Biện pháp phòng ngừa tham nhũng là gì năm 2024

(LSVN) – Thời gian vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã được các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về công tác đấu tranh PCTNTC ngày càng nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTNTC.

Biện pháp phòng ngừa tham nhũng là gì năm 2024

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, công tác quán triệt, tuyên truyền các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC cũng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và đi vào chiều sâu. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện thường xuyên và ngày càng hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra PCTNTC không ngừng được tăng cường, kịp thời phát hiện các sai phạm trong một số lĩnh vực như: Quản lý tài chính - kế toán, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai...

Qua đó, đã có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý, phòng ngừa sai phạm tại các đơn vị được thanh tra và có những kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, từ đó góp phần ngăn chặn có hiệu quả hành vi tham nhũng, tiêu cực. Việc xử lý vụ án tham nhũng, tiêu cực được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTNTC vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực,“tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được phát hiện và xử lý. Việc triển khai thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn vướng mắc, lúng túng như xác minh tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích; PCTNTC khu vực ngoài nhà nước,…

Nguyên nhân là do công tác PCTNTC luôn là lĩnh vực công tác khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tập trung sự chỉ đạo, điều hành cũng như sự nỗ lực thực hiện của cấp ủy, chính quyền và toàn thể công chức, viên chức và người lao động. Việc giám sát cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa chặt chẽ. Tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Đối tượng phạm tội đa số là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, quan hệ xã hội rộng, có điều kiện kinh tế để thực hiện hành vi phạm tội và che giấu tội phạm. Mặt khác, các vụ án tham nhũng thường xảy ra sau một thời gian khá lâu mới bị phát hiện nên đối tượng đã cất giấu, hợp lý hóa hoặc đã tiêu hủy tài liệu dẫn đến việc thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn. Hiện nay cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn nhiều sơ hở, bất cập, thiếu nhất quán dễ tạo điều kiện cho hành vi tham nhũng.

Để nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC trong thời gian tới, tác giả kiến nghị cần chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác PCTNTC.

Thứ hai, tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật và các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Trung ương đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác giám định, định giá tài sản.

Thứ ba, phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý; đặc biệt, tại các vị trí tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Đồng thời, chú trọng giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân có liên quan đến công tác PCTNTC. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức và việc tặng quà, nộp lại quà tặng; thường xuyên rà soát xung đột lợi ích trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, sai phạm về kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thiệt hại, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền với Mặt trận Tổ quốc trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giám sát thu thập thông tin phản ánh, tố cáo; phát hiện xử lý tham nhũng; nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng ở các ngành, các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế và chuẩn hóa danh mục thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã theo quy định. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường trao đổi văn bản điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Thứ năm, thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về lối sống, đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng giáo dục về bản lĩnh chính trị, kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức tự phê bình và phê bình; tự giác trong rèn luyện cần, kiệm, liêm, chính giữ gìn phẩm chất, xây dựng đoàn kết nội bộ; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thứ sáu, rà soát, khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, xã hội hóa các dịch vụ công, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, quy hoạch xây dựng... và các vấn đề cụ thể khác mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã kiến nghị, đề xuất. Tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Ngoài ra, thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, tăng cường đối thoại, lắng nghe và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng.

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính