Học đi đôi với hành lý luận phải gắn với thực tiễn

Trong quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ lời nói cũng phải đi đôi với việc làm; nói sao làm vậy; nói một, làm mười ("kế hoạch một phần, biện pháp phải mười phần"). Người phê phán những người nói một đàng, làm một nẻo, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, thậm chí nói suông mà không làm.

Với Người, nói đi đôi với làm là phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Nó thể hiện lòng trung thực, ngay thẳng, thật thà trong công vụ. Người cho rằng, một cán bộ, đảng viên tốt, khi được giao việc, nếu thấy quá sức mình thì phải báo cáo để cấp trên điều chỉnh cho người khác. Nhưng khi đã nhận rồi, phải làm đến nơi đến chốn, tìm mọi cách để làm cho xong việc; tuyệt đối không được bỏ dở, "đánh trống bỏ dùi".

Trong quá trình thực thi, nếu thấy khó khăn, phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền để được giúp đỡ. Người nêu kinh nghiệm trong công tác cán bộ: những người hay khoe khoang công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, tránh việc lớn, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích, ghen tị với người khác, tự tâng bốc mình, "... những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải là cán bộ tốt".

Người rất quý trọng những cán bộ làm việc chăm chỉ, không khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, nói đi liền với làm, nói ít làm nhiều, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, lòng dạ họ cũng không thay đổi: "... Những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt".

Ðối với việc học và hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần nhấn mạnh: Trước học một đường, hành một nẻo. Nay phải sửa chương trình làm sao để học thì hành được ngay. Người lưu ý các thầy giáo, các cô giáo phải hết sức chú ý đưa giáo dục "đạo đức công dân" vào trong giáo dục và trong xã hội.

Theo Bác, làm một người công dân của một nước độc lập mà không tự rèn luyện đạo đức thì không thể gọi là công dân chân chính. Công dân mà không rèn luyện đạo đức, sống không có đạo đức sẽ đẩy xã hội đến tiêu cực, làm cho xã hội không có đạo đức. Làm cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy công quyền lại càng  phải có đạo đức, không có đạo đức thì không thể phục vụ nhân dân với đúng nghĩa của nó.

Học tập, rèn luyện đạo đức, mang đạo đức đó ra phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, chính là gắn học với hành. Ðó là nghĩa vụ của công dân và công chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng, Chính phủ trước hết phải "là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi".

Nói về lý luận và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau. Lý luận phải xuất phát từ thực tế và thực tiễn là thước đo của lý luận. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa lý luận và thực tiễn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động vào nhau, tuyệt đối không được bóc tách nó ra.

Tư tưởng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về nói và làm; học và hành; lý luận và thực tiễn như bó đuốc soi đường cho cán bộ, đảng viên. Thấm nhuần tư tưởng của Người, nhiều cán bộ, đảng viên đã chịu khó rèn luyện, nói đi đôi với làm, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn thể hiện sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức, phong cách công tác cho đội ngũ cán bộ. Người nhận định, bên cạnh mặt tốt của cán bộ là những mặt chưa tốt, như nhiều cán bộ còn mắc bệnh bản vị, chủ nghĩa cá nhân, tham danh vọng, địa vị, dân chủ hình thức, dìm người tài giỏi, không dám dùng những người tài giỏi hơn mình.

Người cho rằng, trong đội ngũ của chúng ta không ít người mắc phải cái bệnh coi nhẹ, xem thường lý luận. Những người này không hiểu rằng, họ đã có thực tế, nếu có thêm lý luận, thì công việc sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng, có thứ lý luận lại không xuất phát từ thực tế, chung chung, vô bổ, rút cục, không phải là lý luận, mà là cái gì đó như không tưởng.

Vì vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải ra sức học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế: "Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông". Bởi vì, mỗi công việc của Ðảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, công chức không phải một sớm, một chiều là có thể sửa chữa xong. Ðiều quan trọng là "bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức và chính trị của mình". Bác Hồ lưu ý rằng, "đảng viên và cán bộ cũng là người". Ðã là người thì ai cũng có tính tốt và tính xấu. Vấn đề là ở chỗ phải phát huy những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu, sửa bỏ ngay cái kiểu nói không đi đôi với làm, học không đi đôi với hành, lý luận không gắn với thực tế. Với Ðảng, "khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận, rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành".

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN buộc chúng ta phải đổi mới tư duy. Kinh tế thị trường làm chúng ta năng động hơn trong cách nghĩ, cách làm.  Ðất nước năng động hơn. Vận nước đang đi lên tuy còn không ít những chướng ngại, đòi hỏi chúng ta đồng tâm hiệp lực để vượt qua những chướng ngại đó.

Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang dẫn dắt chúng ta đi tới, nên chúng ta cần vận dụng sáng tạo và phát triển lên tầm cao của thời đại mới. Như Bác Hồ đã nói, đó là thời đại vẻ vang, thời đại thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của độc lập dân tộc, của hòa bình dân chủ, thời đại của khoa học phát triển rất mạnh. Ðây chính là thời cơ, vận hội cho chúng ta, cần phải nắm lấy để phát triển đất nước.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần ra sức rèn luyện đạo đức, lối sống, phong cách công tác theo tấm gương Bác Hồ: Nói đi đôi với làm; học gắn với hành; lý luận gắn với thực tiễn. Trong công vụ, con người cán bộ, công chức, đảng viên được biểu hiện ở hai điểm: tài và đức. Hai cái đó phải gắn chặt vào nhau: Có tài mà không có đức ví như một người làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa.

Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên không chỉ làm gương mà còn phải chăm lo bồi dưỡng, giáo dục lớp lớp thanh niên noi theo tấm gương Bác Hồ. Bởi lẽ, lực lượng nòng cốt để biểu thị nói và làm, học và hành, lý luận và thực tiễn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là lớp trẻ (bao gồm thanh, thiếu niên).

Lớp trẻ hôm nay rõ ràng thông minh hơn, năng động hơn rất nhiều so với lớp trước. Thanh niên Việt Nam cần cù, thông minh, học giỏi, chẳng thua kém bất kỳ sinh viên của các nước. Thế hệ thanh niên ngày nay cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ:

"Ðối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi:

Học để làm gì?

Học để phục vụ ai?"

Ðó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng để sửa chữa khuyết điểm của mình. Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, yêu khoa học và kỹ thuật là những đức tính của thanh niên, sinh viên cần tu dưỡng, rèn luyện trong thời kỳ mới theo lời Bác Hồ đã dạy.

PGS, TS Ðức Vượng

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà giáo dục lớn của dân tộc. Người đã để lại cho chúng ta nhiều quan điểm giáo dục có giá trị, trong đó quan điểm: “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế” là cơ sở khoa học, phương pháp luận biện chứng, là quy luật của sự phát triển toàn diện nhân cách con người, phát triển nền giáo dục Việt Nam hiện đại, có ý nghĩa sâu sắc trong định hướng lý luận cũng như chỉ đạo thực tiễn giáo dục, đào tạo ở các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay.

Học đi đôi với hành lý luận phải gắn với thực tiễn
Bác Hồ với cán bộ, giáo viên, học sinh trường Thiếu niên vùng cao, trường Sư phạm cấp I Bình Thuận, 
trường Bổ túc văn hóa tỉnh Tuyên Quang (tháng 3-1961).

Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; đặc biệt, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, công tác huấn luyện, giáo dục - đào tạo trong Quân đội được cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, đã tạo được bước chuyển biến tích cực và tương đối toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, giáo dục - đào tạo. Việc đổi mới chương trình, nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp huấn luyện, giáo dục - đào tạo được thực hiện tích cực, bằng nhiều giải pháp khoa học, phù hợp với tổ chức biên chế, yêu cầu xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Toàn quân đã bám sát và thực hiện nghiêm 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp; chú trọng đổi mới công tác kiểm tra, phúc tra, hội thi, hội thao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại và luyện tập, diễn tập ở các cấp, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội Nhân dân đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

BÁO QUÂN KHU 4