Thẻ ở thư viện thành phố thanh hóa bao nhiêu năm 2024

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tình cảm cao cả và thiêng liêng, ngày 12 tháng 2 năm 1961, tại thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa), Lễ kết nghĩa Thị xã Thanh Hóa, thị xã Hội An chính thức được tổ chức. Đến năm 1962, nhân kỷ niệm 01 năm kết nghĩa, thị xã Thanh Hóa đã khai trương Thư viện thiếu niên Hội An đặt tại Công viên thanh thiếu niên Hội An thuộc thị xã Thanh Hóa, với nguyện vọng sau này thống nhất nước nhà sẽ tặng lại cho đồng bào Hội An anh em.

Ngày 28 tháng 3 năm 1975, thị xã Hội An được giải phóng. Trong niềm vui Bắc – Nam sum họp, đất nước thống nhất, tháng 4 năm 1975, đoàn cán bộ Thị xã Thanh Hóa vào thăm và tặng đồng bào Hội An 10 nghìn cuốn sách các loại do cán bộ và nhân dân Thanh Hóa nghĩa tình quyên góp từ những năm đầu kết nghĩa cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây là tài sản vô cùng quý báu trong giai đoạn Hội An đang tập trung nhiệm vụ kiến thiết xây dựng quê hương gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về sách báo.

Từ những nền tảng ban đầu đó, ngày 2 tháng 9 năm 1975, Thư viện Hội An được thành lập trực thuộc Phòng Văn hóa – Thông tin, với nhiệm vụ là thu thập, lưu giữ các loại sách báo nhằm phục vụ nhu cầu đọc sách, học tập, nghiên cứu của cán bộ, học sinh và các tầng lớp nhân dân Hội An. Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác thư viện và để khắc sâu tình kết nghĩa giữa hai địa phương, được sự thống nhất chung của lãnh đạo hai thị xã, ngày 25 tháng 10 năm 1979, Ủy ban nhân dân nhân dân thị xã Hội An (nay là Thành phố Hội An) đã ban hành Quyết định số 297B/QĐ-UB về việc thành lập Thư viện Hội An – Thanh Hóa trực thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An. Năm 1990, trụ sở Thư viện Hội An – Thanh Hóa được xây dựng tại số 10 đường Nguyễn Huệ .

Để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí… của các tầng lớp Nhân dân và du khách, đồng thời chấn hưng “văn hóa đọc” vốn là truyền thống tốt đẹp của Hội An, lãnh đạo thành phố Hội An đã thống nhất chủ trương xây dựng mới một thư viện cộng đồng tại địa điểm Công viên văn hóa với quy mô khang trang, mang tính biểu tượng của tình kết nghĩa Hội An – Thanh Hóa đời đời bền vững, đồng thời thực hiện định hướng xây dựng Hội An – thành phố Sinh thái – Văn hóa – Du lịch, xứng tầm truyền thống văn hóa – lịch sử địa phương.

Ngày 10 tháng 10 năm 2017, UBND thành phố Hội An phê duyệt Quyết định số 2199/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức và nâng cấp hoạt động của Thư viện Thanh Hóa, thành phố Hội An” với tên gọi và địa chỉ: THƯ VIỆN THANH HÓA – THÀNH PHỐ HỘI AN; Trụ sở: Số 131 đường Nguyễn Trường Tộ, phường Minh An, thành phố Hội An. Thư viện Thanh Hóa – Thành phố Hội An là đơn vị sự nghiệp văn hóa – thông tin công lập trực thuộc phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Hội An và chịu quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố Hội An về tổ chức, biên chế, kinh phí hoạt động.

Từ ngày 01/01/2022, Thư viện Thanh Hóa,thành phố Hội An được sáp nhập và trực thuộc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình thành phố Hội An theo Quyết định số: 2401/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2021, UBND thành phố Hội An.

Thư viện Thanh Hóa, thành phố Hội An có một trụ sở độc lập, khang trang toạ lạc tại trung tâm thành phố với tổng diện tích khu đất: 6.312m2; hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh: 5.283m2; Đất xây dựng công trình nhà Thư viện: 1.029m2. Nhà Thư viện: 01 tầng trệt và 01 tầng lửng gồm không gian chính, 08 phòng chuyên môn: phòng đọc, mượn, ngoại văn, địa chí, báo chí, máy tính, Thiếu nhi, lưu trữ và 03 nhà vệ sinh. Thư viện hiện nay là một bộ phận trực thuộc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền Thanh-Truyền hình thành phố Hội An. Thư viện Thanh Hóa – thành phố Hội An phục vụ bạn đọc theo hình thức kho mở giúp bạn đọc thoả mãn trong việc tìm kiếm tài liệu theo yêu cầu nội dung của mình. Ngoài ra, Thư viện thường xuyên tăng cường những biện pháp hoạt động tích cực để đẩy mạnh văn hóa đọc tại địa phương với phương châm “Sách đi tìm người”, “Sách càng gần dân càng tốt”.

Với vốn sách ban đầu là 10.000 bản sách, qua 47 năm hoạt động tổng số sách của thư viện đã lên đến 47.564 bản sách với 20.454 đầu sách. Hàng năm Thành phố đều dành một khoản ngân sách để bổ sung sách phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu người đọc cũng như Thư viện đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút bạn đọc nên lượng bạn đọc đến Thư viện ngày càng tăng, cụ thể: Số bản sách mới trung bình bổ sung (Không tính sách tài trợ) hàng năm: 2.000; Số đầu báo, tạp chí: 120; Số thẻ cấp trung bình từ 300 – 1.000 thẻ; Phục vụ bạn đọc: 55.256 – 168.479 lượt; Lượt mượn về: 172.026-302.627 lượt; Lượt sách, báo luân chuyển trong thư viện: 437.022 – 759.643 lượt; Tổng số thẻ đã cấp: 5.880; Lượt bạn đọc truy cập trên trang Thư viện điện tử: 36.593-55.656 lượt. Số ngày phục vụ trong tuần: 6 ngày. Thư viện được trang bị máy vi tính kết nối mạng Internet phục vụ tra cứu tài liệu tại chỗ cho bạn đọc miễn phí, 03 cán bộ thư viện trẻ, được đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm, có tinh thần trách nhiệm cao, yêu nghề, tâm huyết với công việc được giao nên đã phục vụ tốt mọi nhu cầu đến đọc sách của nhân dân và bạn đọc trên địa bàn toàn thành phố.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thư viện được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của lãnh đạo Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh -Truyền hình thành phố Hội An, sự quan tâm hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam; Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Nam, các thư viện bạn, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành..; Đặc biệt sự hưởng ứng và ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân và các thành viên trong thư viện là những cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, tâm huyết với nghề, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục những khó khăn, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị và chuyên môn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đã gặt hái được những thành tích thật đáng khích lệ.

Thư viện Thanh Hóa – thành phố Hội An ngoài việc phục vụ bạn đọc và đẩy mạnh hoạt động tại thư viện, còn phối hợp với các thư viện, các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể, các điểm đọc ở cơ sở để hỗ trợ, giúp đỡ chuyên môn nghiệp vụ, chia sẻ những kinh nghiệm và thường xuyên biếu tặng sách, báo. Trong thời gian qua, Thư viện Thanh Hóa đã kiên trì xây dựng phong trào đọc sách báo ở cơ sở, đưa sách báo đến mọi tầng lớp nhân dân, từng bước nâng cao dân trí, phục vụ sản xuất và đời sống. Trong những năm qua, Thư viện đã thực hiện tốt công tác luân chuyển sách, báo, tạp chí định kỳ 1 tháng/ lần và kiểm tra, nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc tại 20 điểm đọc sách cơ sở ở Cẩm Kim, Cẩm Nam, Thanh Hà, Cẩm Thanh, Tân An, Cẩm Hà, Cẩm Châu, Cẩm phô năm 2021: với 30 lần với 6.000 cuốn; Năm 2022 với 40 lần với 10.000 cuốn. Phối hợp cùng Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội, Thành đoàn, Trung tâm Ngoại ngữ Stec, UBND các xã, phường kiểm tra, khảo sát các điểm đọc sách, khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em và người dân tại 13 xã, phường đưa ra phương hướng để tổ chức các hoạt động đẩy mạnh văn hóa đọc tại các địa phương này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó thì ở Hội An có rất nhiều cá nhân, nhóm cộng đồng tổ chức các hoạt động văn hóa đọc như: Nhóm Không gian đọc Hội An, tủ sách gia đình… là kết quả của sự nỗ lực đầy tâm huyết của những người yêu sách, say mê đọc sách, tham gia với tinh thần hoàn toàn tự nguyện theo sở thích đã giúp đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhân dân.

Thực hiện tốt Kế hoạch tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo hoạt động hè Thành phố, chủ trì và phối hợp với Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố triển khai với các hoạt động như: Tăng cường luân chuyển các đầu báo, sách tại các điểm đọc sách ở các tụ điểm sinh hoạt hè xã, phường với 6.000 cuốn. Tổ chức đưa đoàn viên thanh niên và học sinh sinh hoạt hè đến tham gia các hoạt động tại thư viện, các điểm đọc sách cơ sở do thư viện Thanh Hóa – thành phố Hội An tổ chức với hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá thư viện”, các hoạt động trải nghiệm về sách nhằm giúp các em có điều kiện tìm đọc các đầu sách phù hợp lứa tuổi, kiến thức qua đó nâng cao văn hóa đọc. Phối hợp với Ban chỉ đạo hè xã, phường phát động phong trào đóng góp sách xây dựng thư viện cộng đồng tại cơ sở. Đặc biệt năm 2020, 2021 Thư viện đã luân chuyển và trao tặng ấn phẩm phục vụ nhân dân trong các khu cách ly tập trung Covid của Thành phố. Phối hợp với Thành đoàn xây dựng và tổ chức Cuộc thi “Kể chuyện theo sách” online năm 2021 dành cho cấp tiểu học và THCS, thu hút 13 tác phẩm với 13/13 xã phường tham dự. Năm 2022, tổ chức cuộc thi trực tiếp “Thanh niên với văn hóa đọc” dành cho học sinh THPT.

Kể từ năm 2017, nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4, Thư viện thường niên tổ chức hoạt động Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề: “Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam những bằng chứng lịch sử và pháp lý” và triển lãm Sách tại Thư viện cũng như một số địa điểm khác thuộc Thành phố. Hoạt động này đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, đại biểu lãnh đạo, cán bộ của Trung ương, Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân, Bộ tư lệnh vùng cảnh sát biển 2…

Xuất phát từ yêu cầu nâng cao giá trị thẩm mĩ, dân trí, phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của một thành phố du lịch như Hội An. Thư viện đã tham mưu và phối hợp với các đơn vị tổ chức tốt “Phiên chợ sách” tính đến nay đã thực hiện 14 phiên, riêng năm 2022 là 04 phiên của các nhà xuất bản, các công ty trưng bày , giới thiệu đến từ Đà Nẵng, Huế, Hà Nội với chương trình ưu đãi “Hội sách nửa giá”, tổ chức không gian đọc miễn phí, tổ chức cho trẻ em vẽ bookmark , trò chơi trí tuệ miễn phí, … với số lượng sách nhiều, phong phú, đa dạng nhiều thể loại đã đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người dân Hội An yêu sách. “Phiên chợ Sách” thường niên tại Hội An như một nơi để người dân, du khách có cơ hội được tiếp cận sách, cũng như là nơi giải trí văn hóa và là một sản phẩm du lịch mới của Hội An.

Với mục đích phát triển văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, trong thời gian tới thư viện sẽ tiếp tục khai trương thêm một số điểm đọc sách báo miễn phí mới trên địa bàn thành phố. Đây sẽ là nơi để mọi người giao lưu, gặp gỡ trao đổi thông tin, đặc biệt là thanh, thiếu niên và học sinh có môi trường rèn luyện kỹ năng sống lành mạnh tránh xa game online và các tệ nạn xã hội, góp phần làm giàu kho tàng tri thức cho bản thân phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Với một số hoạt động kể trên, có thể thấy rằng thư viện Thanh Hóa – thành phố Hội An đã làm tốt công tác xây dựng và tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu sách, báo để thu hút bạn đọc đến sử dụng vốn tài liệu tại thư viện; xây dựng phong trào đọc và hình thành thói quen đọc sách, báo cho mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng một xã hội học tập bền vững, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, cùng thành phố xây dựng thành công Hội An – thành phố Sinh thái – Văn hóa – Du lịch, xứng tầm truyền thống văn hóa – lịch sử địa phương.