Giải pháp đổi mới công tác đánh giá cán bộ

Trong các khâu của công tác cán bộ, mỗi khâu có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau, thực hiện tốt khâu này sẽ là tiền đề và cơ sở để thực hiện tốt các khâu khác. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ, trong những năm qua, tỉnh ta đã kết hợp chặt chẽ các khâu để thực hiện công tác đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của tỉnh. Trong đó, có thể nói, đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, là căn cứ để thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ, có ảnh hưởng đến tất cả các khâu của công tác cán bộ.

Công tác đánh giá cán bộ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm; từ đó, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ.

Công tác đánh giá cán bộ của tỉnh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức hàng năm và khi tiến hành quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đã được thực hiện theo đúng Quyết định số 286-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Bộ Chính trị và Nghị định số 56/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ; đồng thời, thực hiện nghiêm công tác đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên cuối năm theo quy định của Trung ương, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII của Đảng. Nhìn chung, việc đánh giá cán bộ của tỉnh trong thời gian qua cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, sắp xếp cán bộ; qua đánh giá đã khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời kiện toàn bộ máy cán bộ lãnh đạo của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là đối với người đứng đầu để lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Tuy nhiên, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ của tỉnh trong thời gian qua vẫn là khâu yếu, còn nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể: Một số trường hợp đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất cán bộ, thiếu những phương pháp, cách làm hiệu quả, thiếu những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng cán bộ, nên khó định lượng và khó đánh giá trong thực tế, từ đó có những trường hợp cán bộ, công chức trong quá trình công tác vi phạm khuyết điểm nhưng đánh giá cán bộ không phát hiện ra, chỉ khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra mới phát hiện. Điều này cho thấy, việc nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức ở những địa phương, cơ quan, đơn vị này còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thiếu khách quan, sâu sát, có biểu hiện nể nang, né tránh, sợ mất lòng hoặc không nắm chắc cán bộ, nên không phát hiện sai phạm của cán bộ.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, cần thực hiện một số nội dung sau:

- Quán triệt để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhận thức một cách đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng trong công tác nhận xét, đánh giá cán bộ; xem đây là một trong những khâu đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, làm tiền đề cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ một cách hợp lý, qua đó phát huy được năng lực, sở trường của mỗi cán bộ, đảng viên.

- Xây dựng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sát với từng nhóm chức danh cán bộ, từng đối tượng cán bộ cụ thể; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo. Coi trọng và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, đồng thời, chú trọng việc mở rộng dân chủ rộng rãi trong Đảng và quần chúng nhân dân để giám sát trong công tác đánh giá cán bộ.

- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đánh giá cán bộ đối với cấp dưới. Đồng thời, sẽ xem xét, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để công tác nhận xét, đánh giá cán bộ thực hiện một cách qua loa, hình thức, nhận xét đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất.

(PLVN) - Yếu tố quan trọng đầu tiên trong công tác đánh giá cán bộ là năng lực, phẩm chất của những người làm công tác đánh giá cán bộ và quy trình thực hiện. Bởi nhiều khi, cũng quy trình đó, nhưng nơi này có “vấn đề”, còn nơi khác lại không. Vậy đánh giá thế nào cho thực chất để lựa chọn đúng cán bộ?

Hơn 8 năm trước, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, với nhiều giải pháp nhằm “bịt” những kẽ hở dễ bị lợi dụng cho việc đánh giá xuôi chiều, lợi ích cục bộ.

Trao đổi với PLVN về nội dung này, PGS.TS.Trần Hậu, nguyên Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận - nhấn mạnh, muốn các giải pháp đi vào thực tiễn, đòi hỏi những người có liên quan đến công tác cán bộ phải thực sự có tâm. Cái tâm ở đây là lòng yêu nước, là ý thức cộng đồng, tinh thần trách nhiệm vì nước vì dân, vì sự nghiệp chung của Đảng, chứ không vì bất cứ một cá nhân, một nhóm người nào, đây mới là yếu tố quyết định nhất.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4:

Đánh giá đúng là sử dụng đúng cán bộ, phát huy được nhân tài

Muốn biết công tác đánh giá cán bộ như thế nào thì tất cả những kết luận về một loạt vụ việc trong thời gian qua đã cho thấy rất rõ. Rất nhiều cán bộ hôm nay được đánh giá tốt, được khen thưởng, đề bạt, nhưng ngày mai không những bị kỷ luật mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng. Bởi vậy, Đảng xác định khâu đầu tiên trong xây dựng đảng là công tác cán bộ. Nếu tốt mà nói thành xấu thì mất cán bộ, mà xấu nói thành tốt thì hỏng việc của Đảng, của dân. Cho nên khâu đánh giá cán bộ là khâu quyết định đầu tiên…

Giải pháp đổi mới công tác đánh giá cán bộ
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

(Ảnh: Quốc Toản)

Theo PGS. TS. Trần Hậu, có 3 cơ chế đánh giá cán bộ. Thứ nhất là tổ chức đánh giá (là thủ trưởng, đơn vị sử dụng cán bộ); thứ hai là quần chúng nhân dân đánh giá và thứ ba là tự cán bộ đánh giá. Với cơ chế đánh giá thứ ba thì cực khó và khó nhất hiện nay, bởi không ai “vác đá tự ghè chân mình” và ít ai nhìn rõ những nhược điểm của chính mình.

Để thống nhất giữa ba cơ chế này, theo ông Hậu, chúng ta phải xuất phát từ thực tiễn để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Nghị quyết 26 đã đề ra trên cơ sở và tư duy một cách mạnh dạn.

Dẫn chứng bài học từ Liên Xô, ông Hậu cho biết, khi Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa toàn Nga có 200.000 đảng viên, họ đã lãnh đạo nhân dân Nga làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Đến khi Đảng Cộng sản Nga trở thành Đảng Cộng sản Liên Xô và có 2 triệu đảng viên, họ lãnh đạo nhân dân Liên Xô đánh tan phát xít Đức năm 1945. Tuy nhiên, khi Đảng Cộng sản Liên Xô có 20 triệu đảng viên thì Đảng này lại tan rã. Cho nên, vấn đề con người, vấn đề cán bộ vẫn là mấu chốt, số lượng không nói lên điều gì…

Bài học sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu xét cho cùng là bài học về công tác đánh giá cán bộ. Chọn nhầm người, trao nhầm ghế vào tay những kẻ cơ hội chính trị, thực dụng để rồi mất chế độ. Bài học này cho chúng ta thấy, để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và nâng cao sức chiến đấu của Đảng thì công tác cán bộ nói chung và đánh giá cán bộ nói riêng là vấn đề hết sức then chốt.

Để đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của người cán bộ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4) nhấn mạnh đến hai yếu tố. Thứ nhất, lãnh đạo phải có con mắt để giám sát, quản lý cán bộ của mình. Thứ hai, phải để cho đảng viên, nhân dân có ý kiến. Nếu hai điều này gặp nhau thì chắc chắn sẽ phát huy và động viên được những cán bộ tích cực và hạn chế những tiêu cực trong công tác cán bộ.

PGS.TS Lê Văn Cường (Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh):

Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ

Nếu chúng ta thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách thì người đứng đầu không thể một mình quyết được mọi việc. Thế nhưng, nhiều khi nhân danh tập thể nhưng người quyết định lại là của một cá nhân. Từ ý kiến của một người trở thành ý kiến của Thường trực, của Thường vụ và khi ra đến Ban Chấp hành thì từ ý kiến của một người đã trở thành ý kiến của một tập thể; đến lúc này, cái sai là của cả tập thể. Lúc đó nguyên tắc đã bị làm trái, bị bẻ cong.

Giải pháp đổi mới công tác đánh giá cán bộ
PGS.TS Lê Văn Cường.

(Ảnh: Vân Anh)

PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng phải đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, công chức.

Đánh giá đúng sẽ phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm để đội ngũ cán bộ, công chức khắc phục được “bệnh” sợ trách nhiệm, vươn lên hoàn thành tốt trách nhiệm công vụ được giao. Đánh giá đúng cán bộ, công chức còn góp phần khơi dậy ý thức của bản thân đối với công việc hằng ngày, dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, biết nhận lỗi để sửa chữa, khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn trách nhiệm được giao.

Tương tự, nguyên tắc đoàn kết thống nhất, nếu thực hiện đúng thì không thể có chuyện “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”, dẫn đến tình trạng đoàn kết xuôi chiều, biết nhưng không nói. Đây chính là bất cập lớn cần phải sớm tháo gỡ, cần có sự thẳng thắn trong công tác đánh giá cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng.

Ngoài ra, đánh giá đúng, công tâm, khách quan sẽ ngăn ngừa được tình trạng “tranh công, đổ lỗi”, không dám nhận trách nhiệm, không nhìn nhận đúng bản chất của sự việc để có những cải tiến và đổi mới tìm ra phương pháp, cách làm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.