Kỹ thuật phỏng vấn là gì

Em bắt đầu công việc tuyển dụng hơn năm nay, đã học được nhiều kỹ thuật phỏng vấn từ các anh chị có kinh nghiệm, tự mình thực hiện 7 cuộc trao đổi với ứng viên và càng ngày em càng cảm thấy hào hứng với vị trí này.

 

Gần đây em đã sàng lọc được 2 ứng viên tiềm năng và được sếp nhận xét là họ đều là những người đáng để lựa chọn. Bây giờ một trong hai người đó đã là nhân viên của công ty. Em cảm thấy rất vui vì đã giúp bạn ấy chọn được công việc phù hợp và công ty cũng có thêm một nhân viên chất lượng.

 

Mọi việc diễn ra bình thường thì mới đây bạn đồng nghiệp nói rằng em nên làm theo cách mà cô ấy đang làm, đó là áp dụng các cuộc phỏng vấn căng thẳng. Trong đó cô ấy tỏ ra không quan tâm đến ứng viên, cố tình có những hành động khiêu khích, dùng giọng điệu coi thường, liên tục đặt ra các câu hỏi khó nhằm dồn ứng viên vào thế bí để kiểm tra xem họ có dám “phá vỡ” hay không và để biết cách họ phản ứng trước áp lực như thế nào.

 

“Kỹ thuật phỏng vấn căng thẳng sẽ đặt các ứng viên vào tình trạng căng thẳng tột độ, nhằm kiểm tra khả năng ứng xử khéo léo của họ trong các tình huống rắc rối.”

 

Em đã hỏi chị quản lý về các cuộc phỏng vấn căng thẳng và chị ấy nói rằng chưa bao giờ sử dụng cách làm đó. Em cũng có tìm hiểu thêm về kỹ thuật phỏng vấn căng thẳng trên mạng và cảm thấy nó cứ thô lỗ, thiếu lịch sự thế nào ấy. Theo kinh nghiệm của các anh chị thì hình thức phỏng vấn căng thẳng có hữu ích không hay chỉ là cách làm lãng phí thời gian?

 

Kỹ thuật phỏng vấn căng thẳng có phải là con đường sáng để có được các ứng viên lý tưởng?

 

Trên đây là tình huống trên một diễn đàn về nhân sự, nó khiến tôi nhớ về cuộc phỏng vấn đầy căng thẳng và kịch tính của mình ở một công ty dược. Trước buổi phỏng vấn đó tôi rất tự tin vào khả năng chiến thắng của mình. Người phỏng vấn bắt đầu hỏi một số câu hỏi nhỏ để làm quen nhưng không lâu sau lại tấn công tôi kịch liệt. Liên tục các câu hỏi xoáy sâu xuất hiện và mọi câu trả lời tôi đưa ra đều bị bắt bẻ đủ kiểu, nếu không muốn nói là sai hoàn toàn. Anh ấy công khai gây hấn, thậm chí có lúc còn cho rằng tôi đã nói dối.

 

Kỹ thuật phỏng vấn là gì

 

Không khí căng thẳng dần leo thang đến mức tôi gần như muốn đứng phắt dậy, cảm ơn anh ấy đã dành thời gian phỏng vấn và ra về. Tuy nhiên, tôi quyết định “đôi công” với anh ta một cách thật bình tĩnh. Giờ này thì mục tiêu có được công việc ở đây không còn quan trọng nữa rồi. Tôi nói thẳng rằng mình đến đây với mong muốn có một cuộc trao đổi thân tình để xem bản thân và công ty, công việc có phù hợp với nhau hay không, chứ không phải để bị đối xử một cách hờ hững và bị xem thường như thế kia.

 

Sau đó thái độ của người phỏng vấn thay đổi hẳn và cho tôi biết lý do vì sao anh ấy làm như thế: Căng thẳng là điều thường xuyên gặp phải trong công việc mà tôi ứng tuyển và anh ấy muốn dùng kỹ thuật phỏng vấn này để biết tường tận cách tôi ứng xử trước một khách hàng đang tức giận ra sao.

 

Dù đã được giải thích rõ nguyên nhân và được đánh giá cao nhưng tôi vẫn không hề cảm thấy thoải mái sau khi rời buổi phỏng vấn và trong lòng như có điều gì đó ấm ức khó nói. Kết quả là khi nhận được lời mời làm việc vào ngày hôm sau, tôi đã từ chối. Tôi từ chối không chỉ vì cú sốc trong buổi phỏng vấn mà còn vì tôi biết rằng nếu sau này trở thành đồng nghiệp, mối quan hệ làm việc của tôi và người phỏng vấn đó đều rất dễ trở nên căng thẳng. Tất nhiên, không ai muốn suốt ngày phải làm việc trong bầu không khí như vậy.

 

Ở vị trí nhà tuyển dụng, chúng ta có thể cho rằng các cuộc phỏng vấn căng thẳng là cách hay để biết khả năng xử lý áp lực của ứng viên khi làm việc trong môi trường có nhịp độ nhanh và đầy mệt mỏi, nhưng thực tế thì được 1 mà mất đến 10. Nghĩ kỹ một chút, bạn có thể thấy “chiến thuật hù dọa” gây bất lợi cho công ty như thế nào.

 

Thứ nhất, một cuộc phỏng vấn căng thẳng sẽ loại bỏ ngay cả những ứng viên tốt nhất. Không ai muốn đến một cuộc phỏng vấn xin việc, chỉ để bị làm xấu mặt hoặc bị nghi ngờ về sự trung thực của mình. Mặt khác, khi bạn khiến ứng viên luôn trong tư thế phòng thủ như đi đánh trận đồng nghĩa với việc bạn cho rằng sự thoải mái và vui vẻ của họ chẳng có nghĩa lý gì đối với bạn cả. Tại sao một ứng viên tài năng lại phải tiếp tục ứng tuyển khi họ bị bắt nạt như vậy? Họ sẽ bỏ của chạy lấy người giống như cách tôi đã làm và bạn sẽ mất đi những ứng viên sáng giá.

 

Thứ hai, nếu ứng viên làm việc ở một trong những công ty đối tác của bạn, mối quan hệ kinh doanh giữa đôi bên cũng có thể ảnh hưởng. Và nếu họ làm việc cho đối thủ cạnh tranh của bạn, hãy coi chừng. Trải nghiệm ứng tuyển “khủng khiếp” của họ có thể khiến nhiều ứng viên hàng đầu xa lánh bạn hết mức. Điều đó tạo ra dư luận xấu và thương hiệu xấu cho công ty của bạn, về lâu dài cũng không tốt cho việc kinh doanh.

 

Phỏng vấn vốn đã rất căng thẳng, các ứng viên đang gặp một hoặc có khi là một nhóm người lạ soi họ từ đầu đến chân. Họ đang trong trạng thái bất an vì không bao giờ biết câu hỏi nào hoặc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Thế nên họ không cần người phỏng vấn thổi bùng thêm ngọn lửa căng thẳng, khiến họ gia tăng lo âu.

 

Bởi những lí do này nên tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ áp dụng kỹ thuật phỏng vấn căng thẳng. Có rất nhiều cách khác để xem phản ứng của ứng viên trước khó khăn chứ không nhất thiết phải dùng cách này. Tuy nhiên, nếu bạn xác định rằng phỏng vấn căng thẳng là một phần không thể thiếu trong quá trình tuyển dụng của bạn và nó sẽ mang lại kết quả hữu hình, hữu ích, thì hãy sử dụng một cách thận trọng. Nếu không chắc chắn bản thân có thể lèo lái tình huống để đi đến kết quả tích cực, tốt nhất là hoàn toàn đừng đả động gì đến nó.