sự sống cá thể.

-        Triết lý sống “Vội vàng” được đúc kết từ những trải nghiệm của chính thi nhân về đời sống: nhà thơ mở rộng đôi mắt xanh non biếc rờn để nhận ra cuộc đời là một bữa tiệc đầy hương sắc mời gọi con người; tuy vậy, nhà thơ luôn bị ám ảnh bởi sự băng hoại thời gian, nhận ra tính chất lượng giá của thời gian. Hai điều ấy là cơ sở để Xuân Diệu đề xuất triết lý sống Vội vàng, như một cách để con người khắc phục tính hữu hạn trong sự tồn tại của chính mình mà sống trọn vẹn từng giây, từng phú.

-        Bài thơ “Vội vàng” được kết cấu theo mạch triết luận – trữ tình, những triết lý sâu sắc được biểu đạt một cách gợi cảm, mãnh liệt qua các cung bậc cảm xúc đa dạng: say mê, lo âu, tuyệt vọng, …

4.     Tổng kết

-        Khẳng định vấn đề

-        Để đạt được sự trọn vẹn, thơ còn cần những hình thức nghệ thuật độc đáo, phù hợp.

III.          THANG ĐIỂM

         Điểm 6, 7: Đảm bảo đúng, đủ những yêu cầu trên (đặc biệt lưu ý những bài có mở rộng, so sánh với những tác phẩm khác). Diễn đạt trôi chảy, lưu loát, giàu cảm xúc, trau chuốt, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.

         Điểm 4, 5: Đảm bảo gần đủ các yêu cầu trên, chấp nhận bài viết có thể mắc một vài lỗi chính tả.

         Điểm 2, 3: Biết cách phân tích theo định hướng nhưng còn giản đơn, sơ sài, không liên hệ, còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt.

         Điểm 1: Quá sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.

         Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.

SOẠN ĐỀ VÀ LÀM ĐÁP ÁN: THẦY TRẦN LÊ DUY



Page 2

Trang chủ Về chủ blog LỚP VĂN THẦY DUY FACEBOOK

VĂN HỌC VỚI TRIẾT HỌC 

 Từ xa xưa, khi trình độ tư duy của con người còn đang thấp kém thì đời sống tinh thần của con người có hiện tượng "văn chiết bất phân". Ở phương Tây, trước đây, triết học được xem là khoa học của mọi khoa học. Nghĩa là nó bao gồm toàn bộ sự hiểu biết của con người về thế giới, nó thay thế cho toàn bộ các khoa học. Nhưng dần dần nó nhờ sự tiến bộ của tri thức cụ thể của con người dẫn tới có sự phân ngành khoa học thì triết học không còn là khoa học của mọi khoa học. Nó trở thành khoa học độc lập.

            Tuy vậy, ngay cả khi triết học trở thành một khoa học độc lập và văn chương trở thành một loại hình nghệ thuật độc lập thì giữa chúng vẫn tồn tại một quan hệ khăng khít. Triết học và văn chương là những hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng do cơ sở kinh tế quyết định. Marx : "Triết học không đứng ngoài thế giới" Bởi vì "các nhà triết học không phải mọc từ dưới đất lên như nấm, họ là con đẻ của thời đại họ, cả nhân dân nước họ, và những tinh hoa tốt đẹp nhất, quý báu nhất và khó trông thấy nhất của thời đại và của nhân dân nước họ, đều thể hiện trong tư tưởng triết học. Cái tinh thần đã xây dựng nên các hệ thống triết học trong bộ óc những nhà triết học, cũng là cái tinh thần đã xây dựng đường sắt với những bàn tay công nhân".

            Cũng như văn chương, triết học là hình thái ý thức xã hội nhằm mục đích nhận thức thế giới, nhận thức, khám phá chân lí cuộc sống để cải tạo thế giới, cải tạo cuộc sống. Triết học chẳng qua là hệ thống tri thức chung nhất của con người về thế giới. Mặt khác, tác phẩm văn chương xuất sắc, đạt được tầm nhận thức và phản ảnh sâu sắc, có ý nghĩa khái quát cao về những vấn đề lớn, vấn đề chung của xã hội thì cũng có nghĩa đạt được những kết luận mang tính triết học, là những tư tưởng triết học. Tác phẩm văn chương chẳng qua là sự thể hiện qua một cơ cấu hình tượng nghệ thuật những quan điểm, quan niệm của nghệ sĩ về cuộc sống. Những quan điểm, quan niệm của nhà văn đó là những kết luận triết học. Nói đến triết học là nói đến thế giới quan và nhân sinh quan, tức là nói đến   ý thức tư tưởng. Nói đến văn chương là nói đến nghệ thuật miêu tả, phản ánh. Quan hệ giữa triết học và văn chương nghệ thuật là quan hệ giữa ý thức tư tưởng với nghệ thuật miêu tả, phản ánh. Nói đến triết học là nói đến vấn đề lí trí, nói đến nghệ thuật là nói đến vấn đề tình cảm. Tình cảm và lí trí là nhất trí. Lê Duẩn nói: "thường thường triết học giải quyết vấn đề lí trí, nghệ thuật xây dựng tình cảm, cả hai đều phải nhất trí với nhau".

            Triết học cung cấp cho văn chương lối nhìn cách nghĩ, cách rút ra những kết luận về hiện tượng và sự vật. Văn chương bằng tình cảm nêu lên được những vấn đề cuộc sống, con người, những mối quan hệ giữa người và người, giữa người với tự nhiên và văn chương đạt được tầm triết học. Những tư tưởng triết học thường có ý nghĩa chỉ đường cho văn chương, làm cơ sở tư tưởng cho văn chương, làm chỗ dựa tinh thần cho văn chương. Triết học Mác - Lênin là một khoa học chân chính đã thực sự soi đườngcho văn chương nghệ thuật. Các nghệ sĩ hiện thức xã hội chủ nghĩa được chủ nghĩa Mác - Lênin vũ trang cho nhận thức khách quan, chính xác các quy luật phát triển của thế giới. Những quy luật này giúp họ chẳng những đường hướng đi mà còn giúp họ vạch ra đúng đắn những gì quan trọng nhất, chủ yếu nhất trong quá trình phát triển của thế giới, và chỉ giúp họ xử lí một cách đúng đắn những sự kiện những hiện tượng phức tạp trong đời sống. Triết học Mác - Lênin được các nghệ sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa coi như là một vũ khí tư duy và tư tưởng. Với triết học Mác - Lênin, phương pháp nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đã đánh dấu một bước ngoặc, một sự thay đổi về chất trong phương pháp nghệ thuật.

            Triết học và văn chương gần gũi và ảnh hưởng lẫn nhau như vậy. Nhưng triết học là một khoa học, còn văn chương là một nghệ thuật. Những tác phẩm văn chương dù có tầm khái quát cao về cuộc sống đến đâu cũng chỉ đạt đến tầm nhận thức có tính chất triết học, chứ bản thân nó không phải và không thể trở thành tác phẩm triết họcvới tư cách là một khoa học. Ngược lại, các tác phẩm triết học dù viết có sinh động đến đâu cũng không trở thành một tác phẩm văn chương với tư cách là một nghệ thuật được. Sự khác nhau giữa triết học văn chương nghệ thuật là ở phương pháp khái quát chân lí cuộc sống và ở phương thức nhận thức và biểu hiện cuộc sống. Triết học dùng tư duy logic để nhận thức, nghiên cứu các hiện tượng đời sống và khái quát lại thành những quy luật, khái niệm. Văn chương nghiên cứu cuộc sống cũng đạt tới những nhận thức khái quát về hiện tượng cuộc sống, nhưng văn chương thể hiện nó dưới những hình tượng sinh động. Phương pháp biểu hiện của văn chương là phương pháp hình tượng hóa, điển hình hóa. Hình thức của nghệ thuật là "hình thức hình tượng" , ở nghệ thuật điển hình tồn tại trong cái cá biệt. Phương pháp biểu hiện trong triết học là phương pháp trừu tượng hóa, khái quát hóa. Mọi hiện tượng ngẩu nhiên, cá biệt đều bị loại bỏ.

            Có thể nói, quan hệ giữa triết học và văn chương là quan hệ giữa ý thức tư tưởng (đã được quy lại thành thế giới quan, nhân sinh quan) với nghệ thuật miêu tả, phản ánh.