Tình bạn đẹp trong lịch sử Việt Nam

Cuộc đời của hai thi sĩ lớn được lồng vào nhau như hình với bóng. Tình bạn ấy hiện hữu trên văn đàn như một sự sắp đặt từ muôn kiếp trước.

Lúc đang dự hội nghị hợp tác văn hóa tại Dakar, thủ đô của Senegal, bất ngờ nhà thơ Huy Cận trào máu mũi, ngất đi. Ai nấy đều hoảng hốt. Sự cố này xảy ra vào lúc 7 giờ 40 ngày 18.12.1985, đó là lúc tại Hà Nội, nhà thơ Xuân Diệu vừa tắt thở. “Điều mà người ta gọi là thần giao cách cảm là có thật”, Huy Cận nhớ lại.

Cả hai quen thân nhau từ lúc còn học ở Trường Quốc Học (Huế). Thường mỗi chiều sau giờ học, họ rủ ra sân cỏ phía sau trường đi dạo và đọc thơ mới sáng tác cho nhau nghe. Vừa chia sẻ mà cũng vừa góp ý, “rút kinh nghiệm” nhằm nâng cao trình độ về thơ. Bất ngờ trên Báo Ngày Nay (số tết năm 1938), Huy Cận ngạc nhiên khi thấy bài thơ Chiều xưa của mình được đăng. Đây là một trong những bài thơ mà Huy Cận đã gửi riêng cho Xuân Diệu.

Rồi Xuân Diệu lại viết bài giới thiệu Thơ Huy Cận cũng đăng trên Ngày Nay, có những đoạn rất nồng nhiệt: “Huy Cận! Một tâm hồn đặc biệt quá, nồng cháy bên trong, e lệ bên ngoài, hay nói nhớ và hay làm thinh, để men lòng càng rạo rực hơn nữa...”. Khi Huy Cận in tập thơ đầu tay Lửa thiêng năm 1940, cũng chính Xuân Diệu viết tựa, gửi gắm một cảm tình sâu lắng, chân thành: “Đời xưa có một người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh; gần chàng, người ta cảm nghe một nỗi hòa vui, như đứng giữa thiên nhiên, tâm hồn thơ thới”.

Cuối năm 1939, Xuân Diệu và Huy Cận ở căn gác 40 Hàng Than (Hà Nội). Bây giờ, Phủ Toàn quyền có mở cuộc thi tuyển một số tham tá ngành thương chính, nói nôm na là “nhà đoan” và những ai làm việc gọi là “Tây đoan”. Xuân Diệu bàn với Huy Cận: “Ta cứ đi thi xem sao, nếu đậu có được đồng lương để yên thân về cuộc sống, thì làm thơ mới thoải mái được, mới theo lý tưởng văn chương của mình được”. Đúng thế, bởi cả hai đang sống trong hoàn cảnh mà Xuân Diệu đã thốt lên chua chát: “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/Cơm áo không đùa với khách thơ”.

Sau khi nộp đơn và thi đậu, Xuân Diệu được bổ làm viên chức ở Nha Thương chính tỉnh Mỹ Tho. Theo Huy Cận: “Về sau, tôi mới hiểu ra rằng, sở dĩ chính quyền thực dân Pháp bổ nhiệm anh Diệu đi xa vì chúng nghi rằng nhóm làm Báo Ngày Nay là một nhóm hoạt động cách mạng chống Pháp, chúng nó tách nhóm này được chừng nào hay chừng ấy cho chúng”.

Khoảng thời gian này, thi sĩ Thơ thơ có gửi tặng tác giả Lửa thiêng xấp vải để may bộ quần áo mặc mùa hè. Huy Cận xúc động cảm tạ bằng bài thơ, có câu: “Mở thư một sáng lạnh lùng/Hai chiều vải dệt tao phùng Huy - Xuân/Dọc ngang tơ chỉ sát gần/Đi về mấy dạo hai thân một hồn/Một mai ta chết xin chôn/Hai ta sát cạnh xương luồn qua xương”.

Từ chức về sống chung với bạn

Hơn ai hết, Huy Cận hiểu rất rõ những bức xúc, ngậm ngùi của Xuân Diệu khi “phải bám vào cái khổ nhục mà sống”, không thể còn cảm hứng để làm thơ nữa. Hiểu được nỗi lòng của bạn trong tình huống “Bỗng dưng thi sĩ hóa Tây đoan”, Huy Cận rất áy náy. “Cho nên lúc tôi thi đậu kỹ sư canh nông và bắt đầu đi làm, có tiền lương (trong lúc đó tôi vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng bí mật), thì tôi mời anh về sống với tôi tại Hà Nội. Anh Diệu đánh điện cho tôi: Diệu từ chức được chưa?, thì tôi trả lời tức khắc: Từ chức ngay và về Hà Nội”. Vậy là đầu năm 1943, anh Diệu thôi làm Tây đoan, về Hà Nội cùng sống với tôi ở số nhà 61 Hàng Bông, hai người chi tiêu chung một đồng lương của tôi” (Huy Cận - Hồi ký song đôi).

Khi Kháng chiến toàn quốc (1946) bùng nổ, Xuân Diệu - Huy Cận vào Hà Đông rồi lên Việt Bắc. Bấy giờ, Huy Cận ở ATK (An toàn khu) của Chính phủ; Xuân Diệu làm Báo Văn Nghệ. “Nhưng cứ khoảng một tháng một lần, Diệu vai mang ba lô đi xe đạp và đi bộ về gặp tôi ở ATK”. Huy Cận còn cho biết thêm: “Giải phóng miền Bắc, chúng tôi về Hà Nội, được bố trí ở 24 đường Cột Cờ, nay là phố Điện Biên Phủ”. Tại căn nhà này: “Đêm đêm trên gác đèn chong/Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ hay/Dưới nhà bút chẳng rời tay/Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ/Bạn từ lúc tuổi còn tơ/Hai ta hạt chín trong mùa nắng trong/Ánh đèn trên gác dưới phòng/Cũng là đôi kén nằm trong kén trời” (Huy Cận).

Trở lại với lúc ở Dakar, khi hay tin Xuân Diệu mất, Huy Cận đánh điện tín gửi về ban tổ chức tang lễ đề nghị: “Thế nào cũng chờ tôi về rồi hãy chôn bạn tôi”. Có thêm chi tiết này nữa, Huy Cận kể: “Xe tang có về qua nhà 24 Điện Biên Phủ, dừng lại mươi phút để anh Diệu thăm ngôi nhà trước khi về an nghỉ. Xe tang vừa đi qua thì bát hương trên bàn thờ anh Diệu bốc cháy. Và lạ lắm, sau khi anh Diệu mất đêm 18 thì cả chùm hoa Ăng-ti-gôn trước nhà anh héo khô hết, trong khi đó cũng chùm hoa Ăng-ti-gôn nhà bên cạnh vẫn còn tươi tắn”.

Với tình bạn tri âm, tri kỷ cùng Xuân Diệu nửa thế kỷ, Huy Cận cho biết là “hương trầm tỏa từ tâm hồn đồng điệu”. Và từ trước năm 1940, với tình bạn ấy, thi sĩ Lửa thiêng đã thốt lên chân thành, da diết: “Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận/Gọi gió trăng mà thỏ thẻ lời trên/Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên/Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu”.

Tin liên quan

Ca dao xưa có câu:

Bạn bè là nghĩa tương thân,

Khó khăn, thuận lợi ân cần có nhau.

Bạn bè là nghĩa trước sau,

Tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai.

          Như vậy ngay từ thời xa xưa tình bạn đã được dân gian ta hết sức đề cao và ca ngợi. Vậy tình bạn là gì? Nó có đặc điểm và vai trò như thế nào?

“Tình bạn là tình cảm gắn bó giữa hai hoặc nhiều người trên cơ sở hợp nhau về tính tình, sở thích hoặc có chung xu hướng hoạt động, có cùng lý tưởng”.

Trong tình bạn có thể có nhiều kiểu quan hệ: tình bạn bè, đồng nghiệp, tình bạn thơ ấu, tình bạn vong niên, bạn đời, bạn hàng xóm, láng giềng, bạn đồng chí… hoặc đơn giản bạn đồng trang lứa, cùng lớp, bạn trên mạng, hoặc câu lạc bộ các fan hâm mộ một ngôi sao, một đội tuyển nào đấy cũng có thể tụ họp với nhau thành bạn… Dù muôn hình muôn vẻ nhưng tình bạn tựu chung lại cần có các đặc điểm sau;

Phù hợp với nhau về quan niệm sống

Bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau

Chân thành, tin cậy, có trách nhiệm.

Cảm thông, đồng cảm với nhau.

Bạn có ưu điểm gì thì mình học, bạn sai thì mình chỉ ra cho bạn sửa, không nịnh bợ, tâng bốc bạn, không lợi dụng bạn, cũng không  kiêu căng, khinh thường những khuyết điểm của bạn có thế mới có tình bạn chân thành, trong sáng. Chúng em thấy thật thấm thía câu thơ của nhà thơ Tố Hữu.

Núi cao nhưng núi vẫn mòn

Tự cao tự đại hỏi còn học ai?

Tuổi xuân chớ để phí hoài

Trăng mờ giữa tháng hoa phai giữa mùa.

Em ơi nhớ lại chuyện xưa

Kiêu căng thỏ đã thách rùa chạy thi.

Cũng đừng dấu dốt tự ti

Cái hay thì học cái hư thì đừng.

Bạn sai mình chớ dửng dưng

Phê bình xây dựng thực lòng thương nhau

Cũng đừng vạch lá tìm sâu

Đao to búa lớn buông câu hồ đồ.

          Mỗi người ai cũng cần có bạn và nên chọn cho mình ít nhất một người bạn thân bởi tình bạn đem lại cho cuộc sống con người rất nhiều ý nghĩa.

Tình bạn trong sáng, lành mạnh giúp con người cảm thấy ấm áp, tự tin, yêu cuộc sống, biết tự hoàn thiện mình để sống tốt hơn. Khi ta gặp khó khăn chia sẻ với bạn sẽ được bạn an ủi động viên thậm chí đề ra cách tháo gỡ khó khăn cho ta. Bạn ta có thể sẽ vì ta mà hi sinh một số sở thích, của cải, tiền bạc để giúp đỡ ta vượt qua khốn khó. Khi ta vui ta đem niềm vui đến sẻ chia với bạn sẽ nhận được những lời chúc mừng ấm áp nhất và niềm vui sẽ nhân lên. Xây dựng cho mình một tình bạn đẹp làm cho quan hệ giữa người với người  mối quan hệ xã hội trở lên  lành mạnh tốt đẹp, đẩy lùi tệ nạn xã hội, làm con người gần người hơn.

Ca dao, tục ngữ cũng đề cao vai trò của tình bạn.

“Ăn chọn nơi, chơi chọn bạn”.

“Thêm bạn, bớt thù”.

“Học thầy không tày học bạn”.

“Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”.

“Sống trong ngọc đá kim cương

Không bằng sống giữa tình thương bạn bè”

Danh ngôn:

“Hãy nói về bạn anh cho tôi nghe, tôi sẽ nói anh là người thế nào”.

          “Chẳng có gì đáng giá bằng nụ cư­ời và tình th­ương của bạn bè”.

Ca ngợi vai trò của tình bạn cũng có nhiều nhạc sỹ viết những ca khúc có chiều sâu đi vào lòng người

Bài hát: Mùa Xuân tình bạn của nhạc sỹ Trần Đức

Chúng ta cùng nắm tay cùng hát vang về tình bạn Thiết tha và sáng trong như cuộc đời bao yêu thương Khi có bạn thân ái nắm tay cùng nhau đi tới

Dù hiểm nguy gian khó dù bão táp mưa sa.

Chúng ta sẽ vượt qua để đón mùa xuân đến Khi có bạn thân mến trong lòng ta nở hoa Đẹp biết bao tình bạn nào ta cùng hát vang

Đẹp biết bao tình bạn nào ta cùng hát vang.

Có thể nói tình bạn trở thành những tượng đài đẹp bất hủ đi vào lịch sử và thơ ca trên thế giới cũng như ở Việt Nam không ít. Tình bạn được cả giai cấp vô sản và thế giới ngưỡng mộ trong thế kỉ XIX là tình bạn của Các Mac và Phri-đrich Ăng-ghen.

Các Mác và Phri-đrích Ăng-ghen là hai vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản của thế giới, đồng thời giữa hai ông lại có một tình bạn vĩ đại và cảm động. Ăng-ghen không những là người đồng chí kiên trung, luôn sát cánh bên Mác trong sự nghiệp đấu tranh chống lại hệ tư tưởng tư bản, truyền bá tư tưởng vô sản, mà ông còn là người bạn thân thiết của cả gia đình Mác. Ông luôn có mặt bên cạnh gia đình bạn trong những lúc khó khăn nhất. Mặc dù chỉ muốn dành hết thời gian, tâm huyết cho sự nghiệp cao cả và vốn không ưu chuộng việc kinh doanh nhưng ông đã phải nhận lời cha mình đi làm một thời gian để lấy tiền giúp đỡ gia đình Mác. Chính nhờ sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của ông. Mác đã yên tâm hoàn thành bộ “Tư bản” nổi tiếng của mình.

Lênin đã từng ca ngợi tình bạn giữa Các Mac và Ăng – ghen như sau:

“Những câu chuyện truyền thuyết kể cho ta nghe nhiều tấm gương cảm động về tình bạn, giai cấp vô sản châu Âu có thể nói rằng khoa học của nó đã tạo ra bởi hai nhà bác học và chiến sĩ mà những mối quan hệ đối với nhau đã vượt qua tất cả những câu chuyện cổ tích cảm động nhất của con người xưa về tình bạn của con người. “Tình bạn giữa Mác và Ăng- ghen dựa trên cơ sở:

Đồng cảm sâu sắc.

Có chung xu h­ướng hoạt động.

Có chung lí tư­ởng.

Ở Trung Quốc có đôi bạn thân là Bá Nha và Chung Tử Kỳ. Bá Nha đàn hay nổi tiếng, ông thường đàn cho bạn là Chung Tử Kỳ nghe. Khi Chung Tử Kỳ chết dù rất yêu mến cây đàn như báu vật nhưng ông vẫn đập vỡ cây đàn đi và nói không có Chung Tử Kỳ nghe đàn thì từ nay ông không đàn nữa.

Ở Việt Nam câu chuyện cảm động về tình bạn  LƯU BÌNH – DƯƠNG LỄ cũng đã được đưa vào kịch diễn làm tấm gương cho rất nhiều đời.

Ngày xưa, Lưu Bình và Dương Lễ là bạn đồng môn rất thân. Lưu Bình thường xuyên giúp đỡ Dương Lễ. Kết quả Dương Lễ đỗ đạt và làm quan to. Lưu Bình liền tới nhà Dương Lễ để chúc mừng thì bị Dương Lễ né tránh, sai người đem chén cơm nguội và hai quả cà pháo ra mời Lưu Bình ăn. Lưu Bình rất hận người bạn bạc tình nên đã bỏ về. Trên đường, chàng gặp một cô gái xinh đẹp và được nàng tình nguyện cùng về nhà để giúp đỡ chàng. Nhưng nàng hẹn bao giờ chàng đỗ đạt thì hai người mới kết nghĩa vợ chồng. Sẵn mối hận trong lòng với Lưu Bình và được sự động viên, giúp đỡ hàng ngày của người đẹp, Lưu Bình quyết chí học hành. Ngày thi đậu Trạng Nguyên, chàng trở về nhà thì nàng đã bỏ đi. Lưu Bình sẵn đang buồn giận mới qua nhà Dương Lễ tính trút mối nhục xưa. Dương Lễ lại tỏ ra rất niềm nở, vui mừng khi gặp Lưu Bình, chàng mời vợ ra chào. Thật bất ngờ, vợ Dương Lễ lại là người mà lâu này đã chăm sóc, lo lắng cho Lưu Bình, khuyến khích chàng học hành để đạt được công danh. Hóa ra Dương Lễ, muốn trả ơn bạn vì đã giúp đỡ mình khi khốn khó, muốn bạn cố công học hành, đèn sách, đỗ đạt mới dùng kế khích tướng và nhờ cả người vợ mới cưới để lo lắng cho Lưu Bình. Cảm động trước mối chân tình ấy, cả hai lại trở thành những người bạn thân của nhau.

Trong giới văn học cũng có nhiều bạn văn chương như Dương Khuê – Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến, một vị quan về ở ẩn mang nỗi cô đơn u hoài, sống hiu quạnh nơi nông thôn, cũng cảm xúc dạt dào khi gặp lại bạn cũ. Ta hãy lắng nghe tiếng nói chân thành mộc mạc của nhà thơ khi nói với bạn:

Đã bấy lâu nay, bác tới nhà

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà

 Cải chửa ra hoa, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Đầu trò tiếp khách, trầu không có

Bác đến chơi đây ta với ta.

          Bài thơ đã khơi dậy trong ta niềm xúc động trước tấm chân tình của nhà thơ Nguyễn Khuyến đối với bạn. Đó là một tình cảm thiêng liêng cao quý. Quan hệ bạn bè ở đây được xây dựng trên cơ sở vững chắc là tình cảm yêu thương chân thật không màng đến vật chất. Bác đến chơi đây không có gì cả, chỉ có ta với ta khiến ta nhớ đến câu kết trong bài  Qua đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan khi đứng trước cảnh đèo ngang hoang vắng cô liêu, đang mang nặng một nỗi u buồn, niềm suy tư khôn tả, không thể tâm sự cùng ai, nên bà tự quay về với lòng mình “ta với ta”. Còn “ta với ta” mà nhà thơ Nguyễn Khuyến sử dụng nhằm chỉ nhà thơ và người bạn tuy hai mà một, tuy một mà hai, nó gắn bó quyện chặt vào nhau, không gì chia cắt được. Ở đây chỉ có ta với ta nhưng lại có tất cả. Bởi vì tình bạn giữa ta với ta mới là cao quý, nó không đòi hỏi bất kì một điều kiện vật chất nào cả, thậm chí cả một miếng trầu làm đầu câu chuyện để tiếp bác cũng không. Qua đó ta mới thấy nghệ thuật trào lộng của Nguyễn Khuyến thật là hóm hỉnh nhẹ nhàng mà tế nhị sâu sắc.

Khi Dương Khuê mất Nguyễn Khuyến làm một bài thơ: Khóc Dương Khuê

Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Bác với tôi sớm tối có nhau.

Những câu thơ thể hiện sự buồn thương của Nguyễn Khuyến khi bạn mất càng thể hiện sự trân quý bạn của tác giả đáng để ta ngưỡng mộ và học tập.

“Có ai đã nói rằng: Hãy tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Nhưng với tôi, tôi đã đứng lên bằng đôi chân của bạn tôi”. Đó là tâm sự của cô học trò khuyết tật Nguyễn Thị Liên, lớp 11B, trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Người bạn ấy đã dắt tay tôi qua những giây phút khó khăn của cuộc sống, nắm lấy tay tôi và nói rằng: mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Cuộc sống không phải luôn trải hoa hồng, đôi khi ta phải đối mặt với những khó khăn, những thất bại tưởng như không thể vượt qua được. Ấy là khi ta hiểu rõ tình bạn hơn ai hết, bên cạnh gia đình thì tình bạn chân thành là chỗ dựa vững chắc cho mỗi người trong cuộc sống, giúp ta đi đến bến bờ hạnh phúc.

Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc chúng ta cũng chứng kiến những tình hữu  nghị, tình bạn to lớn giữa dân tộc ta với bạn bè quốc tế như; tình hữu nghị giữa Việt Nam với Cu Ba, Việt Nam với Liên Xô, Việt nam với Campuchia, đặc biệt giữa Việt nam với Lào. Ca ngợi tình bạn giữa hai nước ca dao có câu:

Việt Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

          Chắc hẳn chúng ta cũng không quên trong chiến tranh chống Pháp chị Ray – Mông – Điêng một phụ nữ Pháp đã dám một mình đứng chắn ngang đường ray chặn một đoàn xe lửa của Pháp chở vũ khí sang xâm lược Việt Nam. Và chúng ta cũng không quên hình ảnh anh Morrison người Mỹ bế con gái đến quảng trường lầu Năm góc tự thiêu để phản đối chiến tranh xâm lược Mỹ với Việt Nam. Buổi tối ngày 2-11-1965, tại Washington, ngay trước cửa Lầu Năm Góc, tòa nhà của Bộ Quốc phòng Mỹ, một sự kiện khác đã gây xúc động hàng triệu trái tim người Mỹ và toàn thế giới. Ấy là khi anh Norman Morrison, 31 tuổi, ôm chặt con gái Emily mới 18 tháng tuổi vào ngực, sau khi hôn con lần cuối cùng, anh tẩm xăng vào người mình, châm lửa tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Hành động của anh đã khơi dậy làn sóng phản chiến mạnh mẽ tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới sau đó. Sau này hình ảnh ngọn lửa ấy đã đi vào thơ nhà thơ cách mạng Tố Hữu và chúng ta cũng được học trong trình văn học những lớp dưới.

Đã đến phút lòng ta sáng nhất! Ta đốt thân ta Cho ngọn lửa chói loà

Sự thật.

Xúc động hơn nữa một đội du kích của thủ đô Caracat đất nước Vê- nê- xuê -la ở Nam Mỹ xa xôi  tận bên kia bờ đại dương với chúng ta cũng bắt cóc một tên đại tá Mỹ để trao đổi với những người cầm Mỹ thả người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi của chúng ta.

Du kích quân Caracat đã vì anh

Bắt một tên giặc Mỹ giữa đô thành

          Tuy cuộc thương lượng không thành nhưng cũng thể hiện sự cảm thông, đồng cảm, ủng hộ của họ với cuộc chiến tranh chính nghĩa của chúng ta. Rồi đất nước nhỏ bé Cuba, người anh em của Việt Nam cũng đã giúp đỡ chúng ta nhiều. Chủ tịch Cuba Phi đen – Caxtơ rô cũng nói: Vì Việt Nam Cu ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.  Nhân dân Liên Xô, Đông Âu giúp chúng ta về lương thực, thuốc men, vũ khí, quần áo, đào tạo chuyên gia… Xúc động biết bao trước những nghĩa tình cao cả ấy và nhờ sự ủng hộ của bạn quốc tế Việt Nam chúng ta mới thắng được giặc Mỹ xâm lược.

 Những sai lầm, lệch lạc trong quan niệm tình bạn và những hậu quả khi chọn phải bạn xấu hoặc không có bạn

Bao che khuyết điểm cho bạn

Thường xuyên tụ tập chơi bời, quậy phá

Chơi với bạn vì muốn lợi dụng bạn

Nói xấu, gán ghép, trêu chọc bạn

Đua đòi ăn chơi, cùng nhau làm việc xấu

Cho rằng không có tình bạn trong sáng, lành mạnh giữa hai ngư­ời khác giới.
hoặc tình bạn trong sáng lành mạnh chỉ cần có từ một phía.

Ngộ nhận tình bạn là tình yêu.

Với những người không có bạn thì thường trầm cảm, tự ti, khó hòa đồng với cuộc sống và thiếu những kĩ năng cơ bản trong giao tiếp ứng xử và khó khó có thể hòa nhập với cuộc sống. Không có bạn thì không thể học hỏi những cái hay của bạn cũng  không thể rút ra những kinh nghiệm từ những thất bại của bạn bè đặc biệt không thể chia sẻ vui buồn cũng như nhận được sự giúp đỡ và được giúp đỡ bạn.

Khi chọn phải bạn xấu ta thường bị lợi dụng, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội hoặc phải đáp ứng những đòi hỏi vô lí của bạn. Đôi lúc bị bạn lừa dối chúng ta còn đánh mất niềm tin vào chính mình vào tình bạn, tình người trong cuộc sống. Sau đây là những hình ảnh cho những biểu hiện lệch lạc sai trái trong tình bạn.

 Các biện pháp xây dựng và bảo vệ tình bạn trong sáng, lành mạnh.

     Có thiện chí và cố gắng từ hai phía

Cần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau

Cần có trách nhiệm, cảm thông với nhau.

Phải tin tưởng lẫn nhau

Cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với bạn bè.

Cùng bạn bè học tập, vui chơi giải trí.

Biết lắng nghe bạn

Biết thừa nhận những điểm mạnh của bạn

Học hỏi những điều hay của bạn

Trên thực tế, vẫn có tình bạn trong sáng, lành mạnh giữa những người khác giới vì tình bạn của họ được xây dựng từ những đặc điểm cơ bản. Tình bạn cần được xây dựng, vun đắp từ hai phía.

Khi quan hệ tình bạn khác giới chúng ta cần lưu ý:

+ Tránh đối xử với nhau suồng sã, thiếu tế nhị.

+ Tránh vô tình hay cố ý gán ghép lẫn nhau trong quan hệ bạn bè khác giới.

+ Tránh ghen ghét, nói xấu lẫn nhau hay đối xử thô bạo với nhau khi thấy bạn mình có thêm người bạn khác giới.

+ Tránh ngộ nhận tình bạn khác giới là tình yêu, cho dù rất thân nhau.

+ Tránh thái độ lấp lửng, mập mờ dễ gây cho bạn khác giới hiểu lầm là tình yêu đang đến.

Với học sinh để xây dựng, củng cố tình bạn chúng ta cần cùng nhau tham gia các hoạt động tập thể do Đoàn Đội, trường, lớp tổ chức, các cuộc thi do cấp trên phát động, cùng nhau giúp đỡ bạn bè và mọi người xung quanh nhất là cùng nhau thảo luận học tập theo  nhóm theo cặp đôi.

Khi gia đình bạn gặp khó khăn về kinh tế không đủ điều kiện đi học có thể giúp đỡ bạn về vật chất và tinh thần.

Với bạn bè quốc tế cần:

Tôn trọng nền văn hóa của các dân tộc, quốc gia khác.

Giao lưu với thanh thiếu niên quốc tế.

Viết thư, gửi quà ủng hộ trẻ em và nhân dân các vùng có chiến tranh. Sống thân thiện, tôn trọng mọi người.

Tránh gây mâu thuẫn xung đột bạn bè và mọi người.

Tham gia các phong trào từ thiện, tình thương bằng khả năng của mình. .

Xây dựng mối quan hệ hiểu biết, bình đẳng hữu nghị, hợp tác các quốc gia dân tộc trên thế giới.

Tham gia vẽ tranh về tình bạn, tình hữu nghị giữa nước ta với nước khác.

Đặc biệt Khi hai người bạn thân của bạn mâu thuẫn em cần phải

Bước 1: Lắng nghe hai bạn phân giải.

Bước 2: Cho cả hai bạn có cơ hội bày tỏ suy nghĩ với nhau.

Bước 3: Hướng cho hai bạn có biện pháp giải quyết ôn hòa.

Bước 4: Vận động đàm phán giảng hòa.

          Và tôi cũng muốn nhấn mạnh lại bằng hình ảnh một thông điệp để giữ được tình bạn đúng nghĩa đó là chúng ta luôn thành thật với bạn.

Giữ tình bạn nơi quê nhà

Như trong dạ sâu xa

Nó bừng cháy rồi chập chờn trong mộng.

Đặt tình bạn trên lưng con ngựa

Nó nhảy nhót và trôi theo gió mưa.

Giữ tình bạn trong tay

Chúng ta chẳng chia lìa

Cùng đồng cam cộng khổ

Cùng sống chết có nhau.

Khắc tình bạn có trong lịch sử để nói về tình bạn

Đời người chóng già tình không già

Vật đổi sao dời tình không thay đổi.