Du lịch cà mau được khai thác vào năm nào năm 2024

Tỉnh Cà Mau có diện tích 5.294km2. Nơi đây có hai hệ sinh thái rừng ngập mặn và ngập ngọt đại diện bởi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ, được xếp vào Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Đây là cơ sở để tỉnh phát triển những sản phẩm du lịch gắn liền với thiên nhiên, hướng đến loại hình du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sở hữu những tiềm năng du lịch nhân văn như: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, những truyện cười của Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (Ba Phi), nhiều di tích văn hóa - lịch sử có khả năng khai thác đưa vào các chương trình tham quan, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của tỉnh.

Quy hoạch tổng thể Phát triển Du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến 2030, được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt năm 2012, đã chỉ ra những loại hình du lịch khai thác phát triển chủ yếu bao gồm: Du lịch tham quan cảnh quan tự nhiên; Du lịch văn hóa lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa, các đặc trưng văn hóa của cư dân miền biển Cà Mau; Du lịch “về nguồn”: đến với Mũi Cà Mau - điểm cực Nam của Tổ quốc. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được tổ chức gần đây cũng tạo thêm nhiều lựa chọn cho du khách, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Cà Mau.

Sản phẩm đặc trưng: Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng

Cà Mau được thiên nhiên ưu ái là vùng đất lắm tôm, nhiều cá, có rừng, có biển, có hệ sinh thái rừng ngập mặn… Đây là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng như: ở nhà dân, ăn những món ăn dân dã và ngủ ở vách lá nhà tranh. Hiện nay, loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở Cà Mau đang phát triển phổ biến với hai mô hình:

- Miệt vuông: Ban ngày khách cùng cư dân địa phương đi bắt cá, vọp, ốc len, cua,... cùng chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã. Tối đến cùng gia đình quây quần ăn uống, ngân nga mấy câu vọng cổ, đi bắt ba khía hoặc chờ con nước đến đi xổ tôm.

- Miệt rừng: Cùng người dân đi ăn ong (lấy mật ong), chụp đìa, hái rau dại,… chế biến thành những món ăn dân dã như cá lóc nướng trui, đọt choại xào, gỏi ong non,... Đêm đến xum vầy bên mâm cơm đạm bạc, nhâm nhi vài ly rượu đế, ngân nga mấy câu vọng cổ và nghe kể chuyện bác Ba Phi.

Loại hình du lịch “miệt vuông”, “miệt rừng” hấp dẫn này thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước, đồng thời giúp người dân cùng làm du lịch. Các điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ ngày càng trở thành điểm đến quan trọng của chương trình du lịch về Cà Mau, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Thực trạng phát triển du lịch theo hướng bền vững

Trong những năm qua, ngành du lịch Cà Mau luôn định hướng phát triển theo hướng bền vững.

- Bền vững về kinh tế du lịch

Cà Mau luôn xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, nên trong phát triển du lịch không chú trọng quá nhiều về vấn đề lợi nhuận trước mắt mà bảo đảm làm sao để có được lợi nhuận lâu dài. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đã xác định quan điểm là “Phát triển du lịch gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định, bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Cà Mau đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Lượt khách và doanh thu của ngành du lịch tăng ổn định qua các năm. Năm 2015, tỉnh đón tiếp, phục vụ 21.050 lượt khách quốc tế và 965.500 lượt khách nội địa, nâng tổng số khách du lịch đến Cà Mau cả năm là 986.550 lượt, đạt doanh thu 300 tỷ đồng, tăng 7,57% về số lượng và 9,01% về giá trị so với năm 2014. Đây là những dấu hiệu khả quan trong điều kiện ngành du lịch cả nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

- Bền vững về sử dụng tài nguyên

Trong quá trình phát triển, các hoạt động khai thác du lịch ở Cà Mau bảo đảm tôn trọng tính đa dạng sinh học, chú ý bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, quản lý phương thức và mức độ sử dụng. Ở các điểm đến tự nhiên, các bảng nội quy tham quan góp phần nâng cao ý thức của du khách. Các hoạt động tập huấn bảo vệ môi trường cho các đơn vị, công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch - lữ hành được tổ chức thường xuyên.

Cà Mau có nhiều khu, điểm du lịch như: Khu du lịch Đất Mũi, khu du lịch Khai Long, cồn Ông Trang, Lâm ngư trường 184, cụm đảo Hòn Khoai, Di tích lịch sử - Danh thắng Hòn Đá Bạc, sân chim thành phố Cà Mau, khu bảo tồn sinh thái lâm ngư trường sông Trẹm, Vườn quốc gia U Minh Hạ... Trong đó, Vườn quốc gia U Minh Hạ thu hút nhiều du khách nước ngoài, các nhà khoa học đến nghiên cứu. U Minh Hạ có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú với 12 loài lưỡng cư, 32 loài bò sát, 100 loài chim, 18 loài động vật có vú... Các hoạt động du lịch ở đây bảo đảm việc bảo tồn và sử dụng tài nguyên du lịch một cách hợp lý, duy trì hệ sinh thái thiết yếu của rừng, bảo đảm ổn định cho cuộc sống cộng đồng địa phương.

Ngoài thế mạnh về du lịch sinh thái, Cà Mau có nhiều di tích và sự kiện lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Đình Tân Hưng, Quan Âm Cổ Tự, Hồng Anh Thư Quán, Văn hóa phi vật thể chuyện cười bác Ba Phi, Đờn ca tài tử... Tỉnh chú trọng phát triển du lịch gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm hài hòa tương tác khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn.

- Bền vững về tổ chức xã hội nơi hoạt động du lịch

Yếu tố về bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn tại các điểm du lịch được đặt lên hàng đầu trong cách làm du lịch của các địa phương trong tỉnh, nhằm biến Cà Mau thành một điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách.

Các cơ quan quản lý về du lịch ở Cà Mau quan tâm đến hoạt động của ngành từ hoạt động quy hoạch đến khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch, bảo đảm các hoạt động này diễn ra đúng trình tự, thủ tục; thân thiện với môi trường; phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân địa phương. Các ban quản lý du lịch luôn luôn theo sát tình hình hoạt động của điểm du lịch do mình quản lý, báo cáo và trình bày kịp thời về những diễn biến du lịch cũng như nhu cầu nguyện vọng của nhân viên, khách du lịch hoặc người dân địa phương đến các cơ quan nghiệp vụ cấp trên.

- Bền vững về văn hóa cộng đồng

Trong phát triển du lịch, Cà Mau luôn chú trọng đến cộng đồng địa phương trên tất cả các phương diện: kinh tế, văn hóa và xã hội. Các thành viên cộng đồng luôn luôn là chủ thể quan trọng trong phát triển du lịch của địa phương. Các cấp, các ngành thường xuyên tiếp cận và tạo điều kiện cho người dân địa phương có thể thực hiện nhiều vai trò trực tiếp trong ngành du lịch.

Mỗi người dân đều có thể làm du lịch tại các điểm ăn uống, nhà hàng, quán ăn tại các điểm du lịch. Một số người dân cũng tự thân vận động, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực tế trở thành những hướng dẫn viên không chuyên… Một số hộ gia đình mở những gian hàng kinh doanh xung quanh các điểm du lịch như: buôn bán hải sản, hàng lưu niệm, quán ăn,… để tạo thêm thu nhập. Nhờ có du lịch mà người dân có điều kiện để sử dụng khoản thời gian nhàn rỗi của mình, kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống thường ngày.

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh một số thành công nhất định, ngành du lịch Cà Mau cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là:

Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường

Du lịch là ngành công nghiệp không khói nhưng các hoạt động du lịch vẫn có tác động đến môi trường. Chính vì thế, ngành du lịch Cà Mau đứng trước đòi hỏi phải luôn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường xuyên suốt quá trình quy hoạch và phát triển. Tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn kiến thức về Luật Bảo vệ Môi trường, giới thiệu các giải pháp thực hiện bảo vệ môi trường, chủ động phổ biến Quy chế hoạt động du lịch, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch - lữ hành tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường.

Tuy nhiên, ngành du lịch cũng đang đối mặt với những thách thức mới về môi trường, đặc biệt là diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau, là một trong những vùng châu thổ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Tại Cà Mau, nguy cơ các vùng bảo tồn đất ngập nước như Đất Mũi sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, ngành du lịch cần phải có những giải pháp, chiến lược để kịp thời ứng phó với diễn biến biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cải thiện đóng góp của du lịch cho cộng đồng địa phương

Một trong số những thành phần đóng góp quan trọng vào ngành du lịch chính là cộng đồng địa phương. Chính vì thế, việc chia sẻ các lợi ích từ du lịch cho cộng đồng ngày càng trở thành một trong những mục tiêu quan trọng để đảm bảo công bằng xã hội, tối ưu hóa lợi ích của ngành du lịch.

Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng tiêu biểu của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, bài toán chia sẻ các lợi ích thu được của ngành du lịch cho cộng đồng địa phương đang cần một lời giải xác đáng. Hiện tại, các hộ dân chỉ được hưởng một phần nhỏ lợi ích kinh tế từ việc bán vé tham quan, bán các sản phẩm lưu trú, ăn uống; giải quyết công ăn việc làm trong vụ nông nhàn. Về lâu dài, ngành du lịch cần nghiên cứu giải pháp để các hộ dân này nhận được nhiều lợi ích đặc biệt là lợi ích xã hội hơn như: huấn luyện nghiệp vụ du lịch, khảo sát lấy ý kiến, nhu cầu của người dân địa phương trong các đề án phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa như gia nhập WTO, Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định TPP…, ngành du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ, đòi hỏi ngành phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên con đường phát triển.

Một trong những cách tiếp cận để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch là nghiên cứu xu hướng nhu cầu của du khách để tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng đúng nguyện vọng và mang đến sự hài lòng cho du khách. Nhiều nghiên cứu khảo sát gần đây cho thấy du khách đang hướng đến những sản phẩm du lịch có trách nhiệm, gắn với hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên và các giá trị văn hóa - xã hội tại điểm đến.

Như vậy, điều kiện, thách thức về năng lực cạnh tranh của ngành du lịch đã đặt ra những nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tôn trọng các giá trị văn hóa xã hội của ngành du lịch. Đây là xu thế chung của tất cả các địa phương, trong đó có ngành du lịch tỉnh Cà Mau.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc nhiều vào thái độ phục vụ cũng như trình độ của nhân viên. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ nhân sự làm việc trong ngành du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cà Mau nói riêng, chưa đáp ứng nhu cầu. Nghiên cứu khảo sát lực lượng lao động du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long của Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (tháng 10-2015) cho thấy, trong cả hai lĩnh vực lưu trú và lữ hành, vấn đề đáng quan ngại nhất là sự thiếu hụt nguồn lao động có đủ năng lực. Theo đó, khảo sát trên các tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang cho thấy, có 10 - 20% số nhân viên trong lĩnh vực lưu trú và có gần 50% số nhân viên trong lĩnh vực lữ hành được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Các giải pháp phát triển du lịch bền vững

Bảo vệ môi trường

Thực hiện nghiêm túc luật bảo vệ môi trường và các quy định khác về bảo vệ môi trường.

Trong khai thác du lịch phải luôn nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại các điểm du lịch. Đặt vấn đề bảo vệ môi trường trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch.

Tỉnh cần dựng các biển báo, pa-nô, áp-phích,… xung quanh các điểm du lịch để nhắc nhở và kêu gọi khách du lịch và người dân địa phương cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Cải thiện chính sách đầu tư và kêu gọi đầu tư

Phân bổ nguồn vốn ngân sách theo hướng đồng bộ có trọng tâm làm cơ sở kích thích du lịch phát triển. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu, vùng phát triển du lịch, các khu, điểm du lịch. Việc quy hoạch và đầu tư đồng bộ cần chú trọng không làm biến đổi nhiều cảnh quan thiên nhiên và môi trường.

Ngoài ra, để tạo điều kiện mời gọi đầu tư, các ban, ngành hoạt động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Cà Mau cần chủ động phối hợp xây dựng những chính sách kêu gọi đầu tư một cách thống nhất, đơn giản.

Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch

Thực hiện nhiều biện pháp, sử dụng nhiều phương tiện tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ngành kinh tế du lịch trong các cấp, các ngành và nhân dân; xây dựng và nâng cao hình ảnh của du lịch Cà Mau trong cả nước, khu vực và thế giới, tạo điều kiện thu hút đầu tư và nguồn du khách đến Cà Mau.

Thường xuyên lồng ghép những thông điệp về bảo vệ môi trường trong các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương để người dân thấy được tầm quan trọng của việc làm du lịch bền vững. Lồng ghép nội dung du lịch có trách nhiệm vào các ấn phẩm thông tin du lịch đến với du khách.

Liên kết với các địa phương khác

Kết hợp với các các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở và xây dựng các tua về miền Tây Nam Bộ nhằm tăng lượng khách đến du lịch địa phương.

Giới thiệu về mô hình du lịch nổi bật của địa phương nhằm nhấn mạnh yếu tố tạo nên sự khác biệt không trùng lắp với các địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long.

Phát huy những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh như: du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng với các hoạt động trên đất vuông, đất rừng, đất biển,… để tạo nét khác biệt so với các tỉnh, thành khác ở đồng bằng sông Cửu Long, làm cơ sở cho hoạt động liên kết tua tuyến, tạo những trải nghiệm đa dạng cho du khách.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch

Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực từ các trường, cần khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại chỗ nhằm nhanh chóng cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương.

Mở các lớp hướng dẫn người dân tại các điểm du lịch cộng đồng làm du lịch một cách có văn hóa, văn minh, lịch sự, thân thiện và mến khách.

Nhìn chung, Cà Mau hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch và phát triển du lịch một cách bền vững. Đứng trước những thách thức trong quá trình phát triển chung của du lịch cả nước, cùng với những đặc thù du lịch của tỉnh, ngành du lịch cần nghiên cứu và đề ra các giải pháp, chiến lược phát triển du lịch bền vững một cách đồng bộ, để đưa du lịch Cà Mau ngày càng tiến xa hơn nữa./.