Hình ảnh đào bới lấn chiếm di sản văn hóa

Di tích Lò gốm Hưng Lợi được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích khảo cổ học quốc gia vào tháng 4/1998 với tổng diện tích khoảng 50 nghìn mét vuông. Tuy nhiên, hiện tại khu vực lõi bảo vệ nghiêm ngặt (rộng khoảng 836m2) và khu vực bao quanh (rộng khoảng 10.000m2) đã bị đào bới, san lấp, trồng cây xanh và hơn 100 căn nhà của người dân đang tồn tại. Cùng với đó, mái che khu vực khai quật đã bị sập, nền di tích mọc nhiều cỏ dại và trong tình trạng ngập úng…

Nhiều di tích khác cũng lâm cảnh tương tự. Đình Tân Túc (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), di tích văn hóa-lịch sử cấp thành phố đang đối mặt nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Hiện, phần lớn cấu trúc cột, kèo, rui, tường ngăn, mái ngói… của ngôi đình hơn 100 tuổi này đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng; nền đình thường xuyên bị ngập sâu trong nước khi trời mưa lớn hoặc thủy triều sông Chợ Đệm dâng lên (do nền đình thấp hơn mặt đường gần 1m)…

Có thể nhận thấy, tình trạng xuống cấp, thiếu tu bổ, bị lấn chiếm, xâm hại… ở các di tích lịch sử, văn hóa… chủ yếu do chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý. Cùng với đó, do để xảy ra tình trạng lấn chiếm, khiếu nại kéo dài hoặc chưa thực hiện được công tác giải tỏa, đền bù cho nên các cơ quan, đơn vị chức năng không triển khai được dự án trùng tu, tôn tạo di tích như mong muốn.

Ở không ít di tích, dù đã được cơ quan chức năng công nhận nhiều năm nhưng vẫn chưa thành lập được ban quản lý di tích và lập dự án để trùng tu, bảo tồn. Hệ lụy là công tác quản lý, lập và triển khai dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích gặp nhiều khó khăn, trở ngại hoặc gần như không có kết quả tích cực gì.

Những di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc… là những di sản vô giá và cần được gìn giữ, bảo tồn cho hôm nay cũng như tương lai. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm thống kê, phân loại, đánh giá… qua đó, xác định được bức tranh toàn bộ hệ thống di tích, cảnh quan kiến trúc… trên địa bàn thành phố từ đó có phương án quản lý, bảo tồn hiệu quả.

Để khắc phục những bất cập, tiêu cực và làm tốt hơn công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa…, trước hết cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và chính quyền địa phương. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm, liên quan việc để xảy ra tình trạng xuống cấp, xâm hại, lấn chiếm… di tích. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là người đứng đầu, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Đối với những di tích đang bị người dân xâm hại, lấn chiếm, các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương liên quan cần sớm thực hiện các giải pháp phù hợp, khả thi để giải quyết dứt điểm; trả lại hiện trạng ban đầu đầy đủ và triển khai dự án khôi phục, tu bổ, tôn tạo. Công tác bảo tồn cần phải được gắn kết chặt chẽ với việc phát huy giá trị của di tích thông qua các hoạt động như tham quan, du lịch, quảng bá bằng nhiều hình thức và phương thức… ■

Rừng phòng hộ bị xẻ thịt, những lớp đá trầm tích hàng triệu năm bị san lấp thay vào đó là những tường rào, bờ kè bằng bê tông nham nhở… là những gì ghi nhận tại di tích thắng cảnh Ba Tâng Gâng.

Hình ảnh đào bới lấn chiếm di sản văn hóa
Người dân tự ý san ủi, đào bới, lấn chiếm diện tích đất rừng phòng hộ ven biển lẫn khu vực thắng cảnh Ba Tâng Gâng để xây dựng nhiều công trình trái phép. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Di tích, danh thắng Ba Tâng Gâng (hay còn gọi là Ba Làng An), xã Bình Châu, huyện Bình Sơn là một trong những thắng cảnh có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, địa chất…

Đây là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất trong tương lai của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, di tích đang bị xâm hại nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ bị “biến dạng.”

Rừng phòng hộ ven biển bị xẻ thịt, những lớp đá trầm tích hàng triệu năm bị san lấp thay vào đó là những tường rào, bờ kè bằng bê tông nham nhở… là những gì phóng viên ghi nhận tại di tích thắng cảnh Ba Tâng Gâng. Điều đó khiến du khách không khỏi xót xa.

Anh Nguyễn Hoàng Thường (quê Hà Tĩnh) chia sẻ một số nơi trong di tích đã không còn giữ được nét hoang sơ, kỳ vĩ ban đầu nữa do một số người dân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà nhẫn tâm tàn phá một thắng cảnh đẹp.

Tình trạng này diễn ra từ tháng 6/2019. Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Hữu Phúc (sinh năm 1980, trú tại thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) có hành vi vi phạm khi đào bới, san ủi đất rừng phòng hộ ven biển với tổng diện tích hơn 1.560m2 để xây dựng công trình bờ kè bê tông cốt thép dài 52m, cao 2m; đồng thời xây dựng 6 trụ bêtông cao 4m, mái lợp lá dừa, nền lát gạch men, diện tích xây dựng 24m và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp) mà không được cấp có thẩm quyền cho phép.

[Phú Yên quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm thắng cảnh đầm Ô Loan]

Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn, cho hay khi nắm được thông tin, huyện đã tiến hành kiểm tra và ban hành Quyết định số 2125/QĐ- XPVPHC ngày 2/8/2019 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Nguyễn Hữu Phúc 15 triệu đồng; buộc khôi phục, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu.

Đến đầu năm 2020, tình trạng trên lại tiếp diễn và tăng thêm hai trường hợp. Cụ thể là các ông Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Dưỡng, Nguyễn Hữu Phúc tự ý đào bới, xây dựng công trình trong khu vực đất rừng phòng hộ ven biển và di tích thắng cảnh Ba Tâng Gâng.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Châu, cho biết thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương, xã đã tạm đình chỉ việc xây dựng trái phép của các hộ dân.

Cùng với đó, chính quyền xã lên kế hoạch phối hợp với cơ quan liên quan họp bàn phương án giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, do trùng thời điểm thực hiện cách ly xã hội vì dịch COVID-19 nên chưa thực hiện được.

Đến gần cuối tháng 4/2020, các cơ quan chuyên môn của huyện, Ủy ban Nhân dân xã mới thống nhất tiếp tục tạm đình chỉ việc xây dựng trái phép, lập hồ sơ báo cáo, tham vấn các sở, ngành liên quan để tham mưu xử lý theo quy định.

“Vì không có các trụ mốc để xác định hành lang bảo vệ di tích; hơn nữa trong khu vực rừng phòng hộ ven biển và di tích, thắng cảnh Ba Tâng Gâng có một số phần đất của người dân nên xã rất khó xử lý. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện mới có thẩm quyền thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Nghị định 91/2019/NĐ- CP của Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh có thẩm quyền quyết định còn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ nên cần phải có sự thống nhất chung,” ông Hải lý giải.

Về vấn đề này, ông Phan Đình Độ, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi ở góc độ văn hóa, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn tìm hướng xử lý. Nếu vượt quá thẩm quyền, Sở sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý theo hướng đình chỉ ngay việc xâm hại và có sự quy hoạch tổng thể khu vực di tích, thắng cảnh Ba Tâng Gâng để có sự đầu tư, phát triển, bảo tồn lâu dài, bền vững.

Ba Tâng Gâng là danh thắng nằm trong danh sách di tích, danh thắng được bảo vệ của tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1991. Vì vậy, việc san ủi, đào bới, gây nguy hại đến di tích này là điều không thể chấp nhận, bởi nó sẽ làm mất đi vĩnh viễn những dấu tích quý giá về mặt địa chất./.