Đạo đức kinh là gì

Lời dẫn nhập

Các triết gia thời cổ đều cố truy tìm Đạo như là cội nguồn, tìm về chân lý tuyệt đối như cứu cánh đời mình. Thế nhưng mỗi triết gia đều có cách giải thích, suy tư và diễn giải riêng, và rất khó khăn trong việc thông đạt lại. Cái chân lý thực tái tối hậu lại rất phức tạp, khó nắm bắt, bởi vì Thực tại ấy là Siêu hình, mà trí khôn con người cũng như ngôn ngữ bất toàn của thụ tạo làm sao thông đạt cách minh bạch. Cũng vì đó mà nảy sinh nhiều giáo thuyết, triết lý khác nhau cả về ý niệm lẫn cách thức thờ cúng, tụng niệm để bày tỏ lòng sung mộ.

Đạo là một ý niệm trừu tượng hay được dùng trong Nho Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo, song mỗi tông phái, triết học lại diễn giảng với sắc thái khác biệt nhau. Bởi thế, trong khuôn khổ của bài này, người viết chỉ có thể tìm hiểu đôi nét về ĐẠO, danh xưng để chỉ về thực tại Siêu Việt mà Lão Tử đã dùng trong cuốn Đạo Đức Kinh.

I/ Khái niệm và ý nghĩa danh từ “Đạo”.

1/ Định nghĩa chung về Đạo

Danh từ Đạo rất thông dụng trong ngôn ngữ Việt Nam từ xưa đến này. Ta thương nghe thấy chữ đó trong các từ ghép như Đạo Công Giáo, Đạo Phật, Đạo Đức hay Nhân Đạo… nhưng để hiểu đôi chút về chữ Đạo cũng rất khó, và muốn định nghĩa nó cho sát nghĩa thì là việc cực khó. Tuy nhiên, ta có thể định nghĩa nó theo nghĩa của từ Hán-Việt trên cả hai nghĩa (nghĩa bóng và nghĩa đen).

Nghĩa đen: Đạo có nghĩa là đường đi, hay đường lối cách thức, như “độc đạo” (đường một chiều)…Nghĩa thứ hai là lời nói: đàm đạo; nghĩa thứ ba là ám chỉ kẻ trộm cướp: đạo tặc.

Nghĩa bóng: Đạo có ý nghĩa trừu tượng, siêu hình, huyền bí thì chữ Đạo là nói đến đường hướng, chính sách, bổn phận, phận việc hay đặc tính đã ấn định riêng cho từng sự vật. Chữ “đạo” viết thường sẽ phân biệt với chữ “ĐẠO” mang nghĩa Siêu Việt. Viết thường thì nó có nghĩa là bổn phận phải làm, lý tưởng phải theo, lề luật phải giữ hợp với thân phận làm người. Ví dụ, theo Nho Giáo “đạo làm con phải thảo kính cha mẹ”; Rồi đạo vợ chồng, đạo vua tôi… Chữ ĐẠO viết hoa là nói đến nguyên lý phổ biến, một thực tại tối cao, siêu việt, tuyệt đỉnh bao trùm lên vạn vật, Đạo ấy rất huyền bí, vô hình, vô tượng bao trùm và vượt trên mọi đạo lý khác. Quan niệm về ĐẠO mang ý niệm tuyệt đối này được tất cả mọi tôn giáo, triết lý thời cổ dùng, tuy mỗi giáo phái giải thích có khác nhau. Khổng Phu Tử nói: “Sáng nghe Đạo, tối chết cũng đáng”[1].

2/Cấu trúc của danh từ “Đạo” trong Hán ngữ.

Chữ Đạo được cấu tạo bởi chữ thủ 首là cái đầu, và bộ xước , chỉ thị bước đi. Cơ thể người khi di chuyển thì đầu ít chuyển động, chỉ có bước chân chuyển động nhiều. Vì thế, đầu chỉ thị nguyên lý âm (tĩnh), còn bước chân chỉ thị cho nguyên lý dương (động). Vậy ý nghĩa chữ Đạo thành tựu với ý tưởng cổ truyền trong Kinh Dịch: “Nhất âm, nhất dương chi vị Đạo” (nghĩa là một âm một dương gọi là Đạo)[2]. Âm – dương kết hợp với nhau mà tạo thành vạn vật trong trời đất này. Như thế Đạo ở đây chỉ thị nguyên lý tối sơ, cơ chế vận hành là đường lối diễn tiến sự việc từ khởi thủy cho đến cùng đích. Đạo là nguyên lý linh diệu, huyền bí vô cùng, ta không thể hiểu rõ chân tính hay bản thể của Đạo ấy. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử dùng chữ Đạo theo nghĩa này và nâng nó lên vị trí siêu việt tính. Đạo chính là thực tại tối hậu, là cội nguồn vạn vật, là thực tại mà từ đó thời gian và không gian được triển khai, mẫu mực cho mọi cuộc sinh hóa trong vũ trụ này. Tuy không thể hiểu biết rõ Đạo ấy, nhưng nhờ quan sát sự biến hóa, sinh thành của vạn vật mà biết được cách thức hành động của Đạo biểu lộ trong thiên nhiên như thế nào.

II/ QUAN NIỆM VỀ CHÂN LÝ CỦA ĐẠO

1/ Ý nghĩa chữ đạo theo quan niệm thế nhân

Theo ý nghĩa thông thường thì Đạo là những tính tốt của con người phải vẹn giữ để xử sự cho phù hợp với thiên lý, ăn ở cho tương hợp với tâm lý người đời, nên thường hay gọi chung là đạo đức. Đạo đức là những điều lành điều tốt, rút trong nguồn nhân nghĩa của Nho gia, trong từ bi của Phật giáo và trong bác ái của Kitô giáo… Nên chúng ta có thể tóm tắt ý nghĩa của đạo đức và kết quả của hành vi đạo đức như sau: Con người phải có lòng thương yêu mới có tính lương thiện. Mà người có tính lương thiện thì hay làm điều nghĩa hiệp, và làm được nhiều việc nghĩa thì sẽ lấy được cảm tình, và có khả năng cảm hóa được mọi người. Tình huynh đệ, yêu thương nhau bằng những mối dây đạo đức, tương trợ, đỡ nâng giữa mọi người từ đó mà nảy sinh. Những nghĩa cử đối nhân xử thể trong nhân loại, được đúc kết qua bao thế hệ, hậu thế muôn đời phải bắt chước, tuân theo như một quy tắc, một thứ luật bất thành văn ấy chính là đạo làm người. Đạo làm người được gói trọn trong bổn đạo hằng ngày của từng lớp người, từng bậc sống trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đạo đi với nghĩa: Nghĩa vua – tôi, nghĩa phu –thê (vợ chồng), nghĩa phụ – tử, mẫu tử (cha – con, mẹ – con). Tất cả đều được nói đến trong hai chữ: Trung – Hiếu. Đối với quốc gia xã tắc thì “trung quân, ái quốc”; đối với gia đình thì đạo hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Ta thường nghe người đời răn dạy con cái: “đạo làm con phải giữ chữ hiếu”; “đạo làm trò phải giữ chữ đức”, làm người phải biết giữ chứ tín….

Chữ đạo không chỉ được thế nhân dùng theo nghĩa rộng, nghĩa là dùng để diễn đạt các mối tương quan giữa người với người trong xã hội. Đạo còn được dùng để diễn đạt một Thực tại cao siêu, tối thượng, huyền bí và quyền năng. Đạo ấy điều khiển mọi hoạt động trong đời sống con người, nó ẩn tàng nơi cõi vĩnh hằng nhưng có khi lại được dấu kín trong sâu thẳm tâm hồn người ta. Để hiểu thêm về Đạo ấy, ta tiếp tục nghiên cứu ý nghĩa của Đạo của Nho Giáo được dùng trong Kinh Dịch để có thể nắm bắt phần nào ý nghĩa của thực tại Đạo là gì.

2/ Đạo được dùng trong Kinh Dịch

Theo lịch sử triết học Trung Hoa, Kinh dịch vốn là sách dùng để bói toán, nhưng về sau các nhà Nho đã thêm vào một phần dịch truyện, gồm các bài chú giải về nguồn gốc vũ trụ, siêu hình và luân lý[3].

a) Lý Thái Cực

Trong hệ từ Kinh dịch có câu: “Đạo” dịch có thái cực, thái cực sinh ra hai nghi, hai nghi sinh ra bốn tượng, bốn tượng sinh tám quẻ (Dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái). Biểu thị luật điều hòa, tương đối được suy diễn trong cách biến hóa, sinh thành của vũ trụ. Như vậy, Đạo chính là Thái Cực, còn Âm – Dương tức là Lưỡng Nghi. Vậy “Đạo” hay Thái cực là vô cùng huyền bí, tâm trí con người không sao hiểu được bản thể linh diệu vô biên đó, mà chỉ có thể quan sát cái động thế của Đạo mà thôi. Nhờ Đạo mà biết các sự vật sinh thành biến hóa ra sao. Nho Giáo nghiên cứu và khẳng định: vạn vật luôn sinh hóa, biến đổi không ngừng, và đó cũng chính là nghĩa của từ Dịch trong Kinh Dịch[4]. Trong chương 42 của Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bảo dương, xung khí dĩ vi hòa”. Nghĩa là: Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh muôn vật. Muôn vật cõng âm mà sinh dương, nhưng khí ấy tác động vào nhau để nên hòa hợp[5].

b) Quẻ bói trong Kinh Dịch

Lão Tử nói: Muôn vật cõng âm mà ôm dương. Tứ tượng là những dạng thức khí năng Âm-Dương. Tứ tượng giao thoa với nhau tạo thành bát Quái: Càn, Khôn, Chấn, Tốn, Ly, Cấn, Khảm, Đoài. Bát quái giao thoa với nhau mà tạo thành vạn vật. Trong Kinh dịch, Chu Hy phân biệt và phác thảo ra là quẻ đơn và quẻ kép. Trong đó, quẻ đơn gồm tám quẻ đơn gọi là bát quái; quẻ kép gồm sáu hào đắp đổi chồng lên nhau của hai quẻ đơn mà có. Công thức là 8×8=64 quẻ 6 vạch = 384 hào. Mỗi quẻ đơn, kép, hào đều biểu thị mỗi thứ đạo trong vũ trụ này[6]. Trong Kinh dịch, Chu Hy chú thích rõ, quẻ Càn (Kiền) là trời, chỉ về đạo các loài, các vật mạnh mẽ trong vũ trụ; Quẻ kép và hào của Khôn thì biểu thị cho đạo của các loài, các vật có điều kiện thuận. Người xưa thường dùng hình thức gieo quẻ trong Kinh dịch để bói toán, tướng số… Có thể vì điều này mà sinh ra tệ mê tín dị đoan trong xã hội Trung Hoa.

3/ Chân lý về Đạo được trình bày trong cuốn Đạo Đức Kinh

Theo Lão Tử thì Đạo là bản nguyên của vũ trụ, nên Ngài đã nói rằng: “Có một vật hỗn độn, sinh trước Trời Đất, yên lặng trống không, đứng một mình mà không thay đổi, đi khắp nơi mà không ngừng nghỉ. Có thể làm mẹ thiên hạ. Ta không biết tên, nên đặt tên nó là Đạo, gượng gọi tên nó là lớn… “Hữu vật hổn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề liêu hề. Độc lập nhi bất cải. Chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại[7]… Nghĩa là có thực thể tự thành không phân chia, sống trước trời đất. Im lặng thay, trống vắng thay, đứng một mình mà không thay đổi. Đi khắp mà không mỏi mệt, có thể là mẹ thiên hạ, Ta không biết tên của thực thể đó, đặt tên cho là Đạo, gắng gượng gọi tên là Lớn.

Lão Tử cho rằng Đạo là Chân lý tuyệt đối, là nguồn gốc của vũ trụ và vạn vật, nên nghĩa lý chữ Đạo rất cao siêu, khó mà giải rõ được. Vì thế, trong chương thứ nhất bàn về Đạo, Lão Tử đã nói rõ là: “Đạo khả đạo, phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh”[8] (Thực tại tối hậu có thể giải bày thì chẳng phải là Thực tại tối hậu thường hằng. Tên có thể nêu ra chẳng phải là tên thường hằng). Theo Lão Tử, bản tính của Đạo là hư không lặng lẽ, xem chẳng thấy, lóng chẳng nghe, rờ không đụng, không lớn, không nhỏ, không trước, không sau, không thể dùng lời nói mà diễn tả được, hoặc đem ra mà so sánh với bất cứ sự vật nào cụ thể được. Lão Tử cho rằng Đạo là tinh thần là bản nguyên của Trời, Đất, vạn vật, nên Trời Đất Vạn vật là bản thể của Đạo, vì thế Đạo lưu hành trong vũ trụ, tàng ẩn trong muôn vật, cho nên vật nào cũng có phần linh diệu của Đạo bên trong để điều hòa, trưởng dưỡng cho nó. Đạo không có hình trạng, rất khó diễn tả, nên con người chỉ lấy tâm để cảm nhận và hình dung Đạo mà thôi.

Theo nghĩa này thì Đạo là một Thực tại siêu việt, vượt trên hết mọi thực tại, nhưng cũng là Thực tại thâu tóm, bao quát toàn thể vũ trụ này. Theo Lão Tử thì đó là chân lý thuộc ‘Hình Nhi Thượng Học’[9]. Là thực tại vượt trên thế giới hình tượng, thuộc thế giới tuyệt đối, vượt mọi khả năng của lý trí con người. Thực tại đó con người chỉ có thể trực giác, chiêm nghiệm mà không hề tư duy hay khảo cứu được, lại càng không thể dùng đến danh từ hay ngôn ngữ để diễn đạt nó ra bên ngoài. Bởi nó vượt lên trên mọi loại kinh nghiệm hữu danh, hữu hình mà con người có được.

4/ Tại sao gọi Đạo ấy là Vô Danh

Đối với Lão Tử, Đạo là một chân lý thuần nhất ‘huyền bí trên mọi huyền bí’nên không thể dùng bằng ý tưởng để suy diễn, thậm chí càng không dùng danh từ của ngôn ngữ hữu hạn của con người mà đặt tên cho nó. Nếu có đặt tên chẳng qua chỉ là bất đắc dĩ, vì mỗi khi đặt tên Đạo ấy ra thì đã làm cho Đạo ấy mất đi tính chân lý thực hữu.

“Đạo khả đạo, phi thường đạo, Danh khả danh, phi thường danh; Vô danh thiên địa chi thủy, Hữu danh vạn vật chi mẫu”[10].

Ngay việc dùng chữ Đạo để diễn đạt chân lý siêu việt đã là một công việc hết sức bất khả dĩ, nghĩa là Thực tại tối hậu không thể nào có thể gọi tên ra được. Gọi tên Thực tại ấy là Đạo quả là việc bất đắc dĩ mà thôi. Ta liên hệ đến danh Thiên Chúa mạc khải cho ông Môsê trong thời Cựu Ước, mà tác giả sách Xuất Hành ghi lại. “Bấy giờ ông Mô sê chăn chiên cho bố vợ là ông Git-rô… trên núi Khô-rép. Thiên Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây… Ta là Thiên Chúa của Cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3,1-6) và khi Mô sê hỏi tên Thiên Chúa là gì thì Ngài trả lời: “ Ta là Đấng Ta là… là Đấng hằng hữu ‘hiện hữu’” (Xh 3, 13-14). Nghĩa là một Đấng mà không một danh từ nào, không một ngôn ngữ nào có thể diễn đạt cho con người hiểu hết về Ngài. Bởi Ngài là tất cả, và một khi con người hiểu biết cách tỏ tường thì lúc đó con người không còn sống nữa. Thiên Chúa phán: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy nhan ta mà còn sống”(Xh 33, 20).

Đạo là vô Danh, vì nếu Đạo có tên gọi như mọi vật hữu hình khác thì Đạo đó chẳng còn phải là Đạo hằng hữu, tuyệt đối. Thực tại mà Lão Trang gọi là Đạo ở đây chính là chân lý tuyệt đối, mà ngôn ngữ chẳng qua chỉ là cái gì đó tương đối do con người quy ước với nhau. Vì thế không thể dùng một cái gì đó tương đối mà diễn đạt về chân lý tuyệt đối được. Nếu dùng những cái tương đối nơi loài thụ tạo mà gọi tên cho Đấng là cội nguồn sáng tạo, là chủ tế vạn vật, tuyệt đối tối thượng thì làm hạ giá cái tuyệt đối xuống hạng tương đối. Bởi thế, không thể gọi đích danh Thực tại ấy ra, cách gọi đích danh Thực tại ấy bằng Đạo đã là một sự bất đắc dĩ rồi. Tuy nhiên, Đạo là vô danh,  nhưng Đạo chính là nguồn gốc mọi vật, muôn loài có danh trong vũ trụ này. Đạo ấy luôn hằng hữu, trường cửu, bất biến. Vậy nếu Đạo là vô danh, Đạo là chân lý tuyệt đối, mà tuyệt đối sao có thể gọi là Đạo. Như thế chẳng phải danh từ Đạo dùng để nói đến Thực tại tuyệt đối là không thể dùng được. Việc gọi tên Thực tại tuyệt đối ấy là Đạo quả thực là một việc làm bất xứng, nhưng chẳng qua chỉ là việc cưỡng ép mà thôi. Khi dùng danh xưng Đạo để diễn đạt thực tại ấy mục đích là muốn thông đạt chân lý tối thượng ra nhằm giáo dục hậu thế, thông đạt lại chân lý mà các tiên sinh, thánh hiền thẩm thấu được. Vì đó là chân lý quan trọng có thể giúp con người hiểu và sống đúng bổn phận đạo làm người, do đó các thánh hiền buộc phải truyền đạt lại cho hậu thế những gì mình được diễm phúc thấu thị.

Như vậy, ý nghĩa chữ Đạo theo siêu hình của Đạo học là một Thực tại siêu việt, tuyệt đối.  Bổn phận của người là tự mình thực hành đạo, khai sáng và thông đạt đạo ấy cho hậu thế mai sau. Việc con người là phải hành Đạo để nắm bắt chân lý siêu việt, hầu chiếm lĩnh hạnh phúc.

III/ SỐNG CHÂN LÝ ĐẠO NHƯ THẾ NÀO

Để đạt đến mục tiêu cao cả của Đạo là tu nhân tích đức, là phải làm lành, lánh dữ. Ra sức xây dựng một xã hội bác ái công bình, một thế giới nhân nghĩa đại đồng. Việc làm mà Khổng Tử đã nói đến trong cuốn Lễ Ký rằng: “Khi một nền Đạo lớn được lưu hành khắp thế gian thì thiên hạ sẽ cùng sống công cộng với nhau”. Việc làm đó quan trọng hơn cả nên Không Tử mới nhấn mạnh  “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”[11]. Nghĩa là muốn bình được thiên hạ trước hết phải tu thân. Mà việc tu thân cũng chính là bổn phận giữ Đạo mà Lão Tử nói đến.

1/ Thánh hiền là người giữ Đạo và khai sáng Đạo

Nếu như vũ trụ quan của Lão thiên về Thực tại tối hậu, siêu hình. Cụ thể là diễn đạt chân lý của Đạo, cách hành động của Đạo. Thì nhân sinh quan của Lão Tử lại nói đến hành động của con người bắt chước về Đạo và tuân theo triệt để quy luật của Đạo[12]. Con người lý tưởng mà Lão Tử gọi là thánh nhân trong quan niệm của Ngài, đó là con người huyền đồng với Đạo, nhất cử nhất động đều có đạo hiện diện nơi mình. Trong ý tưởng này ta nhớ đến tư tưởng mà Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận định nghĩa về người ki-tô hữu, tông đồ của Chúa: “là người có Chúa Kitô trong trong lòng, Chúa Kitô trên mặt, Chúa Kitô trong mệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kytô trong óc, Chúa Kitô trên vai… Tóm tắt, là một người đầy tràn Chúa Kitô và cho kẻ khác Chúa Kitô”(ĐHV 292 ).

Như đã trình bày, ta không thể dùng ngôn ngữ để nói cách rốt ráo về Đạo được, cũng thế, không thể dùng ngôn ngữ mà nói về đạo hạnh của thánh nhân là con người hiệp Đạo cách minh bạch được. Nhưng Lão Tử nói, cách bất đắc dĩ mà gọi thánh nhân ấy là ‘Thiện vi sỹ’, tức là toàn bậc thiện[13]. Bậc toàn thiện ấy là người huyền đồng với Đạo, người được dự vào sự tinh tế, nhiệm mầu, sâu sắc thông suốt của Đạo mà người đời không thể biết được tâm tư, trí tuệ của ngài ra sao. Bậc thánh hiền để lòng ở cõi vô, ở sự tịch tĩnh cũng vì thế mà các ngài có cách hành xử khác thường[14].

Trong khi người đời thường bồng bột, xốc xởi, hung hăng, lờn lã thì bậc toàn thiện tỏ ra cẩn thận, dè dặt nghiêm kính. Trong khi người đời tự đề cao mình hết lời, thì bậc toàn thiện lại bỏ quên chính mình ‘vong ngã’, cái tôi của các ngài tan ra dường như bong ra không còn gì. Nếu như người đời có thói kiêu căng, quý phái, kiểu cách lịch thiệp, kênh kiệu, minh bạch giả hình, thì bậc toàn thiện lại có dáng mạo mộc, khờ khạo, giản dị thông thoáng, không tách bạch, xa cách nhưng lại rất hòa đồng với mọi lớp người[15]. Sự khiêm nhường phủ kín đời sống thánh hiền, họ không bao giờ tỏ ra khinh dễ, phỉ báng hay xoi mói dòm ngó người khác bằng con mắt khinh khi, chia rẽ. Trái lại, họ tỏ ra thân thiện, cảm thông và độ lượng với mọi người. Ngôn từ của các ngài trong sáng, thân thiện, dịu ngọt. Lão Tử nói: “Tắc kỳ đoài, bế kỳ môn, tỏa kỳ nhuệ, giả kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần. Thị vị huyền đồng”. Nghĩa là “lấp kín miệng, bịt mắt tai, nhụt bén nhọn, bỏ chia phân, hòa ánh sáng, đồng bụi bặm, ấy gọi là huyền đồng[16]. Huyền đồng là trở nên một với Đạo, hòa hợp và hòa đồng với tất cả mọi người, không hề tự cho mình là sáng, là tốt, là phải hơn ai, chẳng khoe khoang khoác lác, họ ôm giữ cái (Một = Đạo) để làm mẫu mực cho người khác.

Thánh nhân không hề tích góp của cải cho riêng mình, nhưng chỉ lo phục vụ cho người khác. Tựa như trong Tin Mừng có ghi “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, những là để phục vụ” (Mt 20,28; Mc 10, 45). Cũng vậy, Thánh nhân là người làm lợi cho người khác, đem Đạo mà họ giác ngộ để khai sáng và thông chuyển cho người khác. Người hiểu được chân lý tối hậu như thế nào thì mong muốn bày tỏ cho mọi người về chân lý đó thể ấy. Đạo là căn nguyên thực tại tối hậu của vũ trụ, thánh hiền là người huyền Đạo nghĩa là kết hiệp sâu xa với Đạo, với chân lý. Như thế, thánh hiền cũng hiểu biết được sự chi phối của Đạo nơi vạn vật “ký đắc kỳ mẫu dĩ tri kỳ tử” (Đã giữ được mẹ thì biết được con”. Nghĩa là hiểu được Đạo thì ắt là biết được vạn vật vậy. Người nào tự thăng tiến mình đến trình độ thánh nhân, tức là đạt tới chỗ toàn thiện thì có thể thông hiểu hết cớ sự trong thiên hạ. Người đó đã làm được việc trọng thể là khai sáng Đạo ra thành chân lý sống cho mình vậy.

2/Người khéo giữ đạo là thế nào?

Người khéo giữ đạo không phải là người khéo tuân theo đường lối tu đức của một giáo thuyết, hay tuân thủ lời giáo huấn của Đấng Sáng Lập Đạo, nhưng là người khéo nắm bắt được chân lý Thực Tại tối hậu nơi chính mình. Trong chương 15 Đạo Đức Kinh của Lão Tử viết rõ: “Cổ chi thiện vi Đạo giả, vi diệu huyền thông, thâm bất khả thức. Phù duy bất khả thức, cố cưỡng vi chi dung”[17](Người khéo giữ Đạo thuở xưa, tinh vi mầu nhiệm, thăm thẳm thông suốt, sâu xa không thể biết. Chỉ vì không thể biết, mới miễn cưỡng hình dung). Và “Bảo thủ Đạo giả bất dục doanh. Phù duy bất danh, thục năng an, dĩ động chi từ sinh” (Người giữ gìn Đạo thì không muốn tràn đầy. Chỉ vì không tràn đầy cho nên có khả năng tự xóa mình để mà thành tựu điều mới).  Nghĩa là trong chương này, Lão Tử muốn nói đến con người tích cực giữ Đạo là một bậc thánh nhân đã nhận thức được chân lý về Đạo(Thực tại tối hậu). Người đó chính là người đã nội tâm hóa được Đạo, cho nên người đó sẽ có những hành vi, cử chỉ mang dáng dấp thấp thoáng của Đạo. Nhưng Lão Tử lại cho rằng, những bậc thánh nhân đó chỉ có ở thời cổ xưa: “Cổ chi thiện vi Đạo giả”, chứ vào thời Xuân Thu – Chiên Quốc, thời mà hiện giờ Lão Tử đang sống không còn bậc thánh nhân đó nữa. Lão tự đã tự thú nhận là mình cũng chỉ được nghe lại do truyền ngôn, và ông đã miễn cưỡng mô tả lại như sau: “Vì khéo giữ đạo, cho nên bậc thánh nhân đó tế nhị, mầu nhiệm, thăm thẳm, thông suốt giống như Đạo”[18]. Lão tử cho rằng những người phàm nhân như ông cũng không thể biết được sự sâu xa trong tâm thức của bậc thánh nhân xưa “thâm bất khả tri”. Đạo thực sự là Thực tại siêu hình, vô thanh, vô khứu… nhưng lại có thể hiện hữu trong bậc thánh nhân, làm sao người phàm có thể đo lường, thấu hiểu được.

Các bậc thánh nhân xưa bắt chước Đạo, dạy dỗ người ta không cần dùng lời nói, chỉ kín đáo làm gương thế mà thiên hạ ổn định. Lão Tử rút ra bài học đó cho hậu thế khi ngài đề bạt ra thuyết “Vô vi”. Tác dụng của vô vi tuy mềm yếu, nhưng công dụng của nó vô cùng to lớn. Lão Tử nói: “ Cái rất mềm trong thiên hạ khắc được cái rất cứng trong thiên hạ. Cái không có vào được cái không khoảng trống. Ta vì vậy biết được sự hữu ích của vô vi”[19]. Bài học này ta có thể dễ dàng nhận ra, chẳng hạn như nước, gió, lửa, không khí là những cái mềm… Thế nhưng: nước có thể làm đá mòn, gió có thể bẻ gãy cây cổ thụ, lửa có thể nung chảy kim loại cứng, không khí có thể luồn chảy vào trong mọi ngỏ ngách và có thể làm sét rĩ kim loại… Cách dạy dỗ bằng vô vi có thể khắc phục được những kẻ cứng rắn, bướng bĩnh nhất. “Mỹ nhân kế” là một trong số những cách thức áp dụng từ vô vi, vì lịch sử nhân loại cũng đã chứng minh cho thấy nhiều anh hùng không thể nào qua ải mỹ nhân. Tuy thế, để dạy người ta bằng ‘Vô vi’, thì người dạy phải sống Đạo ấy đã. Không ai có thể cho người khác điều mình không có bao giờ. Người nào có đạo hiện diện nơi mình, người ấy có sự sống vĩnh cửu.

IV/ Kết luận

Qua việc tìm hiểu đôi nét về ĐẠO, danh xưng để chỉ về thực tại Siêu Việt mà Lão Tử đã dùng trong cuốn Đạo Đức Kinh, người viết có thể rút ra một vài điểm nhận xét cũng như bài học quý giá sau:

Thứ nhất, Đạo chỉ về Thực tại siêu việt Lão Tử dùng gần như nó đồng nghĩa với quan điểm Chân Như hay Phật Tánh, Tâm tánh mà Phật Giáo dùng, là Bồ Đề của Phật giáo hoặc Đạo cũng là Thái Cực, là Thiên lý của Nho giáo. Danh từ tuy khác nhau, nhưng thực sự tất cả đều chỉ cái nguồn cội của càn khôn vũ trụ và vạn vật. Cái nguồn cội ấy khi còn bất động gọi là Đạo. Còn khi đã động mà chuyển hóa thì gọi là Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Trời vậy. Chúng ta có thể suy ra Đạo là một mạc khải chưa mấy rõ ràng về Thiên Chúa trong Kitô giáo. Đạo ấy cũng có thể là Brahamn, hay Atsman trong Ấn Giáo. Nếu con người có tâm nguyện và lòng khát khao tìm kiếm cội nguồn sáng tạo, phát sinh ra vũ trụ và vạn vật thì dù tin vào tôn giáo nào, cho dù đó chỉ là Lão Giáo hay Nho Giáo thì sớm muộn họ cũng có thể gặp được Đấng Tuyệt Đối là cội nguồn mọi sự, là hạnh phúc viên mãn cho họ trong cuộc sống mai hậu.

Thứ hai, Một khi con người khao khát đi tìm Thượng Đế, Đấng cội nguồn sáng tạo, hay một khi họ gặp được Chân Lý Tối Hậu, là chân lý về Đạo mà họ theo đuổi thì bổn phận của họ là phải miệt mài khai sáng và sống hết khả năng mình để phục vụ Đạo ấy. Người sống hết mình cho Đạo là người đang hòa mình vào với Thực tại của Đạo, là người tiến dần đến chỗ nên đồng hình đồng dạng với Thực tại ấy. Càng trở nên đồng hình đồng dạng, tức là càng sống Đạo cách tích cực bao nhiêu thì hạnh phúc cho người hành Đạo lại lớn lao bấy nhiêu.

Thứ ba, Người được gọi là thánh hiền hay người “hiệp đạo” lại có khả năng thấu hiểu về vũ trụ phát sinh từ Đạo. Nhờ Đạo mà họ có thể vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc đời, họ sẵn sàng chấp nhận sự thua thiệt. Họ sẵn sàng sống cuộc sống đơn hạ để phục vụ người đồng loại trong bác ái, khoan dung. Người hiểu thấu chân lý Đạo sẽ là người nhiệt tâm khai sáng Đạo và truyền bá Đạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Nguyễn Hiến Lê , Đại cương văn học Sử Trung Quốc, Tập 2, Nxb.VH Thông tin, Hà Nội 1955.

2/ NikyYo Niwano, Trần Tuấn Mẫn dịch, Đạo Phật ngày nay, Nxb Thuận Hóa, Tp. Huế, 1996.

3/ Nguyễn Ước, Đại Cương Triết Học Đông Phương, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2009.

4/ Gioan Hiến Minh, Con người biết suy tư Triết Học, Dự bị Thần Học, Tập 1,

5/ Phùng Hữu Lan, Lịch sử Triết học Trung Quốc, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 2007.

6/ Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, Nxb Đồng Nai, 2003.

7/ Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, Nxb Đồng Nai, 2003.

8/ NikyYo Niwano, Trần Tuấn Mẫn dịch, Đạo Phật ngày nay, Nxb Thuận Hóa, Tp. Huế, 1996

9/ Hà Thiên Sơn, Bài giảng lịch sử Triết Học,  Trường Đại học Y tp. HCM, 1997.

10/ Trần Văn Hiến Minh, Tam giáo đại cương Triết Học Đông Phương, Tủ sách ra khơi, 1968.

Giuse Trần Công Hường. Chủng Sinh Khóa 12. ĐCV Vinh Thanh.


[1] Triêu Văn Đạo, Tịch tử khả hỷ, Luận Ngữ 4,8.

[2] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh giản luận, Nxb Đồng Nai, 2009, Trang 13

[3] Xem. Đường Thi, Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo,Tủ sách đàm đạo tôn giáo, Hà Nam(Tài liệu lưu hành nội bộ), trang 271.

[4] Xem. Đường Thi, Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, Sđd, trang 274

[5] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh giản luận, Sđd, Trang 254.

[6] Xem. Đường Thi, Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, Sđd, trang 272.

[7] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh giản luận, Sđd, trang 159

[8] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh giản luận, Sđd, trang 10

[9] Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, sđd, trang 288

[10] Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, sđd, trang 289

[11] Xem: Lm Phạm Châu Diên, Tu Đức Học (Viết theo Tanquerey), Tủ sách Văn Đoàn Ra Khơi, Qui Nhơn 1961, Trang 8.

[12] Xem: Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu,Nxb Đồng Nai, 2003, trang 242.

[13] Xem: Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, Sđd, trang 242.

[14] Xem: Lão Tử Đạo Đức Kinh giản luận, chương 5, Sđd, trang 96-99.

[15] Xem: Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, Sđd, trang 243.

[16] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh giản luận, Chương 56, Sđd, trang 316-319.

[17] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh giản luận, Sđd, trang 96

[18] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh giản luận, Sđd, trang 100.

[19] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh giản luận, Sđd, trang 260.