Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội tại lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 với sự tham gia của hơn 4.300 tân sinh viên khoá K70, sáng 23/10.

Ông Minh cảm ơn sinh viên đã lựa chọn trường để gửi gắm ước mơ và tương lai. Cùng với đó, vị hiệu trưởng đưa ra ba lời khuyên cho các bạn tân sinh viên nói riêng và toàn thể giảng viên, sinh viên của trường nói chung.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội.

VTC News xin trích dẫn bài phát biểu truyền cảm hứng của GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội:

"Các em đã mang những luồng gió mới, mang sức sống tươi trẻ đến với nhà trường, và vì vậy, chúng ta có đủ niềm tin về một tương lai giáo dục tiến bộ của đất nước.

Thầy cam kết rằng, các em sẽ đươc tôn trọng, sẽ được hướng dẫn, sẽ được tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng của Nhà trường để có môi trường học, tập, nghiên cứu, rèn luyện để trưởng thành.

Thầy cam kết rằng, nơi đây sẽ tạo ra sự bình đẳng, tạo ra không gian thoáng đãng, không gian sáng tạo và phục vụ tốt nhất cho các em. Nơi đây không có chỗ cho sự sợ hãi, chỉ có yêu thương và trách nhiệm, chỉ có lòng tin và giá trị - các em là chủ nhân của mái trường này.

Cũng chính hôm nay, nơi miền Trung, bà con thân yêu của chúng ta đang trong bão lụt; và có những bậc cha, bậc chú và cả những người cùng trang lứa của các em đang oằn mình chống lũ, có người ra đi và mãi mãi không về, và đang có ngàn vạn bà con đang thiếu thốn trăm bề, các em ở nơi này phải biết nghĩ đến nơi xa. Hãy biết sẻ chia để bồi đắp tử tế.

Thầy cảm ơn các em chọn mái trường này. Các em đã chọn và dành ý nghĩa cuộc đời của mình cho những ước mơ cao đẹp nhất. Vì rằng, ý nghĩa cao cả của giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng là nuôi dưỡng tâm hồn để bồi đắp giá trị, khơi dậy ước mơ; cảm hóa con người để mỗi người yêu quý nhau hơn; sẻ chia, đồng cảm và tha thứ, bao dung; hành động chân chính vì cuộc đời tốt đẹp.

Mỗi sự kiện trong cuộc đời sẽ là một cung bậc của tình cảm, là thôi thúc để trỗi dậy lòng trắc ẩn, để có nền cho những khát khao chính đáng. Cuộc đời này không thể giá như, mà hãy làm vì những gì có thể.

Hãy bắt đầu từ những lúc ban đầu

Những ước mơ chân chính chỉ nảy mầm từ những con người chân chính; những khát vọng cao cả chỉ được nuôi dưỡng trong những tâm hồn cao cả, trong tâm hồn chan chứa yêu thương.

Khát vọng sống trong tâm hồn có cao sang đến đâu cũng phải được nuôi dưỡng từ lòng đất mẹ, từ đồng làng một nắng hai sương, từ những ca đêm của bao người thợ, từ tiếng vọng thời gian của khao khát bao người đã mang vào lòng đất và trong biển cả, để bình yên của sớm mai này.

Tình yêu thương cao cả là chiếc nôi cho những ước mơ chân chính. Thầy mong các em hãy bắt đầu từ tình yêu thương và lan tỏa yêu thương, trước khi làm những điều hơn thế.

18 tuổi, sức dài vai rộng, hãy bắt đầu nghĩ đến những việc lớn cho đời, hãy nghĩ những điều tươi mới, những điều ta chưa nghĩ đến bao giờ và cả những điều ta trăn trở bấy lâu mà cuộc đời mong đợi.

Hãy một lần đến với biển để ngắm bình minh, để thấy rằng đất nước này hướng về phía mặt trời; hãy một lần lên với núi, để thấy đất nước này tựa vào núi muôn đời, và những dòng sông qua những cánh đồng, tươi đẹp lắm như trong lời ru của mẹ.

Đi để biết, để thấy bà con mình còn nhọc nhằn, gian khó; vẫn còn nghèo và thiếu thốn trăm bề. Đi để nuôi khát vọng đổi đời cho những người mà mình yêu quý. Đừng bắt đầu đi từ ảo vọng, muốn đi cần có hành trang: đó là tình yêu thương, đó là tri thức và lan tỏa chúng cho đời.

Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hãy bắt đầu khai thông tầm nhìn về những điều rộng mở

Các em là những học sinh phổ thông xuất sắc, vì chỉ có thế mới đến với trường này. Các em tự hào về điều đó; nhưng hãy gói lại và cất giữ nó như một kỷ niệm êm đềm trong góc của con tim. Hãy bắt đầu những điều mới mẻ. Không ai sống chỉ bằng hoài niệm, chỉ bằng quá khứ và càng không thể gặm nhấm quá khứ như một liều thuốc thần tiên.

Hãy dám quên những gì đáng quên, và cần nhớ những gì đáng nhớ, để bắt đầu cho những điều tốt đẹp hơn. Thầy mong muốn mỗi em biết trân trọng quá khứ, nhưng đừng sống chỉ bằng quá khứ mà hãy dám sống vì tương lai, không phải chỉ bằng tương lai cho riêng mình mà vì tương lai của một dân tộc.

Những hiểu biết ít ỏi của chúng ta, tưởng chừng ghê gớm, nhưng nhân loại đã đi quá xa rồi. Cái nhúm kiến thức chúng ta có được, rất cần thiết, nhưng chỉ là hạt bụi trong vũ trụ bao la.

Dù sung sướng khi cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, nhưng phải cảm nhận sự tổn thương khi mình chưa làm được nó, khi mỗi tấn gạo giá hơn 400 USD mà mẹ cha vất vả bao ngày.

Hãy phóng tầm mắt ra khỏi lũy tre làng, ra khỏi con phố nhỏ, ra khỏi biên giới quốc gia để thấy những điều rất xa mà hiển hiện rất gần, để trăn trở nỗi lòng, để rồi định vị cho cuộc đời tuổi trẻ. Hãy đặt những câu hỏi lớn hơn cho sức vóc tuổi 18 và đi tìm lời đáp cho đời.

Đừng để cô đơn giữa chốn đông người, nhưng đừng để mình phải sống cuộc đời của người khác. Hãy là những người độc lập trong tư duy và cộng đồng trong công việc.

Cần có một nền tảng tri thức, chuẩn mực để định hình cho những ý tưởng chân chính, khi đã đúng thì phải quyết theo đuổi đến cùng, và sẵn sàng bảo vệ cho lẽ phải, cho những gì thuộc về chân lý, và nếu cần thì đừng sá xả thân.

Cuộc đời không chỉ là giông gió mà có lúc là bão tố, để không bị cuốn đi thì cần bản lĩnh và phải bắt đầu từ tư duy độc lập. Thiếu nó, thì chỉ biết làm theo thuần túy và rồi mãi mãi phải đi sau. Đáng lo hơn, thiếu điều này này thì làm được gì cho thế hệ mai sau?

Sự đọa đày khủng khiếp nhất là bắt con người sống cô độc; và sự thảm hại nhất đối với đời người là bắt phải rảo bước một mình trên đường đời hun hút. Hoa chỉ đẹp khi có người đứng ngắm, ý tưởng có tuyệt vời đến đâu mà không phụng sự cuộc đời thì cũng chỉ bóng mờ lẫn giữa đêm đen. Sức vóc của một đời người nhỏ lắm, riêng một mình không đủ thời gian. Hãy nắm lấy những bàn tay để đồng hành cùng khối óc để những ước ao sớm hiện hữu trên đời.

Hãy xây ước mơ cao đẹp và trách nhiệm với đời

Khi chưa vương vấn bụi trần, khi những gì ban sơ còn rất trong sáng, khi ngước mắt nhìn cả một trời xanh, hà cớ gì không gieo vào những ước mơ tuyệt đẹp dể dấn thân cho những việc đáng làm?

Vận hội và tương lai của một dân tộc phải tự quyết bằng dân tộc đó. Thấy nước nghèo thì chung tay làm cho nước khá hơn, chứ chỉ ngồi kêu ca thì cũng chẳng ích gì. Đừng trách cha mẹ, đất nước mình nghèo, nhưng nếu tương lai chính mình nghèo khó mới là điều đáng trách.

Trong thời đại ngày nay, thiếu đi học vấn, thiếu đi tri thức và thiếu đi khả năng làm việc sáng tạo thì khó có thể vươn lên. Giáo dục là cách thức duy nhất để đem lại bình đẳng cho mọi người, để họ được thụ hưởng những tiến bộ xã hội và có khả năng đóng góp phát triển đất nước.

Chúng ta không thể bằng lòng trước những gì đang có, muốn thay đổi và phát triển bền vững phải bắt đầu từ giáo dục và phải bằng giáo dục. Giáo dục đất nước đang đổi mới, đừng đứng nhìn, hãy vào cuộc từ bây giờ, hãy đi vào tâm bão.

Các em cần nhớ rằng, giáo dục có quán tính không nhỏ, muốn thay đổi không hề dễ dàng. Dẫu biết rằng, trong sâu thẳm của mỗi thầy cô, phụ huynh đều mong muốn học sinh, con em mình tiến bộ. Nhưng vận hành để thay đổi từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình rất đỗi gian nan.

Vì vậy, phải nhận thức từ bây giờ, tích lũy từ bây giờ, để đủ thông minh, đủ bản lĩnh để sớm hòa vào dòng chảy thời đại, để làm cho giáo dục tiến bộ.

Chúng ta đang ở trong thời đại công nghệ số. Chúng ta đang ở trong hai không gian. Không gian thực trở nên rất nhỏ bé và mọi cái rất tức thời. Các em hãy ứng xử một cách thông minh và có văn hóa đối với nó. Đó là phương tiện, đó là công cụ hữu ích, chứ đó không phải chủ nhân để chúng ta thành nô lệ.

Đừng để những nụ cười vô hồn và hoang dại trên khuôn mặt đối diện với màn hình; và đừng để những điện thoại thông minh thành hố sâu ngăn cách giữa những con người, đừng để những hiệu ứng đám đông vô cảm và tai hại chiếm lấy lòng ta. Hãy chọn lọc và ứng xử văn hóa.

18 tuổi mà chỉ ngồi toan tính riêng tư thì chỉ ở trong không gian chật hẹp, buồn đến nao lòng. Ở trên đời cảm thông là chưa đủ, bắt tay vào để gỡ rối mới đáng bàn. Người ta đã chán chường với lối nói suông, rủ lòng thương trên bàn phím, mà họ cần nói đúng, làm được và dám làm. Hãy chuẩn bị thật tốt hành trang để vào đời và dám đi đến những nơi đất nước đang cần".

Hà Cường

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, nhà trường là cái nôi sư phạm, tạo tiền đề để xây dựng Trường ĐH Sư phạm Vinh (nay là ĐH Vinh), Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên); Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.

Sau ngày đất nước thống nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tăng cường đội ngũ để phát triển các trường ĐH sư phạm ở miền Nam như Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Huế (nay là Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn (nay là ĐH Quy Nhơn), Khoa Sư phạm của ĐH Cần Thơ.

Với những nỗ lực không ngừng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 lần Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Và năm nay, một lần nữa vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
 
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2 cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Theo ông Minh, đất nước muốn văn minh phải nâng cao dân trí, phải có người thực tài và người tài phải được tôn trọng đúng nghĩa, được tự do làm việc và cống hiến. Nghĩa vụ của giáo dục là khơi thông dân trí để họ được sống bình đẳng; phát hiện, nuôi dưỡng và bồi dưỡng nhân tài để họ tự do sáng tạo, phục vụ đất nước.

“Điều này đặt ra cho trí thức, cho nhà giáo Việt Nam nhiều câu hỏi lớn. Không chỉ vậy, bài học về tư cách, về bản lĩnh, về tính phụng sự, về việc dùng người luôn là chìa khóa mở đường cho đất nước phát triển”.

Ông Minh cho rằng, thời đại mới đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn mới, cách nghĩ và cách làm mới.

“Chúng ta không chỉ có nghĩa vụ trả lời câu hỏi, tại sao giáo dục chúng ta phát triển còn chậm, mà phải tìm ra những giải pháp để giáo dục phát triển, tiến bộ nhanh hơn.

Dẫu rằng, giáo dục có quán tính không nhỏ, muốn thay đổi không hề dễ dàng. Vận hành để thay đổi từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình rất đỗi gian nan; nhưng sẽ là ai, nếu không phải chúng ta?

Chúng ta không thể bằng lòng trước những gì đang có, muốn đất nước thay đổi và phát triển bền vững phải bắt đầu từ giáo dục và phải bằng con đường giáo dục. Giáo dục đất nước đang đổi mới, đừng đứng nhìn, hãy vào cuộc bằng tình cảm sâu nặng, bằng trí tuệ và cả khát vọng của mỗi người”.

Ông Minh cho rằng, trọng trách của một đại học sư phạm trọng điểm không đơn thuần là giải quyết các nhiệm vụ trước mắt mà phải dự báo được những gì sẽ diễn ra trong tương lai của giáo dục và đưa ra cách thức giải quyết. Chính thế, cần dám thay đổi, dám làm cái mới.

“Nhà giáo chân chính không bao giờ muốn đánh giá họ cao hơn những gì họ có, và cũng chẳng thích ai thương hại họ, nhưng cái cần là nhìn nhận một cách đúng mức về họ. Một lớp học có bao nhiêu học sinh là có bấy nhiêu thế giới, mỗi em là một thiên hướng cuộc đời, để giáo dục đúng nghĩa mỗi học sinh là cả một khổ công, vì vậy, hãy hiểu đúng lao động của nhà giáo”, ông Minh nói.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và biểu dương những thành tựu của nhà trường mà các thế hệ lãnh đạo, thầy cô giáo và toàn thể sinh viên đã dày công đạt được trong suốt 70 năm qua.

Chủ tịch nước cho hay, việc đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai của trường là minh chứng sinh động cho những đóng góp không ngừng của cán bộ, sinh viên nhà trường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cho rằng đất nước và nền giáo dục của chúng ta đang đứng trước những thách thức chưa từng có, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến đại dịch Covid - 19,..., Chủ tịch nước cho rằng nền giáo dục nói chung và đặc biệt là ngành sư phạm nói riêng, cần phải thích ứng mạnh mẽ để trang bị những kỹ năng, kiến thức mới mà các thế hệ tương lai đang đỏi hỏi.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị nhà trường cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.

“Con người, cán bộ, giảng viên là tài sản quý giá nhất của nhà trường chứ không phải trường to, lớp rộng, giảng đường đẹp. Cán bộ giảng viên của trường trước hết phải là những tấm gương về đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên và xã hội soi vào, phải bảo vệ hình ảnh, uy tín và danh dự của người nhà giáo; phải có tinh thần tự học và tự sáng tạo; có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp dạy học hiện đại, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với giảng dạy, thực tiễn và có năng lực chủ động hội nhập”.

Ông Phúc cho rằng, đây là một nhiệm vụ then chốt, lâu dài và chiến lược. “Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi”.     

Bên cạnh đó, cần gần gũi hơn với bối cảnh thực tế của giáo dục phổ thông nước nhà để tiếp tục đổi mới mô hình và chương trình đào tạo theo hướng tăng cường năng lực nghề nghiệp cho sinh viên bên cạnh chuyên môn.

Cùng đó, cần có chính sách phù hợp để thu hút người giỏi thi vào sư phạm,...

Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các Bộ, ngành liên quan triển khai tốt công tác quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, đặc biệt là mạng lưới các trường cao đẳng, đại học sư phạm. Bởi đây là mạng lưới các trường đặc thù, có ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chính thức được thành lập ngày 11/10/1951.

Tính đến hết tháng 6/2021, nhà trường có 1.049 cán bộ, trong đó có 658 giảng viên (19 giáo sư, 137 phó giáo sư, 399 tiến sĩ). Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 60,6%, trong đó số giảng viên có học hàm giáo sư và phó giáo sư chiếm tỉ lệ 23,7%.

Thanh Hùng

“Lương thấp” dường như là nhìn nhận điển hình về nghề giáo hiện nay. Tuy nhiên, thấp đến mức độ nào thì chưa nhiều người thấy rõ.