Lương căn bản 2023

SKĐS - Nếu đề xuất tăng lương cơ sở được thông qua thì từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức khu vực công sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng.

Mới đây, ngày 9/10, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa 15 xem xét, quyết định.

Theo thông tin trên báo điện tử Chính phủ, Chính phủ đã trình các cấp có thẩm quyền dự kiến sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công từ 1,49 triệu đồng lên khoảng 1,8 triệu/tháng (tăng khoảng 20,8%), dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.

Như vậy, nếu đề xuất tăng lương cơ sở tại Hội nghị Trung ương 6 được thông qua thì từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức khu vực công sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng.

Lương căn bản 2023

Lương cơ sở có thể sẽ tăng từ 1/7/2023 (Ảnh minh họa).

Điều kiện để có nguồn tăng lương được chỉ rõ: GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%, đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình mục tiêu và chương trình phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương. 44/63 tỉnh, thành phố có GRDP tăng trên 6%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch được phục hồi mạnh mẽ.

Trước đó, theo thông tin trên báo Nhân Dân, ngày 29/9, tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề cập về vấn để cải cách tiền lương. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 3 năm gần đây, do các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến cho lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại. Tuy nhiên, đây là vấn đề cấp thiết nên tại kỳ họp thứ 4 sắp tới, Quốc hội sẽ bàn vấn đề này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương được thì nên chăng cũng cần điều chỉnh, tăng lương cơ sở. Mức độ, liều lượng và thời gian điều chỉnh cụ thể như thế nào Quốc hội cũng sẽ bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, ban đầu việc cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức dự kiến áp dụng từ năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Trung ương đã quyết định lùi cải cách tiền lương với công chức đến thời điểm thích hợp.

Hiện nay, mức lương cơ sở đang được thực hiện theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 1/7/2019 là 1,49 triệu đồng.

Dự kiến ngày 20/10/2022, phiên họp thứ 4, kỳ họp Quốc hội khóa 15 sẽ khai mạc. Tại phiên họp này, phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở sẽ được hoàn chỉnh báo cáo và trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Những lần điều chỉnh mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thời gian gần đây:

- Từ ngày 1/7/2017, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng.

- Từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng/tháng.

- Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng/tháng.


Tăng lương cơ sở vì không thể cải cách tiền lương

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương, Nghị quyết 28 ban hành năm 2018 đề ra nhiệm vụ cần cải cách tiền lương, đưa tiền lương về đúng với giá trị thực, đáp ứng đời sống của người lao động. Tuy nhiên, thực tế, do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan nên đến giờ phút này công cuộc cải cách tiền lương vẫn chưa thể thực hiện.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đình Quảng – Phó ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, bản chất của việc thực hiện cải cách tiền lương là trả lương theo vị trí việc làm - mang tính chất toàn diện, căn bản hơn. Tăng lương chỉ là điều chỉnh tiền lương.

Lương căn bản 2023

Vì không thể cải cách toàn diện tiền lương nên Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở. Ảnh: NN

“Một trong những nguyên tắc trả lương theo đề án cải cách tiền lương là không còn mức lương cơ sở mà trả trực tiếp bằng tiền, căn cứ vào vị trí việc làm, khối lượng công việc. Để thực hiện cải cách tiền lương, đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn hơn và gắn liền với cải cách bộ máy, tinh giản biên chế” – ông Quảng cho biết. 

Theo ông Quảng, về căn bản, cải cách tiền lương mang tính tổng thể hơn, nhưng nếu chưa đủ điều kiện thì cần trước mắt điều chỉnh mức lương cơ sở.

Trước khó khăn mà lao động đang phải đối mặt do tiền lương thấp, không đủ đáp ứng đời sống tối thiểu, vừa qua Chính phủ đã đề xuất tăng lương cơ sở từ 1/7/2023.

Theo tính toán, trung bình mức lương cơ sở tăng định kỳ từ 7-10%, mỗi năm tăng 100 nghìn đồng. Riêng năm 2017 tăng 90.000 đồng và từ năm 2019 tới nay chưa tăng lương cơ sở do khó khăn từ dịch Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên việc tăng lương cơ sở chỉ là giải pháp trước mắt nhằm điều chỉnh một phần tiền lương, giúp rút ngắn khoảng cách tiền lương với trượt giá chứ không phải cải thiện tiền lương hay đưa tiền lương về đúng giá trị thực.

Dù vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội việc tăng lương cơ sở cũng là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Với việc tăng lương cơ sở lên từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, nền tiền lương cơ sở sẽ tăng thêm 20%. Điều này góp phần cải thiện khó khăn của người lao động.

Nên tăng lương cơ sở từ 1/1/2023

Theo ông Lê Đình Quảng nên tăng lương cho lao động 1/1/2023 thay cho 1/7/2023. Lý do là bởi hiện nay mức lương cơ sở đang quá thấp, đã 3 năm chúng ta chưa điều chỉnh lương cơ sở.

"Trước đây mức lương cơ sở được áp dụng chung cho cả cán bộ khu vực công chức, viên chức, doanh nghiệp. Nhưng năm 2013 thì tách ra, doanh nghiệp áp dụng lương tối thiểu vùng, còn công chức viên chức thì áp dụng lương theo Nghị định 66. Theo đó, tiền lương của cán bộ công chức tính trên hệ số nhân với lương cơ sở", ông Quảng nói.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó tới nay mức lương khu vực công và khu vực tư có nhiều khác biệt chênh lệch. Lương khu vực tư đang chạy nhanh hơn khu vực công. Vì thế cần sớm điều chỉnh lương cơ sở để tăng lương công chức, viên chức.

Lương căn bản 2023

Cần tăng lương công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023. Ảnh: N.T

Ông Quảng cho rằng thường khi đề cập tới vấn đề tăng lương người ta sẽ nhắc tới 3 điều kiện. Căn cứ vào tình hình ngân sách nhà nước; thứ 2 chỉ số tăng trưởng CPI thứ 3 là tốc độ phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Nếu chiếu theo điều này thì các điều kiện tăng lương công chức viên chức đã khá "chín mùi".

"Đặc biệt do tình hình dịch Covid-19, 3 năm nay lương công chức viên chức không được tăng. Đời sống của cán bộ công chức đã rất khó khăn. Vì thế cần phải tăng lương sớm để giải quyết những khó khăn cho người lao động", ông Quảng nói.

Mặt khác cũng theo ông Quảng nên tăng lương từ 1/1/2023 thay vì tăng theo tiền lệ từ 1/7/2023 là bởi điều này cũng tạo thuận lợi cho những người hoạch định chính sách và tính toán cân đối ngân sách theo năm tài chính chung.