Chén trong sóng còn khua nghĩa là gì năm 2024

Vợ chồng tôi sống với nhau gần chục năm, có hai đứa con trai, đứa lớn 8 tuổi, nhỏ 4 tuổi. Gia đình tôi ở riêng, ông bà hai bên đều ở quê nên mọi việc trong nhà, vợ chồng đều phải tự lo toan. Thu nhập của hai vợ chồng làm công chức không cao nhưng vun vén cũng đủ chi tiêu.

Nhiều người trông vào cứ nghĩ gia đình tôi thật ấm êm, hạnh phúc, nhưng thật ra cũng không hẳn vậy đâu. Tôi với chồng thỉnh thoảng lại xảy ra chiến tranh lạnh, khiến nhiều lúc tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Chuyện kể ra cũng không có gì to tát nhưng cái sảy nảy cái ung, nên có những chuyện thật là vặt vãnh, tôi và anh lại không biết cách cư xử sao cho khéo dẫn đến hậu quả thật tệ hại.

Đơn cử như cuối tuần trước, tôi vừa đi làm về đã phải lao vào cơm nước, giặt giũ nên không thể ngó tới hai đứa nhỏ. Bị em giành đồ chơi, thằng lớn ngồi khóc, tôi bực mình, vừa đánh vừa mắng cả hai anh em. Chồng đi làm về thấy cảnh nhà cửa bừa bãi, đứa lớn, đứa nhỏ khóc bù lu bù loa, vợ thì cằn nhằn, anh nổi quạu quay xe đi nhậu với bạn bè. Tôi đã rất giận, không nói chuyện với chồng mấy ngày vì anh đã không giúp vợ dạy con mà bỏ mặc tôi xoay xở với bao nhiêu là việc nhà. Chồng thì bảo, nếu vợ mà dạy con kiểu đó thì cứ mặc kệ. Chồng tôi còn có tật, hễ nóng giận thì dùng những lời như “hàng cá”, làm tôi cảm thấy rất tủi thân. Những lúc ấy, tôi như bốc hỏa, khóc la inh ỏi. Có lần, quá ức chế, tôi lái xe ra khỏi nhà trong vô định, không biết đi đâu về đâu, vừa chạy xe vừa tự hỏi, tại sao cưới nhau rồi chồng không còn nói với mình những lời êm dịu, ngọt ngào, tình cảm như lúc mới yêu.

Rồi mọi thứ đã nhẹ nhàng trôi qua khi mẹ chồng biết chuyện chúng tôi lục đục, đòi li dị. Mẹ vội vàng lên thăm chúng tôi với lý do đi khám bệnh. Mẹ ở lại non nửa tháng, vừa giúp tôi việc nhà vừa khéo léo khuyên nhủ cả hai. Ông bà mình bảo: “Chén kia trong sóng còn khua” mà! Các con đừng vì những điểm nhỏ không hài lòng về nhau rồi làm cho mọi thứ trở nên nghiêm trọng và tệ hại hơn” - mẹ nói.

Không phải là thay đổi được ngay, nhưng sự lý thấm dần. Từ đó, vợ chồng tôi ít cãi nhau, thông cảm với nhau hơn. Chồng tôi biết kiềm chế bản thân và quan tâm vun đắp cho mái ấm của mình nhiều hơn.

“Chén đũa (bát) trên sóng còn khua…” câu nói đầy hình ảnh của ông bà xưa cho thấy sự gắn bó của hai vật dụng thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày. Hồi xưa, nhà tôi gần lò chén Bình Dương, nơi tràn ngập những chiếc chén chế men chảy lem nhem màu trắng ngà in hình con gà trống, hình trái đào… rồi cột thành chục bằng dây thắt gút chữ thập.

Một thời, lò này chung cấp chén cho hết các khu vực lân cận từ Đồng Nai, Đồng Xoài cho đến Sài Gòn. Gần lò chén là một con kênh, ăn thông với sông Bé, ghe thuyền ra vô tấp nập.

Chén dĩa lúc ấy rẻ bèo. Cùng một kiểu như nhau, vàng nhạt cho rẻ tiền và men xanh vẽ rồng cho hàng sang trọng. Nếu ai ở gần nhà thì qua lựa mấy chiếc hơi méo hoặc bị lem màu về xài, chẳng tốn đồng nào. Bên lò chén còn có lò lu. Chén bể lu nứt dùng nện đất cho chắc, công nhân vác hàng ra vô huỳnh huỵch suốt ngày.

Bây giờ tôi xây một căn nhà hoài cổ, nhà lợp mái lá, bếp lát đá ong. Tôi đi tìm những chiếc chén dĩa tô xưa cho hợp tình hợp cảnh. Men gốm cũ vẫn có nhưng tôi không thể nào tìm ra chiếc tô không ra tô, dĩa không ra dĩa, dùng đựng mấy món um, có vẽ hình con gà trống ngày nào. Tôi nhớ ngày xưa nhà tôi có một cái tô “gia truyền” mẹ chuyên dùng kho cá cơm.

Mấy con cá bé tí, trong veo ướp mắm đường tiêu cho thấm rồi bỏ luôn cái tô lên bếp than gần tàn, chỉ còn lửa riu riu cho keo lại. Cá trong tô cứ sôi liu riu liu riu cho đến khi cạn, đường cháy ra màu nâu thì chế vô một muỗng canh mỡ rồi rắc tiêu lên cho thơm banh nhà.

Cái tô ấy cũng được dùng để kho thịt kho tiêu, đến khi ăn thì dọn cả tô lên mâm. Mẹ tôi thích cái tô cũ mèm ấy đến nỗi nó mẻ miệng rồi bà vẫn còn dùng, nói rằng vì đã thấm mắm thấm mỡ lâu rồi nên kho thịt cá rất ngon. Thế rồi, cái tô “ra đi” vào một chiều mưa, khi tôi ham chơi lò cò nên cho nhiều than, lại không bắc ra kịp lúc cạn nước, đúng quy trình chế vô muỗng mỡ thì tôi nghe mùi khét nên hoảng quá nhúng ngay đáy tô vô thau nước lạnh chữa lửa kiểu chữa cơm khê và “bụp”, cái tô nứt ra làm đôi rồi chìm xuống nước, mang theo mớ cá cháy thơm phưng phức.

Sau đó nhà tôi dọn về Sài Gòn. Mấy đứa em trai thay nhau ra đời và phá như giặc, vài ngày lại bể tô bể chén cho đến khi không còn bộ nào ra bộ nào thì mẹ tôi mua chén sắt về ăn. Cái chén bên trong là sắt, bên ngoài tráng men màu xanh lam chấm xanh dương, tha hồ rơi lên rớt xuống cả ngày không sao. Nhưng thiệt lòng mà nói, ăn không hề ngon miệng vì tôi thấy cha mẹ vẫn gom mấy cái chén đất nung sứt mẻ ăn cơm chứ không dùng chén sắt. Chén sắt mà chan canh nóng thì cũng khỏi bưng luôn.

Sau này có thêm chén nhựa nhưng tôi chẳng hề có cảm tình với chén dĩa nhựa, dù cao cấp đến đâu vì ghiền cái cảm giác xoay chiếc chén đất trong lòng bàn tay, cảm giác đằm đậm khi miết lên những hoa văn cồm cộm nơi thành chén.

Bây giờ, các nhà hàng quán ăn đua nhau tìm kiếm những lò cung cấp chén xưa. Một thời đũa gỗ, đũa tre bị thất sủng vì mê đũa nhựa trắng đã qua rồi! Hồi xưa đũa bếp toàn tự ngồi chuốt, bây giờ vào nhà hàng thấy đem đũa cả ra xới cơm nhiều người còn thấy buồn cười. Phải quen tay mới biết cách dùng chiếc đũa bẹt như mái chèo, đơm cơm từ chiếc niêu bé xíu vào trong bát. Có ai còn nhớ ngày xưa, những buổi trưa ngồi vót đũa tre cho khéo, cho tròn.

Thậm chí còn có câu hài “Làm trai cho đáng nên trai, vót đũa cho dài, ăn vụng vợ con”. Đũa còn lợi hại ghê gớm vì “Vợ dại không hại bằng đũa vênh” nữa nhé! Tre vót đũa là tre già, thậm chí ngâm nước cho kỹ, phơi rửa hết mùi rồi mới làm đũa. Đũa tre đũa gỗ xài một thời gian là lên màu nâu bóng, những loại gỗ quý thì càng xài càng thích, gắp rất đằm tay mà không bị cong vênh.

Bây giờ tôi bị ảnh hưởng bởi những ngày xưa, làm nhà phải có chỗ để phơi chén đũa. Ở chung cư thì phơi ngoài ban công, ở nhà trệt thì phơi ngoài sân nắng. Chén rửa sao để miết vô thành chén phải kêu ken két, dù một con kiến bu vào thì cũng là do rửa chưa sạch. Tôi thích ngồi ngoài sân đầy nắng, nhìn những chiếc chén đất nằm úp ngoan ngoãn trong chiếc rổ tre, bên cạnh là những đôi đũa, tre hay gỗ cũng được nhưng phải là tự nhiên, gợi cho tôi nhớ về những ngày xưa, nhớ lúc hết hồn đứng hình không khóc nổi khi tô cá nóng sôi bể làm đôi chìm nghỉm vào thau nước...