Cách đọc bản đồ địa chính

Việc xem trích lục bản đồ địa chính là rất quan trọng trong lĩnh vực liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, khi nói về vấn đề, không phải ai cũng nắm rõ được cách xem bản đồ trích lục bản đồ địa chính . Chính vì vậy, bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn cách xem trích lục bản đồ địa chính đến các bạn. Mời các bạn đọc bài viết sau đây để hiểu thêm thông tin nhé.

Nội dung bài viết:

1.Bản đồ địa chính 

Cách đọc bản đồ địa chính

1.1.Bản đồ địa chính là gì?

Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. (Khoản 4 Điều 3 Luật đất đai 2013).

Bản đồ địa chính được lập ở các tỷ lệ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 và 1:10000; trên mặt phẳng chiếu hình, ở múi chiếu 3 độ, kinh tuyến trục theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 và hệ độ cao quốc gia hiện hành.

1.2.Nội dung bản đồ địa chính

 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định các nội dung chính thể hiện trên bản đồ địa chính bao gồm các nội dung sau đây:

  • Khung bản đồ;
  • Điểm khống chế tọa độ, độ cao Quốc gia các hạng, điểm địa chính, điểm khống chế ảnh ngoại nghiệp, điểm khống chế đo vẽ có chôn mốc ổn định;
  • Mốc địa giới hành chính, đường địa giới hành chính các cấp;
  • Mốc giới quy hoạch; chi giới hành lang bảo vệ an toàn giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống dẫn điện và các công trình công cộng khác có hành lang bảo vệ an toàn;
  • Ranh giới thửa đất, loại đất, số thứ tự thửa đất, diện tích thửa đất;
  • Nhà ở và công trình xây dựng khác: chi thể hiện trên bản đồ các công trình xây dựng chính phù hợp với mục đích sử dụng của thửa đất, trừ các công trình xây dựng tạm thời. Các công trình ngầm khi có yêu cầu thể hiện trên bản đồ địa chính phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật – dự toán công trình;
  • Các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất như đường giao thông, công trình thủy lợi, đê điều, sông, suối, kênh, rạch và các yếu tố chiếm đất khác theo tuyến;
  • Địa vật, công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và ý nghĩa định hướng cao;
  • Dáng đất hoặc điểm ghi chú độ cao (khi có yêu cầu thể hiện phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật – dự toán công trình);
  • Ghi chú thuyết minh.

2.Trích lục là gì?

Cách đọc bản đồ địa chính

2.1.Khái niệm

Hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể nào về trích lục được quy định trong các văn bản pháp luật. Nhà nước mới chỉ quy định duy nhất trích lục hộ tịch trong Luật hộ tịch 2014. Theo đó Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp để chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Như vậy, có thể hiểu căn bản rằng trích lục là bản sao giấy tờ, hồ sơ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có yêu cầu xin trích lục.

Có 2 loại trích lục:

  • Trích lục là bản sao cấp từ sổ gốc;
  • Trích lục là bản sao được chứng thưc từ bản chính.

2.2.Trích lục hồ sơ địa chính

Theo Phụ lục số 13 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT  – Mẫu trích lục hồ sơ địa chính thì nội dung trích lục bản đồ địa chính sẽ gồm các thông tin như:

  • Số thứ tự thửa đất; Tờ bản đồ số;…
  • Diện tích thửa đất;
  • Mục đích sử dụng đất;
  • Tên người sử dụng đất;
  • Các thay đổi của thửa đất so với giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất;
  • Bản vẽ thửa đất: sơ đồ thửa đất, chiều dài cạnh thửa.

3.Sổ đỏ và trích lục bản đồ địa chính

Đối với một mảnh đất chưa có sổ đỏ, trích lục bản đồ địa chính thửa đất đó là một trong những giấy tờ quan trọng trong hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì khi đăng ký lần đầu giấy chứng nhận và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất ở chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi thì văn phòng đăng ký đất đai sẽ trích đo địa chính thửa đất hoặc trích lục bản đồ địa chính.

Ngoài ra, việc cấp lại đăng kí đất đai cũng cần trích lục bản đồ. Theo khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì khi bị mất và yêu cầu cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trích đo địa chính thửa đất hoặc trích lục bản đồ địa chính đối với trường hợp chưa trích đo địa chính thửa đất và chưa có bản đồ địa chính.

Cách đọc bản đồ địa chính

4.Hướng dẫn cách xem trích lục của bản đồ địa chính 

Theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT quy định thì  tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC.

Tại Mẫu số 01/PYC, người yêu cầu đánh dấu X vào nội dung “Trích lục bản đồ”.

Sau đó, nộp phiếu yêu cầu tại Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã.

Khi nhận được phiếu yêu cầu, văn bản yêu cầu hợp lệ của tổ chức, cá nhân, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện việc cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác dữ liệu (trong đó có thông tin “trích lục bản đồ”) và thông báo nghĩa vụ tài chính cho tổ chức, cá nhân (nếu có).

Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

Sau khi có trích lục bản đồ thì người dân có thể xem bản đồ địa chính để nắm được các thông tin diện tích, số thứ tự thửa đất,…