Đặc điểm văn học nước ngoài trong trường phổ thông

Đặc điểm văn học nước ngoài trong trường phổ thông

Nguồn: tapchinhavan.vn

ThS. Nguyễn Thị Tuyết

        Lịch sử dân tộc và nhân loại đã chứng minh, thời kỳ nào, dân tộc nào quan tâm đến văn hóa, đến khoa xã hội và nhân văn, thì thời kỳ đó thịnh trị, phát triển; ngược lại thì suy thoái là chung cục không thể tránh khỏi.

         Sự phát triển theo xu hướng xã hội tiêu thụ đã khiến con người quay lưng với văn chương và khoa xã hội nhân văn nói chung. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học văn đã trở thành điểm nóng, là vấn đề đáng quan ngại của toàn xã hội. Ở đây, chúng tôi chỉ xin trình bày một số nguyên tắc và một số kiến nghị giải pháp về hoạt động dạy học phân môn Văn học nước ngoài (VHNN) ở trường Trung học phổ thông (THPT).

          Một số nguyên tắc và thực trạng hoạt động dạy học VHNN

– Dạy học VHNN qua bản dịch nhưng phải đảm bảo tinh thần, giá trị nguyên tác

         Văn bản văn học là trung tâm của mọi hoạt động tiếp nhận. Vì vậy, muốn dạy học tốt thì phải trực tiếp tiếp xúc với văn bản. Tuy nhiên, dạy học VHNN vô cùng bất cập khi không thể phân tích trực tiếp từ nguyên bản (vì rào cản ngôn ngữ), đặc biệt là phân tích thơ mà qua bản dịch là việc làm quá sức, nên chúng tôi không muốn nội dung chương trình quá nhiều thơ (cho dù đó là thơ chữ Hán có phiên âm).

         Hướng đến tinh thần nguyên tác thì bản thân giáo viên (GV) và HS phải tìm đọc đầy đủ về tác phẩm và những vấn đề liên quan đến tác phẩm, tác giả. Điều này cần một sự đam mê và nỗ lực của thầy lẫn trò, bên cạnh đó là yếu tố thời gian.

         Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động dạy học VHNN thường chỉ dạy qua bản dịch và trích đoạn trong sách giáo khoa (SGK), vì GV và HS thiếu tài liệu, thiếu thời gian, thậm chí rất nhiều HS hiếm khi đọc đoạn trích trước khi lên lớp. Vì vậy, hoạt động dạy học VHNN ở trường THPT phần lớn rất nhàm chán và thường là hoạt động “áp đặt” kiến thức của GV.

Dạy học VHNN đảm bảo đặc trưng văn hóa vùng miền, hướng tới tính dân tộc và tính nhân loại

         Đặc trưng VHNN không chỉ là sự khác biệt về ngôn ngữ mà còn là một khoảng cách rộng lớn về thời gian và không gian. Đó là khoảng cách văn hóa. Người Việt không phải ai cũng hiểu được văn hóa bản xứ, huống gì văn hóa nước ngoài là cả một sự thách đố đối với bất cứ ai. Mỗi tác phẩm văn học đều được sáng tạo trên một cơ tầng văn hóa, và chịu sự tác động của những quy luật tự nhiên và xã hội cho nên tác phẩm văn học vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính nhân loại.

         Muốn khai thác được đặc trưng văn hóa thì phải đặt tác phẩm đúng hoàn cảnh mà tác phẩm đó ra đời. Tức là phải tìm hiểu về đặc điểm thời đại, hoàn cảnh sáng tác, tập tục xã hội, tâm lý, quan niệm đạo đức thẩm mỹ của dân tộc,… để từ đó phân tích văn bản một cách hợp lý hơn.

     Trên thực tế hoạt động dạy học, một phần không nhỏ HS rất yếu kém về phương diện này, dẫn đến nhầm lẫn, suy diễn một cách ngây ngô, hiểu sai nội dung tư tưởng tác phẩm. GV cũng không có và không giành nhiều thời gian cho mục này nên hiệu quả tiếp nhận, chiếm lĩnh tác phẩm là thấp.

– Dạy học VHNN theo đúng đặc trưng thể loại

         Đây là nguyên tắc chung khi chúng ta tìm hiểu bất kỳ tác phẩm văn học nào. Dạy học VHNN càng phải đáng lưu ý. Bởi đặc trưng thi pháp theo thể loại là khác nhau. Cùng là thơ, nhưng thơ Đường thì thường phân tích theo cấu trúc đề, thực, luận, kết (thơ Thất ngôn bát cú) hoặc khai, thừa, chuyển, hợp (thơ Thất ngôn tứ tuyệt), theo niêm luật, cấu tứ, bút pháp khác hẳn với đặc trưng thơ Hai-cư là mỹ cảm sabi (tịch liêu), wabi (đơn sơ), aware (bi ai), karumi (thanh thoát), yugen (u huyền),… Bên cạnh những điểm chung là những hình ảnh, bút pháp giàu sức gợi.

         Dạy học theo đặc trưng thể loại sẽ giúp HS chiếm lĩnh tác phẩm một cách dễ dàng và khoa học hơn, đồng thời hình thành ở các em kiến thức cơ bản về đặc điểm thể loại trong những bước đầu của hoạt động nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật.

         Nguyên tắc này trong hoạt động dạy học đã được GV quan tâm ở thể loại thơ Đường, tuy nhiên với văn xuôi và kịch, đặc biệt là kịch thì dường như còn rất xa lạ với HS, vì hai nguyên nhân cơ bản sau: thứ nhất, các em chưa được tiếp xúc nhiều với kịch; thứ hai, kịch gắn liền với hoạt động diễn xuất trên sân khấu, học văn bản kịch đơn thuần thì rất khó thể hiện hết đặc trưng của thể loại.

– Dạy học VHNN theo tinh thần tích hợp với các phân môn khác

         Các phân môn khác trong môn văn như: văn học Việt Nam, Tiếng Việt, Làm văn, Văn học sử,… và các bộ môn khác như lịch sử, địa lý,…

         Dạy học VHNN không chỉ là học những kiến thức về VHNN mà nhằm củng cố thêm kiến thức về Văn học Việt Nam và tìm ra những nét gần gũi, ảnh hưởng đến Văn học Việt Nam, để các em thấy được sự phong phú đa dạng của các nền văn hóa và nét riêng của văn hóa nước ta. Ví như, khi dạy về anh hùng ca của Homer thì liên hệ đến thiên sử thi Ramayana của Ấn Độ và Sử thi Đăm Săn của Việt Nam để thấy được những đặc điểm chung của tinh thần thời đại và sự khác biệt văn hóa Đông Tây. Tích hợp với các bộ môn khác nhằm giúp các em có được kiến thức nền tảng vững chắc, đầy đủ và hệ thống hơn.

         Thực tế dạy học thì GV và HS chưa tìm ra nhiều mối liên hệ lẫn nhau giữa VHNN và các phân môn khác. Nguyên nhân là do GV chưa chú ý nhiều hoặc chưa thấy được sự thống nhất trong hệ thống kiến thức. Thứ nữa, là nội dung chương trình cũng không thể hiện nhiều mảng kiến thức cần được tích hợp.

         Từ sự phân tích một số nguyên tắc và thực trạng hoạt động dạy học trên, chúng tôi đề ra một số giải pháp như sau.

         Kiến nghị một số giải pháp: Đổi mới quan điểm và hoạt động dạy học

         Bên cạnh đổi mới mục tiêu dạy học là đổi mới quan điểm dạy học. Hoạt động dạy học phải lấy HS làm trung tâm, HS là chủ thể cảm thụ trong quá trình tìm hiểu tác phẩm, dạy những cái mà HS cần nhằm phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, hình thành kỹ năng gắn với nội dung thực tiễn.

         Trên cơ sở đổi mới quan điểm dạy học và nội dung chương trình, hoạt động dạy học cần phải khắc phục những tồn tại đã phân tích ở trên, bằng cách đảm bảo tối đa 4 nguyên tắc dạy học cơ bản như trên. Để đạt được điều đó, chúng ta cần:

         Thứ nhất, cần xem trong khâu đọc văn bản, và đọc bằng nhiều phương pháp khác nhau như đọc diễn cảm, đọc sáng tạo,… Bởi “đọc văn rèn luyện năng lực tri giác và tái tạo âm thanh, năng lực nhận thức ý nghĩa thống nhất của cú pháp và ngữ điệu. (…) hình thành kỹ năng truyền đạt hình tượng nghệ thuật…”[1]. 

         Xem trọng khâu đọc văn bản cũng là cách tốt nhất giảm thiểu tối đa việc đọc những “thế bản” (sách thiết kế giáo án, sách tham khảo, sách giáo viên,…) như cách nói của Gs Trần Đình Sử, đó là con đường “trở về với văn bản văn học”[2], đồng thời tạo cơ hội để học sinh trực tiếp cảm thụ tác phẩm tốt nhất bằng tất cả vốn sống, bằng sự rung động của trái tim và khối óc của mình, điều này rất phù hợp với quan điểm mỹ học tiếp nhận. Từ đó, có thể hình thành nhiều cách tiếp cận tác phẩm khác nhau, khám phá giá trị sâu sắc của tác phẩm trên cơ sở khoa học và đồng sáng tạo.

         Trên thực tế dạy học, đối với những tác phẩm văn xuôi có dung lượng hơi dài là GV không giành thời gian đọc (vì không có thời gian), nhưng chúng ta có thể đọc một đoạn đặc sắc nhất (trên lớp), và yêu cầu nghiêm khắc HS phải đọc trước văn bản, bằng cách kiểm tra hoạt động đọc ở nhà của HS bằng một hệ thống câu hỏi liên quan đến tác phẩm, để dần hình thành, phát triển ở các em thói quen tự học.

         Ngoài ra, GV có thể yêu cầu HS tóm tắt tác phẩm bằng sơ đồ đối với tác phẩm văn xuôi và chuyển thể văn bản sân khấu đối với tác phẩm kịch.

         Thứ hai, trong hoạt động dạy học trực tiếp sử dụng kết hợp nhiều phương pháp như đối thoại, nêu vấn đề, phát vấn, gợi mở, làm việc nhóm, dạy học tích hợp,… bên cạnh kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp nhằm tăng hiệu quả dạy học.

         GV là người tổ chức thiết kế, điều hành giờ học. HS chủ động tích cực trong hoạt động chiếm lĩnh tác phẩm, mạnh dạn trình bày và nhận xét ý kiến của nhóm, của bản thân, vừa đảm bảo tinh thần dân chủ, vừa giáo dục ý thức tôn trọng người khác.

          Đối với những điển tích, điển cổ, chỉ dẫn văn bản,… cần được hiểu đúng đắn gắn liền với đặc điểm văn hóa, lịch sử,… nhằm chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa ngôn ngữ với đời sống, để hiểu sâu tác phẩm hơn.

         Dạy học gắn với từng đơn vị kiến thức kỹ năng và đặc trưng thể loại nhằm hình thành ở các em cách tiếp cận tác phẩm, kiểu tư duy, hơn là nội dung kiến thức của tác phẩm.

         Thứ ba, là thay đổi cách ra đề thi, kiểm tra, đánh giá.

         Mục tiêu, nội dung, phương pháp và kiểm tra đánh giá có mối quan hệ thống nhất, biện chứng, vì vậy đổi mới cách kiểm tra đánh giá là điều tất yếu.

         Trước hết, cần thấy môn VHNN thường ít xuất hiện trong nội dung kiểm tra, thi cử. Thường VHNN chỉ xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT (20% trọng điểm đề thi), nội dung thường là những nét chính về cuộc đời sự nghiệp của tác giả, ý nghĩa nhan đề tác phẩm,… nghĩa là nội dung cần phải học thuộc. Vì vậy, cần đổi mới cách kiểm tra đánh giá theo hướng thay đổi nội dung và đa dạng hóa hình thức để có thể áp dụng vào nhiều kỳ thi, kiểm tra, đánh giá. Kiểm tra có thể tiến hành thường xuyên trong từng bài học, chứ không quá coi trọng những kỳ thì cuối kỳ, cuối năm, cuối cấp.

         Hướng đề thi “mở” đã được áp dụng trong những đề thi tuyển sinh gần đây[3], nhưng đó phần lớn là những câu làm văn nghị luận xã hội, còn VHNN chưa thấy xuất hiện. Hướng đề thi “mở” tránh được cách học chay, học tủ, học vẹt mà phù hợp với cách học chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh, đồng thời hạn chế được những tiêu cực trong thi cử (quay cóp, xem tài liệu). Và dạng đề “mở” là cách tốt nhất để phân hóa học sinh, để lựa chọn và bồi dưỡng những em có thiên khiếu văn chương thực thụ.

         Đa dạng hóa hình thức ra đề  như trắc nghiệm khách quan (đối với những đơn vị kiến thức, kỹ năng mang tính nền tảng, lý luận) và đề tự luận (với kiến thức, kỹ năng, thái độ mang tính chất cảm thụ, chuyên sâu)…

         Thế giới hội nhập và Liên văn bản là hiện thực, là bản chất của văn học và đời sống ngày nay. Dạy học VHNN không chỉ mở ra trước mắt chúng ta những tầng tri thức văn hóa mới mẻ mà còn là cách để học sinh hiểu hơn văn hóa Việt Nam nhằm giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc với tinh thần “hòa nhi bất đồng, đồng nhi dị”, và hướng đến những giá trị nhân sinh, nhân bản tốt đẹp của Con Người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Phan Trọng  Luận (Chủ biên, 2003), Phương pháp dạy học văn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.93

[2]. Đặng Lưu, Phương pháp dạy học môn Ngữ văn, http://edu.go.vn/e-tap-chi/tin/3/11/4836/phuong-phap-day-hoc-mon-ngu-van.html

[3] Bùi Minh Tuấn, Nên khuyến khích dạng đề mở đối với môn ngữ văn, http://dantri.com.vn/c202/s202-348907/nen-khuyen-khich-dang-de-mo-doi-voi-mon-ngu-van .htm