Đánh giá có nên học đại học

Từ ngày bé đi học, Châu nhớ là trong đầu mình luôn luôn đặt mục đích lớn nhất: đỗ đại học. Từ bố mẹ, cô cô dì chú bác, cho đến thầy cô trên lớp luôn đặt ra những câu hỏi như: định vào trường nào? Thi ngành nào? Ôn thi ở đâu? Bắt đầu vào cấp 3 là con đường chạy đua vào đại học đã khá ráo riết rồi. Đôi khi vì ráo riết như vậy nên chính bản thân chúng ta là học sinh ngồi trên ghế nhà trường cũng quên mất câu hỏi mình thích ngành gì, mình thích học ở đâu, mà chú tâm hơn vào việc: chọn trường nào, ngành nào cho dễ đỗ đại học?

Tại Việt Nam, Châu tin rằng áp lực phải vào đại học hoặc theo sự nghiệp truyền thống của gia đình vẫn còn rất lớn. Tâm lí chung đó đôi lúc khiến các bạn trẻ nghĩ rằng không còn con đường nào khác để dẫn đến thành công. Nhưng gần đây có vẻ câu chuyện đỗ đại học đã dần dần lật ngược. Nhiều bạn comment hỏi, Châu ơi năm nay em thi đại học mà không thích, làm thế nào để thuyết phục gia đình?

Đương nhiên, Châu không bao giờ phủ nhận lợi ích của việc học đại học mang lại. Đó là một bệ phóng tuyệt vời, là sự chuẩn bị và là bước chuyển mình cho tương lai của các bạn giữa việc đi học và đi làm. Trong môi trường đại học, cái mà bạn nhận sẽ là kiến thức, ngoài ra còn có mối quan hệ, các kỹ năng và thậm chí sự va chạm thực tế qua dự án sinh viên, thực tập…

Do đó, không ai bảo rằng đại học là con đường sai lầm. Điều mọi người bàn cãi đó chính là liệu đại học có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công hay không mà thôi. Theo quan điểm của Châu thì không, đại học không là con đường duy nhất.

Vậy tại sao Châu lại tin là như vậy?

Đầu tiên, bằng đại học không phải là cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tại sao hiện nay có rất nhiều trường đại học khi tuyển sinh luôn quảng cáo về tỉ lệ có việc làm của sinh viên trường họ sau khi ra trường thay vì quảng cáo về chất lượng đào tạo. Đó là vì họ quá hiểu tâm lí của sinh viên và phụ huynh tại Việt Nam. Nếu như bằng khen là mục tiêu của thời học sinh thì tại cấp bậc đại học, việc làm sau khi ra trường mới là điều tối quan trọng nhất mà bất kỳ ai cũng quan tâm.

Trước kia, có một thời gian khi chỉ cần tốt nghiệp đại đã là một kỳ tích ấn tưởng để bạn nổi bật hơn trong danh sách vị trí đầu vào tại các công ty. Nhưng hiện nay, tình trạng dư thừa sinh viên tốt nghiệp đã khiến tấm bằng đại học không còn là yếu tố gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng. Tất nhiên, việc bạn tốt nghiệp loại giỏi tại một trường đại học danh tiếng có lẽ sẽ khiến bạn nổi bật hơn so với mặt bằng chung. Nhưng vẫn còn rất nhiều yếu tố như kinh nghiệm thực tế, thực tập, kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu… Vì vậy, tấm bằng đại học giúp bạn tăng thêm cơ hội có việc làm chứ không phải là sự cam kết cho một ví trí sau khi bạn tốt nghiệp.

Còn có những con đường sự nghiệp khác.

Sự thật là đã bao nhiêu lần mọi người bắt đầu một công việc mới và nghe được câu đầu tiên là “Hãy quên tất cả những gì bạn đã học; chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách thực hiện công việc”. Châu thấy đây chỉ là phản ánh một phần quá trình học đại học còn thụ động, không biết tự rèn dũa và trau dồi, phát triển bản thân.

Điều thú vị và cũng là thử thách cho Gen Z hiện nay là con đường học đại học, ra trường và đi làm ở công ty không còn là một đường thẳng nữa. Chính bản thân Châu cũng đã quyết định dấn thân đi làm ngay từ năm 17 tuổi. Với ngành thời trang mà Châu chọn, ít ai hỏi nhau về bằng cấp hay bạn đã tốt nghiệp từ trường nào.

Không chỉ là những ngành sáng tạo hay nghệ thuật, một số lượng lớn các công ty start-up hiện nay yêu cầu nhiều hơn về kỹ năng làm việc và cách giải quyết vấn đề nhiều hơn bằng cấp. Chính vì thế mà Châu thấy nhiều bạn đã đi làm freelance ngay từ những năm thứ nhất, thứ hai để tích luỹ kinh nghiệm. Công nghệ cũng giúp cho trải nghiệm này dễ dàng hơn bao giờ hết: bạn có thể ngồi ở Việt Nam và làm việc cho một công ty ở Singapore hay Mỹ. Bạn có thể học các khoá học online trong khi đi làm ở công ty. Bạn có thể đi học đại học và freelance các dự án về digital marketing, sáng tạo nội dung, lập trình software… mà không cần ngồi trong văn phòng.

Ngoài ra, Châu thấy hiện nay kinh phí để theo đuổi một chương trình đại học là không hề nhỏ và cũng là một yếu tố mà bạn nên cân nhắc. Đó là một khoản đầu từ thật sự cho chính tương lai của bạn!

Hiểu rõ bản thân để có quyết định đúng đắn.

Nói gì đi nữa thì để đưa ra một quyết định lớn như có học đại học hay không năm bạn 17 tuổi là không hề dễ dàng đúng không nào? Bố mẹ có thể nghĩ ngay đây chỉ là vấn đề tuổi teen, “bọn mày biết gì mà nói.” Vì vậy, để cho bố mẹ, người thân hiểu và cả bản thân chắc chắn hơn về con đường mình muốn đi, Châu nghĩ bước đầu tiên bạn sẽ phải tìm hiểu và nghiên cứu để trả lời câu hỏi “nếu không học đại học thì làm gì?” một cách thành thực nhất.

Chỉ là sở thích thôi không đủ đề bạn quyết định. Hãy có một kết hoạch cụ thể. 

  • Nếu bạn có ước mơ được làm việc trong các công ty lớn, tập đoàn nước ngoài thì bằng đại học là một điều kiện cần để bạn có thể ứng tuyển. Trong trường hợp đó, bạn không thể nào bảo rằng tuy tôi không có bằng đại học nhưng tôi có kinh nghiệm và kiến thức. Sẽ rất khó để các nhà tuyển dụng nghe bạn thuyết phục như vậy trừ khi bạn đã có những thành tựu thật sự nổi trội trong CV của mình. Vậy thì sao, có phải khi đó thì việc học đại học sẽ là con đường nhanh và an toàn để mọi người đạt được ước mơ của mình không?
  • Bạn cảm thấy mình không phù hợp với việc “học chữ” sau khi hoàn thành 12 năm học. Hãy nghiêm túc suy nghĩ đến việc học nghề. Trước đây Châu có đọc và thấy bên Châu Âu định hướng cho học sinh rất sớm về việc học nghề hay học đại học và Châu thấy điều này vô cùng có lý. Tại Việt Nam, mọi người đôi lúc vẫn đánh giá thấp về một người đi học nghề. Nhưng “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mà phải không mọi người! Và với xã hội hiện đại thì “học nghề” không còn giới hạn như ngày xưa. “Nghề” ở đây có thể là học về máy móc, sản xuất, đồ thủ công, cho đến công nghệ cao như lập trình viên… Bạn có thể dễ dàng tìm trên internet những nghề nào sẽ khan hiếm nhân lực trong 10-20 năm nữa để theo đuổi.
  • Châu đã chứng kiến một số bạn mạo hiểm hơn khi họ tin họ đủ khả năng để tự học, tự trang bị kiến thức cho bản thân. Vì vậy, họ muốn bắt tay thực hiện ngay những kế hoạch họ ấp ủ để tiết kiệm thời gian, ví dụ như mở cửa hàng kinh doanh, thiết kế, sản xuất.  Họ dấn thân như vậy vì họ biết bản thân mình muốn gì, có sự chuẩn bị trước cho tương lai, và quyết tâm để đương đầu với khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt trên con đường đã lựa chọn.
  • Cuối cùng, nếu bạn không biết mình phù hợp với định hướng nào, khi đó, bạn phải chấp nhận việc mất thời gian để bản thân mình làm phép thử. Nếu là Châu, Châu sẽ khuyên mọi người nên bắt đầu với việc thử học đại học trước, và luôn welcome những cơ hội để phát triển bản thân và khám phá sở thích.

Sẽ có những lúc bạn không cảm thấy tự tin vào con đường mình chọn.

Dù chọn con đường nào, có một điều chắn chắn là sẽ có những lúc bạn tự hỏi không biết mình đã chọn đúng chưa, sao mọi việc lại khó khăn như thế, biết thế mình đã chọn con đường dễ hơn… Điều này là hoàn toàn bình thường và Châu mong rằng những khoảnh khắc như vậy sẽ không kéo bạn lùi lại. Thực ra là những lúc chúng ta có thể đi chậm lại, suy nghĩ về kế hoạch của bản thân, xem mình cấn sửa ở đâu,

Không ai là quân sư tốt hơn chính bản thân mình cho những quyết định như thế này. Châu hy vọng bài viết có thể giúp các bạn đang do dự về con đường sắp tới có được những định hướng riêng và cũng như có kết quả thật tốt trong kỳ thi sắp tới nhé!