Thi dĩ ngôn chí trong văn học trung đại năm 2024

Buổi giới thiệu thơ hôm ấy diễn ra trong không gian của một ngôi nhà ngói năm gian có nhiều hàng cột, điển hình cho kiến trúc nhà ở của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ (tuy nhiên, dù đã có cái sân gạch rộng thênh thang thì ở đấy vẫn thiếu cây mít, bể nước mưa và… chum tương để đầu hè!). Mấy cô gái trẻ trung với khăn vấn áo tứ thân, thướt tha qua lại mời bát nước vối nâu sánh cùng bánh đậu xanh, rồi quạt giấy, điếu cày và chõng tre nữa, ít nhiều cũng làm nên dáng vẻ của làng quê Việt; dẫu thi thoảng đó đây lại nghe tiếng nhạc chuông điện thoại, lúc xập xình, lúc ư ử, lúc lại như tiếng nhị cò cưa…

Do đã rút kinh nghiệm từ một số cuộc giới thiệu thơ trước đó, nên tôi nhận hai tập thơ để về nhà đọc rồi chuồn ra sân ngồi thì thào với bạn bè. Thật tình thì tôi chuồn ra sân còn vì muốn tự mình đọc mà không bị phiền lụy bởi những lời giới thiệu thường là tiêu biểu cho loại ngôn ngữ tụng ca, có khả năng đưa tác phẩm vào hàng tuyệt tác, biến người viết thành thi nhân. Chưa nói tôi còn e ngại nếu phải tiếp xúc với những tâm sự nghề nghiệp luôn có xu hướng thiếu cá tính của một số tác giả, đại loại như: tôi làm thơ theo bản năng, không biết tại sao thơ tự nhiên trào ra ngòi bút…!

Ngồi bên chõng tre uống bát nước vối hình như cũng có cái hấp dẫn riêng, chẳng mấy chốc cử tọa quanh chiếc chõng đã tăng lên bất ngờ và thế là các câu đùa cợt của tôi cũng tăng lên theo.

Một bạn trẻ hỏi: "Anh thấy buổi giới thiệu thơ hôm nay thế nào?", tôi trả lời: "Đây là cố gắng tuyệt vọng của thơ!" rồi quên bẵng. Dè đâu ít phút sau, câu nói được đưa lên diễn đàn, rồi tôi nghe tiếng người dẫn chương trình tỏ ra không đồng tình và mời tôi đối thoại. Cực chẳng đã, tôi trở vào để nói rõ đó là chuyện tào lao, không phải phát ngôn chính thức, tôi không có thói quen nhờ người khác nói hộ điều gì, nếu thấy cần thiết, tự tôi sẽ nói ra suy nghĩ của mình.

Về sau trong bài Giải Lá trầu 2007 - thành công ngoài mong đợi, nhà thơ Giáng Vân có viết rằng: "Nói theo cách nói của nhà phê bình Nguyễn Hòa trong một cuộc nói chuyện vui ngoài lề thì: "Các bạn cứ cố gắng đi, cứ ngọ nguậy đi, làm gì thì làm cũng tuyệt vọng thôi". (Xin lỗi anh Hòa nhé, nếu tôi trích dẫn không chính xác lắm, và chưa được phép anh)…".

Tôi không lấy đó làm điều, song nếu so sánh nhận xét tếu táo của tôi với trích dẫn của Giáng Vân thì đã có một khoảng cách khá xa. Ấy vậy mà sau hơn một năm đọc, quan sát, suy ngẫm, lý giải, tôi lại thấy dường như nhận xét bông phèng của tôi năm ngoái cũng phần nào có lý, cho dù điều đó có thể không vừa lòng một số người làm thơ và yêu thơ.

Tôi không rõ ở nước Nam này, câu "thi dĩ ngôn chí" đã có mặt từ bao giờ, nhưng hẳn là từ thời văn học viết ra đời thì việc làm thơ để thể hiện cái chí của bản thân đã chi phối mục đích sáng tác của nhiều người. Xưa kia, văn học viết trước hết không phải là "sân chơi" của lớp bình dân, đó là văn học của giới trí thức, khoa bảng, hoặc nếu là người đèn sách tử tế song vì học tài thi phận mà không đỗ đạt thì họ cũng nổi tiếng về đức độ và tài năng.

Ngay đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong danh sách các nhà thơ nổi tiếng, thứ hạng học hành bậc cao cũng là cụ Tam nguyên Yên Đổ, thứ hạng học hành bậc thấp cũng là cụ Đồ Chiểu, cụ Tú Xương. Và về sau, điều này còn được nối tiếp qua sự nghiệp của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…

Xét từ quan hệ giữa địa vị, uy tín xã hội với việc làm thơ thì nhiều danh sĩ Việt Nam thời trung đại trở thành người nổi tiếng không chỉ vì thơ. Thơ là phương tiện, là cách thức biểu đạt thế giới tinh thần nội tâm của mỗi người và dẫu không thể phủ nhận yếu tố tài năng thì vẫn cần lưu ý rằng, vị thế xã hội cũng ít nhiều tham gia vào việc bảo đảm cho uy tín tác phẩm họ đã viết ra.

Hẳn do vậy mà trong sinh hoạt xã hội, danh tiếng của nhà thơ thường được đề cao; rồi cái danh ấy được mở rộng, không chỉ dành cho người làm thơ là đại khoa hay trí thức, mà ở các cộng đồng làng xã, mỗi nơi cũng có nhà thơ của riêng mình, trong nhiều trường hợp, họ trở thành niềm tự hào của cộng đồng.

Ngày còn nhỏ, tôi theo gia đình sơ tán đến một vùng quê. Ở được vài tháng thì tôi biết trong làng có một người làm thơ tên là bủ Liêm. Bủ Liêm già rồi nhưng rất vui tính, bủ hay làm thơ chê bai các thói hư tật xấu trong làng. Tôi còn nhớ mấy câu lục bát do bủ sáng tác như: "Bộ đội thì bắn máy bay - Nhà Hồng say rượu suốt ngày nằm chơi", hay "Bà Soan chẳng chịu ra đồng - Hết gạo lại cứ chổng mông lên gào!”.

Làng của bủ Liêm ở ven sông Hồng, nửa đồi nửa bãi, đất trồng mía rất rộng. Năm sau thấy xây dựng một xí nghiệp sản xuất mật mía theo lối thủ công. Các anh chị công nhân dùng trâu kéo "máy" ép mía, rồi nước mía được nấu thành mật trong dãy chảo gang to, sớm chiều nghi ngút khói. Có trâu tất phải có người chăn và đàn trâu của xí nghiệp được giao cho một anh thanh niên tên là Tuấn Hiệp. Anh này có biệt tài vận lục bát rất giỏi, việc gì chuyện gì anh cũng có thể biến ngay thành thơ.

Buổi tối không phải chăn trâu, anh hay vào chơi với các gia đình trong làng, ngồi bên bếp lửa, anh vừa nướng sắn vừa đọc thơ. Nhà nào hoàn cảnh khó khăn, từng có buồn đau trong quá khứ là anh lập tức vận thành những câu lục bát lên bổng xuống trầm rất lâm ly, có hôm buổi đọc thơ chỉ kết thúc vào lúc nửa đêm.

Tôi từng chứng kiến bà chủ nhà nơi gia đình tôi ở nhờ đã khóc rưng rức khi nghe anh đọc bài thơ kể về cụ ông mới mất. Tiếng tăm anh Tuấn Hiệp vì thế nổi như cồn. Ngày giỗ chạp của nhiều gia đình trong làng, anh được mời như thượng khách, rượu vào là anh lại đọc thơ. Anh làm cho các chị trong xóm ngoài làng mê tít, một số bài thơ của anh được các chị chép lại rồi truyền tay nhau. Thế là cánh trai làng bắt đầu bức xúc, họ nhờ bủ Liêm gà cho mấy câu thơ để chơi lại anh Tuấn Hiệp, bủ Liêm không nhận lời (vì là nhà thơ với nhau nên bủ không đụng chạm?). Nhưng rồi tôi lại thấy đám trẻ trong làng, hễ gặp anh Tuấn Hiệp là réo hai câu: "Ai thừa con gái ở đâu - Gả cho Tuấn Hiệp chăn trâu xưởng đường!". Tôi cũng khoái chí hùa theo, thấy anh Tuấn Hiệp là rống lên: "Ai thừa…" rồi chạy tóe khói. Nghĩ lại vẫn thấy buồn cười!

Về sau đi đây đi đó, hầu như ở đâu tôi cũng gặp vài ba người làm thơ. Thông thường, nếu không được giới thiệu một cách trịnh trọng thì đôi khi họ cũng tự giới thiệu là nhà thơ, bằng cách nhẩn nha đọc mấy câu văn vần, hay đưa ra một vài bản thảo. Tới lúc tôi làm lý luận - phê bình thì mật độ những cuộc gặp gỡ như vậy càng dày.

Ngày nọ vào công tác tại một tỉnh miền Trung, mấy anh em trong đoàn đã bảo nhau cố "mai danh ẩn tích" để có chút thời gian thảnh thơi, dè đâu lại "bị" một nhà thơ phát hiện. Anh tìm đến nơi chúng tôi tá túc, xách theo mấy làn mực khô, trứng vịt lộn, bia chai. Sau khi tự giới thiệu làm quen, anh đề nghị được đọc 5 bài thơ. Vậy là tối hôm đó chúng tôi lại được nghe thơ. Nhìn vẻ hồn nhiên của anh khi trình bày các tác phẩm, tôi hiểu đó là niềm đam mê cần được tôn trọng, không nên chê cười.

Cuộc sống là vậy, đôi khi có niềm vui, niềm đam mê của người khác làm cho ta thấy khó chịu, khó đồng cảm thì vẫn cần phải biết sẻ chia. Cho đến nay số tập thơ trên giá sách của tôi đã có quãng vài mét chiều dài. Tập dày tập mỏng, tập trình bày chân phương, tập hoa hòe hoa sói, tập mới chỉ là bản photocopy, chủ yếu được tặng, theo nhiều đường khác nhau như: đem tới tận nhà, đưa đến cơ quan, gửi qua bưu điện…

Và dù giá sách càng ngày càng chật ních, đầy phè thì tôi vẫn chưa bỏ đi tập nào. Đó là kết quả lao động, là niềm vui của nhiều người đã tặng cho tôi. Không tập nào tôi không đọc, dù lướt qua để biết. Nên nếu có thấy buồn cười khi đọc một bài thơ nào đó, đại loại như: Tình cảm đạo lý đều cóc tải - Có tải bia hơi thịt chó không? - Thưa vâng thứ ấy thì xin tải - Vừa uống vừa nhai chắc sẽ nôn (Bia hơi thịt chó) thì tôi vẫn không gọi chị mua sách báo cũ vào nhà để… bán!

Từ cuộc sống hàng ngày mà xét, người Việt Nam mình quả là rất yêu thơ và khoái làm thơ. Hầu như ở đâu, đến nơi nào cũng gặp thơ. Thơ chép lại hoặc tự sáng tác được lưu trong sổ tay. Thơ viết lên tường. Thơ khắc trên mặt bàn. Thơ đọc khi uống rượu. Thơ tặng lúc chia tay. Thơ thêu trên đôi gối trắng có đôi bồ câu tung cánh. Thơ mừng cô dâu chú rể nhân ngày cưới. Thơ vào ngày sinh nhật. Thơ đọc lúc tiễn biệt người thân về chốn hoàng tuyền…

Và nếu làm một thống kê liên quan tới những người tham gia trò chơi Chiếc nón kỳ diệu của VTV3 thì hẳn là số người thể hiện tài năng bằng đọc thơ chiếm tỷ lệ vượt trội so với người hát cải lương, hát chèo, hát quan họ. Chưa kể tới thơ hưởng ứng các phong trào xã hội, như thơ kêu gọi tiết kiệm, thơ về kế hoạch hóa gia đình, thơ về trồng rừng, thơ cổ vũ làm phân xanh, thơ an toàn giao thông, thơ phòng chống ma túy…

Anh bạn tôi thời còn trẻ say đắm một cô gái ở cùng khu tập thể, nhưng cô không yêu hắn mà lại yêu người khác. Hắn quyết tâm tán bằng được và nghĩ ra một mẹo. Ngày nào cũng thế, cứ 7h sáng là hắn lại đi qua để thả vào cửa sổ nhà nàng một bài thơ do hắn sáng tác. Không biết thơ của hắn hay dở ra sao nhưng sau mấy tháng thì nàng "đổ" lăn kềnh, và đó chính là bà xã nhà hắn bây giờ. Theo hắn kể thì nàng lưu giữ rất cẩn thận các bài thơ này. Trong con mắt nàng, hắn là nhà thơ vào hàng "số dách"!...