Cách khác phục hội chứng Cushing

Các dấu hiệu của biểu hình Cushing bao gồm: Tăng cân nhanh: Đặc biệt thường mập nhiều ở vùng bụng, mặt tròn ra, sau gáy và cổ mập ra, trong khi đó đùi và cánh tay teo nhỏ lại. Những thay đổi ở da: Da mỏng hơn và đỏ ửng. Mặt có nhiều mụn hơn, bụng và đùi có nhiều vết rạn da

2. Nguyên nhân nào gây ra hội chứng Cushing?

- Nguyên nhân thường gặp nhất của hội chứng Cushing là quá lạm dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau nhức có nguồn gốc từ corticoid (ví dụ: Dexa, thuốc tàu, thuốc cao đơn hoàn tán, thuốc tể… thực tế đều có trộn chất kháng viêm mạnh có nguồn gốc từ corticoid.)

- Những nguyên nhân hiếm gặp hơn của hội chứng Cushing là do các khối u nội tiết, tiết ra quá nhiều chất có tác dụng tương tự glucocorticoid (ví dụ: U tuyến thượng thận, U tuyến Yên …)

3. Làm sao để nhận biết một người bị hội chứng Cushing là do lạm dụng chất corticoid?

- Một người có quá trình sử dụng corticoid hoặc các thuốc kháng viêm, giảm đau nhức có nguồn gốc từ corticoid (ví dụ: Dexa, thuốc tàu, thuốc cao đơn hoàn tán, thuốc tể…  ) kéo dài vài tháng, hoặc vài năm.

- Kèm theo cơ thể biến đổi theo kiểu hình Cushing

- Đo nồng độ Cortisol trong máu vào buổi sáng giảm hoặc ở trong giới hạn thấp của bình thường.

Trong trường hợp chưa rõ ràng, bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để định bệnh

4. Lạm dụng corticoid kéo dài ngoài việc gây ra những thay đổi hình dạng như trên, còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng nào khác không? Sử dụng corticoid tuỳ tiện và kéo dài sẽ dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân:

- Biểu hình Cushing

- Suy tuyến thượng thận.

- Mệt mỏi kéo dài.

- Tăng huyết áp

- Tăng đường huyết, có khi gây ra bệnh đái tháo đường.

- Viêm loét dạ dày, có khi gây ói ra máu hoặc đi cầu phân đen.

- Loãng xương ngày một nặng hơn.

- Yếu cơ.

- Thay đổi về trạng thái tâm lý (trầm cảm hoặc hưng cảm quá mức…)

- Trên trẻ em: làm trẻ chậm lớn.

5. Bệnh này phải điều trị và theo dõi như thế nào?

- Đây là một bệnh lý phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả bác sĩ và bệnh nhân.

- Bệnh nhân có hội chứng Cushing do lạm dụng thuốc corticoid thường đã có suy tuyến thượng thận kèm theo.

- Trong điều kiện bình thường bệnh nhân thường có biểu hiện suy tuyến thượng thận kín đáo, nên có khi chưa kịp điều trị cũng không sao, chỉ hơi mệt mệt, chán ăn.

- Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị stress (do nhiễm trùng hoặc cảm cúm…) sẽ dễ bị hạ huyết áp và hạ đường trong máu phải đưa vào cấp cứu.

- Do đó, bệnh rất cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi và điều trị để phục hồi lại chức năng của tuyến thượng thận.

6. Bệnh này có điều trị khỏi hẳn được hay không?

- Đa phần suy tuyến thượng thận do lạm dụng quá mức các thuốc kháng viêm, giảm đau dạng corticoid đều có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, thời gian để phục hồi lại chức năng của tuyến thượng thận rất khác nhau, từ vài tháng đến vài năm. Cá biệt, một số trường hợp chức năng tuyến thượng thận có thể không hồi phục được.

- Tuỳ vào thời gian người bệnh dùng các thuốc có chứa corticoid trước đó. Nếu dùng càng lâu thì thời gian để phục hồi chức năng tuyến thượng thân càng dài.

7. Làm sao để biết được chức năng tuyến thượng thận đã phục hồi?

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho thử máu kiểm tra và đánh giá dự trữ hormon của tuyến thượng thận theo những đợt tái khám định kỳ.

8. Phải làm sao để không mắc phải căn bệnh này?

- Không tự mua dùng các thuốc kháng viêm giảm đau không có toa, không rõ nguồn gốc (ví dụ: một số bệnh nhân thường hay ra tiệm thuốc Tây khai bệnh và tự mua thuốc giảm đau nhức xương khớp, hoặc thuốc trị cảm ho, sổ mũi, viêm xoang … về uống. Đa phần các loại thuốc kháng viêm, giảm đau mạnh có nguồn gốc từ corticoid. Do đó, nếu dùng một cách tuỳ tiện không theo sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ, rất dễ gây ra suy tuyến thượng thận và biểu hình Cushing.

- Ngoài ra, trong các loại thuốc gia truyền, thuốc Tàu, thuốc tể, các loại cao (cao hổ cốt …) dùng để trị các chứng bệnh đau nhức xương khớp, hoặc viêm mũi xoang, hen suyễn… vẫn thường trộn thêm Dexa để làm tăng công hiệu.

- Do đó, nếu có bệnh, bệnh nhân không tự ý mua dùng các loại thuốc nêu trên mà nên đi khám bệnh ở các cơ sở y tế có uy tín.

- Nên dùng thuốc theo toa của bác sĩ.

- Nếu muốn điều trị theo phương pháp y học cổ truyền, thì người bệnh nên đến khám tại các bệnh viện Y học cổ truyền. Lưu ý, không tin theo các thầy lang để dùng các thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần mà rước hoạ vào thân.

- Hiện nay, vẫn có rất nhiều căn bệnh mãn tính cần thiết phải sử dụng lâu dài các thuốc có nguồn gốc từ corticoid để điều trị, ví dụ như: hội chứng thận hư, bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống…), hen phế quản… Do đó, nếu đúng là bệnh này rồi, bệnh nhân nên kiên trì điều trị và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ chuyên khoa để được điều chỉnh liều lượng thuốc. Nên nhớ, không nên dùng đi dùng lại toa thuốc cũ mà không có ý kiến của bác sĩ.