Sinh lý bệnh là gì

BÀI 1

MỘT SỐ KHÁI NIỆM ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BỆNH HỌC

MỤC TIÊU

Hiểu và trình bày được một số khái niệm sử dụng trong bệnh học.

NỘI DUNG

1.1.Định nghĩa:

Từ trước tới nay đã có rất nhiều quan niệm về bệnh. Hiện nay thường sử dụng định nghĩa về bệnh như sau:

“Bệnh là bất kỳ sự sai lệch hoặc tổn thương về cấu trúc và chức năng của bất kỳ bộ phận cơ quan, hệ thống nào của cơ thể, biểu hiện bằng một tập hợp triệu chứng đặc trưng, giúp cho thầy thuốc có thể chuẩn đoán xác định và chuẩn đoán phân biệt bệnh, mặc dù nhiều khi ta chưa rõ về nguyên nhân, bệnh lý học và tiên lượng.”

Ngoài định nghĩa chung về bệnh, mỗi bệnh cụ thể còn có định nghĩa riêng của nó để không thể nhầm lẫn với bất kỳ bệnh nào khác.

1.2.Các thời kỳ của bệnh:

Trong những trường hợp điển hình, bệnh bao gồm 4 thời kỳ, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp có thể thiếu một thời kỳ nào đó.

– Thời kỳ tiềm tàng (đối với các bệnh nhiễm khuẩn gọi là thời kỳ ủ bệnh): Là thời kỳ từ khi bệnh nguyên tác dụng lên cơ thể cho đến khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, ở thời kỳ này không có biểu hiện lâm sàng nào; tuy nhiên bằng các phương pháp thăm dò hiện đại, hiện nay nhiều bệnh đã được phát hiện ngay trong thời kỳ này. Tùy theo từng bệnh mà thời kỳ này có thể dài nhiều tháng, nhiều năm (bệnh phong, bệnh lao, AIDS…) hay ngắn (sốc phản vệ, ngộ độc cấp) hoặc không có (ví dụ như chết do bỏng, điện giật…)

– Thời kỳ khởi phát: Từ khi có những triệu chứng đầu tiên đến khi xuất hiện đầy đủ triệu chứng của bệnh. Thời kỳ này dài hay ngắn cùng tùy theo từng bệnh.

– Thời kỳ toàn phát: Triệu chứng đầy đủ và điển hình nhất, tuy nhiên vẫn có những thể không điển hình.

– Thời kỳ kết thúc: Khác nhau tùy từng bệnh và từng cá thể với kết cục có thể là khỏi hẳn khỏi có di chứng hoặc chết.

1.3.Phân loại bệnh: Có nhiều cách phân loại bệnh, mỗi cách mang một lợi ích nhất định (về nhận thức và thực hành). Các cách phân loại tồn tại song song và không phủ định nhau. Trong thực tế thường phân loại theo các cách như sau:

– Phân loại theo cơ quan bị bệnh: Bệnh tim mạch, bệnh hô hấp…

– Phân loại theo nguyên nhân gây bệnh: Bệnh nhiễm trùng, bệnh nghề nghiệp..

– Phân loại theo tuổi, giới: Bệnh ở trẻ em (nhi khoa), bệnh ở người cao tuổi (lãokhoa).

– Phân loại theo bệnh sinh: Bệnh dị ứng, bệnh tự miễn…

2.Bệnh nguyên (Aetiology)

Bệnh nguyên là tất cả các nguyên nhân có vai trò gây bệnh. Bệnh nguyên học là môn học nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh, bản chất và cơ chế tác động của chúng, cùng với những điều kiện thuận lợi để các nguyên nhân gây bệnh phát huy tác dụng. Ví dụ: nguyên nhân gây bệnh lao là vi khuẩn tác động vào cơ thể với điều kiện thuận lợi là tình trạng miễn dịch của cơ thể và vệ sinh môi trường kém.

Khi đề cập đến bệnh nguyên của một bệnh thường có phần nguyên nhân và điều kiện thuận lợi. Nguyên nhân quyết định tính đặc hiệu của bệnh, điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho nguyên nhân gây bệnh. Có nguyên nhân cần nhiều, cần ít hoặc không cần điều kiện thận lợi. Nguyên nhân trong trường hợp này có thể là điều kiện trong trường hợp khác và ngược lại: ví dụ thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân của suy dinh dưỡng nhưng chỉ là điều kiện của bệnh lao.

3.Bệnh sinh (Pathogenesis)

Bệnh sinh là quá trình diễn biến của bệnh từ khi phát sinh cho đến khi kết thúc. Bệnh sinh học là môn học nghiên cứu các quy luật về sự phát sinh, quá trình phát triển và sự kết thúc của một bệnh cụ thể, nhằm phục vụ cho điều trị và phòng bệnh.

Bệnh sinh của một bệnh trả lời cho câu hỏi: Bệnh khởi đầu như thế nào? Diễn biến ra sao? Và kết thúc như thế nào? Khi đề cập đến bệnh sinh, người ta thường mô tả những thay đổi về chức năng của một cơ quan, một hệ thống cơ quan hoặc toàn bộ cơ thể khi bị bệnh cũng như những đáp ứng của cơ thể đối với các thay đổi chức năng đó.

– Khái niệm bệnh sinh và nguyên nhân được phân biệt một cách rõ ràng nhưng lại liên quan mật thiết với nhau. Bệnh sinh (quá trình diễn biến của một bệnh) chịu ảnh hưởng rất rõ của bệnh nguyên: cùng một số bệnh nguyên nhưng nếu thay đổi cường độ, liều lượng, thời gian, vị trí tác dụng lên cơ thể thì có thể gây ra những quá trình bệnh sinh khác nhau.

4.Sinh lý bệnh(Pathophysiology)

Sinh lý bệnh là môn học nghiên cứu về những thay đổi chức năng của cơ thể, cơ quan, mô và tế bào khi bị bệnh.

Khi đề cập đến sinh lý bệnh của một bệnh cụ thể là nói về hậu quả của những bất thường sinh lý do bệnh nguyên gây ra. Ví dụ như sinh lý bệnh của bệnh đái tháo đường nói về những rối loạn chuyển hóa và cơ chế xuất hiện các biến chứng do tình trạng tăng đường huyết mãn tính gây ra.

Trong một số trường hợp bệnh chưa đầy đủ về nguyên nhân, thì việc phân định rõ ràng bệnh nguyên, bệnh sinh và sinh lý bệnh có thể gặp khó khăn. Các nội dung này thường được trình bày chung trong phần cơ chế bệnh sinh.

  1. Giải phẫu bệnh (Pathologico – anatomy)

Giải phẫu bệnh học là khoa học phân tích bệnh tật về tổn thương hình thái và cơ chế. Giải phẫu bệnh của một bệnh là mô tả những tổn thương về hình thái, các tổn thương này được mô tả qua các giác quan; các phản ứng hóa học, enzyra học, miễn dịch học và kính hiển vi. Ví dụ như giải phẫu bệnh của bệnh viêm cầu thận cấp sau nhiễm khuẩn là mô tả những tổn thương của màng đáy mao mạch cầu thận và sự lắng đọng các thành phần miễn dịch tại màng lọc cầu thận được phát hiện bằng kính hiển vi thường hoặc kính hiển vi thường và kính hiển vi điện tử và phản ứng miễn dịch.

6.Bệnh án

Bệnh án là một văn bản ghi chép tất cả những gì cần thiết cho việc nắm tình hình bệnh tật của một bệnh nhân cụ thể từ lúc bắt đầu nằm viện cho đến lúc ra viện, bao gồm những chi tiết có liên quan đến bệnh và cách theo dõi, điều trị bệnh.

7.Bệnh sử

Bệnh sử là phần trình bày tóm tắt lý do bệnh nhân đi khám bệnh và những diễn biến của bệnh từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên được khai thác bằng cách hỏi bệnh nhân.

8.Tiền sử

Tiền sử bản thân: Là phần trình bày tóm tắt những bệnh trước đây bệnh nhân đã mắc: mắc ở trong khoảng thời gian nào? Điều trị ra sao?

Và một số đặc điểm riêng của bệnh nhân như dị ứng, thai nghén…

Tiền sử gia đình: Đề cập đến tình trạng sức khỏe và bệnh tật của bố mẹ, anh chị em vợ chồng, con cái; đặc biệt lưu ý đến những bệnh có đặc tính di truyền hoặc các hoàn cảnh có thể dẫn đến phát sinh bệnh ở bệnh nhân.

9.Triệu chứng

Triệu chứng bao gồm triệu chứng lâm sàng (cơ năng và thực thể) và triệu chứng cận lâm sàng (các xét nghiệm), các triệu chứng giúp ích cho thầy thuốc trong chuẩn đoán và theo dõi và điều trị.

Triệu chứng cơ năng (symptoms): Là những triệu chứng mang tính chủ quan mà bệnh nhân cảm nhận được và kể lại với thầy thuốc khai thác được bằng cách hỏi bệnh.

Triệu chứng thực thể (signs): Là những triệu trứng mang tính khách quan mà thầy thuốc phát hiện được bằng các động tác thăm khám lâm sàng.

Triệu chứng cận lâm sàng (investigations): Là những triệu chứng phát hiện được qua những phương tiện khác như chụp X quang, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa.

Hội chứng (syndromes): Là một nhóm tập hợp các triệu chứng kết hợp với nhau trong những bệnh nhất định, ví dụ như khi khám phổi thấy ở một vùng có rung thanh tăng, rì rào phế nang giảm, gõ đục thì gọi là có hội chứng đông đặc.

10.Chẩn đoán (diagnosis)

Chẩn đoán là quá trình phát hiện các triệu chứng và tập hợp các triệu chứng để tìm ra bệnh. Chẩn đoán sơ bộ là dựa trên triệu chứng lâm sàng có được bằng hỏi bệnh, khám bệnh ban đầu để thầy thuốc tập hợp thành những hội chứng, dựa vào đó đề ra những xét nghiệm, thăm dò cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh và chẩn đoán nguyên nhân. Chẩn đoán phân biệt là quá trình loại trừ một số bệnh khác cùng có những triệu chứng tương tự./.

Tóm tắt nội dung tài liệu

  1. 1 Chương 1 Giới thiệu môn học sinh lý bệnh I. Đại cương 1. Định nghĩa Sinh lý bệnh lý học hay gọi tắt là sinh lý bệnh học là môn học nghiên cứu về cơ chế phát sinh, phát triển và kết thúc của bệnh; tức là nghiên cứu những thay đổi của cơ thể bị bệnh trong quá trình bệnh lý điển hình và cuối cùng để tìm hiểu những quy luật hoạt động của bệnh nói chung. Theo Purkinje: “Sinh lý bệnh là sinh lý của cơ thể bị bệnh“ Sinh lý bệnh nghiên cứu những trường hợp bệnh lý cụ thể, phát hiện và mô tả những thay đổi về sự hoạt động chức năng của cơ thể, cơ quan, mô và tế bào khi chúng bị bệnh; từ đó rút ra những quy luật chi phối chúng, khác với những quy luật hoạt động lúc bình thường: đó là sinh lý bệnh học cơ quan, bộ phận. Ví dụ Sinh lý bệnh tuần hoàn (Sinh lý bệnh cơ quan). Tuy nhiên, có những rối loạn có thể xảy ra ở nhiều cơ quan chức năng rất khác nhau như viêm gan, viêm cơ, viêm khớp...và mỗi bệnh lại diễn tiến theo những quy luật riêng của nó: viêm gan không giống như viêm khớp. Tuy nhiên mỗi bệnh này lại cùng tuân theo một quy luật chung hơn, đó là quy luật bệnh lý viêm nói chung và quy luật này lại được trình bày trong bài viêm (Sinh lý bệnh đại cương). Từ việc nghiên cứu quy luật hoạt động của từng bệnh, từng cơ quan, đến quy luật hoạt động của các quá trình bệnh lý điển hình chung: Sinh lý bệnh học tìm cách khái quát hóa để tìm hiểu quy luật hoạt động của bệnh cũng như quy luật hoạt động của nguyên nhân gây bệnh, quy luật phát sinh phát triển của bệnh, của quá trình lành bệnh cũng như quá trình tử vong. Tất cả xuất phát từ hiện tượng đi tìm bản chất của vấn đề là tìm hiểu được bệnh là gì ? bệnh do đâu mà có ? bệnh tiến triển như thế nào? quá trình lành bệnh và tử vong xảy ra như thế nào? 2. Nội dung môn học Nội dung giảng dạy sinh lý bệnh gồm có hai phần: - Sinh lý bệnh đại cương: gồm các khái niệm và quy luật chung nhất về bệnh; sinh lý bệnh các quá trình bệnh lý chung. - Sinh lý bệnh cơ quan: nghiên cứu sự thay đổi của các chức năng và
  2. 2 các cơ quan khi bị bệnh. II. Vị trí, tính chất và vai trò của môn học 1. Vị trí 1.1. Môn học tiền lâm sàng Sinh lý bệnh và môn Giải phẩu bệnh là hai môn học tiền thân của môn bệnh lý học hay nói một cách khác: trong quá trình phát triển từ nghiên cứu về thay đổi hình thái sang nghiên cứu về thay đổi chức năng của bệnh lý học, do vậy Sinh lý bệnh được xếp vào nhóm các môn học tiền lâm sàng, sinh viên được học trước khi chính thức học các môn lâm sàng và dự phòng bệnh 1.2. Nền tảng của môn Sinh lý bệnh Sinh lý học và Hoá sinh học là hai môn học cơ sở liên quan trực tiếp và quan trọng nhất của Sinh lý bệnh học bên cạnh các môn học liên quan khác như di truyền học, miễn dịch học, vi sinh.. .. Ngoài ra, Sinh lý bệnh còn phải vận dụng kiến thức của nhiều môn khoa học khác nữa, kể cả các môn khoa học cơ bản Y HỌC CƠ SỞ Y HỌC LÂM SÀNG - Sinh lý - Nội - Sinh hóa SINH - Ngoại - Giải phẩu bệnh LÝ - Sản - Vi sinh, ký sinh trùng BỆNH - Nhi - Miễn dịch học - Truyền nhiễm - Di truyền học .v.v - Da liễu.v.v. Hình 1.1: Mối liên quan giữa y học cơ sở và y học lâm sàng 2. Tính chất và vai trò 2.1. Tính chất tổng hợp Để làm sáng tỏ và giải thích các cơ chế bệnh lý, Sinh lý bệnh phải vận dụng những kết quả của nhiều môn học khác nhau. Phương pháp phân tích giúp cho khoa học đi sâu vào bản chất của sự vật một cách chi tiết và chính xác đồng thời hình thành nhiều chuyên khoa sâu chuyên biệt. Tuy nhiên, muốn tìm ra quy luật hoạt động chung thì phải có phương pháp tổng hợp tốt, nắm được cái gì là nguyên nhân, cái gì là hậu quả, cái gì là cốt lõi, cái gì là chính, cái gì là phụ để đi đến bản chất của vấn đề.
  3. 3 Môn sinh lý bệnh, như định nghĩa đã nêu rõ; đi từ những hiện tượng bệnh lý cụ thể, tìm cách khái quát hóa thành những quy luật hoạt động của cơ thể bị bệnh; tất nhiên đòi hỏi một đầu óc tổng hợp sắc bén. 2.2.Tính chất lý luận Sinh lý bệnh học cho phép giải thích cơ chế của bệnh và các hiện tượng bệnh lý nói chung, đồng thời làm sáng tỏ các quy luật chi phối sự hoạt động của cơ thể, cơ quan, tổ chức và tế bào khi bị bệnh. Do đó, trong đào tạo ngoài nhiệm vụ trang bị kiến thức môn học; trong đào tạo nó còn có nhiệm vụ trang bị phương pháp lý luận và cách ứng dụng các lý luận đó khi học các môn lâm sàng và nghiệp cụ khác. Sinh lý bệnh cung cấp cho người thầy thuốc quan điểm và phương pháp đúng, nghĩa là một quan điểm duy vật biện chứng và một phương pháp luận khoa học trong cách nhìn nhận, phân tích và kết luận về mọi vấn đề trong y học. Mọi người đều biết hiện tượng bệnh lý là một thực tại khách quan, nhưng nhìn nó theo góc cạnh nào, hiểu nó như thế nào là một vấn đề chủ quan của con người. Chính vì vậy mà trong lịch sử y học đã có biết bao học thuyết đối lập, trường phái khác nhau, biết bao cuộc đấu tranh ác liệt giữa quan điểm duy tâm và quan điểm duy vật. Mục tiêu của sinh lý bệnh là xây dựng cho người thầy thuốc một quan điểm, một phương pháp suy luận trong y học. 2.3. Sinh lý bệnh là một trong những cơ sở của y học hiện đại Y học hiện đại kế thừa những tinh hoa của y học cổ truyền để phát triển và thay thế dần y học cổ truyền. Điều kiện để y học hiện đại ra đời là sự áp dụng phương pháp thực nghiệm vào nghiên cứu y học. Nhờ phương pháp thực nghiệm khoa học mà môn Giải phẩu học và Sinh lý học ra đời, tạo nền tảng vững chắc cho y học hiện đại phát triển. Hypocrate là ông tổ của y học cổ truyền cũng là ông tổ của y học hiện đại và của y học nói chung. Giải phẫu học và Sinh lý học là hai môn học quan trọng cung cấp những hiểu biết về cấu trúc và hoạt động của cơ thể con người bình thường. Trên cơ sở hai môn học trên, y học hiện đại nghiên cứu trên người bệnh để hình thành môn bệnh học và Sinh lý bệnh là môn học cơ sở. Hiện nay trong công tác đào tạo, Sinh lý bệnh được xếp vào môn học tiền lâm sàng, tạo cơ sở về kiến thức và phương pháp để sinh viên học tốt các môn lâm sàng. III. Phương pháp nghiên cứu trong sinh lý bệnh GS. Thomas “ Thực nghiệm trên súc vật và quan sát trên người bệnh là phương pháp cơ bản của sinh lý bệnh “. Phương pháp thực nghiệm
  4. 4 trong Y học được Claude Bernard phát triển và tổng kết từ gần 200 năm trước đây, đã giúp cho các nhà Y học nói chung và Sinh lý bệnh nói riêng một vũ khí quan trọng trong nghiên cứu. Mục đích của y học thực nghiệm là phát hiện được những quy luật hoạt động của cơ thể bị bệnh qua các mô hình thực nghiệm trên súc vật. Phương pháp thực nghiệm là phương pháp nghiên cứu xuất phát từ sự quan sát khách quan từ các hiện tượng tự nhiên (hiện tượng bệnh lý xảy ra), sau đó dùng các kiến thức hiểu biết từ trước tìm cách cắt nghĩa chúng (gọi là đề ra giả thuyết); sau đó dùng một hay nhiều thực nghiệm để chứng minh giả thuyết đúng hay sai (có thể thực nghiệm trên mô hình súc vật). 1.Các bước nghiên cứu thực nghiệm Giả thuyết PHÒNG BỆNH Quan sát Gây bệnh Đối chiếu Quy luật lâm sàng thực nghiệm lâm sàng bệnh lý Kiểm tra Giải phẫu bệnh: Sinh thiết hoặc Giải phẫu tử thi ĐIỀU TRỊ Hình 1.2: Sơ đồ nghiên cứu trong sinh lý bệnh 1.1. Quan sát và đặt giả thuyết Trước một hiện tượng bệnh lý, dù là nhà y học cổ truyền hay y học hiện đại, người ta đều quan sát và nhận xét những hiện tượng bệnh lý. Sau khi quan sát (chủ quan hay khách quan), người ta tìm cách cắt nghĩa và giải thích những điều quan sát được. Những người quan sát có thể đồng thời phát hiện giống nhau nhưng cũng có thể khác nhau; cũng có thể giải thích khác nhau về cùng một hiện tượng mà họ cùng quan sát; tuy nhiên những giải thích trên mang tính chủ quan của con người, tuỳ thuộc vào quan điểm triết học của người quan sát mà nội dung giải thích cũng khác nhau (duy tâm, duy vật, biện chứng hay siêu hình), tuỳ thuộc vào từng thời kỳ phát triển của y học mà ý nghĩa cũng thay đổi. Từ quan sát, Hypocrate (500 năm BC) đã cho rằng: dịch mũi trong do não tiết ra; thể hiện tình trạng cơ thể bị lạnh; máu đỏ do tim tiết ra, thể hiện tình trạng nóng; còn máu đen do lách tiết ra, thể hiện tình trạng ẩm;
  5. 5 và mật vàng do gan tiết ra, thể hiện tình trạng khô. Mọi bệnh lý xảy ra do sự mất cân bằng của 4 chất dịch trên. Phương pháp thực nghiệm do Claude Bernarde đã yêu cầu nhà khoa học: - Quan sát thật tỉ mỉ, khách quan. Càng nhiều thông tin trung thực thì giả thuyết càng dễ gần chân lý . - Khi giải thích, càng vận dụng những kết quả lý luận đã co,ï càng làm cho việc đặt giả thuyết càng có nhiều cơ hội tiếp cận chân lý. Ngày nay, cần lưu ý đến những thành tựu của nhiều ngành khoa học khác nhau, và tuỳ theo điều kiện cụ thể mà vận dụng cho thích hợp. Người bệnh đến với thầy thuốc với những triệu chứng, cần được phát hiện bằng mọi cách một cách khách quan. Trước tiên người thầy thuốc phải dùng ngũ quan của mình để quan sát; sau đó kết hợp với những phương tiện kỹ thuật cận lâm sàng để tăng cường phát hiện những hiện tượng mà khả năng quan sát con người không làm được. Các xét nghiệm cận lâm sàng và thăm dò chức năng cho những kết quả khách quan, chính xác và nhạy hơn những điều mà bản thân thầy thuốc thu nhận được bằng ngũ quan của mình, song những kỹ thuật ấy cũng do con người làm ra nên chúng phải được tuân thủ những quy tắc và điều kiện thực hiện thì mới có đủ sức tin cậy. Khả năng quan sát của người thầy thuốc chỉ có thể phát triển khi được tiếp xúc với người bệnh thường xuyên. Sau khi có đầy đủ các dữ kiện ở người bệnh, người thầy thuốc hình thành trong trí óc của mình một mô hình bệnh lý nhất định. Đồng thời so sánh mô hình này với các mô hình khác (có được qua học tập, kinh nghiệm) để xem nó giống mô hình nào nhất và định hướng chẩn đoán phù hợp nhất. Như vậy chẩn đoán chỉ là một giả thuyết mà người thầy thuốc đặt ra dựa trên những quan sát khách quan thu được. 1.2. Chứng minh giả thuyết bằng thực nghiệm Đây là bước bắt buộc, nhưng Y học cổ truyền đã không có điều kiện thực hiện mà chỉ dừng lại ở bước 1, tức là quan sát; rồi giải thích sau khi thử áp dụng "Y lý" của mình trong thực tiễn. Các thực nghiệm khoa học thường xây dựng các mô hình thực nghiệm trên súc vật từ những quan sát lâm sàng để chứng minh cho các giả thuyết đề ra. Các thực nghiệm này được tiến hành chủ động cấp diễn hoặc trường diễn, cho các hình ảnh bệnh lý sinh động theo thời gian thực nghiệm. Thực nghiệm có thể tiến hành trên từng tổ chức, từng cơ quan cô lập và trên cơ thể nguyên vẹn; hoặc phối hợp với nhau và tiến hành trên cơ thể sống (in vivo) hoặc trong ống nghiệm (in vitro).
  6. 6 Nếu chẩn đoán đúng thì quyết định được biện pháp điều trị thích hợp và bệnh khỏi. Như vậy điều trị cũng là một bằng chứng thực nghiệm. Cần lưu ý bằng chứng này cũng có những điều kiện riêng cuả nó. Ví dụ như sức đề kháng của cơ thể cần thiết cho quá trình tự khỏi của bệnh, hổ trợ cho người thầy thuốc cũng như điều trị và làm cho quá trình tự lành bệnh được nhanh hơn. Cũng có bệnh tuy chẩn đoán ra nhưng khoa học hiện nay vẫn chưa điều trị khỏi. Cuối cùng nếu bệnh quá nặng, điều trị không phù hợp thì người bệnh chết và phương pháp giải phẩu thi thể và chẩn đoán sinh thiết là một bằng chứng thực nghiệm vô cùng quý giá. Muốn có kết quả cần thiết phải có các phương pháp đúng, Claude Bernard:”Chỉ có những phương pháp tốt mới cho phép chúng ta phát triển và sử dụng tốt hơn những khả năng mà tự nhiên đã phú cho chúng ta”. Muốn vậy phải có được những nhận xét lâm sàng chính xác, khách quan; đề ra những giả thuyết đúng đắn, khoa học; tìm các phương pháp thực nghiệm thích hợp để chứng minh cho sự phù hợp giữa thực tế lâm sàng và giả thuyết đã nêu; từ đó rút ra được những quy luật chung nhất của bệnh lý và cuối cùng là ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả trong thực tế (đối với công tác phòng bệnh và điều trị). 2. Vận dụng phương pháp thực nghiệm trong lâm sàng Thầy thuốc là người làm khoa học, quá trình khám để phát hiện đúng bệnh giống như quá trình phát hiện chân lý, nghĩa là tuân thủ theo đúng các bước đi trên. Chẩn đoán bệnh thực chất là ứng dụng các bước của phương pháp thực nghiệm để tăng khả năng tìm ra được chân lý. Tác phong và đức tính của người thầy thuốc trong trường hợp này vẫn là tỉ mỉ, chính xác, trung thực. IV. Sinh lý bệnh soi sáng công tác dự phòng và điều trị Người ta có thể gây bệnh thực nghiệm và điều trị thực nghiệm trước khi ứng dụng vào lâm sàng, do đó hiểu rõ mối quan hệ giữa bệnh nguyên và bệnh sinh, hiểu rõ cơ chế phát sinh, phát triển và kết thúc của bệnh mà thầy thuốc biết khi nào cần điều trị. Có nhiều biện pháp điều trị như điều trị triệu chứng, điều trị nguyên nhân..v.v. Biện pháp điều trị triệu chứng chỉ sử dụng khi chẩn đoán nguyên nhân chưa rõ và khi biểu hiện bệnh lý quá mạnh có thể ảnh hưởng đến sinh mạng bệnh nhân như đau quá có thể gây sốc, sốt cao gây co giật ở trẻ em.v.v. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng vì nhiều khi có hại hơn có lợi và cũng chỉ là biện pháp đối phó. Điều trị nguyên nhân là đúng nhất vì đánh vào yếu tố gây bệnh. Song cũng có nhiều bệnh hiện nay chưa rõ nguyên nhân hoặc như trong
  7. 7 nhiều bệnh có nguyên nhân đã rõ nhưng khi bệnh hình thành thì có thể diễn biến mạnh hơn, nguy hiểm cho người bệnh thì cần phải sử dụng khái niệm dự phòng trong điều trị tức là thông qua quy luật diễn biến nhất định của bệnh lý (sinh lý bệnh học của bệnh) mà đề ra những biện pháp điều trị thích đáng ngăn cản hoặc hạn chế những diễn biến xấu có hại. Sự hiểu biết về vai trò của nguyên nhân và điều kiện gây bệnh sẽ giúp cho việc đề ra kế hoạch phòng bệnh đúng. Có thể phòng bệnh bằng cách tiêu diệt và ngăn ngừa nguyên nhân phát triển, ngăn chặn các điều kiện thuận lợi cho nguyên nhân nảy sinh (môi trường sống, các vectơ truyền bệnh, dinh dưỡng .v.v.), tăng cường sức đề kháng của cơ thể. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vũ Triệu An. 2000. Đại cương Sinh lý bệnh học. NXB Y Học, Hà Nội. 2. Bộ môn Miễn dịch học - Sinh lý bệnh trường Đại học Y khoa Hà Nội (2002). Sinh lý bệnh. Nhà xuất bản Y học 3. Bộ môn Miễn dịch học - Sinh lý bệnh trường Đại học Y khoa TPHCM. (2000). Sinh lý bệnh. Nhà xuất bản Y học. 4. Ganong W (1996) Review of medical physiology. Nhà xuất bản Appeleton and Lange 5. Guyton A.C ; Hall J.E. Textbook of medical physiology. Nhà xuất bản W.B. Saunder company. 6. Harrison’s principles of internal medecine. Nhà xuất bản Mc Graw Hill. 7. Nguyễn Ngọc Lanh. 2002. Khái niệm về bệnh. Trong: Sinh lý bệnh (Nguyễn Ngọc Lanh chủ biên). Trang 16-30. NXB Y Học, Hà Nội. 8. Sigmund Freud. 1970. Phân tâm học nhập môn. Bản dịch của Nguyễn Xuân Hiếu. Trang 5-263. NXB Khai Trí. Sài Gòn.


Page 2

YOMEDIA

Sinh lý bệnh lý học hay gọi tắt là sinh lý bệnh học là môn học nghiên cứu về cơ chế phát sinh, phát triển và kết thúc của bệnh; tức là nghiên cứu những thay đổi của cơ thể bị bệnh trong quá trình bệnh lý điển hình và cuối cùng để tìm hiểu những quy luật hoạt động của bệnh nói chung. Theo Purkinje: “Sinh lý bệnh là sinh lý của cơ thể bị bệnh“ Sinh lý bệnh nghiên cứu những trường hợp bệnh lý cụ thể, phát hiện và mô tả những thay đổi về sự hoạt...

28-07-2013 404 17

Download

Sinh lý bệnh là gì

Giấy phép Mạng Xã Hội số: 670/GP-BTTTT cấp ngày 30/11/2015 Copyright © 2009-2019 TaiLieu.VN. All rights reserved.