Cho vay tín dụng đen bị phạt như thế nào năm 2024

Hiện nay, nhu cầu sử dụng tiền của con người tăng lên đồng nghĩa với việc tạo ra cơ hội cho những kẻ xấu trục lợi. Nhiều người do thiếu hiểu biết, nên đã bị lợi dụng lòng tin và vô tình sập bẫy vào tín dụng đen, dẫn đến tiền mất tật mang. Vậy tín dụng đen là gì, tín dụng đen có tác động xấu như thế nào, và vi phạm vào tín dụng đen bị xử phạt như thế nào, hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I. Tín dụng đen là gì?

Ngày nay, không có định nghĩa cụ thể về tín dụng đen là gì, nhưng có thể hiểu tín dụng đen là một hình thức cho vay tín dụng với lãi suất rất cao (hay nói cách khác là cho vay nặng lãi) từ các cá nhân hoặc tổ chức không có giấy phép kinh doanh hoạt động cho vay. Đồng thời tín dụng đen không được pháp luật Việt Nam công nhận, mà chỉ các tổ chức tín dụng, ngân hàng mới được cấp phép hoạt động cho vay.

II. Thực trạng về tín dụng đen.

Vài năm trở lại đây, hàng trăm vụ vỡ nợ tín dụng đen, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều cá nhân và gia đình. Nhiều người do lòng tham, đã bị lừa vào “bẫy” của tín dụng đen. Từ vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao đã trở thành nạn nhân vừa là đối tượng tham gia trong đường dây tín dụng đen. Hệ lụy từ tín dụng đen dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như: bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí cưỡng đoạt, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…

Cho vay tín dụng đen bị phạt như thế nào năm 2024
Nhiều cơ sở do cá nhân, doanh nghiệp hoạt động tín dụng đen núp bóng dưới hình thức kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh, hỗ trợ tài chính có đăng ký kinh doanh hoặc không đăng ký kinh doanh, rải tờ rơi, dán quảng cáo tại các điểm công cộng, đăng thông tin trên các trang mạng xã hội, xây dựng APP vay tiền trên điện thoại thông minh, huy động người dân góp tiền chơi “họ”, “hụi”, “phường” trên nhiều địa bàn nhiều địa bàn.

Hoạt động tín dụng đen cũng dẫn đến nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa bên vay và bên cho vay, những nhóm đòi nợ thuê, sử dụng vũ khí đến nhà bên vay đòi nợ dẫn đến gây rối trật tự công cộng, gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, huỷ hoại tài sản, vu khống, làm nhục người khác... thậm chí là giết người. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

III. Các loại hợp đồng được xem là tín dụng đen.

Hiện nay, không có quy định nào định nghĩa thế nào là hợp đồng tín dụng đen, nhưng có thể hiểu nó là loại hợp đồng cho vay, trong đó chủ thể cho vay để thu lợi bất chính với mức lãi suất vượt quá mức pháp luật quy định và không có giấy phép kinh doanh về dịch vụ tín dụng hoặc dịch vụ cầm đồ.

Các dạng cho vay “tín dụng đen” như: bốc họ, rải họ; cho vay có thế chấp (quan hệ dân sự); cho vay ngang hàng; cho vay đáo hạn; cho vay qua ứng dụng trên điện thoại.

IV. Dấu hiệu nhận biết các mô hình tín dụng đen.

Thứ nhất, người cho vay dù mục đích vay của người vay là gì; không hạn chế thời gian vay bởi lãi được tính theo ngày; có thể trả lãi 10 ngày/lần hoặc 01 tháng/lần hoặc theo thỏa thuận; tiền lãi kỳ đầu được khấu trừ ngay vào lần vay đầu tiên.

Cho vay tín dụng đen bị phạt như thế nào năm 2024
Thứ hai, dù không cần thế chấp tài sản nhưng chủ nợ thường sẽ ghi trong hợp đồng vay nội dung: Quá thời hạn trả nợ nếu bên vay không trả được nợ thì bên cho vay có quyền thu hồi nhà, đất, tài sản của bên vay.

Thứ ba, lãi suất cho vay vượt quá lãi suất của pháp luật quy định.

Thứ tư, Các khoản vay được tách nhỏ thường là mấy chục triệu ở các thời điểm khác nhau; mỗi lần vay chỉ lập 01 giấy cho vay do bên cho vay giữ. Quá trình trả nợ, do lãi suất lớn nên người vay không trả được lãi thì các chủ nợ bắt đầu có hành vi đe dọa, thuê xã hội đến đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

V. Cá nhân, tổ chức liên quan đến 'tín dụng đen' sẽ bị xử phạt như thế nào?

Bởi tín dụng đen là một hình thức cho vay nặng lãi, vì vậy căn cứ theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung một số cụm từ bởi Điểm i Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), người phạm tội cho vay nặng lãi bị xử lý như sau:

  • Cho vay trong giao dịch dân sự với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  • Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  • Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về tín dụng đen mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau.